Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte |
Trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) vừa đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines với Trung Quốc, trong đó bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với vùng biển này. Nói cách khác, theo phán quyết của PCA, Philippines đã thắng trong vụ kiện này.
Trong khi người dân Philippines còn chưa hết hoan hỉ với phán quyết của PCA thì tổng thống đương nhiệm của họ Rodrigo Duterte (vừa mới nhậm chức hồi tháng 6/2016) đã ngay lập tức có những tuyên bố lấy lòng Trung Quốc và xem Trung Quốc như là một đối tác lớn, một người bạn “đáng tin cậy”. Đặc biệt, chỉ gần 3 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Philippines Duterte đã có chuyến thăm “lịch sử” tới Trung Quốc theo lời mời của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (chuyến thăm diễn ra từ ngày 18 - 21/10/2016). Điều này không chỉ khiến dư luận thế giới mà ngay cả dư luận Philippines cũng hết sức bất ngờ. Câu hỏi lúc này được nhiều học giả, dư luận thế giới đặt ra là tại sao Tổng thống Philipines lại chuyển hướng sang Trung Quốc? Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte là gì?
Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines đã có chuyến công du tới Nhật Bản, một quốc gia châu Á khác. Trong bài phát biểu trước các doanh nhân Nhật Bản, ông Duterte nói: “Các bạn biết rằng tôi đã có chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước. Và tôi muốn bảo đảm với bạn là, tất cả chỉ vì mục tiêu kinh tế mà thôi. Chúng tôi không nói về vũ khí. Chúng tôi cũng tránh nói về vấn đề liên minh ...”. Ông Duterte cũng nói thêm: “Tôi muốn làm rõ để tất cả hiểu rằng, Philippines sẽ không chọn tranh cãi với bạn bè và hàng xóm của chúng tôi. Còn với tôi, đã đến lúc một vị Tổng thống cần phải dũng cảm đối diện với giá trị và lòng tự trọng của bản thân như một người bình thường”.
Phát biểu trên của Tổng thống Philippines đã phần nào lý giải được những thắc mắc của dư luận. Trung Quốc hiện là nguồn nhập khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Philippines, có vị trí hết sức quan trọng trong các mối quan hệ kinh tế và thương mại của Philippines. Nhưng trong thời kỳ Tổng thống tiền nhiệm Aquino nắm quyền, do các vấn đề như tranh cấp trên biển, Trung Quốc đã áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế nhất định dẫn tới giảm lượng nhập khẩu của Philippines, điều này rất bất lợi cho sự phát triển kinh tế của Philippines. Nhận thấy điều này, có vẻ ông Duterte đang cố gắng tìm cách tháo gỡ.
Một trong những điểm khác trong hợp tác kinh tế của Philippines là nhằm tìm kiếm đầu tư của Trung Quốc. Theo Reuters, Philippines có kế hoạch xây dựng khu công nghiệp, phát triển công nghiệp nhưng thiếu vốn, cần sự đầu tư và công nghệ của Trung Quốc. Chính bởi vậy, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, tháp tùng ông Duterte có hơn 400 lãnh đạo doanh nghiệp của Philippines, trong đó có không ít tài phiệt giàu có bậc nhất nước này. Hơn thế nữa, trong một cuộc phỏng vấn, ông Duterte cũng nhấn mạnh ông sẽ áp dụng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Trung Quốc, hy vọng sẽ có nhiều công ty Trung Quốc tham gia các dự án cơ sở hạ tầng của Philippines.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, một trong những mục đích khác của chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Duterte là tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc đối với cuộc chiến chống tội phạm ma túy tại Philippines. Điều khiến Tổng thống Duterte bị chỉ trích nhiều nhất trong thời gian qua, trong đó có cả nước đồng minh thân cận Mỹ chính là chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi do ông phát động. Vì vậy, trọng tâm thứ hai trong chuyến thăm này là hợp tác với Trung Quốc trong việc kiểm soát ma túy. Bên cạnh đó, là giải quyết những vấn đề liên quan tới tranh chấp trên biển sau khi Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.
Như vậy, có thể thấy, là một nước đồng minh thân cận lâu năm của Mỹ, dù tồn tại rất nhiều bất đồng với Trung Quốc, thế nhưng Tổng thống Philippines vẫn tìm cách xích quan hệ lại với Trung Quốc. Điều đó cho thấy, ông Duterte đang cố gắng dung hòa lợi ích với hai cường quốc này. Trung Quốc dù sao vẫn có một vị trí nhất định trong quá trình phát triển hiện nay đối với khu vực và thế giới.
Việt Nguyễn
No comments:
Post a Comment