Điều gì phía sau trào lưu “ồ ạt tự ứng cử”?
QĐND - Quyền tự do ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật và luôn được tôn trọng ở nước ta. Thế nhưng, điều đáng bàn ở đây là đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, kích động rằng "Những người tự ứng cử bị gây khó dễ, phân biệt đối xử!"
Họ còn cố tình gắn chuyện tự ứng cử với xuyên tạc cuộc bầu cử là thiếu dân chủ, do Đảng áp đặt và hô hào phong trào “ồ ạt tự ứng cử”, hình thành bộ khung ứng cử viên “của dân” đối lập với các ứng cử viên “của Đảng”…
Tôn trọng người tự ứng cử
Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta từ trước tới nay. Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều thứ 18: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quyền bầu cử và ứng cử tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp sau đó. Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII vào năm 2011, có tới 82 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành phố được lập danh sách ở vòng 2 và đã có 15 người lọt và danh sách bầu Đại biểu Quốc hội. Trước đó, tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII vào năm 2007, có 30 người tự ứng cử lọt vào vòng cuối cùng. Số người tự ứng cử được lọt vào vòng chính thức kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII cao hơn kỳ trước khá nhiều, trên 18% so với khoảng 12%. Còn tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV hiện nay, vẫn theo ông Nguyễn Văn Pha, tính đến ngày 5-3, cả nước đã có hơn 50 người tự ứng cử, có xu hướng tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước và con số này sẽ còn tăng trong những ngày tới.
Năm 2007, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số người nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhiều nhất cả nước (hơn 100 người). Còn năm 2011, địa phương này cũng có 22 người tự ứng cử. Không chỉ các thành phố lớn mới có nhiều người tự ứng cử mà tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, ở Nghệ An từng có tới 2 người tự ứng cử trúng cử. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Minh Hồng 2 lần tự ứng cử đại biểu Quốc hội đều trúng cử hai khóa liền.
Những con số trên phần nào cho thấy, những năm gần đây, số người thực hiện quyền ứng cử, tự ứng cử vào Quốc hội ngày một nhiều hơn. Thực tế này đã bác bỏ một số ý kiến trên các trang mạng xã hội và báo nước ngoài cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam chỉ là sân chơi “độc diễn” của Đảng, không có cửa cho các ứng cử viên tự do.
Có hay không sự phân biệt đối xử?
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội và đài, báo nước ngoài xuất hiện nhiều thông tin về việc những người tự ứng cử bị “gây khó dễ”, “phân biệt đối xử”. Thậm chí có người còn cho rằng “đang có một chiến dịch “tẩy chay”, “đấu tố” những người tự ứng cử”…
Sự thật vấn đề này như thế nào?
Trả lời báo chí chiều 5-3, ông Nguyễn Văn Pha khẳng định: “Tôi chưa thấy ai nói với tôi về sự phân biệt đối xử cả. Những người ứng cử đều như nhau, không có gì phân biệt. Nếu ai có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội thì không có lý do gì phân biệt hay phê phán cả. Theo quy định của pháp luật hiện nay, không có sự phân biệt nào đối với hai đối tượng người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử”.
Vậy thì những người bị cho là bị phân biệt đối xử, thực chất họ là ai?
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu một số trường hợp và nhận thấy: Có một vài trường hợp khi chuẩn bị hồ sơ, chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận vào hồ sơ nêu đúng thực tế họ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước như thế nào thì lại bị cho rằng “phân biệt đối xử”. Chẳng hạn, một người tự ứng cử khi đến UBND phường Lý Thái Tổ để đề nghị xác nhận sơ yếu lý lịch của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được cán bộ tiếp nhận hồ sơ và đưa lại giấy hẹn ngay ngày hôm sau. Phát hiện sơ yếu lý lịch khai có điểm chưa chính xác, lãnh đạo phường đã ghi bổ sung xác nhận người này “tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam; đã từng được thành viên của Đảng Việt Tân ở hải ngoại tiếp đón, tham gia phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ; dự hội thảo hướng tới nền báo chí độc lập tại Việt Nam; đã từng tụ tập đông người trái pháp luật 12 lần ở địa bàn công cộng quận Hoàn Kiếm, vi phạm Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ; là công dân không gương mẫu”. Theo chính quyền địa phương, những thông tin này đều có cơ sở thực tế và được cơ quan chức năng cung cấp. Vậy thì nhận xét trên là đúng quy định, không thể coi đó là gây khó dễ hay phân biệt đối xử.
Một trường hợp người tự ứng cử khác được UBND xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội xác nhận vào lý lịch rằng “trong thời gian sống tại xã, không tham gia sinh hoạt bất kỳ các tổ chức chính trị xã hội nào của xã”, “hai lần bị Công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, “có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Đây cũng là những nhận xét được chính quyền xã căn cứ vào thực tế, không thể coi là “gây khó dễ”. Bởi nếu thấy những nhận xét đó là trái với quy định của pháp luật về bầu cử, người tự ứng cử có quyền khiếu nại.
Bên cạnh đó, phải kể đến trường hợp một diễn viên từng có những phát ngôn, bài viết trên mạng xã hội “lệch chuẩn”, tục tĩu, phản cảm và ủng hộ các đối tượng lợi dụng vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, cây xanh để tụ tập gây rối, nên bị báo chí phê phán. Thế nhưng, người này lại trả lời đài, báo nước ngoài cho rằng bị “kỳ thị, phân biệt”, “vi phạm quyền ứng cử” mà không biết rõ việc thông tin phê phán của báo chí hoàn toàn khác với hành vi ngăn cản, cản trở quyền ứng cử của công dân.
Cho nên, ở đây, cần phân biệt rõ việc đáp ứng quyền ứng cử của công dân với việc nhận xét, đánh giá của cử tri và chính quyền địa phương. Giống như trước đây, việc ông Đỗ Việt Khoa là người tố giác các tiêu cực trong giáo dục được cơ quan bầu cử tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, sau này ông Khoa không được cử tri nơi công tác tín nhiệm giới thiệu lại là vấn đề khác theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử, không nên đổ lỗi do sự “can thiệp” hay “định hướng” nào đó.
Điều gì phía sau chiêu trò “tự ứng cử”?
Theo các cán bộ làm công tác bầu cử, đến hết ngày 13-3 mới trong giai đoạn những người tự ứng cử đăng ký và hoàn thiện, nộp hồ sơ. Tuy chưa đến bước sàng lọc hồ sơ nhưng theo dõi thông tin, không loại trừ một số trường hợp tự ứng cử không phải với mục tiêu trở thành đại biểu của nhân dân mà chỉ để “cho vui” hoặc vì những động cơ khác.
Trên nhiều trang mạng xã hội, hiện có không ít người tự ứng cử đã tung lên các bài viết dưới danh nghĩa “tự vận động ứng cử qua mạng”, “cương lĩnh tranh cử” để tuyên truyền nội dung trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chẳng hạn trường hợp một trí thức đã có nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức nước ngoài chống Đảng, Nhà nước không giấu giếm trong bài viết của mình về tự ứng cử rằng: “Đây là một trò chơi hoàn toàn hợp pháp… Họ càng tìm cách cản trở, quấy nhiễu hay bắt bớ chúng ta thì càng chứng minh không dân chủ và họ càng thua đậm”. Một blogger từng tham gia phiên điều trần tại Mỹ xuyên tạc tình hình Việt Nam thì kích động: “Có những cơ hội có thể có ích, còn việc dập tắt những tiếng nói khác sẽ gây hại nhiều hơn”. Như vậy, mục đích chính của họ là xuyên tạc chế độ dân chủ trong bầu cử để kêu gọi sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Một luật sư trẻ khác thì nhiều lần đăng đàn trả lời một trang mạng xã hội về việc tự ứng cử nhưng đều lắt léo đề cập vấn đề xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng bằng cách nếu trúng cử sẽ đệ trình một bản Hiến pháp mới gắn với một thể chế mới. Một người khác là nhà văn ứng cử với tuyên bố: “Vào Quốc hội để vận động xóa bỏ cái đuôi XHCN”. Một đại biểu Quốc hội ở TP Hồ Chí Minh từng đề xuất quy định phải “kiểm tra sức khỏe tâm thần đối với người tự ứng cử” không phải là không có cơ sở, vì đã từng có nhiều trường hợp người mắc bệnh tâm thần, hoang tưởng cũng ra ứng cử.
Chưa bàn đến tính hợp lệ của các bộ hồ sơ hay việc một số người tự ứng cử có vi phạm pháp luật hay không, thì những đối tượng tự ứng cử song lại công khai tuyên bố xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta trước hết đã không đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ, Điều 3 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định, người ứng cử đại biểu Quốc hội “phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội”, trong đó có điểm 1, điều 22 như sau: “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, tiêu chuẩn đầu tiên là đại biểu Quốc hội phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Mà trong Hiến pháp, có Điều 4 quy định rất rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nếu họ phủ nhận Điều 4 của Hiến pháp, không chấp nhận con đường XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là không trung thành với Hiến pháp rồi, làm sao các vị đủ tư cách là đại biểu Quốc hội? Đây là vấn đề các cơ quan bầu cử phải kiên quyết loại bỏ hồ sơ ngay từ khâu sàng lọc.
Có thể khẳng định, tuy không phải tất cả những người tự ứng cử đều có động cơ không trong sáng, song rõ ràng, âm mưu lợi dụng tự ứng cử để truyền bá quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước là có thật. Đây là vấn đề cần phải cảnh giác, nhận diện và đấu tranh kịp thời.
Từ thực tế nêu trên, mặc dù đã có hệ thống thiết chế pháp luật hoàn thiện hơn trong công tác bầu cử, nhưng theo nhiều chuyên gia lập pháp và đại biểu Quốc hội, vẫn rất cần có quy định chặt chẽ hơn đối với việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan bầu cử phải chủ động sàng lọc, kiên quyết loại bỏ những người có hành vi lợi dụng bầu cử để chống phá hoặc không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hồ sơ ứng cử, tránh “gây nhiễu” cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.
No comments:
Post a Comment