2016/03/26

Bài 1: Cẩm Nang Khởi Nghiệp

Hoàng Hữu Phước, Hoàng Hữu Phước, MIB

Việt Nam đang phải đương đầu với bốn vấn nạn triền miên gồm (a) nhiều người dân vẫn cho rằng Việt Nam có là cường quốc hay không thì đó là trách nhiệm và bổn phận của chỉ riêng chính phủ – mà ở Việt Nam quy tất cả đổ tất cả về cho “chế độ” và/hay Đảng Cộng Sản, nếu đạt được gì đấy thì dù Ngân Hàng Thế Giới có đánh giá cao vẫn trề môi chê “chả thấm vào đâu”,
 
CNKH1
còn nếu chưa đạt gì đấy thì nói tại “độc tài Đảng trị”; (b) giới trẻ tức công dân hiện tại và là nguồn lực tương lai của đất nước vẫn luôn tự cho minh cái quyền đứng trên cương vị, tư thế, tư cách, và phong cách người ngoài cuộc khi đánh giá cao và thần phục các phát triển vượt bậc về kinh tế của nước ngoài; (c) các sự thật lịch sử thế giới hiển nhiên ngồn ngộn đầy ắp thông tin vẫn không được màng đến – hoặc vô tâm hoặc cố ý – bởi các đối tượng nêu trong mục a và b ở trên; và (d) gần như giới trẻ luôn cho rằng “khởi nghiệp” chính là “mở doanh nghiệp và làm chủ doanh nghiệp”.
Với kinh nghiệm của người đã luôn làm sáng tỏ bản chất sự việc của nào là “đa đảng”, “dân chủ”, “tự do”, “tuyệt thực”, “tội ác Cộng quân trong biến cố Tết Mậu Thân”, hay “nhân quyền”, hoặc “biểu tình”, v.v., khiến không gian mạng trong và ngoài nước đã giảm hẳn các giật tít câu view vớ vẩn chỉ nhằm công kích nền dân chủ và thể chế chính trị của Việt Nam, tác giả bài viết này hôm nay làm sáng tỏ các nội hàm liên quan đến khởi nghiệp và cường quốc như một “cẩm nang kiến quốc” dành cho công dân, theo các mục lục sau:
 
CNKQ2
mà bài viết sau là bài số 1 :
Cẩm Nang Khởi Nghiệp
1- Khởi Nghiệp Lành Mạnh Nguyên Thủy
Từ ngàn xưa trên thế giới cho đến trước khi từ ngữ ‘‘start up” du nhập vào Việt Nam ở dạng distorted tức méo mó thì khởi nghiệp đã luôn là hơi thở lành mạnh của con người dù là người Việt hay người của phần còn lại của thế giới. “Hơi Thở” vì khởi nghiệp là việc hết sức bình thường, hết sức tự nhiên; còn “lành mạnh” vì chỉ có người chẳng may vì khuyết tật nặng, hoặc do hoàn cảnh chiến tranh, hoặc vì bị tù đày, mới khó thể “khởi nghiệp”, trong khi kẻ chây lười sống bám ký sinh trùng mới không thèm “khởi nghiệp”.
Khởi nghiệp dựa vào ước mơ, năng khiếu, năng lực, thời cơ. Khởi nghiệp là bắt đầu môt sự nghiệp. Chính vì vậy mà có người theo đuổi sự nghiệp một nhà giáo, một nhà văn, một nhà thơ, một người theo binh nghiệp để làm một quân nhân, một nhà chăn nuôi, một nhà trồng trọt, v.v., thậm chí một nhà tu hành cũng theo một khởi nghiệp cho một duyên nghiệp cứu độ chúng sinh. Từ ý thức khởi nghiệp này, xã hội trở nên lành mạnh vì không gì tuyệt diệu bằng đa số con người được sống và làm việc theo đam mê riêng, ước mơ riêng, năng khiếu riêng, năng lực riêng, và hòan cảnh thời cơ riêng của mình, khiến xã hội phát triển đa ngành nghề để dù là người chiến sĩ, nhà giáo, hay nhà văn – hoặc thậm chí như người kiểm tra bảo trì đường ray xe lửa mà phóng sự truyền hình VTV mới đây cho biết đã chọn nghề vì ước mơ từ nhỏ lúc chăn trâu đã thán phục nhìn những con tàu dũng mãnh vững chắc băng ngang đồng ruộng quá uy nghi – thì ai cũng an vui với chức nghiệp của mình. Một nữ danh ca lừng danh của Mỹ đã làm vợ một anh da đen khi thấy anh chàng này đu bám sau xe rác vừa nhảy xuống lấy rác quẳng lên sau xe vừa ca hát nhảy múa yêu đời. Cả hai đều thấy “sự nghiệp” của bản thân họ là cao quý. Lòng tự trọng là thứ vật phẩm cao quý nhất cộng với nếp sống tích cực, yêu đời, yêu quý công việc mình cho là đáng làm để phục vụ công ích, nên dù là cha của siêu sao bóng đá bầu dục nhà nghề Mỹ NFL Richard Sherman của đội Seattle Seahawks, ông Kevin Sherman vẫn hàng ngày thức dậy lúc 3 giờ 45 sáng lái xe đi lấy rác trên đường phố Los Angeles và thậm chí làm cả ngày cuối tuần để kiếm thêm ít tiền ngoài giờ dù con trai ông xin ông hãy cho con ông báo hiếu đón ông về an hưởng cuộc sống xa xỉ xa hoa. Hay như những nhà tu hành theo phân công của giáo hội đã ra hành đạo tại các đảo xa của tổ quốc Việt Nam luôn phải đối mặt với thiếu thốn vật chất cùng hiểm nguy của thiên nhiên và hiểm họa của chiến tranh. Tất cả mọi sự tốt đẹp này đều đến từ lòng tốt hướng thiện ngay từ ngày đầu nghĩ đến khởi nghiệp.
2- Khởi Nghiệp Tâm Bệnh Phong Trào
Với tâm bệnh “sĩ” của nhiều người Việt, khi chương trình MBA tức Master of Business Administration thâm nhập vào các trường đại học Việt Nam, người ta chọn đặt một cái tên cho thật kêu thành “chương trình Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh” và các trường thi nhau mở các khoa “cử nhân quản trị kinh doanh” chứ dứt khoát không chấp nhận danh xưng đúng hơn là “quản trị công việc”, khiến hầu như sinh viên nào cũng mơ mơ màng màng đến việc học xong sẽ làm quản lý doanh nghiệp, làm “sếp” doanh nghiệp, cứ như thể thiên hạ có tiền thì hãy mở công ty để ta đây đến làm giám đốc vậy, mà không biết rằng đó chỉ là ngành học về quản lý công việc trong thời đại mới cho một cuộc mưu sinh ngập đầy tính cạnh tranh khốc liệt, nghĩa là những gì liên quan đến cuộc sống của lương-tiền-cơm-áo nhất thiết phải được biết đến. Một nhân viên hay một giáo viên hoặc một người quản lý một “cây xăng” đều cần phải qua “business administration” để biết qua về hoạt động ngân hàng, về tiếp thị, về nhân sự, về chứng khoán, về kế toán, về thuế má, luật pháp kinh doanh, v.v., đơn giản vì ở xã hội Âu Mỹ ai mà không mua chứng khoán, không sợ nhất là các sai sót về thuế thu nhập cá nhân, không tự lo cho quyền lợi phúc lợi của mình như một người lao động, và không quan tâm đến luật pháp kinh doanh để hiểu biết rõ nhất về nơi mình làm việc để còn tự bảo vệ mình, v.v. và v.v. Tất nhiên, với sự hiểu biết như vậy, người bán xăng ở một “cây xăng” được thuê để một mình vừa bán xăng vừa phụ trách cửa hàng tiện ích bán hàng hóa cho khách mua xăng, nghĩa là phải biết về công việc tồn kho, thu ngân, kết toán, v.v. và v.v. mà chương trình “quản trị công việc” cung cấp đủ đầy các kiến thức chung ấy. Cũng tất nhiên, với sự hiểu biết ấy, người ta nếu muốn vẫn có thể tự mình lo toan cho một cơ sở kinh doanh riêng mà “trẻ em” Việt Nam sính dùng từ “doanh nghiệp” cho thêm phần hiển hách vì lẽ nào học 4 năm cử nhân đại học để ra đứng bán xăng!
Tương tự, đến khi thuật ngữ “start up” du nhập Việt Nam thì ai cũng gọi đó là “khởi nghiệp” vì cùng chứng bịnh “sĩ”, nhưng với ý nghĩa mới hoàn toàn chật chội: khởi đầu một doanh nghiệp! Thế là từ sự “khởi đầu một sự nghiệp” đa dạng và phong phú, thực tế, nhân văn, “start up” đã bị Việt Hóa co cụm lại thành “khởi đầu một doanh nghiệp”, khiến thay vì khởi nghiệp lẽ ra là điều dẫn dắt đúng đắn luôn có nơi chốn học đường dành cho lớp người tương lai của đất nước lại méo mó thành việc khẳng định mặc định rằng ai đi học xong mà không mở công ty thì chẳng thể gọi là có khởi nghiệp. Như tôi đã bao lần kêu gọi trong vô vọng là bạn trẻ hỡi hãy học tiếng Anh cho thực sự ra hồn đi, người ta lẽ ra nên dùng từ chính xác là “business startup” (hoặc business start up, hay entrepreneur startup) nếu muốn nói về việc bắt đầu một doanh nghiệp tức “start your own business” chứ đừng nói tắt là “khởi nghiệp” vì sai bét.
Startup company, startup business, startup hay start-uphoặc startup entrepreneurship đều có nghĩa là một cơ sở kinh doanh mới thành lập dưới dạng một công ty, một mô hình đối tác tạm thời. Nhưng khởi nghiệp trong tiếng Việt hoàn toàn không phải startup company, startup business, startup hay start-up của tiếng Anh, vì khởi nghiệp là từ dùng chung cho tất các trường hợp nghề nghiệp khác nhau chứ không cứ chỉ có mở doanh nghiệp!
Những kẻ không biết gì về ngôn ngữ Việt và tiếng Anh đã góp phần không những hủy phá ý nghĩa cao vời của khởi nghiệp mà còn làm lệch lạc định hướng nghề nghiệp lành mạnh của giới trẻ Việt Nam.
3- Quốc Gia Khởi Nghiệp
Một bằng chứng khác cho thấy sự sử dụng sai từ “start up” ở Việt Nam: tác phẩm Start-up Nation: The Story of Israel’s Economic Miracle của Dan Senorr và Saul Singer viết năm 2009 về sự phát triển kinh tế thần kỳ của Israel sau 60 năm lập quốc. Tác phẩm được tạp chí New York Times và Wall Street Journal xếp hạng thứ 5 những quyển bán chạy nhất thế giới năm 2010 này nói về “quốc gia khởi nghiệp” (start-up nation), từ đó có thể liên tưởng đến mẫu câu “doanh nghiệp khởi nghiệp” (start-up business) trong tiếng Việt chứ không chỉ ngắn gọn là “khởi nghiệp”.
4- Việt Nam Khởi Nghiệp
Từ các nội dung trên, tiến trình Việt Nam Khởi Nghiệp tứcStart-up Vietnam theo ý nghĩa và công thức tạo từ củaStart-up Nation để hy vọng có sự phát triển kinh tế thần kỳ như Israel, nhất thiết đòi hỏi
a) Các trường đại học Việt Nam cùng sinh viên phải hiểu rõ và đúng về cá nhân khởi nghiệp, về doanh nghiệp khởi nghiệp, và về Quốc gia khởi nghiệp, theo đó cá nhân khởi nghiệp là việc bắt đầu một sự nghiệp mà hoài bảo, ước mơ, năng lực, năng khiếu, v.v., đã trở thành kim chỉ nam hay một thứ xung lực và động lực mà trên hết là từ nền tảng của lòng cao thượng tổng hợp của vị tha, vì nước, vì dân, vì nét đẹp của nghề nghiệp, mà mọi người trên thế gian này từ ngàn xưa đã đều biết đến; doanh nghiệp khởi nghiệp là những gì cần và đủ nên có để một cơ sở kinh doanh nên được thành lập để người chủ có thể tồn tại, phát triển, đối phó xử lý khi phải phá sản; còn quốc gia khởi nghiệp là khi một quốc gia bắt đầu tiến trình kiến quốc sau thời gian lập quốc, sau thời gian thống nhất đất nước, hay sau thời gian khó khăn dẫm chân tại chỗ đã đề ra được phương hướng và kế hoạch dài hơi để phát triển đất nước.
b) Chính phủ phải có cơ chế quy định không cho phép sự tự do sử dụng từ ngữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước khi các từ ngữ được thẩm định bởi cơ quan chức năng. Việc Việt Nam hoàn toàn không có khái niệm và phân định cụ thể giữa “formal” và “informal” (tức giữa “trang trọng” và “bình dân”) như trong tất cả các ngoại ngữ Âu Mỹ chính của thế giới là cái sai của các nhà ngôn ngữ hoc Việt Nam mà tôi đã luôn lập đi lập lại trên các blog, cũng như không lưu ý đến các rạch ròi mang tính luật pháp như trong tất cả các ngoại ngữ Âu Mỹ chính của thế giới đẫn đến các nguy cơ nhãn tiền như:
– học sinh và sinh viên khó thể bảo đảm viết lách tiếng Việt đúng đắn về ngôn phong
– học sinh và sinh viên bị tác động lệch tâm của sự sử dụng từ “khởi nghiệp” tự tung tự tác trong xã hội khiến các nỗ lực hướng nghiệp bị thất bại khi “sự nghiệp” không còn quan trọng mà chỉ có “mở doanh nghiệp” mới là điều duy nhất
– cơ quan như công an chẳng hạn mới đây đã bị cho là vi phạm pháp luật do dùng từ “trưng dụng” trong trưng dụng phương tiện đi lại hoặc truyền tin để phục vụ công tác, đơn giản chỉ vì đã không liên hệ đến tiếng Anh[*] để nhận ra một điều rằng nhất thiết phải tạo từ mới vì yêu cầu phức tạp của luật pháp.
c) Việt Nam cần hiểu ró rằng không thể có Việt Nam khởi nghiệp nếu nguồn nhân lực khởi nghiệp Việt Nam không hiểu biết gì đến các nội dung trên, khiến môi trường nghề nghiệp hỗn loạn, thiếu hụt, bát nháo, đẩy xa hơn ngoài tầm với tiến trình khởi nghiệp Việt Nam để khó kỳ vọng có được một Việt Nam khởi nghiệp sau 50 năm nữa.
Kỳ sau: Bài 2 Cẩm Nang Kiến Quốc Việt Nam: Hão Huyền Singapore
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
Ghi chú: [1] Trong khi tiếng Anh có nhiều từ ngữ khác nhau để sử dụng như các động từ to confiscate, to requisition, to appropriate, to commandeer, to expropriate, to sequester, to sequestrate, v.v. tùy vào các đặc điểm của các hành động khác nhau trong hoàn cảnh khác nhau như sung công, sung dụng, tịch thu, trưng dụng, trưng thu, v.v. (chẳng hạn động từ commandeerđược dùng trong trường hợp cảnh sát Mỹ chặn lấy xe của công dân để rượt bắt đối tượng phạm pháp), thì ở Việt Nam chỉ dùng mỗi một chữ “trưng dụng” nên nếu nội hàm “trưng dụng” đã lỡ được dùng trong một đạo luật cụ thể trước đó thì đương nhiên việc sử dụng từ “trưng dụng” trong thông tư của Bộ Công An khiến Bộ này “vi phạm pháp luật”. Điểm này sẽ được bàn kỹ hơn trong một bài viết khác sau.
Tham khảo:
1- Về “Đa đảng”:
18-5-2013. Việt Nam Cộng Hòa Có Đa Đảng Không? Mỹ Có “Đa Đảng” Không?https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/05/18/viet-nam-cong-hoa-co-da-dang-khong-my-co-da-dang-khong/
18-5-2014: Tôi Trả Lời Phỏng Vấn Của Đài Châu Á Tự Do Về Cù Huy Hà Vũ Và Vấn Đề “Đa Đảng”.https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/05/18/toi-tra-loi-phong-van-cua-dai-chau-a-tu-do-ve-cu-huy-ha-vu-va-van-de-da-dang-ngay-20-4-2011/
2- Về “Dân chủ, Tự do”:
3- Về “Tuyệt thực”:
4- Về “Tội ác Cộng quân trong biến cố Tết Mậu Thân”:
5- Về “Nhân quyền”:
6- Về “Biểu tình”:
14-4-2015: Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về Vấn Đề Pháp Luật Của “Luật Biểu Tình”.https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/04/14/nghi%CC%A3-si%CC%83-hoang-hu%CC%83u-phuoc-noi-ve-lua%CC%A3t-bie%CC%89u-tinh-2/
7- Về “Nhân tài” Việt Nam:
07-3-2014: Về Cái Sự Trăn Trở Của Sinh Viên Ngô Di Lân.https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/03/07/ve-cai-su-tran-tro-cua-sinh-vien-ngo-di-lan/

No comments: