2016/03/26

Tạ Chí Đại Trường Và “Kiêu Dân” Công Giáo

Sưu tầm của Kevin Trần
 24-Mar-2016
Sử gia Tạ Chí Đại Trường, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, vừa qua đời ngày 24 tháng 3 năm 2016 tại nhà riêng của người anh ở Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 81 tuổi.
Theo Wikipedia, ông sinh năm 1935 (hay 1938?) tại Bình Định. Năm 1964, ông tốt nghiệp cao học Sử tại Đại Học Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ năm 1964, cấp bực cuối cùng là Đại úy.
Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo sáu năm đến năm 1981. Từ tháng 8/1994, ông đi định cư tại Hoa Kỳ. Sau khi nhắm không qua khỏi căn bệnh nan y, ông đã từ Mỹ về lại Việt Nam ở với người anh vào ngày 4 tháng 10 năm 2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.
Đại úy Tạ Chí Đại Trường (1974, ảnh indomemoires.hypotheses.org). Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, từ Hà Nội, nói: “... Với tôi, ông ấy là người luôn ngẩng cao đầu, không chịu nghe mệnh lệnh của ai ngoài trái tim và con mắt nhìn sự thật”. (Theo bbc.com/Vietnamese)
Ngay trong thời gian học Cao Học (1964), Tạ Chí Đại Trường cho ra đời một cuốn tiểu luận với chủ đề là lịch sử Việt Nam trong giai đoạn nhiều biến động từ 1771 đến 1802, trong đó ông ghi lại và tổng hợp những sự kiện xoay quanh cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tác phẩm này đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Sử năm 1970 và được nhà xuất bản Văn Sử Địa in thành sách năm 1973 với tựa đề “Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802”.
Trong số rất nhiều sách sử, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 chiếm một địa vị thật riêng. Ngay từ khi xuất bản lần đầu năm 1973, tác phẩm đã được học giới nhìn nhận như một công trình chung quyết về lịch sử phân ly và nhất thống đất nước. Nhà chuyên môn tìm thấy ở sách một tinh thần học thuật không vì nể, người đọc phổ thông tìm thấy trong sách những câu chuyện xảy ra nhiều thế kỷ trước mà ảnh hưởng còn mãi đến ngày nay. (Theo nhanam.vn)
Dưới đây là danh sách các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường đã được xuất bản tại Hoa Kỳ:

Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000)
Những bài văn sử (1999)
Những bài dã sử Việt (1996)
Việt Nam nhìn từ bên trong (cùng Nguyễn Xuân Nghĩa, 1994)
Một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài (1993)
Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802) (1991, in lại từ bản gốc năm 1973)

Hoài Thanh trong bài viết “Tạ Chí Đại Trường: Người viết sử Việt từ đất Mỹ” cho biết “… Theo Tạ Chí Đại Trường, sở dĩ tác phẩm của ông được đánh giá là có giọng điệu riêng và cách lập luận độc đáo vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào, vì vậy đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch sử Việt Nam, hơn nữa tuy rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu nhưng ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải có độc giả.” (Thể Thao & Văn Hóa, số ra ngày 24-8-2009 http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ta-chi-dai-truong-nguoi-viet-su-viet-tu-dat-my-n20090821125717570.htm )
* * *
Ngoài hoạt động nghiên cứu trong lãnh vực lịch sử, Tạ Chí Đại Trường còn biết đến qua nhiều sự kiện khác:
● 1. Ông là con trai của cụ Tạ Chương Phùng, một vị Cử Nhân Hán học và cựu Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định. Cụ Cử Phùng từng là người ủng hộ ông Ngô Đình Diệm thời ông Diệm còn thân Nhật và đang vận động lá bài Cường Để. Nhưng sau khi ông Diệm đã nắm được chính quyền vài năm, trước tình hình an ninh suy sụp và tình trạng độc tài bè phái của chính quyền, ngày 26-4-1960, cũng chính cụ Tạ Chương Phùng đã cùng với 17 vị nhân sĩ và lãnh tụ đảng phái thuộc nhóm Tự Do Tiến Bộ ký một Tuyên Ngôn yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm “mau mau đổi sửa, hầu cứu vãn tình thế và đem dân tộc ra khỏi vòng nguy hiểm”. Để bảo đảm an ninh, nhóm nầy họp báo để phổ biến Tuyên Ngôn tại địa điểm có nhiều báo chí quốc tế là khách sạn Caravelle (Sài Gòn), nên bị ông Ngô Đình Nhu mỉa mai gọi là “Nhóm Caravelle”.
Trang đầu và  trang cuối (gồm tổng Cộng 5 trang) của “Tuyên Ngôn Caravelle”[ảnh chụp nguyên bản của ông Trần Văn Tòng, con của ông Trần Văn Văn (1908-1966), người khởi xướng bản Tuyên Ngôn. Trong vụ đảo chính 11-11-1960 của binh chủng Nhảy Dù, ông Văn bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam 5 tháng.]
● 2. Ông là em họ của ông Tạ Chí Diệp, người đã bị ông Ngô Đình Nhu ra lệnh thủ tiêu và thả xác xuống sông Nhà Bè năm 1963. Ông Diệp vốn là một người hoạt động chính trị ủng hộ giải pháp Ngô Đình Diệm trong những năm 1950’s, nhưng khi anh em nhà Ngô đã ổn định được quyền lực và bắt đầu đàn áp đối lập để toàn trị miền Nam thì ông Diệp chống lại và bị thủ tiêu. Gia đình ông, theo một bài phóng sự được đăng trên Người Việt Online, chỉ “tìm được chiếc xe gắn máy cũ kỹ của ông nằm chơ vơ cạnh một khu sình lầy ở phía Nam Sài Gòn. Đó là di tích cuối cùng của Tạ Chí Diệp theo lời của cựu Đại sứ Bùi Diễm.”
Tuy nhiên, vụ ám sát chính trị nầy của chế độ Ngô Đình Diệm đã được ký giả Trần Đông Phong mở lại hồ sơ qua một bài viết điều tra rất công phu dài 25,000 chữ được đăng trên Webpage “Diễn Đàn Thế Kỷ” (www.diendantheky.net). Bài viết đã xử dụng “nhiều tài liệu và nhân chứng quý giá từ nhiều nguồn khác nhau (Bùi Diễm, Cao Xuân Dục, Nguyệt Đạm, Trần Văn Hương, Cao văn Luận, Đỗ Mậu, Thần Phong, Vĩnh Phúc, Đào Văn Thái, Nguyễn Trân, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Lý Tưởng, Lê Trọng Văn, …), để đi tìm nguyên nhân sâu xa của một cái chết oan khiên tức tưởi. Một cái chết sau 5 năm bị giam cầm không xét xử, rồi sau đó bị dao đâm nhiều lát và xác bị thả trôi sông Nhà Bè vào một đêm của năm 1963 đó, bây giờ, khi “nước mất vào tay Cộng sản” (tiên đoán của Nhất Linh), đã trở thành một bản án lịch sử về tội ác và sự sụp đổ tất yếu của chế độ Ngô Đình Diệm.”
● 3. Ông là người mà chỉ với một nhận định về “Công giáo di cư” vỏn vẹn có 12 chữ đã tạo ra một cuộc thảo luận thú vị và sôi nổi trên trang WebTalawas. Nguyên trong cuốn Sử Việt, Đọc Vài Quyển, được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2004, Tạ Chí Đại Trường có nhận định rằng khối người làm nòng cốt cho chế độ Ngô Đình Diệm là một khối “kiêu dân”. Nguyên văn nhận định 12-chữ đó như sau: “… với Công giáo di cư ít nhiều gì cũng là kiêu dân…”.
Hai chữ “kiêu dân” được xác định vừa như một bản chất văn hóa vừa như một đặc quyền chính trị của tập thể Công giáo di cư dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đã được độc giả Trần Lâm nhắc đến như một đánh giá “khả tín” của Tạ Chí Đại Trường trong một comment nhân Talawas đăng bài “Phỏng vấn nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường trên báo Thể Thao - Văn Hóa”. Thế là ba phe bốn phía nhào vào thảo luận … (xin xem comment của Trần Lâm từ cuối bài trong ngày 26-8-2009 rồi đọc ngược lên các comments khác tạihttp://www.talawas.org/?p=9404 ) 
Kevin Trần sưu tầm
3/2016

No comments: