2016/10/02

TIẾNG TRUNG QUỐC VÀ TIẾNG NGA LÀ MỘT NGOẠI NGỮ CÓ THỂ LỰA CHỌN

[Cỏ úa]

Mấy ngày qua, cộng đồng xã hội đang xôn xao xung quanh việc áp dụng dạy tiếng Trung quốc và tiếng Nga như ngoại ngữ thứ nhất trong chương trình phổ thông. Nhiều ý kiến đã cho rằng chương trình giáo dục của Việt Nam đã nặng rồi sao còn áp dụng thêm cái khoản này nữa làm sao học sinh khó có thể tải nổi. Hay dạy tiếng Trung Quốc không khác nào đã tạo điều kiện cho ta bị đồng hóa văn hóa, vv... 

Để thành công học sinh cần ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc,...) trong tay
Như vậy, lâu nay chúng ta biết rằng, chương trình giáo dục của Việt nam khá nặng đối với sức học của học sinh THPT. Nhưng cái nặng ở đây chúng ta cần hiểu và nhận dạng về bản chất đó là nặng về lý thuyết mà ít thực hành. Phương pháp giảng dạy ở nhiều nơi còn chăm chăm vào rao giảng lý thuyết giáo điều quá mà ít đưa ra những chỉ dẫn thực hành. Dẫn tới hệ lụy là khi học sinh, sinh viên bước ra cuộc sống thực ngoài đời, ra trường với những gì đã được học đứng trước cuộc sống muôn màu thì thường không biết xử lý thế nào. Chứ không phải nặng vì phải học quá nhiều môn.

Mấy ngày qua, trong xã hội đang "nhao nhao" lên vì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng việc dạy ngoại ngữ tiếng Trung Quốc và tiếng Nga vào chương trình giảng dạy phổ thông cho học sinh. Có rất nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình vì cho rằng: điều đó là sáo rỗng; thêm gánh nặng cho học sinh; không thực tế; tại sao lại là tiếng Trung Quốc mà không phải là ngôn ngữ khác, vv...

Ngoại ngữ là chìa khóa quan trọng của thành công
Vậy thì, đứng trước vấn đề này tôi xin góp ý kiến bàn luận nho nhỏ của mình vào để lý giải như sau, mọi người có thể vào tham khảo và đưa ra quan điểm của mình với ý kiến của tôi.

Thứ nhất, nếu nhiều người cho rằng việc áp dụng dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga vào dạy học tại Việt Nam là sáo rỗng, là không thực tế thì những người đó hoàn toàn chưa hiểu hết và chưa hiểu cặn kẽ, bao quát vấn đề. Bởi lẽ, Việt Nam đang trong xu hướng toàn cầu hóa mà tất cả chúng ta là những người chơi trong đó. Đã là người chơi thì cần phải có hiểu biết về luật chơi, về những vấn đề xung quanh sân chơi quốc tế. Với mục tiêu hiểu càng nhiều càng tốt, nhưng thực trạng là thời gian qua, rào cản lớn nhất của chúng ta đó là vấn đề ngoại ngữ. Xin thưa đó là ngoại ngữ chứ không phải chỉ là tiếng Anh. Như chúng ta đã biết, tham gia cuộc chơi, tham gia một sân khấu lớn chúng ta cần phải học hỏi không ngừng, học hỏi thật nhiều. Chủ trương của Việt Nam là đi tắt đón đầu nên việc học hỏi từ các nước có thành tựu vượt trội càng là điều quan trọng, hợp lý và ngày càng cần thiết. Để học hỏi nhanh và hiệu quả nhất thì chúng ta phải học từ các nước đang có sự phát triển đứng hàng đầu Thế giới. Đó cụ thể điển hình như Mỹ và các nước Châu Âu (tiếng Anh), Trung Quốc (tiếng Trung Quốc), Nga (tiếng Nga), Nhật Bản (tiếng Nhật),... Vậy thì để học hỏi đương nhiên chúng ta cần ngoại ngữ, do vậy việc cần có ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga) là điều cần thiết. Tiếng Anh thì cơ bản chúng ta đã phổ cập thành công, Trung Quốc đang là cường quốc thứ 2 thế giới, số dân đông nhất (chiếm 1/6 thế giới), Nga là cường quốc quân sự, chính trị, ngoại giao. Học hỏi từ những nước này là điều mà ai cũng phải thừa nhận. Tôi hoàn toàn nhất trí và tôi nghĩ các bạn cũng đồng tình với tôi, cũng như thừa nhận với một ý kiến rất xác đáng rằng: Người Việt Nam cần biết ít nhất một ngoại ngữ, nó không nhất thiết phải là tiếng Anh, mà có thể là bất cứ ngoại ngữ nào, biết để hòa nhập cho tốt và học được nhiều hơn từ các nước tiên tiến, các nước đi đầu của sự phát triển, của những thành tựu vượt trội. Do đó, việc áp dụng dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga là điều hợp lý.

Thứ hai, nhiều ý kiến phản đối việc học tiếng Trung Quốc một phần là do vấn đề quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông thời gian qua. Cũng một phần nữa vì lý do sợ bị đồng hóa về văn hóa. Từ đó, vì "ghét" nên nhiều người khi nghe đến từ Trung Quốc thường tỏ ra không mấy thiện cảm. Nên khi áp dụng dạy tiếng Trung quốc nhiều người thường dãy nảy lên là vì thế, điều đó lại là hoàn toàn sai, là sự giải quyết vấn đề dựa trên cảm tính mà lý trí không điều khiển nổi. Các cụ thường có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, như vậy thì ghét mà không tìm hiểu đối phương thì sao biết mà đòi thắng họ. Đó là chưa kể xét về mặt kinh tế và dân số Trung Quốc đang vượt trội hơn hẳn so với Việt Nam, tầm ảnh hưởng của họ là rất rộng trên trường quốc tế. Đó là điều hiện nay chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, không những thế Trung Quốc còn đang đứng top đầu Thế giới. Vậy thì vấn đề đặt ra là ta phải biết tiếng Trung Quốc khi đó ta sẽ tận dụng được những thành tựu mà Trung Quốc có để có thể áp dụng vào Việt Nam  từ đó đưa chúng ta phát triển đi lên vượt bậc hơn, nhanh chóng hơn. Cũng đồng thời thông qua đó, chúng ta biết được những mưu toan của họ để mà phòng tránh kịp thời. Đó chẳng phải là mặt đối tác, đối tượng đan xen mà bấy lâu nay chúng ta thường nói tới đó sao. Không thể vì cảm tính cổ hủ mà đánh mất đi lý trí dân tộc được.

Thứ ba, nếu nói là áp dụng ngoại ngữ (tiếng Trung quốc, tiếng Nga) là thêm gánh nặng cho học sinh thì lại là cái nhìn phiến diện, bởi lẽ: cái gánh nặng chúng ta đang nói tới, đang nhắc tới ở đây là gánh nặng về lý thuyết quá nhiều trong khi thực tiễn thì quá ít trong cách giảng dạy thực tế hiện nay. Chứ không phải là do có quá nhiều môn học. Do đó cái chúng ta cần quan tâm và làm ngay là làm sao kéo thực tiễn gần hơn trong bài giảng của thầy cô. Ngược lại, việc học tiếng Trung Quốc và tiếng Nga lại góp phần không nhỏ vào việc giúp học sinh, sinh viên có thêm kĩ năng sống, ngoại ngữ để có thể có nhiều lựa chọn, hướng đi cho công việc sau này. Thử nghĩ xem ai cũng học tiếng Anh, ai cũng xin việc vào chỗ cần tiếng Anh mà số lượng người được nhận có hạn, trong khi chỗ làm việc cần tiếng Trung và tiếng Nga còn thiếu thì lại không có ai như vậy có phải là mất cân bằng, thiếu hợp lý không? Do đó, thấy rằng tiếng Trung Quốc và tiếng Nga lại là cần thiết và là một sự chọn lựa hay. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngoại ngữ đang được xem là chìa khóa của thành công với tấm gương rất sáng là đất nước Singapore nhỏ bé nhưng kinh tế rất phát triển do người dân họ có "chìa khóa vạn năng" là ngoại ngữ. 

Tóm lại, Trung Quốc hiện đang mạnh về kinh tế, với con đường phát triển riêng nhiều màu sắc và đặc sắc của mình nên đã giúp họ có được rất nhiều thành tựu. Ngay từ thuở xa xưa, tầm vóc trí tuệ uyên thâm của các học giả đất nước này như Khổng Tủ, Mạnh Tử, Tôn Tử,...rất đáng để người đời học hỏi. Đối với Nga mà nói, đây là cường quốc về quân sự, chính trị, ngoại giao thì càng đáng phải học, đều là những điều rất cấp thiết trong thời đại hôm nay. 

Như vậy, trên đây, tác giả xin đưa ra những ý kiến được cho là cần thiết, khách quan, toàn diện khi nhìn nhận về vấn đề mà xã hội đang quan tâm và tranh cãi mấy ngày qua. Có thể thấy rằng đây là một góc nhìn khác của vấn đề, nhưng tác giả muốn thông qua bài viết này để nhắn gửi tới mọi người rằng cần và nên có cái nhìn khách quan, toàn diện và đầy đủ về bất cứ một vấn đề nào. Chứ đừng nhìn phiến diện, cảm tính, một chiều về các vấn đề, như vậy thì mới có thể đem lại sự thỏa đáng cho cuộc sống, xã hội và con đường phát triển của đất nước trong tương lai./.

No comments: