Bàn về “công dân đặc biệt” Nguyễn Quang A chống quy định đăng ký tạm trú
Ngày 18/10/2016, công an xã Việt Hùng, quận Long Biên, Hà Nội có giấy mời “công dân đặc biệt” Nguyễn Quang A đến trụ sở làm thủ tục đăng ký tạm trú và ông này tuyên bố ngay trên facebook rằng: “Công dân Nguyễn Quang A đã và đang sống ở Long Biên Hà Nội từ gần 10 năm nay và CHƯA BAO GIỜ đăng ký tạm trú hay thường trú cả. Ông cũng CHƯA BAO GIỜ đăng ký tạm trú ở bất cứ đâu trên thế giới nơi ông đã từng qua. Tại quê cha đất tổ của mình ông cũng sẽ CHẲNG BAO GIỜ tuân thủ các quy định vi hiến, vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn cả.”. Ngay lập tức có cả ngàn like kèm theo lời tung hô ông này xứng tầm “ông tổ bất tuân dân sự” Mahatma Gandhi !
Đăng ký tạm trú, tạm vắng là quy định bắt buộc đối với công dân theo Luật cư trú. Điều 30 Luật cư trú 2006 quy định về việc đăng ký tạm trú như sau:
“1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
3. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
4. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.
Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.
Việc điều chỉnh thay đổi về sổ tạm trú được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật này. Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại”
Như vậy ông Nguyễn Quang A thuộc trường hợp đã “cư trú 10 năm nay” xã trên mà chưa hề đăng ký tạm trú. Theo quy định, ông A sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi “Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú” tại Khoản 1 Điều 8, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 100.000 đ đến 300.000đ. Đồng thời chủ hộ gia đình nơi ông Nguyễn Quang A đang cư trú cũng có thể bị xử phạt với mức phạt tương đương
Trong trường hợp ông Nguyễn Quang A không chấp hành quy định đăng ký tạm trú trên, chính quyền đạ phương sẽ phải ra quyết định xử phạt hành chính. Nếu ông này vẫn chống lại quyết định này, chính quyền địa phương có thể cân nhắc biện pháp tái xử phạt lần nữa với tình tiết tăng nặng (phạt gấp đôi), nếu vẫn tiếp tục vi phạm có thể cân nhắc áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc theo Điều 89, 90 Luật Xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm buộc ông này chấp hành quyết định xử phạt hành chính theo Điều 119 Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Tiếp tục chống lại thì có thể chuyển tiếp sang xử lý hình sự trên cơ sở xem xét tính chất nguy hiểm của nó.
Phàm đã là một công dân của một nước thì phải chấp hành pháp luật của nước đó. Chống lại pháp luật tất sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý từ thấp đến cao nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu lực thực thi của nó.
Trường hợp “công dân đặc biệt” Nguyễn Quang A này biết luật, hiểu luật và quyết tâm chống luật thì quả thực không thể chấp nhận được. Tôi ủng hộ chính quyền địa phương kiên trì các biện pháp giáo dục, xử lý hành chính bằng mọi biện pháp được pháp luật giao cho để buộc “công dân đặc biệt” Nguyễn Quang A biết tôn trọng pháp luật, không để trường hợp ngoại lệ này trở thành “nhân tố” cổ vũ cho phong trào “bất tuân dân sự” của giới chống đối.
Còn lý do vì sao “công dân đặc biệt” này đã cư trú 10 năm rồi không chấp hành quyết định đăng ký tạm trú, về luật phải xem xét trách nhiệm của cả chính quyền địa phương. Không thể lấy cái cớ 10 năm nay tôi không chấp hành thì đương nhiên tôi đang ở “ngoài vòng pháp luật” và thuộc trường hợp “miễn tố” được.
Qua vụ việc này cho thấy một chân dung “hoàn hảo” của một “trí thức dân chủ”, một “thủ lĩnh dân chủ”. Nếu ông ta chống lại quy định pháp luật này, chính quyền Hà Nội nên cân nhắc ưu tiên đưa ông Nguyễn Quang A lên thành điển hình cho công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thông để nhân dân cả nước được “thẩm thấu” và “chiêm bái” biểu tượng bất tuân dân sự này cũng như để các chính giới phương Tây, các tổ chức nhân quyền phương Tây lâu nay ưu ái, tâng bốc ông ta nhìn nhận sống động. Đây cũng là căn cứ để Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao Hà Lan cân nhắc về việc trao giải thưởng Hoa Tulip Nhân quyền cho “công dân đặc biệt” này
Nguyễn Biên Cương
No comments:
Post a Comment