2016/10/23

Mùi nước mắm và đạo đức nhà báo

Kính Chiếu Yêu



Trong một cuộc hội thảo gần đây về “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp”, được Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, có một ý kiến tham luận cho rằng:


“Ở Việt Nam, có một số nhà báo giàu, rất giàu, sắm xe hơi sang, đủ tiền cho con cái du học tự túc ở Mỹ, ở Châu Âu, giá trị tài sản lớn gấp nhiều lần thu nhập từ lương và nhuận bút. Họ làm thế nào mà giàu? Họ thường ở vị trí thư ký tòa soạn, thư ký xuất bản của cơ quan báo chí hoặc vị trí có thể kiểm soát bài đăng. Khi thấy trong những tin, bài gửi về tòa soạn có tin, bài về tiêu cực, sai phạm tại một doanh nghiệp nào đó, họ bèn liên lạc với doanh nghiệp, và ra điều kiện để bài không được đăng… Đó là những phi vụ đơn lẻ (nhưng ở một cơ quan báo, thì một năm cũng có khá nhiều cơ hội cho những phi vụ đơn lẻ như vây). 

Ở tầm cao hơn, có những nhà báo, nhóm nhà báo đóng vai trò bạn ruột của một hay vài doanh nghiệp lớn, để thâm canh, bảo kê cho doanh nghiệp. Họ chuyên viết bài để PR cho doanh nghiệp đó, bên cạnh việc viết bài PR còn có thể biên tập bài vở của phóng viên khác để thêm vào nội dung có lợi cho doanh nghiệp ruột, cắt bỏ nội dung hoặc không cho đăng bài có nội dung bất lợi cho doanh nghiệp ruột. Tất nhiên doanh nghiệp kia sẽ được biết việc họ làm, và sẽ trả ơn họ. Khi doanh nghiệp ruột gặp sự cố, họ liên hệ với những đồng nghiệp có thể viết về sự cố đó để dàn xếp, mua sự im lặng. Khi đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp ruột của họ gặp scandal, đó là cơ hội để họ tổ chức tấn công đối thủ, để danh nghiệp ruột của mình hưởng lợi.”.

Nhận định đó đang dần được minh chứng khi Vinastas công bố “hai phần ba số nước mắm truyền thống có lượng thạch tín vượt mức cho phép” và một số tờ báo nhanh chóng rùm beng lên làm điêu đứng giới doanh nghiệp sản suất nước mắm truyền thống và PR cho các đại gia nước chấm. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng có thể có sự dính líu của vài cây bút bẩn. Tôi cũng tin như thế. Hơn cả bẩn, có thể nói rằng họ đã phạm tội ác. 

Và ông cũng đã nói rõ quan điểm: "Bộ Thông tin & Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí,quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm báo,để bảo vệ sự trong sáng và niềm tự hào của những người làm báo chân chính ".

Thực tế báo chí thời gian qua có nhiều câu chuyện đáng báo động về xu hướng làm báo cẩu thả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, coi thường độc giả, làm ảnh hưởng tới tính nhân văn của báo chí, làm cho người dân sợ báo chí, không hợp tác với báo chí, độc giả không còn niềm tin vào những gì báo chí đăng. Khi công chúng báo chí không còn tin vào báo chí thì vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí sẽ không còn đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong thời buổi khó khăn, lương bổng của nhà báo, nhuận bút viết báo chẳng được bao nhiêu, phần lớn phải tự kiếm ăn nên báo chí hiện nay bát nháo không thể nào tưởng tượng được. Ngoài một số tờ đã có thị phần, phần lớn các tờ còn lại muốn sống phải hù dọa cơ quan, doanh nghiệp, xin đểu quảng cáo hoặc lá cải hóa để bán báo. Những loại báo chí "lá cải" theo kiểu đời sống, gia đình, sức khỏe, ngôi sao, xã hội, hôn nhân, hạnh phúc...mọc ra như nấm độc sau mưa tràn ngập khắp các quầy báo. Từ đó, những kiểu bài báo đâm, giết, cướp, hiếp, cách làm tình, sao nầy, sao nọ...tràn ngập các trang báo.

Chưa khi nào báo chí xuống dốc như hiện nay, chắc không cần nhắc lại ở đây những bài “nổi bật” mà người đọc nhớ được. Nhà báo, tờ báo có thể không được viết, được đăng những điều không nên viết và phải viết (và có thể được thông cảm), nhưng tự nguyện viết, cho đăng những điều mà chính bản thân mình thấy không đúng, không ngửi được thì phân trần vào đâu? Bây giờ người ta sợ báo chí là sợ bị dây với đám kền kền, với kẻ tiểu nhân, chớ không phải là nỗi sợ bị phanh phui tiêu cực như đã từng có một thời ngày trước.

Có một điều là ở những ngành nghề khác, nếu muốn tham nhũng, tham ô, muốn làm sai để trục lợi thì thường là phải có chức, có quyền. Nhưng đối với báo chí thì khác. Không ít phóng viên chẳng có chút quyền hành nào, thậm chí còn là phóng viên không ai biết tên tuổi vẫn có thể “kiếm chác” nhờ cái danh “nhà báo”. Những người này viết lách thì xoàng hoặc cùng lắm là có được vài ba tác phẩm báo chí khá. Nhưng họ đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, lợi dụng vị thế của tờ báo để tống tiền các doanh nghiệp, để viết theo kiểu “đâm thuê, chém mướn”; viết theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”; viết theo kiểu “ném đá giấu tay”. Những người làm báo có lương tâm thường ngao ngán nói với nhau rằng, nếu có cuộc thi “Olympic” môn “thọc gậy bánh xe”, “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người” thì sẽ có nhiều “vận động viên” là phóng viên ẵm hết các giải cao (?!).

Trong thời buổi quản lý xã hội, quản lý kinh tế chưa tốt, còn nhiều khuất tất thì còn đất làm ăn cho đám "nhà báo kền kền", còn kẻ tống tiền. Tệ nạn này sẽ còn tồn tại mỗi khi thiếu minh bạch, khuất tất trong làm ăn, quản lý. 

Các doanh nghiệp hiện nay rất khốn khổ về tình trạng một số người mạo danh phóng viên, tất nhiên trong đó có cả những phóng viên “thật” gọi điện “đòi” quảng cáo, thậm chí có những người còn nói theo kiểu “có quảng cáo không thì bảo”. Còn chuyện vớ được một chút tài liệu nội bộ có liên quan đến vụ này, việc khác của đơn vị, rồi gọi điện đe dọa sẽ viết bài thì là chuyện thường ngày ở rất nhiều doanh nghiệp.

Mùi nước mắm lần này đã hoàn thiện nốt bức tranh "những con sâu" trong làng báo.

No comments: