Năm nào Mỹ và Hàn Quốc cũng tiến hành tập trận quân sự chung. Và lần nào Triều Tiên cũng dọa sẽ tấn công hạt nhân cả Mỹ lẫn Hàn Quốc. Tại sao các nước này cứ thích duy trì cái điệp khúc “buồn chán” ấy?
Chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi: hôm qua, 7/3, Triều Tiên lại đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân “tấn công phủ đầu và bất kể mọi nơi” nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc, giữa khi hai quốc gia đồng minh này khởi sự cuộc tập trận lớn thường niên.
Từ rất lâu rồi có lẽ không còn ai đếm hết, các cuộc tập trận này vẫn thường tạo căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng năm nay đặc biệt trầm trọng hơn vì Bình Nhưỡng vừa thử bom H và bắn tên lửa tầm xa, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra thêm biện pháp trừng phạt.
Trong lần tập trận năm nay có tới 300.000 lính Hàn Quốc và 17.000 lính Mỹ tham dự, cùng là các chiến hạm và máy bay của hai quốc gia.
Hai quân đội diễn tập phương thức đối phó, ngăn chặn Triều Tiên sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lần đầu tiên, cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn được tổ chức với qui mô lớn như vậy.
Trong bản thông cáo đưa ra ít giờ trước khi cuộc tập trận khai diễn, Ủy ban Quân vụ Triều Tiên nói rằng họ đang chuẩn bị cho cuộc “phản công quân sự toàn diện”.
Gọi cuộc tập trận là sự chuẩn bị cho “chiến tranh hạt nhân” nhằm đe dọa độc lập của Triều Tiên, bản thông cáo cho hay Bộ Tổng Tư Lệnh Quân đội Triều Tiên đã “sẵn sàng để mở cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu”.
Hôm 6/3, Bình Nhưỡng còn hăm dọa sẽ “tấn công bừa, không cần phân biệt” vào lãnh thổ Hàn Quốc bằng vũ khí nguyên tử nếu Mỹ và Hàn không hủy bỏ kế hoạch tập trận.
Bình Nhưỡng từng đưa ra những lời đe dọa tương tự trước đây, thường là trong những giai đoạn có sự căng thẳng quân sự. Bản thông cáo này nói rằng mục tiêu tấn công gồm các căn cứ quân sự Mỹ ở bán đảo Triều Tiên cũng như những nơi khác ở châu Á, cùng là lục địa Mỹ.
Câu chuyện lặp đi lặp lại đến phát chán ở bản đảo Triều Tiên thực tế lại che đậy những chuyển động mạnh mẽ khác từ bên trong.
“Mỹ đang cố gắng biến bán đảo Triều tiên thành một sân khấu chiến tranh, chứ không vừa lòng với việc áp đặt các lệnh trừng phạt vô lý đối với Triều Tiên liên quan tới vụ thử bom nhiệt hạch vì mục đích tự vệ cùng một cuộc phóng vệ tinh với mục đích hòa bình” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nêu rõ.
Mỹ-Hàn càng khiêu khích, Triều Tiên càng hăng máu. Bằng chứng là các vụ thử vũ khí của nước này ngày càng nhiều. Từ năm 2006 đến nay đã có đến 4 vụ thử vũ khí huy diệt hàng loạt, bom hạt nhân và bom H, chưa kể tới rất nhiều vụ phóng tên lửa tầm ngắn và xa khác nhau.
Chẳng khi nào Mỹ bỏ cả đống tiền cho những vụ tập trận như thế lại không thu về được gì. Mỹ muốn “chọc tiết” Triều Tiên để nhằm mục đích khác.
Thứ nhất, Mỹ duy trì bầu không khí chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên để bán vũ khí cho những ai thấy lo lắng về Triều Tiên.
Nói có sách mách có chứng. Ngày 27/12/2015, một cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ công bố báo cáo cho biết Mỹ lãi to với doanh thu xuất khẩu vũ khí trong năm 2014, tăng 35% so với năm trước. Mức gia tăng này ước tính khoảng 10 tỷ USD. Cụ thể, trong năm 2014, Mỹ thu được 36,2 tỷ USD từ thị trường vũ khí. Đáng chú ý là những khách hàng mua vũ khí của Mỹ. Mỹ đã lợi dụng sự căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, từ hậu quả đó Seoul trở thành khách hàng chính mua vũ khí của Mỹ với hơn 7 tỷ USD trong năm 2014.
Thứ hai, Mỹ muốn khiêu khích Triều Tiên nhằm thử phản ứng của Trung Quốc, quốc gia bảo trợ cho chính quyền Bình Nhưỡng trước giờ. Mới đây Mỹ đã thu được kết quả khi Bắc Kinh đồng ý ký vào bản trừng phạt Triều Tiên của LHQ do Mỹ soạn thảo.
Thứ ba, Mỹ phải giữ cho Triều Tiên luôn trong tình trạng nguy hiểm để họ mang vũ khí tới Hàn Quốc với mục tiêu sau cùng là kìm chế Trung Quốc. Vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo phóng một vệ tinh vào quỹ đạo hôm 7/2/2016, quân đội Mỹ và Hàn Quốc thông báo mở đàm phán để trang bị cho Seoul hệ thống lá chắn đánh chặn tên lửa từ trên không trung THAAD (Terminal High Altitude Area Defense).
Theo Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Hàn Quốc Yoo Jeh Seung, mục đích chính của THAAD là “mối de dọa càng ngày càng tăng của Triều Tiên” buộc Seoul phải tăng cường khả năng phòng thủ.
Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu chiến lược còn có một lý do khác thúc đẩy Mỹ ủng hộ yêu cầu của Hàn Quốc trang bị lá chắn THAAD mà từ trước đến giờ chỉ được đặt ở đảo Guam cách vùng duyên hải Trung Quốc đến 3000 km. Theo AFP, thông điệp của Mỹ là nhắm vào Trung Quốc.
Một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản cũng đang tính chuyện trang bị THAAD. Mỹ sẽ bị áp lực của các đồng minh châu Á xin được bảo vệ. Thay vì ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, một cuộc chạy đua vũ trang sẽ gây bất ổn toàn khu vực.
Bộ Ngoại giao Nga mới đây đã bày tỏ quan điểm rằng Washington lợi dụng sự kiện này để mở rộng địa lý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. "Sự xuất hiện các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ trong khu vực dẫn đến tình huống rất khó khăn trong lĩnh vực an ninh, có thể gây ra cuộc chạy đua vũ khí ở Đông Bắc Á, khiến giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phức tạp thêm. Điều này một lần nữa chứng minh sự đúng đắn của quan điểm chúng tôi, bao gồm điều kiện tiên quyết để giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên là thành lập trong khu vực Đông Bắc Á một hệ thống toàn diện của thế giới, sẽ đem lại lợi ích an ninh cho tất cả các nước ở đây” -Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Moskva cho rằng bước đi này có thể tăng cường tác động phá hoại của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà Mỹ khởi xướng đối với an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược.
No comments:
Post a Comment