Lời giới thiệu: Triều Tiên vẫn còn là một quốc gia tương đối bí ẩn, ít được biết tới đối với thế giới cũng như người Việt Nam chúng ta. Các thông tin, câu chuyện về cuộc sống thực bên trong quốc gia này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Để cung cấp thêm thông tin cho độc giả, Nghiencuuquocte.net xin giới thiệu bài viết của TS. Hoàng Anh Tuấn kể về những điều ông đã “mắt thấy tai nghe” trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng hồi cuối năm 2013 như một góc nhìn để bạn đọc tham khảo.
Triều Tiên là quốc gia rất đáng đến thăm và ít có chuyến đi nước ngoài nào lại gây ấn tượng mạnh với tôi như trong chuyến thăm Triều Tiên cuối năm 2013. Khi đánh giá về Triều Tiên, chưa cần đi sâu nhưng có thể phát hiện ra ngay là cách nhìn về nước này trên phương tiện truyền thông (cả truyền thông chính thức lẫn truyền thông xã hội) của ta khá thiên lệch và tiêu cực, chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cách phân tích và đánh giá của Phương Tây và một số quốc gia xung quanh Triều Tiên.
Chỉ cần đặt câu hỏi ngược lại thì sẽ thấy: Trên thế giới có khá nhiều quốc gia thất bại, nhưng tại sao họ lại không bị “soi” kỹ như Triều Tiên? Cần thấy rằng trên thế giới có 1 số quốc gia làm PR tốt hơn các quốc gia khác. Và trong 1 thế giới mà truyền thông phương Tây “làm chủ” trận địa, việc 1 quốc gia được “mặc định” (dựa cả trên cơ sở “thiên kiến” nữa) đánh giá cao (overrated) hơn các quốc gia khác là một thực tế. Và Triều Tiên là một trong số ít các quốc gia đang bị đánh giá thấp (underrated) cũng là một thực tế.
Gạt câu chuyện này sang một bên và sẽ bàn kỹ hơn vào một dịp khác. Ở đây xin kể về câu chuyện khi thăm 2 bảo tàng Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật trên Núi Hương Sơn.
Khu vực núi Hương Sơn, cách Bình Nhưỡng 180 km về phía Bắc, tức chừng 4h xe chạy, là một trong những nơi có nhiều cảnh quan khá đẹp của Triều Tiên. Trong các cảnh quan đó, ngay trong lòng núi Hương Sơn là 2 bảo tàng vĩ đại xây kiên cố sâu trong núi, đó là “Bảo tàng trưng bày các hiện vật của Chủ tịch Kim Nhật Thành” và “Bảo tàng trưng bày các hiện vật của Tổng Bí Thư Kim Chính Nhật”. Ngay trong khu vực xa xôi, núi non hiểm trở này, nhưng xe cộ vẫn nườm nượp đưa hàng ngàn du khách thăm viếng mỗi ngày. Điều ngạc nhiên là khách thăm quan ăn vận rất lịch sự: Nam thì comple, quân phục hoặc bộ vét truyền thống, còn nữ giới “xúng xính” trong bộ áo dài Hanbok truyền thống. Tất cả đều xếp hàng ngay ngắn và trật tự.
Bảo tàng Kim Nhật Thành gồm 8 tầng, trong đó có 3 tầng nổi và 5 tầng chìm sâu trong lòng đất dưới chân núi, trưng bầy khoảng 250.000 hiện vật. Bảo tàng Kim Chính Nhật “khiêm tốn” hơn, “chỉ” gồm 5 tầng và trưng bầy “chỉ” 180.000 hiện vật. Điều hơi “thất vọng” là bạn không cho đem máy ảnh vào trong bảo tàng. Nhìn bên ngoài bảo tàng không có vẻ ấn tượng, nhưng ngay khi đến sát gần và bước vào trong thì mọi thứ khác hẳn. Cánh cửa vào các Bảo tàng này được làm bằng những tấm kim loại lớn liền khối. Điều kỳ lạ là mỗi cánh cửa nặng từ 4-5 tấn nhưng lại có thể dễ dàng kéo và đẩy bằng 1 tay.
Tại sao bảo tàng lại có nhiều hiện vật đến như vậy? Đó là gồm tất cả các vật dụng cá nhân được lãnh đạo Triều Tiên dùng khi đương thời; các vật dụng do nước ngoài tặng các lãnh đạo khác của Triều Tiên; tặng các nhà ngoại giao Triều Tiên, cá nhân người Triều Tiên… Theo đó, các cá nhân về nộp lại cho nhà nước, vì các vật phẩm này, theo cách giải thích và cách hiểu của họ, đều là tặng lãnh tụ Triều Tiên và “thuộc về” lãnh tụ. Các đồ vật được bố trí rất khoa học, vừa phản ánh được chủ đề; mức độ thân, sơ của người tặng; theo thời gian và khu vực địa lý nữa.
Hướng dẫn cho đoàn 2 người của chúng tôi là một hướng dẫn viên (HDV) chuyên nghiệp, tốt nghiệp Khoa Sử, ĐH Kim Nhật Thành và có thâm niên hướng dẫn 15 năm. Cô hướng dẫn viên nhớ khá chính xác rất nhiều đồ vật, ai tặng, ý nghĩa của từng đồ vật… Trong các đồ vật trưng bày có chiếc lược, cái ca làm từ xác vỏ máy bay hoặc đạn pháo súng cối chiến lợi phẩm do bộ đội ta ở chiến trường làm ra; và có cả quà chạm trổ điêu khắc do Thứ trưởng BNG Hồ Xuân Sơn tặng.
Trong thời gian ở Bình Nhưỡng, chúng tôi được hưởng “biệt lệ” là được đi lại, tiếp xúc với người địa phương, đi chợ “cóc”, chụp ảnh với người địa phương… tại bất cứ đâu và bất cứ khi nào mình muốn.
Ở Triều Tiên thì đây là cả một câu chuyện lớn. Khó có thể áp đặt hoặc suy luận từ tư duy của mình để giải thích câu chuyện của người Triều Tiên được. Triều Tiên (và cả Hàn Quốc nữa) vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến Triều Tiên kết thúc mà không có Hòa ước (Peace Treaty), chỉ có Hiệp định đình chiến (Armistice Agreement).
Theo tư duy này, an ninh quốc gia của Triều Tiên được đặt cao hơn nhiều so với tư duy phát triển và người Triều Tiên được rèn luyện để luôn cẩn trọng, nghi ngờ các hoạt động phá hoại từ bên ngoài. Hãy hình dung tư duy chiến tranh của ta trước 1975 thì mới hiểu tư duy của bạn hiện nay. Trong tình trạng chiến tranh như vậy, bạn rất ngại để người nước ngoài đi “lung tung”, tiếp xúc 1 cách “vô tổ chức” với dân địa phương vì điều này dù vô tình hay hữu ý đều có thể bị các cơ quan tình báo đối phương khai thác. Còn nhớ, trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 năm 1991, Mỹ đã khai thác được rất nhiều thông tin về các công trình lưỡng dụng tại Iraq từ các kỹ sư Thuỵ Điển và các thông tin này đã được quân đội Mỹ sử dụng triệt để.
Ngay khi đặt chân xuống Bình Nhưỡng, tôi đã nói ngay với bạn rằng chúng ta là những người bạn và bản thân tôi là nhà nghiên cứu nên đoàn sẽ không đi theo hết chương trình của bạn, mà có những chương trình “ngẫu hứng”, sẽ dừng xe, tiếp xúc, chụp ảnh tại những nơi mình muốn. Bạn lúc đầu khá ngần ngại, nhưng sau nửa ngày xin ý kiến, bạn cho biết ngay các yêu cầu của đoàn đều được đáp ứng. Chúng tôi cũng biết rằng các bước đi của đoàn đều có “người” của bạn theo sát phía sau, tất nhiên không ngoài lý do nào khác là đảm bảo an ninh và an toàn cho đoàn. Vậy là tự bổ sung được 1/3 chương trình, được tự do đi lại, tiếp xúc, chụp ảnh… lại có người bảo vệ tại một trong những quốc gia có hệ thống an ninh cẩn mật nhất thế giới thì còn niềm vui nào bằng. Và chương trình “khám phá” Bình Nhưỡng đã được đoàn tận dụng tối đa. Có lẽ thông tin cũng như thời gian chưa đủ dài để rút ra các nhận xét xác đáng và cùng một sự vật nhưng mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, tôi có một số cảm nhận sơ bộ như sau:
Tuy còn nghèo khó, nhưng người Triều Tiên là dân tộc có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, và làm được nhiều điều lớn. Nhìn chung, họ có đầu óc tổ chức một xã hội quy củ, có tố chất và cốt cách của một dân tộc lớn – điều rất ít cảm nhận được ở ngay cả những nước khác, dân tộc khác lớn hơn họ nhiều lần.
Bình Nhưỡng có dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn nhất, xe cộ chạy trên đường khá nhiều và mới, chủ yếu xe BMW, Mercedes và Volvo. Mặt người dân bớt lo âu, ít vẻ âu sầu, u ám.
Quần áo người dân mặc đa dạng, khá đẹp. Với phụ nữ trẻ không khác mấy các cô gái Hồng Kong hay Thượng Hải, thậm chí đi qua còn phảng phất mùi nước hoa đắt tiền và thấy có trang điểm. Có thể nhiều người không tin, nhưng nhìn người dân ở Triều Tiên khi ra đường thì ăn mặc nghiêm túc, quy củ, thậm chí còn sạch đẹp hơn ở Bắc Kinh. Ở Triều Tiên tuyệt nhiên không có chuyện “quần đùi, may-ô” ra đường. Đã bước chân ra phố, dù chỉ một bước, là phải ăn mặc nghiêm túc.
Hệ thống 2 giá vẫn hoạt động song hành. Theo tỷ giá chợ đen thì lương một giáo sư chừng 1 USD (trên 7.000 Won). Nhưng các mặt hàng thiết yếu được bán theo tích kê và có định lượng, đáp ứng được cuộc sống tối thiểu và giá như “cho”. Chẳng hạn, 1 đàn ông trưởng thành tại Bình Nhưỡng có ticket mua khoảng 12 lít bia mỗi tháng (làm theo công nghệ và nhà máy nhập nguyên của Đức). Người có tiền mua bằng ngoại tệ thì không thiếu thứ gì và giá cả cũng tương đương như ở cửa hàng miễn thuế của Việt Nam.
Bóng dáng của Tiểu Thương (kẻ thù giai cấp) bắt đầu xuất hiện và cùng với nó là cuộc sống đẳng cấp, chênh lệch giàu nghèo và một số tệ nạn của kinh tế thị trường đã bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn, tại Bình Nhưỡng đã xuất hiện “Taxi dù”. Đây là ô tô chứ không phải miếng thịt mà có thể giấu dễ dàng: Ai là chủ xe, mua ở đâu, xăng chạy thế nào, khách hàng của anh là ai… Nó chứng tỏ quy mô khá lớn của nền kinh tế và thị trường chợ đen. Ngoài ra, muốn có chỗ ở tốt trong chung cư trung tâm, người có nhu cầu phải trả khoản phí chênh lệch lên tới vài chục, thậm chí cả trăm ngàn USD (thông tin được nghe nói lại, chưa có điều kiện kiểm chứng).
“Chợ đen” được hoạt động bán công khai, theo đó nông dân, tiểu thương và người dân có tiền có thể ra đó trao đổi, mua bán hàng hóa. Tại đây có đủ thứ thượng vàng, hạ cám cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày từ thịt cá, mắm muối, xoong chảo, giày dép… Điều khá hay là ngoài chợ các tiểu thương ngồi san sát nhau, mỗi người ngồi sau bàn xi măng dài, “chia ô” khoảng 50-60 cm chiều ngang cho 1 quầy. Đừng nghĩ tiểu thương buôn to như ở ta, trên quầy bàn của từng người chỉ có chừng 3-5 kg thịt heo hoặc 10-20 chai nước mắm, hoặc 20-30 đôi giày dép. Chừng đó cũng đủ để họ và gia đình đắp đổi được qua ngày.
Mức độ công bằng và kỷ cương trong xã hội vẫn được duy trì khá tốt và khá giống ta trong thời kỳ đỉnh cao của bao cấp. Chẳng hạn khu chung cư cao cấp ở trung tâm Bình Nhưỡng được phân miễn phí cho các giáo sư Đại học Kim Nhật Thành, các vận động viên đạt thành tích cao, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, người lao động đạt thành tích xuất sắc…
Xã hội Triều Tiên nhìn chung là xã hội học tập và thăng tiến chủ yếu dựa trên tài năng và mức độ cống hiến. Chẳng hạn, một trong những nơi đoàn đến thăm bất chợt là một trường chuyên phổ thông trong tòa nhà 9 tầng, đầy đủ tiện nghi của một trường tiên tiến với các giảng đường hiện đại và khu thể thao phức hợp dành cho học sinh xuất sắc được tuyển chọn khắp nơi trong nước. Những học sinh này sau đó hầu hết đỗ vào các trường đại học hàng đầu của Triều Tiên, trở thành nhà khoa học hay các kỹ sư. Tại Thư viện Kim Nhật Thành trong tòa nhà 11 tầng (lớn nhất châu Á) mà đoàn đến thăm vào 1 ngày trong tuần có khoảng 5-7000 sinh viên, cán bộ đến học tập, nghiên cứu. Chẳng hạn trong khu nghiên cứu nhạc, mỗi người có một máy nghe riêng để không ảnh hưởng người bên cạnh. Cô thủ thư vào tìm khoảng 5′ liền chuyển cho đoàn một tập sách và đĩa nhạc Cung đình Huế! Tại lớp học kinh tế, thầy giáo dùng PowerPoint còn ở dưới gần như mỗi học sinh có 1 máy tính riêng để theo dõi bài giảng của thầy.
Điện thoại ở Triều Tiên rất đắt, gấp khoảng 3-4 lần ở VN. Một máy “cục gạch” ở Việt Nam có giá khoảng 600-700.000 VND (khoảng 30 USD) thì ở Triều Tiên có giá chừng 150-200 USD. Mạng điện thoại lại là nhà mạng liên doanh của Triều Tiên với 1 công ty Ai Cập! Điều ngạc nhiên là ra nhà ga, bến tàu, xe thì người dân dùng điện thoại di động không phải là hiếm và không khác Việt Nam. Hỏi thêm mới biết khi đó đã có khoảng 10 phần trăm dân số (tức khoảng 2,5 triệu người) dùng điện thoại di động. Ngạc nhiên hơn là 2 cán bộ bạn đi tháp tùng đoàn đều dùng smartphone và máy tính bảng do Triều Tiên sản xuất toàn bộ cả phần cứng lẫn phần mềm!
Đây là câu chuyện của cuối năm 2013 đấy nhé và đến nay thì tình hình có thể đã khác đi rất nhiều!
Trong thời gian ở Bình Nhưỡng, chúng tôi cũng được dẫn đi xem biểu diễn nghệ thuật thiếu nhi tại Cung Thiếu nhi Quốc gia Kim Nhật Thành. Cung Thiếu nhi ở Bình Nhưỡng này được xem là một trong những nơi có các lớp học năng khiếu, nhà hát biểu diễn dành riêng cho thiếu nhi lớn nhất thế giới. Đối với các cháu ở đây thì chắc hẳn ngày nào cũng là “Tết”.
Cung Thiếu nhi Quốc gia Kim Nhật Thành là tòa nhà cao 8 tầng, trông hết sức bề thế. Bề ngoài thì thấy đây là một tòa nhà đồ sộ, cả bên ngoài và bên trong thiết kế theo kiểu phương Tây (khá giống kiểu bảo tàng) xung quanh lát và ốp đá granit. Nếu như không có ảnh lãnh tụ Triều Tiên treo bên ngoài thì chắc khó ai nghĩ đây là tòa nhà ở Triều Tiên, do Triều Tiên thiết kế và xây dựng.
Bên trong tòa nhà có rất nhiều lớp học năng khiếu dành cho các độ tuổi và trình độ khác nhau. Các phòng học được thiết kế, trang trí nội thất hiện đại theo từng chức năng riêng.
Đi xem qua thấy có khoảng 100 lớp học như vậy. Tuỳ theo loại hình năng khiếu, nghệ thuật mà mỗi phòng được thiết kế theo chức năng riêng như phòng học ba-lê, phòng học múa, hát, phòng học ac-cooc-đê-ông, học vẽ, viết thư pháp, thêu thùa… Theo người hướng dẫn, hàng ngày có khoảng 5000-6000 học sinh đến đây học 2-3 ca một ngày, các học sinh học nghiêm túc, còn giáo viên giảng say sưa. Các học sinh chăm chú biểu diễn, không thấy có cảm giác giật mình, tò mò hay mất tập trung khi du khách tới thăm.
Nhìn vào đây thấy không có vẻ gì là biểu hiện của một xã hội khó khăn, thiếu đói. Toàn bộ các lớp học đều miễn phí. HDV Triều Tiên cho biết, tên gọi là Cung thiếu nhi Quốc gia, nhưng tham gia sinh hoạt thì chủ yếu thiếu nhi đến từ Thủ đô Bình Nhưỡng. Các học sinh có năng khiếu từ các tỉnh, thành cũng được chọn về đây và có các lớp học nội trú để đào tạo các tài năng tương lai của đất nước. HDV bạn cho biết thêm ngoài Cung quốc gia, ở các quận trong Thủ đô cũng có các Trung tâm sinh hoạt văn hóa tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn dành cho thiếu niên, nhi đồng.
Ở bên trong Cung có một nhà hát riêng khoảng 600 chỗ, thiết kế 2 tầng như Nhà hát lớn của ta, nhưng bên trong rộng hơn 2 lần. 6/7 ngày trong tuần là sân khấu “sáng đèn”, các cháu biểu diễn liên tục cho người lớn, du khách trong và ngoài nước xem. Vé cho người nước ngoài 15 Euro và xem hết 1 tiếng rưỡi. Vé xem thường phải đặt trước vài ngày đến cả tuần. Điều ngạc nhiên là chỉ khoảng 1/3 tiết mục biểu diễn là của Triều Tiên, còn 2/3 các trích đoạn nhạc kịch, ba-le, múa, các tiểu phẩm hài… của Phương Tây! Xem về mức độ hoành tráng, tinh xảo không khác mấy buổi Nhạc kịch diễn trên sân khấu Broadway bởi các diễn viên nhí, với kỹ xảo và đạo diễn của Disney Land!
Nhiều người khi xem vẫn bán tín bán nghi chưa rõ đây là “đời sống thực” hay họ cho mình xem “vở kịch lớn”. Tôi vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn một trăm phần trăm, nhưng cũng có một vài câu hỏi để “phản biện” lại với mong muốn được biết rõ hơn. Chả nhẽ người Triều Tiên không có cuộc sống thực, mà suốt đời “diễn kịch”? Nếu diễn thì phải có “khán giả”, trong khi người nước ngoài hoặc du khách đến Triều Tiên lại rất ít. Ngay ở các điểm tham quan “đáng xem” ở Bình Nhưỡng cũng vậy, có đến hàng trăm nơi chỉ riêng ở thành phố này. Nếu gọi họ “diễn” thì ở rất nhiều quốc gia khác đang chê bai họ nhưng “diễn” cũng chẳng có, mà “thực chất” cũng không nốt. Nếu cho rằng đây là cuộc sống của quan chức hàng đầu đất nước, còn nhân dân không được thụ hưởng, thì lại có những câu hỏi khác: (i) tầng lớp “đặc quyền” này phải rất đông. Nhưng theo cách hiểu thông thường thì tầng lớp này thuộc về một nhóm nhỏ, nhưng đông người được hưởng vậy thì đâu còn “đặc quyền”, “đặc lợi”; (ii) thường các chỗ hưởng thụ của giới “đặc quyền”, nếu có, phải là chỗ riêng tư, kín đáo, chứ không nằm ở chỗ “thanh thiên, bạch nhật” như vậy.
Giả sử cho rằng chỉ để “show” không thôi thì việc duy trì để kéo du khách đến tham quan, luyện tập, duy tu bảo dưỡng cũng hết sức tốn kém. Ngay khi tôi ở Triều Tiên thì ở Bình Nhưỡng vừa khánh thành Trung tâm rèn luyện sức khỏe trông lớn và còn bề thế hơn Cung thể thao Mỹ Đình và khu thể thao nước ở ngoài trời lớn nhất thế giới mà bên trong tấp nập người. Hẳn còn nhớ, nếu chỉ để “show” không thôi thì rất nhiều nước có tiềm năng lớn hơn nhiều cũng không gánh nổi chi phí bảo dưỡng khổng lồ sau đó. Có thể thấy ngay hàng chục, thậm chí hàng trăm công trình bỏ hoang sau các show hoành tráng của Nga sau Olympic Mùa đông Sochi 2014 hoặc Olympic Mùa hè Bắc Kinh 2008. Tại sao các công trình ở Triều Tiên lại “sống” được, nếu không đi vào và phục vụ cuộc sống “thực”?
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2015/02/19/trieu-tien-dien-kich/#sthash.p1aag7jd.dpuf
No comments:
Post a Comment