2016/10/04

GIA TÀI CỦA NGƯỜI CCB VỊ XUYÊN- "BÌNH XÍCH LÔ"


Cựu chiến binh Vị Xuyên Đinh Ngọc Bình- "Bình xích lô" tại cơ quan điều tra
Đã lâu lắm rồi mình không viết gì lên tài khoản Facebook này. Thời gian gấp gáp và vội vã cuốn mình đi trong triền miên công việc. Tất cả những xa xót thôi cũng đành gửi lại cho quá khứ, để bước tiếp trên chặng đường dài.
Tính cách trưởng thành từ bão táp, còn trí tuệ thì trưởng thành trong tĩnh lặng. Mình đã cố gắng để tách bản thân ra khỏi những thị phi đời thường, để được toàn tâm toàn ý cho khoa học. Nhưng có lẽ, trái tim mình không bao giờ có thể khiến mình ngồi yên trước những điều ngang trái.
Một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Một cháu bé không may va vào chiếc xích lô chở tôn đang đỗ bên lề đường. Đứt cổ. Máu ra nhiều và không cấp cứu kịp dù hiện trường vụ tai nạn ngay gần Bệnh viện Bạch Mai. Người lái xích lô lập tức bị cơ quan điều tra tạm giữ.
Người lái xích lô ấy, nguyên là một cựu chiến binh, tham chiến bảo vệ biên giới phía bắc trong những năm căng thẳng bậc nhất, ở chiến trường khốc liệt bậc nhất. Đạn pháo dày đặc nung cả một vùng rừng núi thành “lò vôi thế kỉ”. Chiến tranh khốc liệt để lại một dáng lưng còng gập. Người lính ấy ra quân, lam lũ mưu sinh. Gia đình thuộc diện nghèo nhất trong hội bạn lính cùng sư đoàn cũ. Mỗi lần gặp mặt, đi thăm chiến trường xưa đồng đội không dám thu một đồng nào phí tổn. Các bạn lính định góp tiền mua cho bác một chiếc xe máy, nhưng bác từ chối vì không biết lái xe, sợ gây tai nạn. Hàng ngày, bác kiếm sống bằng nghề bốc vác và đẩy xe xích lô chở hàng ở khu vực chợ Trương Định. Và rồi tai nạn xảy ra …
Những người bạn lính lập tức kêu gọi hỗ trợ. Mình nhắn tin ngay cho một người quen trong Ban liên lạc sư đoàn của bác lái xích lô, ngỏ ý muốn giúp đỡ. Với hiểu biết pháp luật của mình, mình nghĩ đến một mức án dưới ba năm tù, và được hưởng án treo. Nhưng sự đời thì nào đơn giản đến thế.
Gia đình bác lái xích lô và gia đình cháu bé gặp nạn cùng ở khu vực Tân Mai, và cũng gần nhau. Rất có thể họ sẽ còn chạm mặt nhau sau này. Hãy nghĩ đến một kết cục, đó là một gia đình mất con, và thủ phạm gây ra điều đó lại được tha bổng … Chính sách hình sự của nhà nước là nhân đạo, nhưng với người lính ấy, có khi sự nhân đạo ấy sẽ khiến bác day dứt nhiều hơn. Có khi nào, một mức án nặng, thậm chí là phạt tù … sẽ khiến người ta có thể thanh thản hơn chăng?
Sẽ rất khó để giải thích cho một người lính như bác hiểu về việc hình luật không phải là qui đổi ngang giá, không phải là giết người đền mạng, mà chỉ xem xét tính chất nguy hiểm của hành vi. Nhưng lúc ấy, mình cũng không muốn nói thêm gì, mà chỉ còn biết ngẫm ngợi …
Đất nước của mình những năm 80 … cuộc chiến biên giới vẫn căng thẳng, với những trận đánh lớn hàng trăm liệt sĩ. Nhưng chỉ cách tiền duyên trận địa vài cây số, là thị xã sầm uất bán mua. Đằng sau những người lính bảo vệ biên cương, người ta đang đua nhau làm giàu, đua nhau đi nước ngoài xuất khẩu lao động và mang về những thùng hàng, những cái kích, những hàng ni-ken. Trong khi đó, gia cảnh của những người đang cầm súng trả nợ nam nhi với non sông thì lại vẫn quá nghèo túng. Họ đã chấp nhận hi sinh tuổi xuân và xương máu để trọn nghĩa với Tổ quốc. Và mở cửa, và kinh tế thị trường, những người lính trở về ngơ ngác, mưu sinh bên rìa xã hội xô bồ.
Hãy một lần nhìn lại gia tài của người cựu chiến binh. Một căn phòng ẩm thấp, đồ đạc cũ nát. Thứ mới nhất được treo trang trọng trong nhà là một tấm kỉ niệm chương chiến sĩ bảo vệ biên giới. 

Một tờ giấy kỉ niệm chương chẳng có chút nào giá trị pháp lí, sơ sài đến mức được điền qua loa bằng bút dạ vào trong phôi in sẵn. Nhưng nó vẫn được chủ nhân treo ở nơi trang trọng nhất trong phòng, vì đó là tình đồng đội. Những người lính già đến thăm nhà của người đồng đội đang gặp vận rủi, rồi ngậm ngùi nhìn nhau. Trong những lần đi tham quan, đi liên hoan họp mặt, người lính có cái lưng còng ấy vẫn mang theo mặc cảm vì không có đủ tiền đóng góp, nên đã lủi xuống cuối xe, đã tự tách mình khỏi mọi vui chơi. Đến bây giờ, đồng đội tìm lại một vài tấm ảnh chụp cùng nhau, mà chỉ lấy được một tấm ảnh viếng đài tưởng niệm liệt sĩ. Lưng còng, gương mặt khắc khổ, chẳng hiểu bác đang nghĩ gì về những người đồng đội đang nằm dưới đất sâu?
Điều làm mình day dứt nhất, đó là người lính ấy không có chút nào biểu hiện công thần, ỷ thế cựu chiến binh. Có lẽ, bác không muốn cầu xin sự khoan hồng của pháp luật, không trốn tránh tội lỗi, và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Giữa một xã hội mà người ta luôn muốn đổ trách nhiệm cho người khác, có những kẻ làm thất thoát của nhà nước, của nhân dân nhiều ngàn tỉ đồng mà vẫn trâng tráo, thì hình ảnh một người lính trong nhà tạm giữ của công an là điều làm mình suy nghĩ. Mình thức trắng một đêm, và cứ nghĩ đến cái cách người lính đối diện với trách nhiệm của mình, là lại muốn khóc. Xấu hổ, vì chưa bao giờ mình đủ bản lĩnh để làm được những điều cao đẹp đến như thế.
Sáng hôm sau thì mình làm đủ mọi cách có thể. Đăng bài vận động quyên góp từ mọi người trên mạng. Chọn ra những sách vở đắt tiền nhất, quí giá nhất, bán bằng hết để lấy tiền giúp bác. Đời sinh viên nghèo, đã vướng vào nợ bút nghiên, chỉ có sách là thứ giá trị. Lần đầu tiên quyết bán những cuốn sách của mình, vì một lẽ cao đẹp hơn. Và cũng mừng, là mọi người vẫn tin cậy mình, vẫn đồng cảm với những người lính … Ở một nơi nào đó, những người hàng ngày cười nói với ta, sẽ có ngày thọc vào lưng ta những nhát dao oan nghiệt. Nhưng ở nơi mạng ảo, thì lại có người tin tưởng rằng ta sẽ làm những điều tốt đẹp nhất có thể cho cuộc đời này …
Câu chuyện về người lính ấy sẽ là bài học mà mình mang theo trên suốt chặng đường học luật và làm nghề luật. Bác đã chọn cho mình con đường gian nan nhất, tốn kém nhất, với rất nhiều những chi phí thăm nuôi, bồi thường, mai táng cháu bé … Mình cũng chỉ hi vọng rằng, những điều mình làm sẽ giúp được phần nào cho bác. Gia tài lớn nhất của người lính, đó là tình đồng đội. Gia tài lớn nhất với mình, đó là lí tưởng của một người làm khoa học pháp lí. Trên trận tuyến đánh quân thù, hay trên chặng đường làm khoa học, đừng lùi bước, vì sau lưng vẫn còn những người sẽ tin tưởng ta … 


Google.tienlang bổ sung một vài hình ảnh liên quan:
 Hoàng Ngân Thương

No comments: