2016/10/01

Tại sao ý kiến người dân ở hiện trường không được báo nào tìm tòi, đề cập?

Nam Phong



Sự thật ở đâu đây? Tại sao ý kiến người dân ở hiện trường không được báo nào tìm tòi, đề cập? Tại sao nội dung clip lại không được các tờ báo nhắc tới ? Phải chăng, những ngày này các tờ báo đang tự thay đổi ý nghĩa cụm từ “sự thật” ?.

Tôi đã có bài viết thứ nhất (Có lãnh đạo nào đại diện báo Tuổi Trẻ lên tiếng xin lỗi cảnh sát chưa? đăng trên site vntb.org) sau hàng loạt tờ báo liên tiếp đăng tải rất nhiều bài với những tiêu đề và hình ảnh “công an hành hung phóng viên” trên cầu Nhật Tân rất phản cảm, khiến dư luận cả nước vô cùng bức xúc. Lang thang trên mạng, tôi đã bắt gặp một thông tin rất quan trọng cần làm rõ. Trong phần bình luận (Comment) tạiđâyhttps://www.facebook.com/tin365vn/posts/1288726811157591, Facebooker Đăng Tuấn (Tuấn Sầm)https://www.facebook.com/dlatu.storesđã bình luận và cung cấp cho chúng ta một thông tin rất quan trọng rằng, “… Công an đang bảo vệ nguyên trạng hiện trường thì cứ xông vào mở cửa xe taxi để chụp, là phóng viên mà đ… có thẻ, mặt thì trông như mấy thằng trộm cắp vặt thì bị đuổi và cho ăn đòn là đúng rồi! … P/s hôm đó tôi đứng kề vụ này.” Và sau đó Đăng Tuấn bình luận tiếp “hôm đó mình đứng gần nên biết vụ này”. Và tôi cần phải viết tiếp bài này để đi tìm sự thật như sự cần thiết phải viết bài thứ nhất vậy!

Sau khi xem xét kỹ trang facebook của Đăng Tuấn (Tuấn Sầm) thì thấy có ghi thông tin Nguyễn Đăng Tuấn làm việc cho Stores D’latu (Xưởng sản xuất ghế sofa, 81 ngõ 1295 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội), Nội thất SOFASANG (294 Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội). Điện thoại 0976.899.000 ;https://www.facebook.com/dlatu.stores;http://www.sofasang.com;https://www.facebook.com/sofasanghn. Mọi người có thể liên hệ để xác minh thêm thông tin.

Có thể nói, nếu hành động phóng viên “xông vào mở cửa xe taxi để chụp” mà Nguyễn Đăng Tuấn cung cấp là đúng như thực tế diễn ra, thì đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng hiện trường án mạng rồi còn gì?

Theo quy định bảo vệ hiện trường, thì không ai được phép sờ nắm vào bất kỳ đồ vật nào trong hiện trường, đặc biệt là phương tiện và đồ vật liên quan gây án. Nó có thể làm mất dấu vết mà hung thủ để lại, hoặc tạo ra dấu vết mới làm sai lệch hoạt động điều tra.

Trong khi thành xe taxi có nhiều vết máu và đồ đạc trong xe có nhiều xáo trộn, ngay đến cảnh sát bảo vệ hiện trường cũng không được sờ nắm (chỉ có kỹ thuật hình sự đeo găng tay mới có quyền khám nghiệm), vậy mà anh phóng viên xông vào mở cửa xe taxi thì còn gì là nguyên vẹn hiện trường nữa? Các cơ quan chức năng cần triệu tập, điều tra xác minh làm rõ phóng viên có hành vi như trên không? Nếu đúng như vậy thì phóng viên có thêm điểm thứ hai không trung thực trong Đơn trình báo.

Phải khẳng định rằng, không phải người ta cứ chửi hay xâm phạm hiện trường là anh có quyền đánh người. Việc nhóm cảnh sát hình sự đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với phóng viên là yếu kém về bản lĩnh, nghiệp vụ, vi phạm pháp luật và rất phản cảm!

Nhưng các tình tiết “xông vào mở cửa xe taxi để chụp” của phóng viên và cảnh sát nói lớn trong clip của báo Thanh Niên “mày chửi ai, hả” trước khi đá đít phóng viên, có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào sự thật nguồn cơn mà các cảnh sát hình sự lại nổi cơn tam bành đánh phóng viên như thế, chứ không phải vô cớ đá đít phóng viên đang hoạt động “đúng pháp luật” như những gì hàng loạt tờ báo lớn nhỏ đăng tải suốt mấy ngày qua.

Trong bài viết “Đừng im lặng: Chúng tôi phản đối hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp” của tác giả Lê Thanh Phong đăng trên báo Lao Động cho rằng, “Chúng tôi muốn nói lên sự thật … Không ai có quyền cản trở nhà báo”. Vâng, liệu tác giả bài báo này và hàng loạt các bài báo có nội dung tương tự được trải đầy trên các mặt báo sẽ tiếp tục đi đến cùng sự việc để nói lên sự thật không ?

Sự thật ở đâu đây? Những ngày này, tôi cảm nhận các tờ báo đang tự thay đổi ý nghĩa cụm từ “sự thật”. Nghề báo hay Công an đều rất quan trọng, những chiến sĩ cảnh sát bản lĩnh họ sẽ có cách hành xử khác dù bức xúc đến mấy, những nhà báo chân chính họ biết cân nhắc, mỗi thông tin viết ra họ đều chọn lọc, suy xét. Nhưng thực tế đang diễn ra, sau khi một số chiến sĩ công an nổi cơn tam bành thì hàng loạt bài báo vừa qua tôi đang thấy một sự nóng vội rất lớn. Hầu hết các bài báo đã liệt kê (ở bài trước) đưa tin về vụ việc này đều một chiều, dựa gần như hoàn toàn vào nội dung Đơn trình báo, lời nói của “Nhà báo” Trần Quang Thế và hình ảnh tung lên mạng. Đặc biệt, vắng bóng các bài viết về nỗi oan ức của người lái taxi thiệt mạng nằm dưới chân cầu.

Không chỉ bỏ qua những chi tiết rất quan trọng trong hàng loạt clip được tung lên mạng, khi đăng tải thông tin, các tờ báo lớn đã không hề có một sự điều tra, lấy ý kiến của cán bộ công an và tìm tòi sự thật đã diễn ra ở hiện trường của người dân chứng kiến!. 

Tại sao các tờ báo không đặt câu hỏi và đi tìm sự thật xem người phóng viên kia đã làm gì để đến nông nỗi nhận được phản ứng phản cảm như thế từ phía công an ? 

Sao không nhà báo nào đặt câu hỏi vì sao người dân đứng xem hiện trường rất nhiều và có trật tự, các chiến sĩ cảnh sát có nổi cơn tam bành với họ không? Nhà báo đã bỏ qua sức mạnh đi tìm sự thật của cộng đồng mạng Facebook. Thậm chí nhiều tờ báo còn tỏ ra “nhanh nhạy” đăng hàng loạt các vụ việc công an đánh phóng viên, phóng viên bị hành hung từ các năm trước để lên án công an. Tôi cảm tưởng họ đang “truy cùng diệt tận”, làm bẽ bàng các chiến sĩ trên mặt báo một cách không bình thường, khiến hình ảnh chiến sĩ công an nói chung mang một màu xám xịt!

Hơn nữa, nhiều người không tìm hiểu xem nguyên nhân sự việc là gì, trả lời phỏng vấn báo chí một cách rất vội vàng, như: Luật sư Nguyễn Anh Tuấn lên tiếng và đưa ra đủ các thứ quy định và luật lệ để lên án công an; Ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao thì yêu cầu xử lý nghiêm minh nhóm công an để làm gương; Hội Nhà báo Việt Nam ra văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội, đề nghị xử lý nghiêm đối với hành vi cản trở tác nghiệp, hành hung nhà báo; MC Phan Anh chia sẻ trên Facebook “tôi mong rằng những cá nhân như vậy phải ngay lập tức buộc ra khỏi ngành”; Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM rằng “Phải chăng những người này (cán bộ điều tra) không quan tâm, không biết Luật Báo chí quy định nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, PV, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, PV hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật? Hay cơ quan, đơn vị chưa quan tâm giáo dục sâu sắc ý thức chấp hành pháp luật trong thực thi công vụ? Hay đây là thói quen ứng xử trong công việc của họ ?”; Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 13 còn không kìm nổi sự bức xúc khi nói “Nhà báo khi đang hoạt động đúng pháp luật mà lại vô cớ bị xúc phạm, hành hung, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng là vi phạm. Các cơ quan điều tra, bảo vệ, thực thi pháp luật cũng cần khởi tố, đưa ra xét xử nghiêm túc một số vụ việc có những hành vi cản trở, hành hung nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến danh dự, sức khỏe, tính mạng của nhà báo, phóng viên để làm gương”.

Đã nhiều người dân lên tiếng vì họ thường vẫn thấy ở đâu đó xảy ra việc công an sử dụng vũ lực đánh người này, quật ngã người kia. Và họ cũng đang cảm nhận một số bài báo bắt đầu có xu hướng câu views, giật tít, đưa thông tin úp mở. Mới đây nhất, Vnexpress đăng bài giật tít “GS Ngô Bảo Châu: Lựa chọn học tiếng Trung Quốc là tiến bộ” gây tò mò, phản ứng mạnh cho cộng đồng mạng đến nỗi, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã phải thốt lên trên trang cá nhân của mình như sau:“Tôi chưa bao giờ phát biểu cái câu mà vnexpress chọn làm cái tít ở dưới, cố tình tách một câu nói ra khỏi ngữ cảnh đã là sai, bẻ câu nói của người khác làm nó mang một nghĩa khác hẳn là cực sai. Mức độ lương thiện của hành vi này đối với tôi không khác gì ăn cắp vặt. Ngoài ra tôi chưa bao giờ cho phép vnexpress quote status của tôi trên fb, và họ cũng chưa bao giờ xin phép. Đề nghị vnexpress gỡ bài. Trong trường hợp ngược lại tôi sẽ không bao giờ cộng tác với báo này nữa. Ngoài ra tôi sẽ tìm hiểu các biện pháp mang tính pháp lý khác. Trước khi phải đi đến chỗ đó, rất mong các bạn tôi có liên quan đến vnexpress nói với họ rằng ngay cả việc câu views cũng cần được hạn chế bởi sự lương thiện”. Và GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ “Vnexpress đã rút bài, báo Lao động đã sửa lại tít cho đúng”.

Bảo vệ hiện trường

Một vấn đề được nhiều người bàn luận trên mạng, vì sao công an không căng dây, treo biển báo hiện trường. Như chúng ta đã biết, khám nghiệm hiện trường là việc bắt buộc được quy định trong hoạt động tố tụng hình sự. Cảnh sát phải quan sát, xác định và canh gác toàn bộ phạm vi hiện trường (những nơi có thể có dấu vết, vật chứng do thủ phạm để lại bên trong và trên thành xe taxi, lan can cầu. Đặc biệt là lối ra vào của thủ phạm như cửa xe).

Không ai được tự ý vào, không được ai mang đồ dùng cá nhân hoặc bất kỳ vật gì vào và ra khỏi hiện trường, trừ khi phải tiến hành các biện pháp khẩn cấp (cấp cứu, chữa cháy,…) nhưng phải có biên bản.

Tuyệt đối không được thay đổi, sờ mó vào các đồ vật (phương tiện, xe cộ, súng, đạn, gậy gộc, dao kéo) tại hiện trường (phóng viên đã vi phạm điều này theo phản ánh của Facebooker Đăng Tuấn)

Khi người có nhiệm vụ vào hiện trường, phải được sự cho phép mới vào. Chỉ bước vào những nơi ít để lại dấu vết và phải đánh dấu những lối đã đi qua.

Nếu hiện trường phức tạp, thì phải huy động lực lượng kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Có thể sử dụng dây căng xung quanh hiện trường hoặc đặt cọc tiêu hình chóp nón, biển báo, hàng rào chắn quanh nơi xảy ra vụ việc, tổ chức hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc, giải tán đám đông.

Tuyệt đối giữ gìn trật tự, yên tĩnh cho lực lượng điều tra kỹ thuật hình sự làm nhiệm vụ. Tránh mọi tác động hay nguy cơ bị phá hủy dấu vết. Nếu di chuyển, thu dọn dấu vết tới nơi an toàn thì phải đánh dấu vị trí, trạng thái của nó.

Những thông tin cần ghi lại gồm: Tên, địa chỉ nạn nhân và của tất cả những người có mặt tại hiện trường, trước, trong và sau khi xảy ra sự việc, đặc biệt là những người có biển hiện nghi vấn.

Trong thực tế còn có loại “hiện trường giả”, thủ phạm cố ý sắp đặt, tạo lập dấu vết để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, thì phải giữ nguyên vị trí, tư thế, dáng điệu và trạng thái ban đầu của thi thể và đồ vật gây án, đánh dấu bằng cách mô tả, vẽ sơ đồ, hoặc chụp ảnh. Phải bảo vệ tuyệt đối những dấu vết, vật chứng nếu có như: máu, lông tóc, dấu chân, vân tay, giày dép, v..v.

Bảo vệ hiện trường phải liên tục, không được ngắt quãng, chỉ kết thúc khi có lệnh của trưởng ban điều tra. Căn cứ dấu vết của tội phạm, cảnh sát mới rà soát kỹ trong tàng thư để đối chiếu. Nếu trùng hợp thì yêu cầu đối tượng trình diện hoặc truy tìm ngay.

Vụ giết người chấn động ở Bắc Giang do Lê Văn Luyện gây ra, khi người dân phát hiện báo ngay cho Công an triển khai lực lượng bảo vệ hiện trường, Công an thu được đường vân tay rất rõ nét. Ý thức ấy của người dân thật đáng quý! Vụ giết bà Trưởng phòng khám một huyện ở tỉnh Lào Cai. Thủ phạm mua găng tay để dùng. Khi chuẩn bị ra tay, hắn mới dùng tay xé bao găng đó. Vô tình dấu vân đã bám lại trên chiếc bao bị xé. Công an thu thập được và lần tìm ra thủ phạm.

Tội phạm dù có ma mãnh đến đâu thì khi gây án, chúng không thể không để lại hiện trường một thứ gì. Chúng có thể đeo găng tay để che dấu vết. Chúng có thể dùng sim rác. Chúng có thể vứt tang vật. Thế nhưng chúng không thể nào lường hết được đầy đủ sự việc và hành vi của mình. Từ các dấu vết, cơ quan điều tra sẽ lần tìm ra manh mối và diễn biến vụ việc trong quá khứ.

Đôi điều nhắn nhủ

Đối với công an, nếu phong tỏa hiện trường để phục vụ điều tra tìm ra sự thật của vụ án thì là điều rất cần ủng hộ, nhưng bưng bít thông tin, cản trở các nhà báo (chân chính) và người dân tiếp cận thông tin để phục vụ cho mưu đồ nào đó thì cần phải lên án. Còn nếu tờ báo nào đưa nhà báo đi tác nghiệp ở các vụ trọng án, thì cần phải có năng lực và hiểu biết cơ bản về bảo vệ hiện trường. Tuyệt đối không được sờ mó vào đồ vật (mở cửa xe taxi). Và nếu chạy theo thị hiếu hoặc sử dụng dư luận làm công cụ phục vụ cho kế hoạch toan tính nào đó, thì tờ báo ấy không thể đảm bảo yếu tố phản ánh sự thật, chứ chưa nói đến chức năng định hướng thông tin.

Trước đây, lực lượng công an nhân dân đã chiến đấu và hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, đã có nhiều tấm gương sáng xả thân vì sự bình yên của nhân dân. Các chiến sĩ đừng để những điều tốt đẹp đó mất đi trong thời đại ngày nay. Báo chí từng có thời thể hiện tính cách mạng, đưa tin trung thực, chính xác khách quan, và nhà báo được coi trọng và vị nể. Các nhà báo ngày nay đừng để những điều tốt đẹp đó mất đi, chứ chưa nói đến kế thừa, phát triển và làm thăng hoa nó.

Nếu mọi người đều văn minh, tôn trọng nhau thì sẽ không có chuyện “đá nhau” cả ở hiện trường lẫn trên mạng, khi tất cả chúng ta đều đi tìm sự thật, xoa dịu nỗi đau, đem lại công bằng cho người thiệt mạng và vì bình yên của người dân.

Nguồn: VNTB

No comments: