Philip Jenkins
Rõ rệt đây là những ngày u ám đối với Giáo hội Công giáo Roma. Trải qua hơn một thập niên, giáo hội Hoa kỳ đã bị tấn công bằng những cáo buộc lạm dụng tính dục và bị tàn hại do hậu quả của những vụ kiện tụng. Tòa thánh Vatican thường tự an ủi với niềm tin rằng đây chỉ là một cuộc khủng hoảng riêng biệt ở Mỹ, thế nhưng, năm nay, những trường hợp lạm dụng tương tự như thế đã nổi lên khắp cả châu Âu – đau đớn nhất là tại Ái nhĩ lan, là một trong những quốc gia trung thành với đạo Công giáo nhất thế giới. Ở khắp cả châu lục này, các vị giám mục đang phải đối đầu với những đòi hỏi phải từ chức, trong khi đó giới phê bình chỉ trích còn thúc giục chính Đức giáo hoàng Benedict nên cứu xét đến chuyện bước xuống. Một số nhà bình luận của giới truyền thông còn đặt câu hỏi xem Giáo hội có thể sống còn qua cơn khủng hoảng này hay không.
Nhưng những chứng cứ hiển nhiên nhất cho thấy Giáo hội sẽ tồn tại lâu bền và ngay cả chuyện còn hưởng được một cuộc nở rộ có tính cách lịch sử nữa – không phải ở những nơi chốn giáo hội đã phát triển trong lịch sử. Từ nhiều năm, trọng tâm của Giáo hội đã di chuyển khỏi châu Âu, hướng về phía nam tới châu Phi và châu Mỹ Latinh. Một số nhà quan sát Giáo hội đã nhận xét là Tòa thánh Vatican nay đặt không đúng chỗ: Nó cách vùng đất quê hương đang nổi trội lên quá xa ở phía bắc tới 2000 miles. Những tai tiếng về cuộc lạm dụng tính dục mới đây sẽ làm tăng mau cuộc chuyển đổi căn cơ này, làm mất thế giá của giới ưu tú già nua ở châu Âu và mở cửa cho một thế hệ mới các nhà lãnh đạo, những người hòa hợp được nhu cầu và mối quan tâm của các tín hữu ở phía nam bán cầu nhiều hơn. Nói đúng ra, thế giới Công giáo sẽ hoàn toàn quay ngược chiều xuống phía dưới.
Hàng bao thế kỷ, Giáo hội Công giáo mạnh nhất là ở châu Âu, điều này không còn ai thắc mắc. Năm 1900 châu lục này chiếm 2/3 số tín hữu gần 270 triệu người của Giáo hội. Châu Mỹ La tinh có 70 triệu, trong khi châu Phi gần như trống rỗng trên bản đồ với chỉ chừng 2 triệu tín đồ. Năm 1920, một triết nhân người Pháp gốc Anh, ông Hilaire Belloc, phát biểu như một tuyên ngôn: “Đạo là châu Âu và châu Âu là Đạo.”
Kể từ đó, và đặc biệt kể từ những năm 1960, đạo Công giáo đã và đang di chuyển xuống phía nam. Một phần, là do công tác rao truyền Tin mừng được Giáo hội và các dòng tu bảo trợ; số những người mới trở lại theo đạo, chẳng hạn, đã đột biến cao tại châu Phi. Nhưng sự chuyển đổi theo dân số học cũng đã góp phần. Trong lúc dân số tăng một cách khiêm tốn tại châu Âu, thì nó lại bùng nổ tại phía nam hoàn cầu – và số người Công giáo đã tăng nhanh. Ngày nay, thế giới có 900 triệu người Công giáo nhiều hơn năm 1900, nhưng trong số này chỉ có 100 triệu là số gia tăng tại châu Âu.
Một phần, đạo Công giáo tại châu Âu đã bị giảm sút vì khuynh hướng tục hoá nói chung và và sự thờ ơ đối với tôn giáo của dân chúng. Chẳng hạn, bằng chứng là trong cuộc thăm dò mới đây cho biết chỉ có phân nửa số người Pháp cho rằng mình có đạo Công giáo – giảm xuống từ 80% vào hai thập niên trước đây. Cũng còn có một sự giảm sút lớn lao trong việc thực hành đức tin. Đặc biệt là tại vùng Tây Âu, hàng triệu người Công giáo chỉ còn là thành viên của Giáo hội theo ý nghĩa kỹ thuật, tức là đã có rửa tội; họ không bao giờ lai vãng đến cửa nhà thờ, và không ủng hộ các chính sách chính thức của Giáo hội về những vấn đề luân lý hoặc tính dục. Vào đầu thiên niên kỷ này, chỉ có chừng 18% người Công giáo tại Tây ban nha và 12% tại Pháp cho biết có đi lễ hàng tuần; những con số này tại Đức, Áo và Hòa lan là gữa 10% và 15%.
Châu Mỹ Latinh, ngược lại, cho đến nay là khu vực có nhiều người Công giáo nhất. Sự tăng trưởng dân số mau chóng trong thế kỷ trước đã đưa con số chính thức các tín hữu lên tới gần 460 triệu người, và con số này sẽ còn tăng lên đến 600 triệu trong vòng hai thập niên tới đây – để chiếm 45% tổng số người Công giáo trên thế giới. Thống kê của Tòa thánh Vatican cho thấy Ba tây là quốc gia đông người Công giáo nhất, với 160 triệu tín đồ, chiếm gần 85% dân số nước này. (Những ước tính đáng tin cậy hơn nói rằng có 65% dân số Ba tây là người Công giáo, vì một số giáo hội Tin Lành đang có sự gia tăng những người theo. Dù thế, số người Công giáo tại nước này vẫn là một con số lớn lao.)
Trong khi đó, châu Phi lại là sân khấu của một cuộc cách mạng tôn giáo. Suốt thế kỷ 20, số người theo Kitô giáo nở rộ khắp cả châu lục này, đặc biệt là người Công giáo. Năm 2000, châu Phi có 130 triệu người Công giáo. Con số này, theo lời ông John Allen, Jr., một quan sát viên tại Vatican, nói trong cuốn sách của ông nhan đề Giáo hội Tương lai, là một sự tăng trưởng với tỷ lệ 6.700%. (sáu ngàn bẩy trăm phần trăm). Vào khoảng năm 2025 sẽ có ít nhất 220 triệu người Phi châu theo đạo Công giáo, làm cho châu lục này chiếm 1/6 tổng số người trong Giáo hội toàn cầu. (Chúng tôi nói “ít nhất” là vì Giáo hội châu Phi dường như không có khả năng tính đúng được số tín đồ vì thiếu cơ cấu để theo dõi các biến chuyển xảy ra. Theo cuộc thăm dò của Viện Gallup Thế giới, con số người châu Phi khai rằng mình theo Công giáo nay đã đạt tới 200 triệu rồi. Con số này cao hơn tất cả các số lượng chính thức của Giáo hội đưa ra tới hơn 20%.)
Theo dự phóng, vào năm 2050, châu Phi sẽ có số tín hữu Công giáo nhiều hơn cả châu Âu rất nhiều. Quả vậy, dự kiến cho thấy rằng, vào thời điểm nửa thế kỷ 21, châu Âu chỉ còn chiếm khoảng 1.5% tổng số người theo đạo Công giáo – và trong số này, nhiều người lại là di dân đến từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Vì thế, Giáo hội Công giáo sẽ vẫn giữ vai trò chính yếu – còn gần như chính yếu – trong nền kinh tế tâm linh của thế giới, nhưng Giáo hội sẽ có một thực thể rất là khác biệt. Và sự chuyển biến này sẽ chỉ được làm cho mau chóng hơn lên bởi cuộc khủng hoảng về lạm dụng tính dục hiện nay.
Những tai tiếng về lạm dụng trước đây, như những vụ xảy ra tại Hoa kỳ vào đầu những năm 2000, đã không có tác động rõ rệt trên số người theo đạo tại châu Âu. Thế nhưng những cáo buộc gần đây, lấn tới Đức, Ái nhĩ lan, Bỉ và các quốc gia khác ở châu Âu, đã vang động sâu xa khắp cả châu lục, đặc biệt là từ khi các cáo buộc về sự lơ là của các viên chức dường như chiếu thẳng tới chính Đức giáo hoàng. Hậu quả sẽ đặc biệt mạnh tại vùng Tây Âu, là nơi giới truyền thông có sức mạnh đáng kể, đang không ngừng đối nghịch với hàng giáo phẩm Công giáo và ngay cả với chính Giáo hội nữa.
Chúng tôi không thể đo lường chính xác xem hậu quả của cuộc khủng hoảng này sẽ tác động như thế nào trên số người theo đạo tại châu Âu – tuy rằng, theo Viện Forsa, có thể có tới ¼ số người Công giáo tại Đức đang xem xét việc rời bỏ Giáo hội. Tối thiểu ra, cuộc khủng hoảng cũng có thể đã làm cho những người Công giáo nguội lạnh xa lánh Giáo hội rồi và đặt ra ngoài lề thiểu số người giữ đạo sốt sắng. Nó cũng sẽ làm giảm thiểu nặng nề đến vấn đề tài chánh của Giáo hội, đặc biệt là ở những nơi người công dân chọn lựa cung ứng một phần thuế họ đóng cho các công tác tôn giáo và từ thiện: Hãy chờ đợi xem một phần lớn các quỹ này không còn dành cho các công tác của Công giáo.
Tường thuật của giới truyền thông về vụ lạm dụng cũng như đáp ứng khiếm khuyết của Vatican cũng sẽ cung cấp dư dật võ khí cho những ai muốn đưa tôn giáo ra khỏi lãnh vực chính trị. Các đối thủ của Giáo hội tại châu Âu sẽ thấy dễ dàng hơn khi muốn làm im tiếng nói của Vatican trong các luật lệ tương lai liên quan đến những vấn đề như phá thai, hôn nhân và con nuôi đồng tính, các kỹ thuật sinh sản. Trong bất cứ tình huống gây tranh cãi này, cuộc xung đột cũng dễ đoán trước được: Khi các nhà lãnh đạo Giáo hội trưng dẫn lý do bảo vệ trẻ em và các quyền lợi của chúng làm lý do để ủng hộ hay để phản đối các chính sách, thì những nhà chỉ trích thế tục sẽ chỉ ngay ra rằng các giám mục, các hồng y đã không phải lúc nào cũng quan tâm đến phúc lợi của trẻ thơ như thế. Đó là một sự phê bình chỉ trích khó mà phản công lại được.
Nhưng những hậu quả của cuộc khủng hoảng lạm dụng sẽ ít hơn rất nhiều tại châu Phi và châu Mỹ La tinh, nơi những người trung thành theo đạo vẫn liên quan mật thiết với các hệ thống phức tạp của xã hội và gia đình. (Chẳng hạn, đạo Công giáo tại châu Phi vẫn còn gắn bó với sự trung thành đối với gia đình, khu vực địa phương và chủng tộc, một thứ địa lý và lịch sử thánh thiêng -- rất giống như hệ thống đã có tại châu Âu vào những thế kỷ đã qua). Giới truyền thông thế tục cũng không được hưởng sự hiện diện lan tỏa rộng lớn tại châu Phi và Mỹ La tinh như tại châu Âu, và Giáo hội có những tiếng nói riêng mạnh mẽ trong giới truyền thông để bảo vệ đức tin. Nếu những tiết lộ về lạm dụng có đưa một số người Công giáo rời xa Giáo hội – và có thể là sang các đạo đối nghịch khác – thì những người đó có lẽ dù sao cũng đã trên chiều hướng đào ngũ rồi; những điều phanh phui chỉ như là cú đẩy thêm cho trót.
Quả thực, khi mà cuộc khủng hoảng làm tăng nhanh sự khuyết tàn của ảnh hưởng Công giáo tại châu Âu, nó lại làm củng cố những mầm rễ mới của Giáo hội tại phương nam. Số người theo đạo sẽ tiếp tục gia tăng và phẩm trật của Giáo hội sẽ không ngừng hình thành bằng các giáo sĩ phía nam. Khi đến ngày giờ lựa chọn một người thay thế Đức giáo hoàng Benedict XVI, các hồng y, là những người thấu đáo hậu quả cuộc khủng hoảng lạm dụng, có thể sẽ xem xét đến các ứng viên quốc tế có nhiều sáng kiến hơn, không bị ô nhiễm bởi những liên hệ với châu Âu. Một vị giáo hoàng gốc châu Mỹ Latinh có lẽ sẽ là một sự chọn lựa. Vì thế, khi ước đoán Giáo hội sẽ như thế nào vào năm 2050, John Allen tưởng tượng thấy một vị giáo hoàng người gốc châu Phi, tượng trưng cho phúc lợi của châu lục quê hương của ngài trên sân khấu thế giới. Rất có thể rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng sẽ đẩy cho kịch bản này đến gần hơn với thời gian hiện tại; kỳ tới, khi các vị hồng y phải lựa chọn một nhà lãnh đạo mới cho Vatican, các vị đó có thể hỏi: tại sao lại không phải là một người châu Phi nhỉ?
Đến lúc đó, có lẽ, một lý thuyết gia sắc sảo nào đó sẽ có thể khoa trương: ”Châu Phi là Đức Tin.” Và ai dám chất vấn lời tuyên bố như thế?
No comments:
Post a Comment