2016/07/26

Sao cứ phải là ‘trăm dâu đổ đầu’ ông Võ Kim Cự?

Ngay khi Quốc hội nhóm họp kỳ mới, vấn đề nóng nhất có lẽ là trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa. Trách nhiệm của ông này trong vụ Formosa thì khó né tránh, nhưng ngạc nhiên nhất chính là cách thức truyền thông "truy vấn" nhân vật này.


Trước tiên, phải thừa nhận rằng, ông Võ Kim Cự có trách nhiệm trong vụ việc của Formosa vì ông đã từng trải qua những vị trí công việc quan trọng ở Hà Tĩnh, gắn liền với sự xuất hiện của Formosa ở mảnh đất này. Từ Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cho đến Chủ tịch và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy.

Tuy nhiên, để đổ dồn hết tất cả trách nhiệm vào ông Cự như cách mà chúng ta đang “truy vấn” thì có lẽ không công bằng cho ông và cũng không toàn vẹn vấn đề.

Khi Formosa bắt đầu đặt vấn đề bước chân vào Hà Tĩnh, khi đó, ông Võ Kim Cự mới chỉ là Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng.

Ban Quản lý khu kinh tế là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư.

Trên thực tế, ai cũng hiểu rằng, Ban quản lý khu kinh tế chỉ là nơi trung gian, cầu nối giữa chính quyền và các doanh nghiệp. Còn quyền lực trên thực tế, gần như không có gì.
Ông Võ Kim Cự. (Ảnh Nam Trần - Tuổi trẻ)
Vậy, đối đầu với Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng Võ Kim Cự lúc đó là ai?
Tập đoàn công nghiệp Formosa là một tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn nhất Đài Loan hoạt động đa ngành, bao gồm cả công nghệ sinh học, hóa dầu, chế biến và sản xuất các thành phần thiết bị điện tử.

Mỗi năm, doanh thu toàn cầu của Formosa khoảng 80 tỷ đô la - tức là bằng 1 nửa GDP của cả nước Việt Nam.

Từ khi thành lập năm 1954, Formosa đã có kinh nghiệm làm ăn khắp trên thế giới, thu về những món lợi khổng lồ, Formosa xứng đáng được gọi là một nhà đại tư bản công nghiệp và là một trong những đế chế công nghiệp nặng hàng đầu của châu Á và thế giới.

Nói một cách ví von, thời điểm 2 bên gặp nhau (năm 2008), Formosa đã như một con 'cáo già' đi chinh phạt khắp thế giới, còn Võ Kim Cự chỉ là một anh chàng chập chững học làm kinh tế ở một vùng quê nghèo.

Cuộc chiến quả là không cân sức.

Hơn nữa, lúc đó, Hà Tĩnh đang là một trong những tỉnh nghèo nhất nước với nền nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp thì… không có gì, tài nguyên thì thuộc dạng “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Hà Tĩnh như một bãi cát khô cằn, khao khát dòng tiền đầu tư, khao khát sự thay đổi.

Đó là lý do Hà Tĩnh bị choáng ngợp trước sự hoành tráng của Formosa.

Nếu suy luận theo logic như chúng ta đang quy cho ông Võ Kim Cự (ông Cự quyết định việc làm ăn với Formosa) thì rõ ràng: Một ông Trưởng ban quản lý khu kinh tế của một tỉnh nghèo, quyền hành chẳng có - đối đầu sao nổi với đại tư bản Formosa.

Đó là chưa kể, trong bộ máy hành chính tỉnh Hà Tĩnh, ông Cự không thể một mình quyết được hết mọi vấn đề. Trên hết, những đại dự án như Formosa thì sự quyết định chắc chắn phải đến từ cấp Trung ương.

Đầu tiên, chúng ta phải xác định rằng, các nhà tư bản quốc tế đầu tư vào đất nước khác là để thu lợi nhuận, chứ đừng mơ đến kiểu lý tưởng hão huyền “đầu tư vì sự phát triển của địa phương”. Trong quá trình đầu tư, các nhà tư bản sẽ kiếm đủ kiểu, đủ cách để tiết kiệm chi phí, để tận thu lợi nhuận.

Và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng khi làm ăn với các nhà tư bản quốc tế là giám sát họ thật chặt, làm sao để 2 bên cùng có lợi và đất nước không bị ảnh hưởng.
Vậy, năm 2008, mở cửa đón Formosa, các cơ quan chức năng cấp Trung ương phải cư xử thế nào cho đúng đắn?
Nếu đúng, thì các cơ quan chức năng phải “xắn tay áo” vào giúp Hà Tĩnh tìm hiểu, "mổ xẻ" Formosa, tìm ra các cơ chế hợp tác đầu tư phù hợp nhất đảm bảo phát triển bền vững.

- Ngành kế hoạch đầu tư phải giúp Hà Tĩnh hoạch định, giám sát chiến lược đầu tư khu kinh tế, làm ăn với Formosa.

- Ngành tài nguyên môi trường phải giúp Hà Tĩnh xây dựng hệ thống đảm bảo môi trường, các kế hoạch khai thác tài nguyên bền vững.

- Ngành tài chính - thuế phải giúp Hà Tĩnh kiểm soát và thu thuế hiệu quả.

- Ngành nông nghiệp - PTNT phải giúp Hà Tĩnh chuyển đổi mô hình kinh tế.

- Ngành công thương phải giúp Hà Tĩnh quản lý hoạt động kinh tế của Formosa.

Có như thế thì may ra chúng ta mới khai thác, làm ăn với các nhà đại tư bản một cách hiệu quả và bền vững.

Đằng này, nhiều các ngành Trung ương cứ kiểm soát qua loa, "gật gà gật gù" - cuối năm thu thuế đều đặn. (Nên nhớ rằng, thuế thu từ Formosa chủ yếu là Hà Tĩnh thu hộ và nộp về Trung ương).

Đến khi xảy ra sự cố thì tất cả mọi việc lại đổ đầu cho một ông "quan địa phương" - có vẻ không công bằng. Mà ông "quan địa phương" này mới ngay trước đó còn được Trung ương và dư luận khen, coi như "người hùng" vì có công mang về một đại dự án làm thay đổi cả vùng đất Hà Tĩnh.

Suốt sự nghiệp làm chính trị, ông Võ Kim Cự có lẽ đang trải qua những tháng ngày đắng cay nhất khi phải trốn tránh dư luận. Cuối cùng, khi phải nói thì cũng cực chẳng đã phải "toạc móng heo " rằng: “Giấy tờ chúng tôi còn giữ đây. Chưa có bộ nào là không đồng ý Formosa”.

Đồng ý là chúng ta không bao che, không thể bao che, không nên bao che cho trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nhưng cứ “trăm dâu đổ đầu tằm” thì có nên không?

No comments: