2016/07/29

TÍNH HỢP LÝ CỦA PHÓNG SỰ "TẠI SAO SINH VIÊN VIỆT KHÔNG QUAN TÂM THẢM HỌA CÁ CHẾT?"

Phóng sự của trang tin Nhà thờ Thái Hà (Nguồn: Youtube). 

Mới đây nhất trang tin Nhà thờ Thái Hà đã thực hiện một Phóng sự lí giải "Tại sao sinh viên Việt không quan tâm thảm họa cá chết?" với thời lượng 5'22 giây. 
Câu trả lời được trang tin của Nhà thờ Dòng chúa cứu thế Thái Hà (Hà Nội) đưa ra từ phóng sự có thể gói gọn trong 3 đoạn tiêu đề ngắn được nói đến trong bài viết: (1). Học tủ, học vẹt; (2). Học gạo, học kiếm tiền!; (3). Chính trị – lãnh vực kị trong môi trường học. 
1. Có một điều mà không nói là ai cũng hiểu, mục đích việc trang tin này chỉ ra 03 nguyên nhân trên không ngoài việc lên án chế độ giáo dục & đào tạo đang được thực hiện tại Việt Nam. Theo đó, để chỉ ra "Học tủ, học vẹt" khiến những học sinh được hỏi tỏ ra không quan tâm tới thảm họa cá chết", trang tin này viết: "Giáo dục Việt Nam lâu nay dạy học sinh cách học tủ, học vẹt. Học tủ chỉ học những điều sách cho biết, giáo viên cho biết, ngoài ra không quan tâm đến các vấn đề khác. Học tủ nên dẫn tới học vẹt. Cách học này bắt học sinh, sinh viên học thuộc lòng từng câu từng chữ, nhưng không hiểu điều mình học. Giống như con vẹt học nói vậy". 

Cứ cho điều này là đúng đi nữa bởi nó đang cho thấy hệ quả của nền giáo dục cũ vốn đã lỗi thời đi nữa nhưng xem chừng cái ví dụ được kể ra sau đó hoàn toàn là chuyện khác và không phù hợp với điều chúng ta đang nói đến: "Vào năm 2009 tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam, một giáo viên (thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hạnh) bị cho thôi việc vì “sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà Nước.” Nhưng như lời giáo viên này, cô chỉ khuyến khích học sinh, ngoài việc học trên lớp, học sinh cần vào internet để tìm hiểu thêm vấn đề liên quan và các vấn đề khác để kiến thức được đào sâu, mở rộng". Bởi khuyến khích học sinh phát huy tối đa khả năng tự học, tự tìm hiểu những vấn đề xung quanh không có nghĩa là chỉ cho chúng tiếp cận những thứ phản văn hóa, đi ngược lại đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Chúng ta thử hỏi, thế hệ học sinh đương đại sẽ ra sao nếu ngay từ khi sinh ra chúng đã có ý thức chống đối chế độ trong khi chế độ đó đã tạo điều kiện tối đa cho chúng được học hành và phát triển bình thường? Xu hướng nổi loạn chưa bao giờ là xu hướng để đưa xã hội đến những điều tốt đẹp. Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh được trang tin này chỉ ra vì thế có chăng là cách họ bảo vệ người đồng đạo đã dính vào sai lầm và bị trả giá (Nguyễn Thị Bích Hạnh là người Công giáo, hiện đang sinh sống tại giáo xứ Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). 

Cho nên, hết sức đồng tình việc "học tủ, học vẹt" đang đẩy học sinh tới những lối mòn trong tư duy, suy nghĩ. Nhưng thay đổi tư duy "học tủ, học vẹt" cũng cần được tính toán một cách thận trọng, bởi nếu thay đổi không kiểm soát thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang khuyến khích các em tiếp cận vào những thứ không phù hợp trong hình thành nhân cách, đạo đức các em! 

2. "Học gạo, học kiếm tiền!" là nguyên nhân thứ hai được trang tin Nhà thờ Thái Hà đề cập đến cho câu hỏi được đặt ra. Lí do này xin miễn bình luận bởi cũng như lí do thứ nhất từ lâu điều này được xác định là một trong những căn bệnh kinh niên của nền giáo dục Việt Nam. Sự thực dụng trong mọi thứ luôn phải trả giá chứ không riêng gì trong giáo dục. 

3. Lí do thứ ba được chỉ ra là "Chính trị – lãnh vực kị trong môi trường học". Hiểu nôm na là do không  đưa lĩnh vực chính trị, những bài học về chính trị vào trường học nên đã sản sinh ra một thế hệ học sinh không quan tâm hoặc thờ ơ về chính trị. 

Xét trên mặt logic thì thứ suy nghĩ này không sai, kiểu như chết đói thì chỉ do ăn chứ không thể do thứ khác. Tuy nhiên, liệu việc thiếu hiểu biết hoặc thờ ơ trước các sự kiện, vấn đề mang yếu tố chính trị có phải là nguyên nhân mang tính bản chất và cốt yếu hay đó là một thứ suy luận có tính viển vông và không phản ánh đúng bản chất cũng như mục tiêu của sự nghiệp giáo dục? 

Ý kiến cá nhân người viết thì không phải. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục không phải nhồi sọ vào những chủ thể học những học thuyết chính trị, tư tưởng chính trị hay khiến người ta trung thành tuyệt đối với một thể chế chính trị nào đó... mà chính là giúp cho người học có một phông nền kiến thức thực tế, kỹ năng thực tế - những thứ có thể giúp họ sống, tồn tại và biết thích nghi trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào. Và trong một tính mục đích rõ ràng như thế, chính trị và những vấn đề liên quan tới nó không thể và không nên có mặt trong đó một cách chính thống. Nó có chăng chỉ xuất hiện trong những ví dụ để con người ta hiểu rõ về những luận điểm, sự kiện lịch sử mà thôi. 

Mặt khác, chúng ta cũng nên phân biệt rạch ròi và rõ ràng giữa việc chính trị và những sự kiện xã hội thu hút sự theo dõi, quan tâm của đông đảo dư luận. Hiểu được điều này chúng ta sẽ thấy, bản thân sự việc cá chết vừa qua không phải là một vấn đề chính trị mà ngay từ đầu và xuyên suốt nó là một vấn đề xã hội được đánh giá là nhạy cảm. Việc cho rằng, nó là một vấn đề chính trị là tư duy của những kẻ hễ thấy gì cũng nghĩ tới cái sai của chính thể, nhà nước mà thôi. 

Và xin đính chính lại là trong chương trình giáo dục ở nhiều cấp học đang thực hiện ở nền giáo dục phổ thông Việt Nam, nhà trường, người dạy luôn khuyến khích học sinh, người học tiếp cận các vấn đề xã hội dưới chiều hướng tích cực, nhân văn. Suy ra từ điều này, việc các em học sinh không quan tâm tới thảm họa cá chết hoặc là do các em đó không thực hiện hết nhiệm vụ trong quá trình học tập hoặc các em đã ý thức được không nên quan tâm tới nó. Lí do của cái không nên quan tâm có thể (1) các em ý thức được việc đó không phải việc của các em mà đã có các cơ quan chức năng liên quan lo liệu; hoặc (2) ngay từ đầu các em được nhà trường, báo chí và các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên tiếp cận bởi nếu tiếp cận không đúng nguồn thì sẽ tạo điều kiện cho một bộ phận chống đối lợi dụng, kích động. Bản lĩnh chính trị của các em có thể sẽ không sáng suốt tránh xa mà dẫn đến việc bị cám dỗ! 

Cuối cùng, điều tôi hơi băn khoăn nữa về sự hợp lý của những kết luận nguyên nhân được trang tin Nhà thờ Thái Hà chỉ ra xung quanh câu hỏi: "Tại sao một thảm họa môi trường kinh hoàng gây ra bao thiệt hại, hệ lụy cho người Việt, được cả thế giới quan tâm mà sinh viên Việt thờ ơ, dửng dưng như vậy?" là liệu chỉ mới phỏng vấn có "Gần 10 sinh viên" (chữ của trang tin Nhà thờ Thái Hà) mà đã cho rằng không quan tâm, thờ ơ thì có vội vàng quá không? Đó là chưa nói đến những sinh viên được phỏng vấn đó không thể  đại diện hết được xu hướng, khí chất, sở thích... của sinh viên Việt Nam nói chung. Cuộc phỏng vấn của trang tin Nhà thờ Thái Hà và những kết luận do chính họ đưa ra vì thế chỉ phản ánh một khía cạnh rất nhỏ, có thể chỉ tồn tại ở những sinh việc được họ hỏi, còn lại đa số thì tỏ ra quan tâm và hiểu biết nó. 

Vậy nên, còn quá sớm để quy kết nếu chỉ dựa trên một cuộc phỏng vấn như thế!

An Chiến

No comments: