2016/07/26

Phạm vi tranh chấp ở biển Đông sau phán quyết của Toà Trọng tài

Mõ Làng


Hôm nay (25/7/2016) Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) đã ra tuyên bố chung trong đó có một phần riêng về Biển Đông. Sau phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) có vẻ vấn đề tranh chấp biển Đông đã thu hẹp được bất đồng. 

Ngày 12/7/2016 Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc. Một trong những đóng góp chính của phán quyết này là giúp thu hẹp phạm vi tranh chấp trong vùng biển quanh quần đảo Trường Sa và qua đó cũng thu hẹp phạm vi tranh chấp trên toàn biển Đông.

Bài viết này chỉ ra các thay đổi về phạm vi tranh chấp trên biển Đông sau phán quyết và một số điều chúng ta có thể tận dụng để giành lấy các quyền chính đáng mà đáng lý chúng ta được hưởng theo luật pháp quốc tế.

Sau năm 1994, tức là sau khi Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS) có hiệu lực, tất cả các quốc gia ven biển hay quần đảo đều có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lên tới 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng lên tới 350 hải lý nếu điều kiện địa lý cho phép(*). Trong phần biển này, nước chủ nhà được độc quyền khai thác tài nguyên sinh vật lẫn phi sinh vật trong biển và lòng đất dưới đáy biển, đổi lại phải từ bỏ những quyền tương tự từng có trong EEZ của nước khác.

Tuy nhiên, trước khi có phán quyết của PCA, với yêu sách đường đường lưỡi bò (ĐLB) mập mờ của Trung Quốc đưa ra vào tháng 5/2009 sau khi Viet Nam và Malaysia nộp hồ sơ về thềm lục địa mở rộng cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa LLHQ, thực tế toàn bộ diện tích bên trong ĐLB đã trờ thành đối tuợng tranh chấp và EEZ các nuớc bị thu hẹp chỉ còn những dải biển hẹp ven bờ như thể hiện ở bản đồ 1.

                           Bản đồ 1: Khu vực tranh chấp khi có mặt ĐLB

Với phán quyết của PCA tình hình đã thay đổi đáng kể. Chỉ riêng với kết luận của PCA trong phán quyết rằng ĐLB là không có sơ sở pháp lý thì phạm vi tranh chấp thu hẹp đáng kể. Phạm vi tranh chấp chủ yếu chỉ quanh khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa do bản thân các thể địa lý ở đó có tranh chấp và do đó các vùng biển mà chúng có thể đuợc huởng theo UNCLOS cũng trở thành tranh chấp. Nếu dùng trung tuyến làm ranh giới các chỗ chồng lấn (cách mà các bên khó bác bỏ) của EEZ có thể có của Hoàng Sa và Truờng Sa với EEZ tính từ bờ của các nuớc liên quan thì phạm vi tranh chấp như thể hiện trong bản đồ 2.

Bản đồ 2: Phạm vi tranh chấp khi không có ĐLB [và quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có EEZ]

EEZ Hoàng Sa tính từ đường cơ sở TQ tự vẽ, EEZ Trường Sa tính theo các đảo nổi.
Còn nếu tính cả kết luận của PCA rằng không có thực thể địa lý nào ở Trường Sa là đảo (tức chúng chỉ được hưởng tối đa 12 hải lý lãnh hải bao quanh) thì phạm vi có tranh chấp quanh khu vực quần đảo Trường Sa thu nhỏ lại chỉ còn các khoảng biển 12 hải lí bao quanh các thể đia lý nổi như thấy trong bản đồ này. Và do đó, vùng không tranh chấp của Việt Nam và các nước liên quan phần ở khu vực Trường Sa sẽ tăng lên thêm rất nhiều (xem bản đồ 3).

Riêng đối với khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa, tình hình cũng có cải thiện nhưng không nhiều như ở khu vực Trường Sa. Quần đảo này hiện đang do Trung Quốc kiểm soát và theo họ, với tư cách một khối nó có EEZ và thềm lục địa được tính từ đường cơ sở thẳng phi pháp do họ tự vẽ bao quanh (theo UNCLOS chỉ những nước quần đảo mới được phép vẽ đường cơ sở loại này). Cũng lưu ý rằng theo phán quyết của PCA thì không có thể địa lý nào của quần đảo Trường Sa có EEZ nên EEZ do TQ yêu sách cho Hoàng Sa có thể vươn ra tối đa 200 hải lý về phía Trường Sa. Do đó, phạm vi tranh chấp quanh khu vực Hoàng Sa vẫn còn khá rộng (xem bản đồ 3).

Bản đồ 3: Phạm vi có tranh chấp của biển Đông (tô xanh) và EEZ không tranh chấp của Việt Nam (tô tím) sau phán quyết của PCA

Với phán quyết này, nếu Trung Quốc chấp hành thì VN, PLP, Malaysia... có thể tự do hành xử các quyền theo quy định trong EEZ (trừ một ít khoảng biển có tranh chấp [như đã chỉ trong bản đồ 4] nằm trong hoặc chồng lấn với EEZ của mình) mà ko nước nào được phép cản trở. Những việc như đâm tàu, cắt cáp, đánh cá ,đơn phương cấm đánh cá, mở thầu thăm dò, khai thác tài nguyên… do nước ngoài thực hiện trong vùng này là những hành động phi pháp không thể biện minh. Nước chủ nhà có cơ sở vững chắc để đưa ra phản ứng thích đáng và dễ dàng nhận được sự ủng hộ của công luận quốc tế. Nước chủ nhà cũng dễ dàng hợp đồng với các công ty nước ngoài để thăm dò, khai thác tài nguyên dưới lòng biển trong vùng không tranh chấp này vì rủi ro bị cản trở giảm đi và nếu bị cản trở thì chính phủ của họ có cơ sở vững vàng để mạnh tay can thiệp. Hơn nữa, ngư dân các nước cũng có quyền đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế (phần giới hạn bởi đường biên các EEZ của Việt Nam, Philippines, Malaysia,Malaysia và Indenesia ngoại trừ các khoảng biển còn tranh chấp). Thậm chí, chúng ta cũng có thể viện dẫn kết luận của PCA về việc ngư dân Philippines đuợc quyền đánh cá trong lãnh hải của bãi cạn Scarborough để đòi hỏi quyền đánh cá của ngư dân Việt Nam bên trong các khoảng biển còn tranh chấp ở Hoàng Sa và Truờng Sa vì đây là ngư truờng truyền thống của ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân Philippines trong lãnh hải của Scarborough.

Ngoài ra, trong khi chưa đòi được Hoàng Sa, chúng ta có thể viện dẫn kết luận "Toà cho rằng Công ước luật biển của LHQ không quy định cho một nhóm đảo như Trường Sa có thể tạo ra các vùng biển được hưởng với tư cách một đơn vị" trong phán quyết tìm cách bác bỏ đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa qua thương lượng, đấu tranh và thậm chí kiện ra toà , đặc biệt là khi có những vụ vi phạm của họ trong vùng có đánh dấu ‘?’, chẳng hạn như vụ giàn khoan 981 năm 2013. Cũng lưu ý thêm tình trạng của đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa cũng khá tương tự với đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa. Vì thế có thể dựa vào phán quyết này của PCA để tìm cách thương lương hoặc nếu cần có thể đấu tranh hoặc kiện bác bỏ việc Phú Lâm có EEZ là điều hoàn toàn khả thi, dù có khó khăn. Học tập kinh nghiệm của Philippines trong vụ kiện này, với nguồn lực nhà nước cũng như khả năng của các học giả và các nhà nghiên cứ tư nhân, hi vọng chúng ta có thể tìm ra nhiều tài liệu lịch sử, địa lý, địa chất, thổ nhưỡng, thuỷ văn… các bản đồ, hình ảnh, ảnh vệ tinh… cho thấy Phú Lâm không thể duy trì sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế riêng theo những diễn giải về điều 121 của UNCLOS trong phán quyết để khi thích hợp khởi kiện về việc này (xem thêm phục lục). Nếu được cả hai điều này (Phú Lâm không là đảo và Hoàng Sa không thể có EEZ như một đơn vị duy nhất) thì phạm vi tranh chấp ở khu vực Hoàng Sa sẽ thu hẹp giống như ở Trường Sa sau phán quyết. Bản đồ 5 cho thấy phạm vi tranh chấp trên biển Đông lúc đó thu hẹp hơn nhiều, chỉ còn các khoảng biển 12 hải lý quanh các đảo nổi có tranh chấp. Dĩ nhiên, do điều kiện tự nhiên Việt Nam vẫn phải chấp nhận có 4 vị trí nằm một phần hay toàn bộ trong EEZ của mình (3 ở khu vực Hoàng Sa và 1 ở khu vực Trường Sa). 

Bản đồ 4: Các khu vực tranh chấp khi quần đảo Hoàng Sa cũng không có EEZ

(Phần nằm giữa EEZ 200 hải lý của các nước trước mắt sẽ là vùng biển quốc tế)

Mặc dù ước muốn cuối cùng của chúng ta chủ quyền thiêng liêng đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên trong tương tai không ngắn để đạt được mức độ như thể hiện trong bản đồ 4, thậm chí trong bản đồ 3 vẫn là điều rất tích cực: chúng ta sẽ an toàn hơn trong việc khai thác tài nguyên trong biển và dưới lòng đất trong hầu hết EEZ của mình như đã nêu trên. Ngay cả chỉ đạt được mức độ này cũng là quá trình đấu tranh không đơn giản trước tham vọng và thái độ bất chấp luật pháp của Trung Quốc như ta chúng đã và đang thấy. Theo các ràng buộc trong luật pháp quốc tế và các thỏa thuận của VN với Trung Quốc truớc mắt ta cần thuơng luợng với họ về các điều này và việc khởi kiện có vẻ là điều khó loại trừ và khả năng thắng kiện chắc chắn không nhỏ nhờ tiền lệ của vụ kiện đang bàn.

Còn một điểm nhỏ nữa, do được vẽ trước khi có UNCLOS nên đường cơ sở của VN do có những chỗ không phù hợp với quy định của Công ước này và như vậy cũng có ảnh hưởng tới EEZ dù không lớn lắm. Vì vậy để thật thuyết phục rằng EEZ của VN là chính đáng, có lẽ nhà nước VN cũng cần sớm điều chỉnh lại đường cơ sở này,
_______________
(*) Trường hợp điều kiện địa lí không cho phép, chẳng hạn bờ biển 2 bên cách nhau không tới 400 hải lý thì phần chồng lấn sẽ được chia theo trung tuyến (hoặc trung tuyến có điều chỉnh) hay theo thoả thuận của hai bên liện quan miễn không làm thiệt hại đến bên thứ ba khác.
- Các bản đồ trên sử dụng trung tuyến vẽ sẵn của tổ chức Marine Regions ở Bỉ, và có tham khảo bản đồ của CSIS (Asia Maritime Transparency Initiative)
- Do không có thông tin về ngấn nước triều thấp (dùng làm đường cơ sở) quanh các đảo nên lãnh hải các đảo vẽ trong các bản đồ trên chỉ chính xác tương đối.

Phụ lục:
Toà trọng tài đã kết luận rằng tất cả các thể địa lí ở Trường Sa nằm trên mặt nước khi triều cao đều là đá (không hưởng EEZ hay thềm lục địa). Kết luận này được rút ra chủ yếu từ việc toà đối chiếu diễn giải của toà về điều 121 [“quyền mà một thể địa lí được hưởng tuỳ thuộc vào (a) khả năng khách quan của thể địa lí đó, (b) trong điều kiện tự nhiên của nó duy trì (c) một cộng đồng người ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài hay không thuần tuý khai thác trong tự nhiên.”] cũng như quan điểm của toà rằng “ Tòa án xem các sự hiện diện hiện tại này [các cơ sở thiết bị, nhân viên] là PHỤ THUỘC vào các nguồn lực và trợ giúp bên ngoài và lưu ý rằng rất nhiều thể địa lý đã được chỉnh sửa để cải thiện khả năng có thể sinh sống được, kể cả thông qua cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng như các nhà máy khử muối” với tình trạng của Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa.
Như Ba Bình ở Trường Sa, Phú Lâm là đảo lớn nhất ở Hoàng Sa. Nếu đảo này chỉ là đá thì một kết luận tương tự như thế cho Hoàng Sa hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Nguồn: Lan Man

No comments: