2016/03/01

Trò chơi quyền lực của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ dẫn đến đâu?

Kính Chiếu Yêu



Những gì đang diễn ra ở Biển Đông khiến người ta liên tưởng đến một tai họa sắp xẩy ra, chiến tranh hạn chế trên biển. Một số nhà bình luận, với đà này Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông, sẽ thống trị Châu Á, và thống trị thế giới. Trong vòng vài chục năm tới (nếu không có cách gì ngăn chặn), thì Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ. 

Trước thái độ ngập ngừng của người Mỹ, người Trung Quốc đang ứng dụng binh pháp Tôn Tử trên Biển Đông để giành chiến thắng mà không cần phải đánh. Trước mắt là quân sự hóa Hoàng Sa, xa hơn nữa sẽ là Trường Sa (của Việt Nam) và thậm chí cả trên đảo Scarborough (của Philippines).

Rõ ràng, trước những kế sách ù lỳ của Trung Quốc, muốn đối phó hiệu quả với sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung quốc hiện nay tại Biển Đông các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Đông Nam Á không đủ sức đối đầu. ASEAN thì đang bị Trung Quốc cắt tỉa cái gót chân "Asin" của nguyên tắc đồng thuận. Một số nước trong khối đã và đang bị Trung Quốc mua chuộc. Chỉ cần một nước trong số họ không đồng tình đối sách với Trung Quốc coi như ASEAN chỉ là hư danh.

Người Trung Quốc đang ứng dụng một cách linh hoạt "binh pháp Tôn tử" theo logic “hư hư thực thực”, thiên biến vạn hóa như ma trận. Có thể hình dung bàn cờ Biển Đông sẽ diễn biến giống như một trận đồ bát quái. Nhìn cách Trung Quốc triển khai bố trí các cơ sở hạ tầng quân sự tại Biển Đông thì biết trò chơi xôi đỗ để duy trì tranh chấp, làm cho các nước có tranh chấp không yên.

Thoạt nhìn cách bố trí binh lực thì có vẻ đúng về lý thuyết quân sự nhưng lại không đúng về thực tế, vì không lý giải được bản chất sự việc. Nếu xung đột quân sự xảy ra, thì các hạ tầng quân sự đó dễ dàng bị phá hủy trong một trận oanh kích bằng không quân hoặc tên lửa. Vây quanh những hòn đâỏ, bãi đá mà Trung Quốc chiếm giữ là một rừng đảo, bãi đá của các nước thuộc ASEAN cũng có cơ sở hạ tầng vượt trội. Nhưng tại sao Trung Quốc vẫn làm? Không phải họ ngu, mà họ đang chơi cờ vây, theo binh pháp Tôn Tử. Họ biết trước Mỹ sẽ không xung đột quân sự với họ vì mấy cái đảo bé tẹo thuộc quyền sở hữu của quốc gia khác. Ở đó Mỹ chẳng có lợi ích gì đáng kể so với thương vụ với đại lục.

Trung Quốc triển khai trận địa ra đa, tên lửa HD-9 và máy bay tiêm kích tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) không chỉ để uy hiếp máy bay B-52, tàu chiến mà còn để nhắn nhủ Obama và lãnh đạo 10 nước ASEAN rằng, ai là người nhạc trưởng cuộc chơi, họ cũng là một nước lớn, có chỗ ngồi ở chiếu trên không thể phớt lờ.

Sự hung hăng của Trung quốc hiện nay là hệ quả của những gì Mỹ đã làm (hay không làm) cách đây vài thập kỷ. Nếu Mỹ xoay trục trong “tiếng kèn ngập ngừng”, đối phó với Trung Quốc một cách nửa vời như hiện nay thì không răn đe được Trung Quốc, mà còn khuyến khích họ hành động quyết đoán hơn. Thái độ do dự của Mỹ trong vụ tranh chấp đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines là một ví dụ.

Rõ ràng chỉ có người Mỹ mới có đủ khả năng đối đầu với Trung Quốc. Và muốn kiềm chế Trung Quốc thì phải kết hợp cả yếu tố “can dự" và “răn đe”. Song người Mỹ đã không làm vậy, họ chỉ tuyên bố và tuyên bố. Họ chỉ kêu gọi Trung Quốc không nhân tạo các đảo, không quân sự hóa, nhưng Trung Quốc cứ làm, hết cách này đến cách khác. Mỗi lần như vậy, cuối cùng cũng như một việc đã rồi, chẳng có gì xảy ra cả.

Thực ra Trung Quốc không muốn xung đột với Mỹ và không đủ thực lực để làm điều đó, chưa kể bên cạnh Mỹ còn có cả Nhật, Úc, Ấn và cả ASEAN sẽ trở giáo. Bản chất là họ chỉ gây căng thẳng để hù dọa Mỹ để Mỹ không can thiệp vào nếu giữa trung Quốc xảy ra xung đột hạn chế với Việt Nam hay Philippines. Nếu vô hiệu hóa được mối lo trên, thì Trung Quốc dễ dàng cô lập, phân hóa ASEAN bằng chính sách "cái gậy và củ cà rốt".

Chỉ khi người Mỹ phải vượt qua “hội chứng Trung Quốc”, cho rằng Mỹ không nên đối đầu và không thể ngăn chặn được Trung Quốc. Nếu nghĩ rằng không nên đối đầu với Trung Quốc chỉ vì mấy cái đảo nhỏ, hay mấy bãi đá trên biển là sai lầm. Trung Quốc đang lặng lẽ thay đổi thưc địa, và chỉ vài năm nữa là những bãi đá hoang trở thành các căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần, và cứ điểm mạnh, để kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Vậy thì, Mỹ cùng đồng minh và các nước ASEAN cần làm gì để kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông, trong bối cảnh hiện nay.

Trước hết, cần liên kết thành một liên minh thực tế dựa trên cơ sở hợp tác TPP và cơ chế an ninh tập thể để ngăn chặn Trung Quốc. Nước Mỹ cần phải can thiệp sâu hơn để xây dựng lòng tin, nhất là với các quốc gia như Nhật, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Úc trong một cơ chế an ninh tập thể. Cơ hội này hiện đang rất thuận lợi khi mà Trung Quốc đang đang hung hăng với họ.

Thứ hai, chính sách "cận công, viễn du" của Trung Quốc đang cho thấy tác dụng ngược, các nước ASEAN đang có xu hướng "thoát Trung". May ra chỉ có Campuchia là có xu hướng gần gũi với Trung Quốc. Song, xem ra đấy cũng chỉ là chút "khôn lõi" để nhận viện trợ hào phóng của trung Quốc cho một nền kinh tế bé nhỏ mà thôi. Họ thừa hiểu con đường đó không bền vững và đầy nguy cơ. Vì vậy, nước Mỹ cần nhanh chóng tăng cường lợi ích kinh tế của mình ở các quốc gia này để tỏ ra thành thực, làm an tâm các nước ASEAN. 

Biển Đông là một canh bạc lớn và là một con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc. Những nước đi của Trung Quốc vừa rồi sẽ mất trắng nếu Mỹ quyết tâm thực hiện hai vấn đề nói trên.

No comments: