2016/07/15

Phản đối phán quyết của PCA, Campuchia gián tiếp ủng hộ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Chiềng Chạ



"Lúc khó khăn mới biết ai là bạn khi hoạn nạn mới biết bạn là ai". Xin được sử dụng câu nói này để nói về mối quan hệ hữu nghị mà phía Campuchia đã đối xử Việt Nam trước, trong và sau khi Tòa án trọng tài quốc tế (PCA) chính thức phán quyết vụ khởi kiện Trung Quốc của Philippines. 


Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Nguồn: Internet. 

Trước thềm PCA có phán quyết chính thức, Campuchia là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á phát đi tuyên bố sẽ không ủng hộ mặc cho họ biết rằng, điều này sẽ không làm hài lòng một thành viên khác của Asean là Philippines. Ngay lập tức, động thái từ Chính phủ Campuchia đã bị cho là ủng hộ Trung Quốc để chống lại Asean. Họ cũng nhắc lại sự kiện Campuchia lúc đó là Chủ tịch luân phiên của Asean đã phản đối việc thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (gọi tắt là DOC) như để thấy rằng, bản chất tráo trở, sẵn sàng bán rẻ nội khối vì những món lợi ích mà Trung Quốc hứa hẹn cũng như đã thực hiện của quốc gia này đã hình thành từ lâu (từ năm 2012) chứ không phải đến bây giờ mới có. 


Ở đây, chúng ta phải thừa nhận rằng, có thể tuyên bố trên của Campuchia có thể đã ảnh hưởng rất lớn tới Philippines, chủ thể đứng ra khởi kiện Trung Quốc. Campuchia vì thế được biết tới là 1 trong 60 quốc gia ủng hộ Trung Quốc, không công nhận phán quyết của PCA. Tuy nhiên, cũng giống như " * Lí do Việt Nam chỉ hoan nghênh phán quyết của PCA" mà không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối phán quyết, việc Campuchia phản đối phán quyết của PCA là một động thái có lợi cho Việt Nam hơn là có hại cho Việt Nam. 

Đồng ý rằng, phán quyết của PCA đã phủ nhận gần như trọn vẹn luận thuyết "đường lưỡi bò chín đoạn" do Trung Quốc đưa ra trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu nó chỉ dừng lại đó thôi thì chắc chắn Việt Nam sẽ không chỉ hoan nghênh mà sẽ ủng hộ ra mặt và tât nhiên, sự phản đối của Campuchia vì thế sẽ được quy động như là một hành động thù địch chống lại Việt Nam. Và riêng với hành động này, Campuchia không xứng đáng được xem là bạn bè của Việt Nam. Song phán quyết của PCA lại công nhận quyền chủ quyền của Philippines tại 7/15 điểm trong đơn khởi kiện của nước này. 

Điều đáng nói hơn cả là quyền chủ quyền tại 7 điểm được PCA công nhận cho Philippines lại chồng lấn, thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố chủ quyền cũng như đã thực hiện các quyền thực tế của mình tại đây. Chính vì vậy, việc Campuchia phản đối phán quyết của PCA cũng là một động thái có lợi cho Việt Nam. 

Ngoài ra, cũng xin nhắc lại là phán ứng sau khi PCA chính thức ra phán quyết, Chính phủ Việt Nam (thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình) dù không trực tiếp phản đối phán quyết nhưng thông qua việc cho rằng: "Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” đã gián tiếp thực hiện điều này. 

Nói rằng, trong cách ứng xử xử Campuchia và Việt Nam có sự tương đồng trong tình huống này là vì thế! Và rằng, Campuchia chưa bao giờ bán rẻ Việt Nam như cách hiểu của một số người. Có chăng, trong một số thời điểm để dung hòa giữa lợi ích và mối quan hệ bang giao với Việt Nam họ đã phải có sự điều chỉnh cũng như tính toán cho riêng mình. Và âu đó cũng là cái xuất phát quy luật "luôn luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu" mà Việt Nam vẫn đang thực hiện! 

Có một chi tiết mà có thể do quá giận dữ sau tuyên bố không ủng hộ phán quyết của PCA từ người đứng đầu Chính phủ Campuchia mà nhiều người đã bỏ qua. Đó là trong phần lí giải cho tuyên bố không ủng hộ phán quyết của PCA, Thủ tướng Hun Sen đã cho biết lí do: "Đây không phải là vấn đề về luật pháp, nó hoàn toàn về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của tòa". 

Và có lẽ người đứng đầu Chính phủ Campuchia đã giúp cho những nhà chính trị khác, của các quốc gia khác nhớ lại một thứ quy luật mà nếu nó được thực thi thì sẽ tốt biết mấy cho thế giới: Đừng bao giờ đưa ủng hộ một phán quyết mang động cơ chính trị. Bản thân người viết cũng cho đây là một câu trả lời hết sức khôn ngoan và bài bản của Thủ tướng Hun Sen xuất phát từ thực tế PCA thật ra không phải là một tòa án theo đúng nghĩa, nó là một cơ sở quản lý, không có quyền quyết định trực tiếp. Và điều đáng nói hơn cả là với câu trả lời này, Campuchia vừa tránh được những màn phản pháo từ các chủ thể liên quan (như Philippines chẳng hạn), vừa phụ họa với Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền. 

Rõ ràng, với những gì đã được chỉ ra thì có lúc chúng ta đã nghĩ sai cho Campuchia. Cách ứng xử của Campuchia hiện tại vì thế cần được nhận thức lại là một mẫu hình trong quan hệ quốc tế. Theo đó, ngoài đảm bảo nguyên tắc "lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết" thì trong những hạn mức có thể họ sẽ cố gắng dung hòa những lợi ích có tính đan xen. Và thiết nghĩ rằng, dù đã bị mang tiếng xấu nhưng nếu xét trên toàn đại cục thì Campuchia chưa bao giờ gây tổn hại cho vấn đề chủ quyền của Việt Nam.

No comments: