2016/07/13

Nóng: Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc

Mõ Làng


Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".


                          Hội đồng trọng tài của PCA

Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", Reuters dẫn thông báo từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, cho biết. Tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc.

Trong bản phán quyết dài 497 trang, Tòa Trọng tài thuộc PCA cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa cho Trung Quốc.


Trong một điểm quan trọng, PCA cũng đã lường trước khả năng Trung Quốc thiết lập vùng quân sự khi nêu rõ: luật biển UNCLOS “không cho phép một nhóm đảo... thiết lập thành các khu quân sự tập thể”.

Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, đang bị Đài Loan kiểm soát cũng không thể tạo ra EEZ.

Theo Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Tòa khẳng định các tàu hành pháp Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra va chạm cao khi tiếp cận tàu Philippines, StraitsTimes dẫn phán quyết của tòa.

Phán quyết cho rằng Trung Quốc đã cản trở các quyền của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough bằng cách ngăn họ tiếp cận khu vực này. Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Trung Quốc ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Năm 2013, Philippines khởi kiện "đường lưỡi bò", cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ. Philippines khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm bị Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải. Tháng 10/2015, PCA tuyên bố có thẩm quyền xử vụ kiện.

Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm rằng tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và kiên quyết không tham gia vụ kiện, cảnh báo sẽ phớt lờ phán quyết từ PCA.

Đây là một đòn giáng mạnh vào thói nành trướng, cùng lối ứng xử nước lớn vừa ăn cướp vừa la làng của Trung Quốc.

Tuy nhiên cũng cần tỉnh táo để thấy rằng, phán quyết của PCA cũng có nhiều vấn đề nếu ủng hộ hoàn toàn thì sẽ bất lợi cho VN trong 7 vấn đề cụ thể nói trên.

No comments: