https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/11/14/nghi-si-hoang-huu-phuoc-gop-y-cho-du-thao-luat-trung-cau-y-dan/
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 2015
Kính gởi: Chủ Tịch Quốc Hội
Bản sao kính gởi:
– Bộ Chính Trị
– Các Phó Chủ Tịch Quốc Hội
– Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội
– Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
– Tổ Đại Biểu Đơn vị 1 Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
– Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội
V/v Góp Ý Cho Dự Án Luật Trưng Cầu Ý Dân
Kính thưa Chủ Tịch:
Tôi là Hoàng Hữu Phước, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, kính có các góp ý sau cho Dự Án Luật Trưng Cầu Ý Dân được đưa ra cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc Hội Khóa XIII.
1) Về Điều 4.1
Đề nghị đổi cụm từ “bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chỉ của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước” thành “bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chỉ của mình khi được yêu cầu tham gia đưa ra quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”.
Lý do kiến nghị: Cử tri đã bầu ra các Đại biểu Quốc hội để thay mặt nhân dân trong quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; do đó, nhân dân không trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trừ phi (a) được yêu cầu thông qua một cuộc trưng cầu ý dân theo luật định khi (b) Quốc Hội không thể tự quyết định và không thể tự chịu trách nhiệm trước tổ quốc và dân tộc về quyết định đó.
2) Về Điều 6: Những Vấn Đề Trưng Cầu Ý Dân
a) Đối với Điều 6.1 của Dự Thảo: Hiến pháp là tối thượng; bao trùm; gần như cố định, không thể thường xuyên thay đổi, tu chỉnh, trừ phi có yêu cầu cấp bách khẩn thiết của đất nước. Vì vậy, không thể chỉ ghi liệt kê với vỏn vẹn một từ “Hiến Pháp” vốn mang nghĩa toàn bộ Hiến Pháp và tất cả mọi điều của Hiến Pháp, trong khi ở Việt Nam có một thực tế rằng sau mỗi chu kỳ thí dụ như 20 năm có thể sẽ có sửa đổi Hiến Pháp, đưa ra cho toàn dân nghiên cứu, góp ý, tập trung trí tuệ toàn dân, cực kỳ tốn kém. Quy trình này không thuộc phạm trù Trưng Cầu Ý Dân, vì quy trình Trưng Cầu Dân Ý chỉ có thể có nếu một điều khoản nào đó của Hiến Pháp hiện hành cần được sửa đổi để tạo điều kiện mang tính nguyên tắc cho các nội hàm luật pháp có liên quan trong phát triển kinh tế quốc dân. Đề nghị loại bỏ hẳn Điều 6.1 này.
b) Đối với Điều 6.2 của Dự Thảo:
– Việc liệt kê “chủ quyền, lãnh thổ quốc gia” là việc liệt kê chỉ mang tính thời thượng, hoàn toàn không thực tế, vì nội hàm này chỉ mang ý nghĩa thí dụ như liệu nhân dân có cho phép giao cho nước khác một phần lãnh thổ nước mình để họ dùng làm nhượng địa trong 99 năm hay không, và đây hoàn toàn là điều không bao giờ được phép xảy ra cho một cuộc trưng cầu ý dân; còn nếu trong một nội hàm khác chẳng hạn như liệu nhân dân có cho phép Chính phủ tiến hành kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế hay không thì đây cũng là việc riêng mà Chính phủ không thể đùn đẩy cho nhân dân quyết định.
– Việc liệt kê “quốc phòng, an ninh, đối ngoại” là việc liệt kê không bao giờ gặp trong luật trưng cầu ý dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Vấn đề quốc phòng – an ninh – đối ngoại là những vấn đề chung phạm trù an ninh quốc gia và bí mật quốc gia. Mỹ không bao giờ tổ chức trưng cầu ý dân để đem quân qua Việt Nam, rút quân khỏi Việt Nam, cấm vận Việt Nam, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Đề nghị loại bỏ hẳn Điều 6.2 này.
c) Đối với Điều 6.3 của Dự Thảo:
Việc liệt kê “các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” là việc liệt kê thiếu nghiêm túc, hoàn toàn sai. Nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền là nền tảng chính trị không bao giờ là thứ để đưa ra trưng cầu ý dân. Không bất kỳ bộ luật trung cầu ý dân của bất kỳ quốc gia nào lại có nêu nội dung tương tự. Đề nghị loại bỏ hẳn Điều 6.3 này.
d) Đối với Điều 6.4 của Dự Thảo:
Việc ghi “các vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh” lại thuộc nội hàm chung của “các vấn đề quan trọng”, vì vậy, đề nghị loại bỏ hẳn Điều 6.4 này.
e) Đối với Điều 6.4 của Dự Thảo:
Việc ghi “những vấn đề quan trọng khác do Quốc hội quyết định” là kiểu viết vét đuôi luôn thấy ở các dự thảo dự án luật; vì vậy, đề nghị loại bỏ hẳn Điều 6.4 này.
Kiến nghị Điều 6 mới
Đề nghị thay toàn bộ 5 nội dung của Điều 6 trong Dự Thảo bằng 3 nội dung sau:
1- Quyết định các vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nhà Nước
2- Phê duyệt một thay đổi đưa vào Hiến Pháp
3- Phê duyệt văn kiện phê chuẩn một điều ước quốc tế quan trọng đặc biệt
Kính mong Chủ Tịch quan tâm đến các ý kiến đóng góp trên.
Kính chào trân trọng.
Hoàng Hữu Phước
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII
Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
No comments:
Post a Comment