Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trên đà hội nhập mạnh mẽ, hướng tới thành lập Cộng đồng chung vào năm 2015, trong đó việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là nội dung hội nhập quan trọng nhất. AEC ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á và sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam.
Với mục tiêu phát triển ASEAN trở thành một khu vực ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh với sự phát triển kinh tế công bằng, giảm đói nghèo và phân hóa kinh tế -xã hội, tại Hội nghị Bali diễn ra vào tháng 10 năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tuyên bố về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). AEC sẽ cùng với Cộng đồng an ninh - chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) là ba trụ cột tạo nên Cộng đồng ASEAN.
AEC tạo động lực phát triển
Trong ba trụ cột, AEC được coi là quan trọng nhất; sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 ở Thái Lan, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Cha-am/Hua Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community Roadmap) và thông qua Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) đến năm 2015 (ISEAS, 2009). Kế hoạch nói trên đã quy định cụ thể các biện pháp nhằm thực hiện bốn trụ cột của AEC gồm: (1) Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; (2) Một khu vực kinh tế cạnh tranh; (3) Một khu vực phát triển đồng đều và (4) Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Nội dung chủ yếu của các trụ cột nêu trên như sau:
(1) Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất: Ở trụ cột này, các nước ASEAN chú trọng tự do hóa ba lĩnh vực lớn là:Tự do hoá thương mại hàng hoá; tự do hoá thương mại dịch vụ; tự do hoá đầu tư, tài chính và lao động. Theo đó, trong thời gian tới, để tự do hóa thương mại hàng hóa, các thành viên ASEAN sẽ tham gialộ trình cắt giảm thuế trong CEPT-ATIGA; cải cách hải quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại khác. Hướng tới tự do hóa thương mại dịch vụ, các nước ASEAN sẽ tiến hành đàm phán 11 gói cam kết cho đến năm 2015. Các lĩnh vực dịch vụ được ASEAN ưu tiên tự do hoá gồm: ASEAN điện tử (e-ASEAN), y tế, logistics, hàng không và du lịch. Cho đến nay, các nước ASEAN đã đạt được 8 gói cam kết về dịch vụ, 5 gói cam kết dịch vụ tài chính và 7 gói dịch vụ vận tải đường hàng không. Trong lĩnh vực tự do hóa đầu tư, tài chính và lao động, ASEAN chú trọng thúc đẩy đầu tư nội khối thông qua Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) với mục tiêu là tạo ra một cơ chế đầu tư tự do, mở cửa trong ASEAN được thực hiện thông qua từng bước tự do hóa đầu tư; tăng cường bảo vệ nhà đầu tư của các nước thành viên và các khoản đầu tư của họ; cải thiện tính minh bạch và khả năng dự đoán của các quy tắc, quy định và thủ tục đầu tư; xúc tiến, hợp tác tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và thống nhất. Đối vớihội nhập tài chính tiền tệ, các nước trong khu vực chú trọng bốn lĩnh vực:(1) Phát triển thị trường vốn, (2) Tự do hóa dịch vụ tài chính, (3) Tự do hóa tài khoản vốn và (4) hợp táctiềntệ ASEAN. Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết cácThoả thuận công nhận lẫn nhau(MRAs - Mutual Recognition Agreement), theo đó cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Đến nay, ASEAN đã ký kết 7 MRAs đối với lao động trong các lĩnh vực sau: dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, thừa nhận lẫn nhau đối với chứng chỉ giám sát, người hành nghề y, người hành nghề nha khoa và kế toán...
(2) Một khu vực kinh tế cạnh tranh: Để đạt mục tiêu xây dựng một khu vực kinh tế cạnh tranh, AEC đang hướng vào 4 hoạt động chính gồm: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển cơ sở hạ tầng.
(3) Một khu vực phát triển đồng đều:Để tạo lập một ASEAN phát triển đồng đều, ASEAN đã xem xét để xây dựng một chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiết lập một khung chương trình chung cho các doanh nhân ASEAN và đưa ra Sáng kiến Hội nhập ASEAN (AIA).IAI giúp các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt nam nâng cao năng lựcthông qua việc cung cấp nguồn lực kỹ thuật và tài chính cho một loạt các dự án phát triển để hỗ trợ khu vực hội nhập như phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
(4) Hội nhâp vào nền kinh tế toàn cầu: Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN nhất trí việc giữ vững vai trò "trung tâm" của toàn khối trong quan hệ đối ngoại; thúc đẩy đàm phán các FTA và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện; tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cho tới cuối năm 2013, ước tính AEC đã đạt tỷ lệ thực hiện là 79,7% các mục tiêu đặt ra với các trụ cột nêu trên. Điều đó cho thấy ASEAN còn nhiều việc phải làm để có thể thực hiện AEC vào năm 2015 theo đúng lịch trình đề ra.
Bốn trụ cột của Cộng đồng kinh tế ASEAN
Việt Nam trong tiến trình xây dựng AEC
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã và đang nỗ lực chuẩn bị gia nhập AEC. Theo cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam trong CEPT-ATIGA, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế về 0% cho tất cả các mặt hàng trao đổi trong ASEAN (ngoại trừ các mặt hàng trong Danh mục loại trừ chung) với lộ trình cho hầu hết các dòng thuế là cho tới năm 2015 và 7% dòng thuế còn lại cho tới năm 2018. Hải quan điện tử là một nội dung quan trọng đang được thực hiện nhằm các mục tiêu trên. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam về cơ bản đã đạt được các mục tiêu như rút ngắn thời gian thông quan, và giảm các yêu cầu về các giấy tờ kê khai. Việt Nam cũng đang xây dựng chương trình Một cửa quốc gia (Vietnam's National Single Window - VNSW) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại.
Bên cạnh các nội dung trên, Việt Nam cũng đang nỗ lực đơn giản hoá hệ thống các giấy phép, giấy chứng nhận bao gồm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), giấy chứng nhận vệ sinh kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Các nỗ lực này thể hiện qua hệ thống eCoSys (hệ thống xin cấp C/O qua mạng) cũng như việc cấp phép nhập khẩu tự động. Hướng tới tự do hóa dịch vụ, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi một số Luật liên quan như Luật đầu tư, Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp và ban hành nhiều Nghị định, văn bản hướng dẫn các Luật này.
Để thực hiện trụ cột 2 của AEC, Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện các cam kết trong từng ngành cụ thể, điển hình là trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với các cam kết trong hiệp định khung ASEAN về dịch vụ(AFAS) cũng như GATS. Đối với các ngành ưu tiên gồm y tế, du lịch, logistics, e-ASEAN và hàng không, Việt Nam cũng đã tuân thủ nghiêm túc các cam kết và tích cực tham gia vào các hiệp định liên quan. Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có Luật cạnh tranh khá toàn diện áp dụng cho cả nền kinh tế và có các cơ quan giám sát thực hiện luật này cùng với Indonesia, Singapore và Thái Lan...
Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
Xây dựng Cộng đồng ASEAN là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Hiệp hội. Đối với Việt Nam, AEC đang mang lại cơ hội và cả những thách thức không nhỏ.
AEC sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới.Theo Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ 15/12/2008, AEC được thành lập vào cuối năm 2015 sẽ đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế 10 nước Đông Nam Á, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD. Từ năm 2004 đến nay, ASEAN đã ký kết FTA với nhiều đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ. Xu thế này phù hợp với xu thế đẩy mạnh cải cách, mở cửa của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán các FTA với EU, Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), ASEAN+6, Hàn Quốc, Khối Thương mại tự do châu Âu (Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Iceland) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). AEC ra đời cùng với việc Việt Nam mở rộng các hiệp định tự do thương mại sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp mở rộng giao thương, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn, AEC ra đời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN sẽ dẫn đến một số ngành, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. Những doanh nghiệp có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức nghiêm trọng. Hiện nay, đa số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, bước vào "sân chơi" AEC, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt không ít khó khăn, thách thức.
Việc tham gia AEC cũng sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ phát triển. Tuy nhiên, trong những năm tới, Việt Nam cũng đứng trước sức ép rất lớn về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh, trong bối cảnhASEAN nhảy vọt từ nấc Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lên nấc thang Liên minh Kinh tế AEC. Hiện nay, trình độ phát triển của Việt Nam còn kém xa nhiều quốc gia trong ASEAN như: Singapore, Malaysia, Thái Lan...do vậy, sức ép cải cách đặt ra với Việt Nam là rất lớn. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho năm 2014-2015 ở mức rất thấp và ít có cải thiện từ nhiều năm nay.Nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp Việt Nam, đơn cử như việc các doanh nghiệp Việt Nam cần đến 872 giờ/năm để đóng thuế trong khi con số bình quân của dịch vụ đó ở các nước ASEAN-6 chỉ là 172 giờ/năm.Thực tế này cho thấy, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và năng lực cạnh tranh đang là đòi hỏi cấp thiết đặt ra cho Việt Nam khi gia nhập AEC.
Xếp hạng về thể chế của Việt Nam
(Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới)
Chỉ tiêu Xếp hạng Điểm số
trên 144 nước (1-7 là cao nhất)
-Thể chế 92 3.5
-Thể chế công 85 3.5
-Luật về sở hữu 104 3.4
-Chi phí ngoài pháp luật
và đút lót cho xuất,
nhập khẩu 109 3.2
-Chi phí ngoài pháp luật
và đút lót cho
nộp thuế hàng năm 121 2.6
-Chi phí ngoài pháp luật
và đút lót để nhận được
kết quả tư pháp thuận lợi 104 3.5
-Hiệu quả của Chính phủ 117 2.9
-Gánh nặng của Chính phủ 91 3.2
-Gánh nặng của quy định
của Chính phủ 101 3.1
-Tính minh bạch của
quá trình soạn thảo
chính sách của Chính phủ 116 3.5
Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn.Để thực hiện cam kết có tính mới và đột phá về "tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo", 10 nước ASEAN đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với tám loại nghề nghiệp: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch.
Về lý thuyết, khi gia nhập AEC, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ đông đảo, khéo tay, học nhanh và làm việc chăm chỉ, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về lao động phổ thông. Tuy nhiên, lao động Việt Nam có nhược điểm là rất kém về kỷ luật lao động, kỹ năng sống và sẵn sàng chuyển việc nếu được hứa hẹn tiền lương cao hơn nơi đang làm. Trình độ chuyên môn và kỹ năng của lao động trong nước đa số chưa cao. Do vậy, lao động có tay nghề cao từ các nước ASEAN-6 phát triển hơn cũng có thể tràn vào Việt Nam và gây nhiều hệ lụy về xã hội. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải có sự thuẩn bị tốt để đối phó các thách thức về dịch chuyển lao động từ AEC.
Có thể nói AEC đang đến rất gần và đặt Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác trước những cơ hội, thách thức to lớn. Thực tế này đang đòi hỏi chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình tham gia AEC. Trong đó, các yếu tố then chốt mà Việt Nam không thể bỏ qua là cải cách thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là hai trong ba "khâu đột phá" chiến lược để phát triển đất nước trong những thập kỷ tới mà văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ.
Nguyễn Quốc Trường, Nguyễn Thế Cường (Viện Chiến lược phát triển)
Nhiều cơ hội và và việc làm cũng sẽ được tạo ra. Yếu tố quan trọng nhất của cộng đồng ASEAN chính là con người. Các Chính phủ ASEAN muốn đảm bảo rằng, mọi người sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.