Xin mượn lời của Hong Ho trước khi giới thiệu bài phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn với TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam: Mình tuyệt đối ko phản đối gì nội dung bài này. Chỉ có điều, nói như mấy ông kinh tế gia hàng đầu cuốc da này, thì chính mình cũng nói tốt. Chả ngoa, có khi mình còn nói tốt hơn.
Chỉ có điều, trách nhiệm công dân của các ông-những nhà khoa học- ở đâu trong sự tụt hậu kia. Nhẽ vô can khi tháng tháng vẫn xơi lương của nhà nước “lạc điệu”.
Tư Giang
Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011. Ảnh: TL TBKTSG
(TBKTSG Online) - Việt Nam đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với phần còn lại của thế giới vì mô hình phát triển “lạc điệu”.
Đây là nhận xét của nhiều nhà kinh tế hàng đầu đất nước tại diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới giai đoạn 1986 – 2015 được tổ chức hôm nay, ngày 19-11, tại Hà Nội.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đơn vị phối hợp với các cơ quan khác tổ chức sự kiện này, phải “rào trước” rằng diễn đàn nhằm hưởng ứng tinh thần Nghị quyết 62 của Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2015 nhằm tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam so sánh với phần còn lại của thế giới.
Phát triển lạc điệu
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, nguyên viện phó Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: “Chúng ta đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả.”
“Tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển vì vướng tư duy chưa đổi mới,”ông nói.
“Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi lạc điệu so với xu hướng chung của thế giới,” ông nói tiếp.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan bổ sung thêm: “Người Việt Nam chúng ta thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai ba chục năm nay. Ví dụ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cãi nhau 30 năm chưa kết thúc; rồi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo cũng cãi nhau 30 năm rồi không kết thúc. Những chuyện này còn tranh luận dài dài, không biết đến bao giờ kết thúc được.”
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khái niệm như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo,… như “vòng kim cô” ghì chặt sự phát triển của đất nước.
Tụt hậu ngày càng xa
Theo nghiên cứu của ông Thiên, dù có những thành tựu đáng tự hào và đáng ngưỡng mộ trong suốt ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn bỏ lại phía sau và khoảng cách ngày càng nới rộng. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau trên các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển.
Chẳng hạn, sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng nhỏ so với Trung Quốc. Tại thời điểm khởi động đổi mới, quy mô GDP của Việt Nam (tính theo giá cố định năm 2005) tương đương với 4,1% con số của Trung Quốc, tức 1/25. Nhưng tỷ lệ này không ngừng giảm xuống, đến 2013 chỉ còn 1,9%.
Tính theo sức mua tương đương PPP, vị thế của Việt Nam vẫn không mấy thay đổi, thậm chí mức độ thịnh vượng tương đối của người Việt Nam đang nhanh chóng giảm đi so với người Trung Quốc.
Ông đặt vấn đề, vậy đến 2035, tức sau hai thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?
Các dữ liệu được phân tích của ông Thiên chỉ ra rằng, đến 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc ở thời điểm 2011, và chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore.
Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011.
Nói cách khác, sau 30 năm đổi mới, dù nhìn ở khía cạnh nào thì Việt Nam vẫn đang cách rất xa so với các nước đi trước.
“Nếu trong hai thập kỷ tới, Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt trội thì cục diện này sẽ chẳng có gì thay đổi,” ông cảnh báo.
Nhận xét về tình thế Việt Nam của ông Thiên tương đồng với một bài phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái. Ông Thái trích dẫn một loạt các chỉ tiêu so sánh quốc tế:
Về giáo dục, theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có trường đại học nào được lọt vào danh sách đại học có danh tiếng và có chất lượng.
Về bằng sáng chế, theo International Property Rights Index, Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.
Về ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách.
Về thu nhập tính theo đầu người, Việt Nam đứng hàng 123/182 quốc gia, có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
Về tham nhũng, theo Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng.
Về chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.
Đi tìm nguyên nhân
Theo nghiên cứu của ông Thái, năm 1990, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với trung bình thế giới khoảng 4.000 đô la Mỹ.
Đến nay, khi GDP bình quân của Việt Nam đạt 2.000 đô la Mỹ thì GDP bình quân thế giới đã vượt 10.000 đô la Mỹ, tức khoảng cách phát triển đã lên gấp 2 lần.
Ông Thái phân tích, điều đó cũng có nghĩa là “sức mạnh kinh tế” của quốc gia không được cải thiện dù dân số đã tăng nhanh gần hai lần. Đó là chưa kể đến các khía cạnh tụt hậu về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, thể chế…còn khó khăn không nhỏ khi thế giới ngày càng hội nhập sâu, nguồn cân đối tài chính lại có hạn.
Nguyên nhân chính, theo tiến sĩ Thái, của tình trạng hiện nay của quốc gia là do tư duy cũ kỹ, đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển vì vướng tư duy chưa đổi mới. Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi “lạc điệu” so với xu hướng chung của thế giới.
Trong khi đó, theo tiến sỹ Trần Đình Thiên, chặng đường 30 năm cải cách kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những giai đoạn thăng trầm cùng những đột phá trong mở cửa thị trường, giá cả và tiến triển trên đường hội nhập quốc tế. Những thành tựu đáng kể đã được ghi nhận, bao gồm tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm liên tục, đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói…
Tuy nhiên, ông cho rằng, thế giới luôn vận động theo quy luật đào thải khắc nghiệt.
"Hơn 40 mươi năm sau khi thống nhất đất nước và bước vào giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế, sự phức tạp của kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới trong vòng vài năm trở lại đây đang đưa Việt Nam rơi vào một hoàn cảnh mà sự tồn vong của dân tộc ở vào thế hiểm nguy hơn bao hết," ông cảnh báo.
“Vị thế của Việt Nam chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì,” ông Thiên nhận xét.
Ông Thiên cho rằng, Việt Nam đã thành công nhờ đột phá trong cải cách năm 1986. Trước một bối cảnh đầy thách thức, nhưng cũng rất nhiều cơ hội mà thời cuộc hiện đang đặt ra cho Việt Nam, việc lựa chọn cho mình một chiến lược phát triển đúng đắn trong điều kiện liên tục đổi mới, sáng tạo là đòi hỏi bắt buộc.
No comments:
Post a Comment