2015/11/23

Vị trí của luật sư ở đâu trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Mõ Làng

http://molang0205.blogspot.com/2015/11/vi-tri-cua-luat-su-o-au-trong-xay-dung.html

Trong xây dựng nhà nước pháp quyền (một trong ba trụ cột kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự) thì giới luật sư ở đâu và họ nên làm gì? Sở dĩ tôi muốn đặt ra câu hỏi đó vì gần đây có những dấu hiệu giới luật sư đã chệch hướng, quá đà trong hành nghề, làm mất lòng tin của xã hội.

Khẳng định vai trò và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội với nghề luật sư, ngày 14/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Kể từ ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL về Tổ chức đoàn thể luật sư. Trải qua 70 năm, đội ngũ luật sư Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng nhà nước pháp quyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Năm 1987, khi có văn bản luật đầu tiên về Tổ chức luật sư lực lượng luật sư mới chỉ có 400 người. Song, con số này tăng lên gần 2.000 luật sư sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh luật sư 2001. Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước ban hành Luật Luật sư 2006 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào 2012, tạo căn cứ pháp lý ngày càng cao và quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động luật sư và hành nghề luật sư phát triển thì đến nay, 63/63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều có Đoàn luật sư hoạt động. Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập. Cả nước có trên 11.000 luật sư với trên 3.400 tổ chức hành nghề luật sư.

Đội ngũ luật sư ngày càng tham gia tích cực vào các vụ án cũng như tư vấn, trợ giúp pháp lý cho yêu cầu xã hội. Hoạt động của luật sư dần mang tính chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ luật sư tranh tụng các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính; tham gia tư vấn cho doanh nghiệp, xây dựng và tuyền truyền pháp luật. Tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa của đội ngũ luật sư đã được khẳng định và từng bước được củng cố, tạo lập sự uy tín trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý với cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ luật sư không đồng đều, dẫn tới việc cung cấp dịch vụ pháp lý vẫn còn thấp về chất lượng. Đôi khi khách hàng cảm thấy chi phí cho luật sư rất tốn kém nhưng hiệu quả trợ giúp rất hạn chế, thậm chí không có, nhất là trong tranh tụng tại tòa án. 

Trên thực tế, công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư nói chung còn lỏng lẻo, một bộ phận đội ngũ luật sư chưa chủ động, tích cực trong việc tự nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề cũng như việc trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, dẫn đến lệch hướng nhận thức và hành động, có biểu hiện vi phạm đạo đức, pháp luật. Hiện tượng một số luật sư tham gia vào hoạt động chính trị tiếp tay cho đối lập, phá hoại đã dấy lên những lo ngại làm mất uy tín, phân hóa đội ngũ luật sư. 

Mô hình tố tụng hiện nay vẫn còn một số tồn tại chưa tạo thuận lợi cho các luật sư hành nghề. Còn có nơi, có vụ việc luật sư còn bị cản trở trong quá trình hành nghề từ một số các cơ quan và người tiến hành tố tụng, đặc biệt trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự. Sự không hợp tác từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng khiến luật sư nhiều khi bó tay. Gần đây những vấn đề như luật sư phải được tham gia vào tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra, xét hỏi, xét xử, xóa bỏ giấy phép trợ giúp pháp lý, sắp xếp chỗ ngồi trong phiên tòa, cung cấp hồ sơ điều tra... đang được đặt ra. 

Về mặt nhận thức của người dân cần trợ giúp pháp lý đối với vai trò của luật sư cũng rất hạn chế, cộng với hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, người ta chỉ quen với việc sử dụng sự trợ giúp pháp lý của luật sư khi vụ việc đã được chuyển qua toà án, còn giai đoạn tiền tố tụng chủ yếu là họ tự giải quyết. 

Về phía luật sư, phải tham gia từ đầu của vụ án khiến họ mất rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ khiến họ ngại ngần. Lẽ ra họ phải điều tra, tìm hiểu, thu thập chứng cứ phản bác cơ quan điều tra, gỡ tội cho thân chủ thì họ chỉ quen ngồi đọc hồ sơ điều tra, tìm vài sơ hở pháp lý rồi "cãi chay" tại tòa, được đến đâu thì được. Đó cũng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của việc tranh tụng của luật sư tại toà án và không tạo cho người dân sự tin tưởng về khả năng thắng kiện bởi sự trợ giúp pháp lý của luật sư.

Ai cũng thấy, số lượng luật sư hiện nay còn quá ít. Cả nước hiện chỉ có hơn 11.000 luật sư. Như vậy là số lượng quá nhỏ bé so với 1 nước đông dân như Việt Nam. Tỷ lệ luật sư tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình 1 luật sư/14.000 người dân, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (1/1.526), Singapore (1/1.000), Nhật Bản (1/4.546), Pháp (1/1.000), Mỹ (1/250). Hàng năm chỉ riêng ngành Công an đã khởi tố, điều tra hơn một vạn vụ án với hàng vạn đối tượng, chưa kể các vụ tồn đọng từ trước thì rõ ràng không có đủ lực lượng cho điều tra chứ chưa nói đến dịch vụ pháp lý khác.

Trình độ các luật sư không đồng đều, số luật sư dày dặn kinh nghiệm ít và yếu về ngoại ngữ để làm những vụ có yếu tố nước ngoài. Đó là lý do dẫn đến thực trạng hiện nay có những luật sư rất nhiều việc do lượng khách hàng yêu cầu lớn, trong khi có những luật sư rất ít việc. Con số tổng kết 6 tháng đầu năm cho thấy giới luật sư Việt Nam tham gia hơn 70.000 vụ, doanh thu 70 tỉ đồng. Trong lúc đó 400 luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam tham gia 4.000 vụ nhưng daonh thu lên đến 700 tỉ đồng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới luật sư, sinh viên luật được đánh giá là cao.

Pháp luật Việt Nam cho phép luật sư được hành nghề tư vấn trong mọi lĩnh vực và được quyền tranh tụng tại các phiên tòa. Tuy nhiên, do năng lực hiện nay số lượng luật sư vừa tranh tụng vừa tư vấn rất ít và xu hướng ngày càng tăng số lượng luật sư tư vấn và ngày càng giảm thiểu các luật sư tranh tụng tại toà án. Xu hướng phân hóa giữa luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng do độ phức tạp của công việc. Đó cũng là lý do các vụ án lớn mà xã hội quan tâm chỉ có một số luật sư có tên tuổi tham gia, điều này cũng làm cho các luật sư có tên tuổi bị sức ép về công việc và dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Luật sư là những người góp phần xây dựng pháp quyền, bảo vệ công lý, tôn trọng tính "thượng tôn pháp luật", do vậy họ nên "tập trung vào chuyên môn" bao gồm cả công tác lập pháp (góp ý trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật), hành pháp (đấu tranh với các vi phạm pháp luật của các công chức, cơ quan nhà nước) và tư pháp (tham gia tư vấn, tranh tụng).

Hiện tượng một số luật sư gần đây đã đi vượt khá xa giới hạn, lấn sân sang cả lĩnh vực chính trị, tham gia vào cái gọi là "đấu tranh cho tự do, dân chủ", dẫn tới việc hợp tác, tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức và chính phủ nước ngoài, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá hoặc tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam là vấn đề hết sức lo ngại. 

Chỉ xin nêu một ví dụ thực tế để giới luật sư cùng suy ngẫm và xem xét lại định hướng hoạt động của mỗi cá nhân, đấy là LS Võ An Đôn, từ một "tấm gương sáng" trong trong đấu tranh bảo vệ công lý, xả thân bảo vệ người nghèo, giờ dường như vị luật sư này đã vượt quá giới hạn nghề nghiệp và sa đà vào những vấn đề nằm ngoài phạm vi hoạt động của luật sư... Mới đây xuất hiện thêm vài vị luật sư thoát ly nghề "thầy cãi", dựa dẫm, kiếm ăn  với các tổ chức NGO mà không thấy bài học về Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Trần Kim Thành... là sai lầm nghiêm trọng. 

Tuy ranh giới giữa luật học và chính trị là rất mong manh vì chúng luôn đi đôi với nhau. Không ai cấm cản một luật sư làm chính trị nhưng thiết nghĩ mỗi vị luật sư nên thận trọng và suy xét cẩn trọng trong việc xác định định hướng và hoạt động nghề nghiệp. Trong mọi rủi ro, rủi ro pháp lý luôn được đánh giá với hệ số cao nhất mà chúng ta lại hoạt động trong lĩnh vực này nên càng cần phải cẩn trọng và tỉnh táo...

Chúng ta đều biết rằng, uy tín của mỗi một luật sư được gắn với nghề luật sư và giới luật sư, do đó trách nhiệm của mỗi một luật sư và cả đội ngũ luật sư với cộng đồng xã hội là phải nhất quán trong việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao cho xã hội. Đạo đức nghề nghiệp luật sư luôn là cái gốc để tạo lập sự phát triển vững bền cho mỗi luật sư và nghề luật sư. Ở một khía cạnh khác, luật sư là một nghề góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ, ủng hộ, giám sát hoạt động hành nghề luật sư từ phía Nhà nước và cộng đồng xã hội.

No comments: