2015/11/26

Người chuyển giới tại Việt Nam: CẢM ƠN QUỐC HỘI


Người chuyển giới tại Việt Nam: Chúng tôi chờ ngày này quá lâu!

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ là một nội dung nhỏ trong Bộ luật dân sự sửa đổi, vậy nhưng việc Quốc hội chính thức công nhận quyền chuyển giới tại Việt Nam đã thật sự tạo ra một cơn bão phấn khích với những người trong cuộc.

Gần như, tất cả diễn biến của phiên họp Quốc hội vào buổi sáng 24/11 đều được cập nhận từng phút trên các diễn đàn riêng củangười chuyển giới, cũng như Facebook của những cá nhân có liên quan. Và đến sát trưa, khi Bộ luật dân sự sửa đổi được thông qua với hơn 80% phiếu thuận, thời điểm “bùng nổ” niềm vui của những người chuyển giới tại Việt Nam bắt đầu.

“Rớt nước mắt”, “Cuối cùng cũng có ngày hôm nay”, “Chờ đợi đã quá lâu rồi”... Đó là những chia sẻ tràn ngập trên facebook của ICS - tổ chức dành cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam.

Rất nhanh, từ những lời kêu gọi, một số thành viên tại Hà Nội tập hợp ở những tuyến đường quanh quảng trường Ba Đình, với biểu ngữ “Cám ơn Quốc hội” trên tay. Biểu ngữ này vẫn tiếp tục xuất hiện vào buổi tối, tại cả Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM trong những đợt diễu hành do cộng đồng chuyển giới tổ chức.

“Lựa chọn của Quốc hội đã cho những người chuyển giới một cuộc sống mới và một niềm tin mới” - Huỳnh Minh Thảo, giám đốc truyền thông của ICS, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Thành lập từ năm 2008, tổ chức này đã có khá nhiều hoạt động và dự án để kêu gọi cộng đồng chia sẻ, thông cảm với người chuyển giới tại Việt Nam.

Một thông tin thú vị từ anh Huỳnh Minh Thảo là: với việc “luật hóa” quyền chuyển đổi giới tính, Việt Nam còn vượt trước cả Thái Lan - quốc gia láng giềng vốn là “điểm đến” của những người có nhu cầu phẫu thuật chuyển giới nhưng lại chưa hề có điều luật cho phép công dân xác định lại giới tính của mình. “Bởi vậy, khi Việt Nam thực hiện điều này, tôi tin những người chuyển giới sẽ luôn đề cao ý thức công dân và tự hào về sự bình đẳng trong xã hội chúng ta” - anh nói.

Những vấn đề liên quan tới chuyển giới được quy định tại điều 36 và 37 của Bộ luật hình sự mới, cho phép cá nhân xác định lại giới tính của mình với sự can thiệp của y học. Theo lời anh Thảo, cộng đồng chuyển giới tại Việt Nam rất hy vọng trong tương lai, việc xác định lại giới tính được mở rộng cả tới những đối tượng không trải qua phẫu thuật.

“Không phải người chuyển giới nào cũng có điều kiện kinh tế để tiến hành phẫu thuật. Và do những vấn đề về sức khỏe y tế, cũng rất nhiều bạn không muốn tiến hành phẫu thuật, hoặc chỉ phẫu thuật một phần” - anh Thảo phân tích. “Tại nhiều quốc gia, người có nhu cầu chuyển giới phải tham gia một số bài test y tế. Nếu vượt qua, dù có phẫu thuật hay không, họ vẫn được quyền thay đổi giới tính của mình. Hy vọng, điều này sẽ dần được áp dụng tại Việt Nam”.

Được biết, các cơ quan chức năng sẽ có thêm một số văn bản hướng dẫn, quy định các vấn đề liên quan tới việc chuyển đổi giới tính - trước khi Bộ luật dân sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2017.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

No comments: