2015/11/23

Cái Sai Của Văn Học Hiện Thực Phê Phán

Hoàng Hữu Phước, MIB


Sau ngày giải phóng 30-4-1975, ở tất cả các trường trung học bắt đầu dạy về cái gọi là văn học hiện thực phê phán. Chính sự việc ngẫu hứng này đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng trong đời sống xã hội Việt Nam ngày nay.


Trong tất cả các ngôn ngữ Âu Tây thống trị học thuật triết học văn học hàn lâm của toàn nhân loại thì có hai thể loại văn là fiction và non-fiction, với nội dung lần lượt theo thứ tự trước sau là giả tưởng và phi giả tưởng, vốn được trình bày rõ trong các giáo trình cấp tiểu học ở các nước Âu Mỹ.

Fiction
Fiction tức giả tưởng bao gồm tiểu thuyết kể cả tiểu thuyết trinh thám/phiêu lưu/mạo hiểm/kinh dị/hài, truyện ngắn, kịch nghệ, thơ ca, truyện thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện thần tiên, truyện dã sử, truyện dân gian, truyện truyền thuyết, truyện tranh, kể cả chương trình phát thanh, truyền hình, phim truyện, v.v., tức tất cả những gì đa số là hư cấu, không phải là sự thật, được sáng tác từ sự thăng hoa ý tưởng của tác giả, ngay cả khi đó là tác phẩm văn học về một nhân vật lịch sử có thật, vì lời thoại của nhân vật ấy cùng các nhân vật khác với nhau trong tác phẩm đó hoàn toàn không do – hoặc không có gì làm bằng chứng là do – các nhân vật ấy đã từng thực sự thốt ra với nhau trong đời y hệt 100% như lời thoại, đúng từ dấu phẩy dấu chấm câu, chưa kể người đóng vai Tần Thủy Hoàng có tên trên chứng minh nhân dân không phải là Tần Thủy Hoàng và có nghệ danh mà giới điện ảnh đều biết đến, tức hư cấu về con người đang diễn xuất, hư cấu về nơi chốn thực sự, và hư cấu về lời thoại.

Non-fiction
Trái lại, tác giả non-fiction không được để trí tưởng tượng của mình xen vào tác phẩm. Non-fiction bao gồm những tác phẩm khảo cứu về các đề tài khoa học, kỹ thuật, quân sự, kinh tế, triết học, sử học, v.v.; các tiểu luận hay luận án; niên lịch almanac; nhật ký và hồi ký; từ điển, bách khoa toàn thư, và bản đồ atlas; sách sử và sách giáo khoa; diễn văn; sổ tay cẩm nang; bài báo; kể cả bài phê bình một tác phẩm fiction hay một tác phẩm non-fiction khác, hay khi đó là công trình nghiên cứu về tiểu sử của một nhân vật có thật (biên khảo về tiểu sử của một nhân vật tức biography hay biên khảo về tiểu sử của chính mình do chính nhân vật ấy tự viết ra tức auto-biography đều là non-fiction), các bộ luật, và phim tài liệu, v.v. Tóm lại, khi một công trình viết lách không là tiểu thuyết, không có cốt truyện, không có các nhân vật, không có bắt đầu câu chuyện – diễn biến câu chuyện – kết thúc câu chuyện, không có nêu vấn đề và giải quyết vấn đề, không cần đọc từ đầu đến cuối mới hiểu mà chỉ cần đọc đúng chương có chi tiết thông tin cần tham khảo hoặc đọc bất kỳ chương nào trước cũng được, và tất nhiên không phục vụ nhu cầu giải trí mà chỉ phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin tham khảo thì đó là non-fiction tức thuần dựa trên dữ kiện có thật. Kinh kệ của các tôn giáo cũng được xem thuộc loại non-fiction nhưng không với hàm ý rằng tất cả là sự thật mà với hàm ý rằng rất đông người trên thế giới tin đó là sự thật.

Văn Học Hiện Thực Phê Phán Ở Việt Nam
Khi ở Việt Nam nêu lên tên gọi Văn Học Hiện Thực Phê Phán, điều này có nghĩa toàn bộ những người có trách nhiệm về văn học nước nhà đã không biết gì về sự phân biệt giữa fiction và nnon-fiction trong văn học. Khi đã là tiểu thuyết thì không bao giờ là hiện thực, mà đã không là hiện thực thì không thể có việc phê phán cái chẳng sai nào đó không có thật trong hiện thực ấy. Để phục vụ mục đích tuyên giáo, người ta thi nhau sáng tác và gọi đó là phê phán hiện thực; song, điều đáng ngạc nhiên là nếu một tồi tệ tiêu cực thực có trong xã hội thì nó phải bị pháp luật trừng trị thích đáng chứ không phải cứ tồn tại để làm bia nhắm bắn của phê phán, còn nếu đó là trí tưởng tượng thì sao lại bỏ công phê phán nó cứ như vung tay đấm mãi vào bột giặt siêu bọt, vào ảo ảnh hay ảnh ảo.

Khi sáng tạo ra tình huống xấu xa tiêu cực trong xã hội để phê phán, các tác giả đã tham gia ngụy tạo sự việc khiến không phát huy tác dụng phê phán nơi học sinh đối với các tiêu cực xấu xa có thực, chưa kể đã miêu tả cứ như thật và rất chi tiết về các xấu xa tiêu cực ấy, từ biển thủ công quỹ, từ mưu ma chước quỷ, từ ăn chơi trác táng, từ xài tiền như nước, từ hãm hại người ngay, đến cuộc sống xa hoa sa đọa dâm ô, khiến làm vấy bẩn tinh thần học sinh, lôi cuốn học sinh thiên về các tiêu cực đầy ma lực hấp dẫn ấy. Một khi hiện thực phê phán cứ mãi miệt mài phán phê hiện thực, học sinh dễ nhận ra và thần phục khả năng bất khả chiến bại của tiêu cực trước thực tế tiêu cực trong xã hội càng phát triển mạnh hơn theo đà tấn công của văn học hiện thực phê phán, và từ đó nhiều học sinh khi trưởng thành đã trở thành tiêu cực với sự an tâm rằng sẽ không bị pháp luật trừng trị cho những sai trái của mình.

Nền văn học hiện thực phê phán đã chưa từng đóng góp gì cho việc làm xã hội và đạo đức xã hội tốt hơn. Nền văn học hiện thực phê phán lẽ ra đã phát huy tác dụng nếu chỉ ở thể loại non-fiction, nghĩa là nói về người thật và việc thật, các phóng sự điều tra, các tư liệu điều nghiên tội phạm, lôi được những kẻ phạm tội cụ thể ra trước vành móng ngựa chịu sự xử án nghiêm minh hiệu quả của luật pháp. Nền văn học hiện thực phê phán mà dưới dạng fiction tức tiểu thuyết và phim truyện thì tự động biến thành trò hề vì đã là tiểu thuyết và phim truyện thì thuần túy hư cấu, không bao giờ là hiện thực theo chuẩn học thuật Âu Mỹ.

Khi nhà báo ở Việt Nam viết bài với bút danh mà không với tên trên chứng minh nhân dân thì cũng đã vô tình hàm ý rằng những bài báo của mình là tác phẩm fiction không nói về sự thật vậy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

No comments: