2015/11/16

Đã đến lúc thế giới cần chia tay với tiêu chuẩn kép về khủng bố

http://molang0205.blogspot.com/2015/11/a-en-luc-gioi-can-chia-tay-voi-tieu.html?m=1

Lê Thế Mẫu


Mọi người thường nghe nói tới một khái niệm được gọi là “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ quốc tế.

Hiểu nôm na và ngắn gọn là trong quan hệ quốc tế thường phải sử dụng một số tiêu chuẩn pháp lý đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc để đánh giá và nhìn nhận tính chất đúng hay sai của các sự việc, hiện tượng, sự kiện v.v. Thế nhưng khi áp dụng tiêu chuẩn này, một số nước lại áp dụng “tiêu chuẩn kép”, hay là“tiêu chuẩn nước đôi”, để đánh giá sự việc hay đối tượng mà họ có liên quan, nghĩa là khi nào sự việc hay đối tượng nào việc đem lại lợi ích cho họ thì họ cho là “đúng”, còn nếu trái với lợi ích của họ thì họ cho là“sai”.

Sau đây là một số trường hợp điển hình của việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi đánh giá, nhìn nhận về khủng bố và chống khủng bố.

Trường hợp 1: Tổ chức vũ trang hồi giáo cực đoan “Al-Qaeda” do Osama Ben Laden chỉ huy được Cục tình báo trung ương Mỹ nuôi dưỡng, huấn luyện và trang bị, đã từng là đồng minh chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Quân đội Liên Xô đang làm nhiệm vụ giúp chính quyền dân chủ nhân dân ở Afghanistan chống lại Taliban trong những năm 1980.

Đến năm 2001, sau vụ khủng bố ngày 11-9, “Al-Qaeda” bỗng nhiên trở thành tổ chức khủng bố quốc tế nguy hiểm vì được cho là thủ phạm gây ra sự kiện này. Thế là, lấy cớ “diệt Al-Qaeda”, Mỹ thực hiện cuộc“chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” để phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan, biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Còn sau gần 15 năm Mỹ và NATO tiến hành cuộc “chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan, khủng bố không những không bị tiêu diệt mà còn phát triển và lan rộng ra khắp thế giới.

Trường hợp 2: Trong các biến động chính trị-xã hội ở Syria từ năm 2011 tới nay, khi đóng vai trò là thành phần chủ yếu trong hàng ngũ “các lực lượng đối lập” chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (gọi tắt là ISIL) đã từng được một số nước Phương Tây ca ngợi là “những chiến sỹ đấu tranh cho tự do”.

Tiền thân của ISIL là “Nhà nước Hồi giáo Iraq”, gọi tắt là ISI

(Islamic State of Iraq), một tổ chức hàng đầu của các lực lượng vũ trang Hồi giáo theo dòng Sunni nổi lên gây bạo loạn ở Trung Đông, tự tuyên bố thành lập vào ngày 15/10/2006 ở Iraq trên cơ sở hợp nhất 11 nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni, đứng đầu là một chi nhánh của mạng lưới khủng bố của "Al Qaeda" ở Iraq ("Qaeda Al-Jihad In Iraq").

Đầu năm 2012, ISI thành lập tổ chức mang tên “Jabhat Al-Nusra” ở Syria-một chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế “Al-Qaeda”, lớn mạnh rất nhanh do phối hợp với hoạt động của lực lượng đặc nhiệm một số nước trong Nhóm các nước“Những người bạn của Syria” nhằm lật đổ Tổng thống Syria BasharAl-Assad. Tổ chức này nhận được sự chi viện tiền bạc và vũ khí của một số nước ở Trung Đông như Arabia Saudi và Qatar.

Ngày 9/4/2013, ISL tuyên bố thành lập“Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”, gọi tắt là ISIL (Islamic State of Iraq and the Levant) ở Syria. Vì thế, ISIL còn được gọi là “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria”.

Từ đầu tháng 6-2014, ISIL mở chiến dịch tấn công ồ ạt, chiếm nhiều thành phố ở Iraq và tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, gọi tắt là IS (Islamic State) vào ngày 29-6-2014.

Tương tự như chuyện Tổng thống Mỹ G.W.Bush phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” nhằm vào “Al-Qaeda” sau sự kiện 11-9-2001, sau sự kiện IS công bố bức ảnh chặt đầu một nhà báo Mỹ, ISIL từ vai trò “những chiến sỹ đấu tranh cho tự do”bỗng nhiên trở thành “hiểm họa đối với cả thế giới”, còn Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố IS là “kẻ thù của nước Mỹ” và thực hiện “chiến lược toàn diện chống IS”.

Thậm chí, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, để cuộc chiến chống IS thành công, trước hết phải loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad-một người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống IS

Cũng tương tự như chuyện khủng bố lan tỏa ở Afghanistan, sau hơn 1 năm liên quân do Mỹ chỉ huy chống IS, thì tổ chức này cũng ngày một lớn mạnh và trở thành hiểm họa đối với cả thế giới.

Trường hợp thứ 3: cách nhìn nhận về tội ác do khủng bố gây ra.

Trong nhiều năm qua, các tổ chức khủng bố đã gây ra vô vàn tội ác đối với người dân ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và nhiều nước Châu Phi, Trung Đông, nhưng báo chí Phương Tây đưa tin cũng chỉ là “để đưa tin”. Không hơn.

Hoặc, các chiến binh IS đã từng cùng với các tổ chức phát xít mới ở Ukraine tiến hành cuộc đảo chính ở Kiev, rồi sau đó thực hiện cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” để tàn sát người dân ở miền đông-nam Ukraine và gây nên nhiều tội ác, lại được nhìn nhận là “họ chiến đầu vì các giá trị Châu Âu” ở Ukraine (!?).

Thế mới có chuyện: Tổng thống Ukraine Petro Poroshenco vừa bay sang Paris chia buồn với nước Pháp về vụ khủng bố ngày 13-11-2015, thì Chính quyền Kiev ra lệnh pháo kích dữ dội vào các khu vực dân cư của người dân ở Donhesk. Thế mà báo chí Phương Tây gần như im lặng tuyệt đối, có vẻ như sinh mạng của người dân Ukraine nói tiếng Nga không đáng quan tâm bằng sinh mạng của người dân Pháp trước tội phạm khủng bố.

Do cách ứng xử với chủ nghĩa khủng bố theo “tiêu chuẩn kép” như vậy, nên IS mới chưa bị tiêu diệt, thậm chí ngang nhiên hoành hành ngay giữa thủ đô Paris của nước Pháp ngày 13-11-2015 vừa qua.

Đã đến lúc thế giới cần phải chia tay với tiêu chuẩn kép trong cách ứng xử với chủ nghĩa khủng bố, nếu không thì mọi tuyên bố về “chống khủng bố” chỉ dừng lại trên lời nói./.

No comments: