2015/11/07

"Gào thét không phải là lòng yêu nước"

http://molang0205.blogspot.com/2015/11/gao-thet-khong-phai-la-long-yeu-nuoc.html

Chiềng Chạ

Toàn cảnh chuyến của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam (Nguồn: Internet). 

Xin thú thật trước làn sóng biểu tình phản đối Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam mấy ngày qua dù rất bất bình nhưng bản thân tôi vẫn im lặng. Đó cũng là cách thức để một sự việc dù rùng beng, rúng động đến như thế nào cũng nhanh chóng qua đi và nhanh chóng rơi vào lãng quên. Vậy nhưng thiết nghĩ để không có sự việc tương tự xảy ra ở những chuyến thăm sau thì nói ra những điều sau đây khi cuộc viếng thăm kết thúc là điều hết sức cần thiết. 

Bất cứ ai cũng hiểu rằng vì sao một bộ phận người Việt lại sẵn sàng bỏ qua tất cả khuyến cáo của nhà cầm quyền, thậm chí không sợ bị bắt và xử lý để lao vào những cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình? Vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và những hành động ngang ngược của TQ trên Biển Đông thời gian qua khiến không ai không tức giận và bất bình. Song xin khẳng định là không phải ai trong đám người hỗn loạn tham gia biểu tình đó ai cũng yêu nước thực sự, quan tâm tới vấn đề Biển đảo và chủ quyền của Tổ quốc trên Biển; bộ phận người này nói ra điều những người yêu nước nói để hình thành cho mình một cái chỗ dựa, một điểm tựa mà dù gây nên chuyện cũng dễ được thông cảm. Cơ quan thực thi pháp luật cũng sẽ khó lòng xử lý nghiêm theo luật định bởi như thế sẽ dấy lên một làn sóng phản đối mà các nhà "Zân chủ" trong nước hay gọi là "đàn áp người yêu nước". 

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng số người đóng vai trò "tổ chức", lợi dụng "lòng yêu nước" để tụ tập, kích động một bộ phận người đông hơn tham gia biểu tình, phản đối chuyến thăm của ông Tập là không nhiều. Nghĩa là yếu tố tác động, hướng lái của đám người xấu (tổ chức và lợi dụng "lòng yêu nước") trong trường hợp này chưa thể biến những người bị lôi kéo, bị kích động trở thành đồng bọn, đồng lõa vào một hành vi không nên có và không nên làm. Yếu tố mang tính tự thân trong trường hợp này vì thế có một vị trí khá vững chắc, nếu không nói là quyết định? Và với riêng điều này thì chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi liệu rằng đó là "lòng yêu nước" nguyên nghĩa, phồn thực nhất hay đó cũng chỉ là một sự biến tướng của một đám người tự nhân mình là yêu nước nhưng thực sự họ đang đi ngược lại các giá trị của lòng yêu nước!

Quả thực mới nhìn qua thì ai cũng nhìn thấy một điều mang tính hình thức là những người xuống đường phản đối chuyến thăm của ông Tập xung quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng đã ai thử hỏi rằng lòng yêu nước có bao nhiêu yếu tố cấu thành nên và trong các yếu tố đó cái gì quan trọng hơn, cái gì yếm thế hơn? Có thể việc xuống đường phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ chỉ cho người TQ nói chung, cá nhân ông Tập nói riêng một bức thông điệp không chịu khuất phục của dân tộc Việt Nam; mọi sự thỏa hiệp liên quan vấn đề chủ quyền là điều không thể xảy ra. Mặt khác, trên khía cạnh ngoại giao đôi khi điều này có tác dụng tương hỗ, hỗ trợ cho các cuộc hội đàm từ hai bên với ý nghĩa đó cũng là một kênh thông tin để chuyển tải thông điệp, điều muốn nói từ Nhà nước ta.

Song, như trên đã nói điều cốt lõi nhất khi đứng trước những tình huống như đã qua là nhận thức lòng yêu nước đích thực? Cần đặt hành động đó trong mối tương quan với lợi ích của quốc gia - dân tộc và thử tự đặt ra giả thiết rằng với hành động xuống đường biểu tình, phản đối đó thì cái mất của đất nước là gì, cái được là gì? để từ đó tự cân đo đong đếm trước khi đi đến quyết định chính thức. 

Rất có thể, trong bối cảnh TQ liên tục có các động thái lấn tới trên Biển Đông thì việc nói cho họ thấy quyết tâm của chúng ta là cần thiết; là một cách để họ suy nghĩ và dừng các hoạt động "leo thang" như vừa qua. Ấy vậy nhưng, cần hiểu rằng, đối thủ của chúng ta là TQ - một đất nước đông dân và có tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới. Và trong bối cảnh mà lợi ích các dân tộc, các quốc gia đang có xu hướng đan xen, hòa nhập thì không nhất thiết chúng ta phải chống sự bành trướng của TQ bằng một cuộc chiến tranh khốc liệt và một sống, một còn? Những gì trong quá khứ, nhất là trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, chiến tranh chỉ nên áp dụng vào trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác và kẻ thù sẽ không chịu khuất phục chừng nào họ chưa thất bại trên chiến trường. Cái giá phải trả cho tất cả các cuộc chiến tranh dù đó là kẻ thắng, người thua đều không phải là nhỏ; vậy nên khi còn một sự lựa chọn khác thì nhất thiết cần theo đuổi. Ở đây, người viết không đến nỗi bi quan rằng nếu chiến tranh nổ ra thì đất nước ta không thể giành thắng lợi nhưng thử hỏi rằng để có được thắng lợi đó chúng ta sẽ phải mất gì, hao tổn gì? Chúng ta sẽ cần bao nhiêu năm nữa để hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây nên như cái cách cả dân tộc đã thực hiện sau sự kiện 30/4/1975? Y Rắc, Afganitan hay Libi vừa qua là những bài học chưa thể nói là mới của những cái đầu nóng và suy nghĩ chỉ có chiến tranh mới giải quyết được mâu thuẫn đối kháng nước lớn, nước bé! 

Nói như thế để thấy rằng, khi mà còn một cơ hội, biện pháp khác ngoài cuộc chiến thì nên theo đuổi và hiện thực nó. Và thực tiễn chứng minh rằng để có được hiện trạng ở thời điểm hiện tại chính là hệ quả trực tiếp của một đường lối ngoại giao khôn ngoan "không chiến tranh" mà giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. 

Như vậy, hiểu như thế nào về lòng yêu nước, về lợi ích đại cục của quốc gia - dân tộc như thế nào rất đỗi quan trọng; nếu không nói nó có ý nghĩa định hướng hành động đó đúng hay sai. Và chúng ta cũng không thể nhận thức lòng yêu nước đó có tính bất biến, nó luôn chuyển động và biến thiên, cho nên có thể hôm nay lòng yêu nước là cầm súng ra trận với thành tích là tiêu diệt bao nhiêu tên địch nhưng ngày mai nó lại là khác và khi đó chiến tranh chỉ là cái hậu kết cuối cùng. Chỉ có một thứ có tính bất biến, khó thay đổi đó là "Gào thét không phải là lòng yêu nước". 

Cuối cùng để kết thúc Entry này, xin được trích nguyên văn đoạn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trước các Đại biểu quốc hội trước thềm chuyến thăm, phát biểu của ông Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam: "Tôi mong dù còn có ý kiến khác nhau nhất định nào đó nhưng đón khách đến nhà chúng ta cần tỏ thái độ hiếu khách và ứng xử văn hóa". Đề nghị các đại biểu Quốc hội đón tiếp khách đến nhà với tinh thần như thế. Chúng ta trao đổi rất nghiêm túc, thẳng thắn về các vấn đề nhưng rất thiện chí,"  Thiết nghĩ đó cũng là một thông điệp về "yêu nước có văn hóa". Và không có lí gì khi chúng ta tự hào rằng Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống nhân văn, yêu hòa bình và bác ái mà chúng ta không thể lịch sử với một vị khách ngoại quốc? Bởi chúng ta đâu chỉ có lịch sử với riêng con người đó mà hơn hết chúng ta chỉ cho thế giới thấy rõ hơn về chúng ta. 

No comments: