2019/03/20

Thành tích thi học sinh giỏi có giúp miễn tội cho Hà Văn Nam?

Loa Phường


Ngày 05/03/2019, ông Hà Văn Nam - một "thủ lĩnh" của phong trào “đánh BOT” - đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi "gây rối trật tự công cộng", gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí Phả Lại. Vụ việc này đã khiến phong trào "đánh BOT" trở lại thành tâm điểm của dư luận phi chính thống trong tuần trước, sau khoảng nửa tháng rơi vào nguội lạnh. Bước sang tuần này, các hoạt động tuyên truyền của họ tiếp tục thu hút nhiều sự chú ý, và diễn biến theo hai hướng.

Trong hướng thứ nhất, họ tiếp tục nhắc lại cái lý ban đầu của phong trào " đánh BOT ", để thuyết phục công chúng rằng họ là bên nắm "chính nghĩa" trong vụ việc. Chẳng hạn, họ đăng lại một bài phân tích cũ, rằng đường xá xây theo mô hình BOT chỉ tốt nếu được xem như một mặt hàng mà người dân được tự do lựa chọn, và các doanh nghiệp phải đấu thầu một cách minh bạch để được xây; thay vì để Nhà nước chỉ định nhà thầu và đặt trạm thu phí trên đường độc đạo như ở Việt Nam hiện tại. 

Trong hướng thứ hai, họ tìm cách bào chữa cho "thủ lĩnh" vừa bị bắt giữ là Hà Văn Nam. Có 3 nhóm người đang thực hiện việc bào chữa này, mỗi nhóm sử dụng một thông điệp riêng biệt.

Nhóm thứ nhất gồm vợ Hà Văn Nam, bà Lê Hiền Đức, các lái xe "đánh BOT", và phóng viên Thùy Linh của BBC. Họ đồng loạt xây dựng hình ảnh đẹp cho Nam, bằng cách mô tả Nam là "chủ 2 doanh nghiệp"; "từng đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Toán của tỉnh và thủ khoa đại học"; "hào sảng, biết san sẻ với người yếu thế, thích sự công bằng"; và "chỉ chống bất công, tham nhũng"... Họ cũng viết rằng Nam đã khiến nhiều trạm thu phí giao thông ngừng hoạt động, giúp "người dân cả nước tiết kiệm hàng chục tỷ đồng". Riêng nhóm lái xe của Trương Châu Hữu Danh, Phương Ngô... tuyên truyền lặp đi lặp lại về Hà Văn Nam, tôn Nam thành "biểu tượng đấu tranh chống tiêu cực của cả nước".

Nhóm thứ hai là các luật sư bào chữa của Hà Văn Nam. Luật sư Trần Thu Nam tung tin rằng có thể công an sẽ quy kết Hà Văn Nam liên quan đến vụ đánh nhau tại trạm thu phí Phả Lại - vốn là vụ việc khiến 6 lái xe bị truy tố trước đó. Nếu vậy, thì việc truy tố Nam "có nhiều uẩn khúc", vì trong vụ Phả Lại, Nam chỉ tham gia đối thoại chứ không tham gia đánh nhau. Tuy nhiên, thông điệp tuyên truyền của Trần Thu Nam có thể chỉ là một phỏng đoán sai sự thật, bởi theo thông tin mà công an đưa ra tuần trước, thì Hà Văn Nam bị bắt do cố tình dừng xe để gây ách tắc giao thông, ngay cả khi trạm Phả Lại đã mở thanh chắn cho xe cộ đi qua miễn phí.

Nhóm thứ ba là tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong thông cáo báo chí và bài phỏng vấn RFA của nhân viên khu vực Nguyễn Trường Sơn, tổ chức trao cho Hà Văn Nam danh hiệu "tù nhân lương tâm", và nói rằng Nam phải được thả. Họ giải thích rằng ông Nam xứng đáng với danh hiệu này, do đã "chịu cảnh tù đày chỉ vì thực hành và bảo vệ những cái quyền con người và quyền công dân của mình một cách ôn hòa", "không kêu gọi bạo lực và hận thù", theo đúng định nghĩa về "tù nhân lương tâm" mà Ân xá Quốc tế đặt ra. Ngoài ra, tổ chức này cũng tuyên truyền rằng Nam bị khởi tố không phải vì phạm tội hình sự, mà vì đấu tranh chống các "nhóm lợi ích" có "liên kết" với Nhà nước.

Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.

Thứ nhất, theo thông tin mà công an đưa ra tuần trước, thì Hà Văn Nam bị bắt do cố tình dừng xe để gây ách tắc giao thông, ngay cả khi trạm Phả Lại đã mở thanh chắn cho xe cộ đi qua miễn phí. Với hành vi này, ông Nam đã có dấu hiệu phạm tội "Gây rối trật tự công cộng", với hành vi "Gây cản trở giao thông nghiêm trọng", được quy định tại Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài Việt Nam, nhiều nước khác cũng quy định rằng các hoạt động biểu đạt ý kiến của người dân không được gây ách tắc giao thông. Nguyễn Trường Sơn cứ thử biểu tình bằng cách dừng xe giữa Quốc lộ của Thái Lan, xem cảnh sát Thái Lan có cho Sơn làm "tù nhân lương tâm" không thì khắc biết.

Khi Hà Văn Nam đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Nam bị bắt để điều tra là chuyện rất bình thường. Cái lý ban đầu của các nhóm "đánh BOT" và thành tích thi học sinh giỏi của Hà Văn Nam đều đều không thể giúp Nam được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đáng tiếc, nếu ông Nam tránh vi phạm pháp luật, tránh những khiêu khích không cần thiết, và tránh cộng tác với những ngôi sao của làng "dân chửi", thì các hoạt động của ông có thể đã tỉnh táo, lâu dài và hữu ích hơn. Những sai lầm trong phương thức hoạt động của Hà Văn Nam, không biết chừng, lại xuất  phát từ ảnh hưởng của những "quân sư quạt mo" coi thường pháp luật như Lê Hiền Đức:



Thứ hai, ông Nam "đánh BOT" theo ý mình, vì lợi ích của mình, chứ không phải theo đề nghị của người dân. Trong quá trình "đánh BOT", ông đã cố tình gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người ngoài cuộc. Trong hoàn cảnh như vậy, "người dân cả nước" không việc gì phải "biết ơn Hà Văn Nam" như các nhóm lái xe đang mạo nhận.

Thứ ba, cần thừa nhận một thực tế rằng các tổ chức chống chế độ, như đảng Việt Tân, đã cài người vào phong trào "đánh BOT" ngay từ đầu. Năm 2017, khi phong trào chống các trạm thu phí theo mô hình BOT vừa khởi lên, một thành viên Hội Anh em Dân chủ là Thái Văn Đường đã công khai cung cấp tiền lẻ làm đạo cụ "đánh BOT" cho các tài xế. Mới đây, tài xế Trương Quốc Phong tiết lộ mối quan hệ của mình với đảng Việt Tân qua hình ảnh phía trên

Tóm lại, ông Nam có gan làm thì có gan chịu, qua vụ này rút kinh nghiệm, để lần sau tỉnh táo và tôn trọng pháp luật hơn. Cũng mong những lái xe còn lại giữ được lý tưởng ban đầu của mình, thay vì bị hoàn cảnh làm cho tha hóa thành những nhà "dân chửi" thân Việt Tân, quanh năm nhốt mình trong những hoạt động phá hoại.

1 comment:

Micro chuẩn said...

Giỏi mà thất đức thì cũng bỏ đi thôi