2019/03/15

BẢN “PHÚC TÌNH THỰC THI NHÂN QUYỀN THẾ GIỚI NĂM 2018”: VẪN XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Đắc Chí
Ngày 13/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản “Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018”, trong đó có Việt Nam. Báo cáo này do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo tại buổi họp báo công bố Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 ngày 13/03/19 (Ảnh Internet)
Không ngạc nhiên khi bản “Phúc trình” năm nay vẫn tiếp tục dựa trên những thông tin không chính xác để đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong bản “Phúc trình”, phần về Việt Nam có đoạn viết: “Việt Nam tiếp tục duy trì chế độ “công an trị” để điều hành quốc gia, qua rất nhiều thông tin và bằng chứng cho thấy vấn đề nhân quyền ở nước này bị vi phạm liên can bởi công an như cơ quan chức năng bách hại người dân một cách tùy tiện và vô pháp; tra tấn người dân; bắt bớ dân chúng tùy tiện, bắt giữ và kết án một cách vô pháp những cá nhân lên tiếng chỉ trích chính phủ hay đòi hỏi các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do thông tin; theo dõi liên lạc thông tin của dân chúng; cấm đoán người dân hoạt động cho phong trào tự do dân chủ hay tham gia các tổ chức chính trị…”
Cần khẳng định ngay rằng, cái gọi là “Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm thô bạo Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc bình đẳng quốc gia trong ứng xử quốc tế.
Vấn đề nhân quyền ở mỗi quốc gia, không kể hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị - xã hội, kinh tế và văn hoá đều có những giá trị chung giống nhau, không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau, đồng thời mang tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về chính trị, lịch sử, văn hoá và tôn giáo. Liên hợp quốc tuyên bố: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo”.
Khi mà cộng đồng quốc tế thừa nhận cả hai đặc tính của quyền con người, thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại phủ nhận tính đặc thù của quyền con người, đề cao tự do cá nhân, rêu rao học thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Họ tự vỗ ngực là người bảo vệ nhân quyền, lợi dụng các vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, “dân tộc” xuyên tạc, vu cáo các nước khác vi phạm nhân quyền, ngang nhiên can thiệp và công việc nội bộ, đe doạ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia có chủ quyền. Rõ ràng, hành động này đang đi ngược lại xu thế và huỷ hoại môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển của thế giới đương đại.
Đối với Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ cách mạng dân tộc, dân chủ đến công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tế những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân; coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Vì vậy, tình hình nhân quyền tại Việt Nam từng bước có những cải thiện tích cực, bảo đảm sự hài hòa thống nhất giữa các quy định pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế.
Một minh chứng sinh động là, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người; Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất; Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước thời hạn năm 2015; Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng về việc đảm bảo quyền của người dân về ngôn luận, tự do hội họp, tự do internet. Hiện nay, tại Việt Nam có trên 700 tờ báo viết, hơn 1000 báo mạng và khoảng 31 triệu người dân sử dụng internet… 
Và mới đây nhất tại phiên họp 125 của Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee) của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, hôm 12/3/2019, đoàn công tác của Việt Nam tham dự phiên họp cũng đã khẳng định: “Hiện nay Việt Nam thì cũng đã có 100 luật mới liên quan đến các điều luật liên quan tới công việc bảo vệ và đẩy mạnh quyền con người, quá trình làm luật đã được đẩy mạnh hơn để theo hướng ngày càng minh bạch và tiến bộ”; trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc Việt Nam bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận rất mạnh mẽ, báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng…
Rõ ràng, không có mô hình thực hiện nhân quyền cho mọi quốc gia và không thể sao chép nguyên si mô hình bảo đảm nhân quyền của Hoa Kỳ hay của một quốc gia nào đó vào Việt Nam. Mỗi nước có mô hình riêng, đó là lẽ phải không ai chối cãi được, nó đã trở thành những nguyên tắc ứng xử, những chuẩn mực pháp lý quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong các bản Tuyên ngôn, các Công ước quốc tế về nhân quyền. Hơn ai hết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần phải “thuộc nằm lòng” về nguyên tắc bất di bất dịch đó.
Thiết nghĩ những người soạn thảo và thông qua “Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018” hãy từ bỏ tư duy chính trị cổ hủ, định kiến, không nên dùng cái gọi là “phúc trình thường niên” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, điều này đi ngược lại lợi ích và làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ./.