Những năm qua, anh cùng phi đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai thác, sử dụng huấn luyện bay, đảm bảo an toàn bay trên thủy phi cơ DHC-6.
Tối qua (19/3), T.Ư Đoàn đã vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2018 và 10 gương mặt trẻ triển vọng tại Hà Nội. Thượng úy Nguyễn Văn Thuận (SN 1991, Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân, một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018) là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu được vinh danh lần này. Với hơn 1.450 giờ bay tích lũy, Thượng úy Thuận trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam ở độ tuổi chưa đến 30.
Phi công Nguyễn Văn Thuận
Thi đậu Học viện Hải quân, Nguyễn Văn Thuận trúng tuyển vào khóa học tàu ngầm, sau đó tiếp tục trúng tuyển phi công, trở thành phi công hải quân. Anh là một trong tám học viên đầu tiên được tuyển chọn sang Canada và được đào tạo nhận bằng phi công quốc tế cá nhân và bằng phi công thương mại chở khách.
Chuyến bay tháng 3/2011 là chuyến bay đầu tiên trong đời của chàng phi công trẻ. Nhưng khó nhất vẫn là lái thủy phi cơ DHC-6. Phi công Thuận cùng các anh em được cử đi học Canada là những phi công đầu tiên của Việt Nam khai thác loại máy bay này.
Tích cực học tập, rèn luyện, Thuận đã hoàn thành bay trước tiến độ tất cả các khoa mục bay trên máy bay cấu hình bánh lốp và được phê chuẩn phi công lái chính tất cả khoa mục giản đơn cũng như phức tạp. Anh được cấp trên phê chuẩn là giáo viên ở các nội dung: Khí tượng giản đơn và khí tượng phức tạp.
Năm 2013, Thuận tốt nghiệp và nhận bằng phi công thương mại ở Canada, chuẩn bị về nước thì được giao nhiệm vụ mới: Ở lại làm trợ giảng, phiên dịch các lớp kỹ thuật máy bay. Bên cạnh đó chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt khác: Đưa máy bay DHC-6 đầu tiên từ Canada về Việt Nam.
Phi công Nguyễn Văn Thuận là phi công đầu tiên và duy nhất của Hải quân Việt Nam được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Chuyến bay kéo dài 50 giờ bay trên không, đi qua 7 sân bay, 5 quốc gia và kéo dài liên tục trong 10 ngày. Ngày 29/10/2013, thủy phi cơ DHC-6 đầu tiên đã hạ cánh tại sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
Mỗi năm, Thuận thực hiện gần 1.000 chuyến bay với hơn 250 giờ bay huấn luyện và nhiệm vụ. Trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng và đột xuất: Bay chở các đoàn công tác, bay trinh sát, tuần tiễu các mục tiêu trên biển, bay cấp cứu bệnh nhân là ngư dân bị suy tim từ đảo Trường Sa về Cam Ranh…
Sáu năm với nhiều chuyến bay ra Trường Sa, Thượng úy Thuận thừa nhận đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ khó vì khoảng cách từ Trường Sa đến đất liền rất xa với hơn 250 hải lý, bay hoàn toàn trên biển, khí tượng trên biển thay đổi bất ngờ đòi hỏi phi công lái DHC-6 phải có sự tỉnh táo.
Anh cho biết: “Sân bay Trường Sa là một trong những đường băng hẹp nhất tôi từng bay. Để đạt được trình độ phê chuẩn cất - hạ cánh ở sân bay Trường Sa đòi hỏi phi công phải có kỹ năng, tính kỷ luật trong bay, không được sai sót dù là 1cm”.
Tính đến tháng 12/2018, tổng giờ bay huấn luyện và nhiệm vụ tích lũy của Thượng úy Thuận là 1.450 giờ, trong đó có 8 chuyến bay chở các đoàn công tác, cấp cứu đi Trường Sa; bay trinh sát, tuần tiễu mục tiêu trên biển...
Nhiều năm liên tục, Phi đội 2 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người cũng như trang bị kỹ thuật. Thuận chia sẻ, anh luôn cố gắng rèn luyện bản thân từ những điều nhỏ nhất và nỗ lực xử lý công việc khoa học, hiệu quả, vì lợi ích của tập thể...
Thượng uý Nguyễn Văn Thuận vinh dự được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm 2016, 2017, 2018 và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp. Năm 2017, anh được cấp trên thăng quân hàm trước niên hạn từ Trung uý lên Thượng uý. Những ngày này, niềm vui của chàng Thượng úy trẻ được nhân đôi vì ngoài được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam, vợ chồng anh còn chuẩn bị đón cặp song sinh sắp chào đời.
Thủy phi cơ DHC-6 là loại máy bay 19 chỗ ngồi (do Canada sản xuất), có tốc độ đồng hồ lớn nhất ở độ cao từ 0 đến 2.000m đạt 307 km/g; thời gian bay tối đa ở độ cao 3.000m là 6 giờ 51 phút. Thủy phi cơ có thể cất, hạ cánh ở đường băng đất, cát, cỏ, băng tuyết và cả trên mặt nước, sình lầy... và nhiều tính năng ưu việt khác. Vì vậy, DHC-6 là máy bay có thể hạ - cất cánh tại sân bay Trường Sa.
Lữ đoàn 954 là đơn vị làm nhiệm vụ thường xuyên thực hiện chở, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, chở lãnh đạo các cấp đi công tác tại Trường Sa và có một nhiệm vụ đặc biệt khác là trinh sát. Tháng 6/2014, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức ra mắt Phi đội không quân hải quân DHC-6.
Lam Hạnh (Pháp luật Việt Nam)
1 comment:
Việt Nam cần nhiều người như Nguyễn Văn Thuận
Post a Comment