2019/03/16

Dính bê bối vụ hồng y xâm hại giáo hội Australia khủng hoảng

Việc Hồng y George Pell, nhân vật có ảnh hưởng trong giáo hội, bị kết án lạm dụng tình dục hai lễ sinh, đã làm mất lòng tin và khiến người Công giáo ở Australia giận dữ.


Bất chấp một loạt vụ bê bối lạm dụng tình dục kéo dài hàng thập kỷ, Giáo hội Công giáo La Mã của Australia vẫn vững vàng.

Trên khắp Australia, các giáo xứ Công giáo vẫn mở cửa, các trường Công giáo vẫn đầy ắp trẻ em, phần lớn nhờ sự hiểu biết về tài chính và pháp lý của giáo sĩ nổi tiếng nhất Australia, Hồng y George Pell.
Tuy nhiên, thứ trống rỗng không phải là tài khoản ngân hàng trong nhà thờ mà là các hàng ghế.


Hồng y George Pell (giữa) rời tòa án tại Melbourne, Australia, vào tháng 2. Ảnh: AP

Tháng 12/2018, Hồng y Pell bị kết án lạm dụng tình dục hai lễ sinh vào những năm 1990, khiến ông trở thành giáo sĩ Công giáo cấp cao nhất trên thế giới từng bị kết tội. Hôm 13/3, ông bị kết án 6 năm tù.
Vụ việc làm mất lòng tin và khiến người Công giáo ở Australia giận dữ, đẩy hệ thống nhà thờ lớn mạnh một thời rơi vào suy tàn.
"Điều đó thật thảm khốc. Chúng tôi đã mất hai, có thể là ba thế hệ thanh niên và giờ tôi nghĩ tình hình còn tệ hơn. Những người lớn tuổi cũng nối gót giới trẻ", Tiến sĩ Cameron Wilkinson, cựu linh mục và nhà nghiên cứu Công giáo tại Melbourne, nói với New York Times.

Nhà thờ bị bỏ rơi

Khi so sánh với các quốc gia khác phải đối mặt với các vụ bê bối xâm hại kéo dài, sự suy giảm trong các nhà thờ ở Australia là rất đáng chú ý. Trong những năm 1950, 74% người Công giáo ở Australia tham dự thánh lễ hàng tuần.
Trong năm 2011, chỉ có 12% của 5,3 triệu người Công giáo đi lễ định kỳ (thậm chí không phải hàng tuần) và con số dự kiến sẽ giảm một lần nữa khi dữ liệu mới được công bố trong năm nay.
Điều đó đang xảy ra ở một đất nước nơi các trường Công giáo vẫn là một lực lượng thể chế quan trọng. Những ngôi trường này tiếp nhận khoảng 1/5 trẻ em Australia và nhận được gần 80% tài trợ từ chính phủ. Đây là di sản của cuộc khủng hoảng vào những năm 1960, khi đảng Lao động đồng ý giải cứu các trường Công giáo khỏi nợ nần và suy thoái.
Kết quả là một sự phân đôi bất thường. Nhà thờ Công giáo Australia mạnh hơn về tài chính so với các nhà thờ ở nhiều quốc gia khác nhưng lại bị bỏ rơi về mặt tinh thần nhiều hơn.

Hồng y Pell, 77 tuổi, nhân vật độc đoán từng giữ vị trí giám đốc tài chính của Vatican, đã định hình cả hai xu hướng trên.
Trong hai tháng là tổng giám mục Melbourne từ tháng 10/1996, Hồng y Pell đã thiết lập những gì sẽ trở thành bức tường lửa cho tài chính và danh tiếng của nhà thờ. Ông gọi nó là "Hồi đáp Melbourne".
Trên giấy tờ, đó là quy trình đền bù cho những nạn nhân từng bị xâm hại. Hồng y Pell cho biết việc này nhằm giúp các nạn nhân dễ dàng đạt được công lý hơn bên ngoài tòa án. Khi nhận các khoản thanh toán, ban đầu ở mức 50.000 AUD, tương đương 35.000 USD, các nạn nhân buộc phải giữ bí mật về tổn thương của họ.
Hồng y Pell cũng đưa ra cách tiếp cận tương tự với Sydney, nơi ông làm tổng giám mục từ năm 2001 đến năm 2014. Ông đã chiến đấu hết mình để ngăn cản các nạn nhân ra tòa, ngay cả khi bản thân ông thường lên án đồng tính luyến ái và quyên tiền cho các chính trị gia bảo thủ, như cựu thủ tướng Tony Abbott và John Howard. Cả hai người đều bày tỏ sự ủng hộ dành cho Hồng y Pell sau khi tin tức về việc kết tội của ông bị công khai.
Ông từng dẫn dắt cuộc phản pháo chống lại cựu lễ sinh John Ellis, người cáo buộc Đức cha Aidan Duggan ở Sydney cưỡng hiếp mình.
Cha Duggan qua đời năm 2004 trước khi những cáo buộc từ Ellis và một số người khác nổi lên. Ellis lập luận rằng quy trình giải quyết của nhà thờ không hiệu quả nhưng khi Ellis nộp đơn kiện lên tòa án và sau đó cố gắng dàn xếp, Hồng y Pell đã từ chối bồi thường.
Năm 2007, một tòa phúc thẩm phán quyết rằng Giáo hội Công giáo ở Australia không thể bị kiện vì nó không tồn tại như một thực thể pháp lý chính thức.
"Pell sử dụng trường hợp đó để đảm bảo rằng bất kỳ ai nghĩ đến việc đòi nhà thờ đền bù tại các tòa án dân sự sẽ xuống địa ngục", Tiến sĩ Wilkinson, chủ tịch của Catholics for Renewal, một nhóm cải cách giáo dân, cho biết.
Các tài liệu nội bộ của nhà thờ từ năm 2015 cho thấy "Hồi đáp Melbourne" đã tiết kiệm cho nhà thờ tới 62 triệu AUD, tương đương 44 triệu USD, nhờ ngăn chặn một loạt vụ kiện dân sự khác.

Ảnh hưởng của Hồng y George Pell

Nhờ Hồng y Pell, Giáo hội Công giáo Australia chỉ phải đóng cửa một phần nhỏ nhà thờ và trường học dù số lượng giáo dân tham dự thánh lễ đã giảm mạnh.
Ở Melbourne, tại nhà thờ nơi xảy ra vụ xâm hại của Hồng y Pell, người ta thường chỉ thấy một phần của thánh đường được lấp đầy. Điều này đã trở thành vấn đề tại các nhà thờ trên khắp Australia, bất chấp dòng người nhập cư Công giáo từ các quốc gia không nói tiếng Anh, hiện chiếm 19% dân số theo Công giáo.

Ở Ballarat, một số người Công giáo từng nhận thấy Hồng y Pell lôi cuốn và truyền cảm hứng đã rất khó khăn để tin rằng ông đã làm những việc ép buộc lễ sinh quan hệ tình dục bằng miệng, cáo buộc nghiêm trọng nhất trong số nhiều cáo buộc khiến ông nhận mức án 6 năm tù giam.
Hồng y Pell để lại nhiều dấu ấn ở Ballarat và thường xuyên về thăm nơi đây. Trường trung học St. Patrick’s College, nơi Pell từng là vận động viên ngôi sao, đã đặt tên một tòa nhà theo tên ông. Tháng trước, hiệu trưởng trường học cho biết sẽ đổi tên tòa nhà này.
Trong các email được gửi đến phụ huynh trong vài tuần qua, nhiều lãnh đạo trường Công giáo trên khắp Australia đã cố gắng bày tỏ sự ủng hộ với các nạn nhân và tôn trọng phán quyết của bồi thẩm đoàn. Tuyển sinh trường Công giáo đã giảm 1.315 học sinh trong hai năm qua, với số học sinh giảm xuống còn 765.735 vào năm 2018.
"Đối với nhiều người, George Pell là Giáo hội Công giáo ở Australia. Họ đã quen với việc nhà thờ và sức mạnh của nhà thờ đổi trắng thay đen", Andrew Collins, một nạn nhân của lạm dụng tình dục thời thơ ấu ở Ballarat có gia đình gần gũi với Hồng y Pell trong nhiều năm, bày tỏ.
zingnews theo New York Times

1 comment:

Cụm thu truyền thanh Internet said...

Phải xử lý nghiêm tất cả các trường hợp lạm dụng tình dục