2017/05/25

Người dân Tây Nguyên bất bình trước những việc làm sai trái của linh mục Nguyễn Đình Thục

Những ngày qua, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bất bình trước hành vi xem thường pháp luật của linh mục Nguyễn Đình Thục đã kích động một số giáo dân tụ tập, gây rối tại Nghệ An.

Tây Nguyên là khu vực đa dân tộc, đa tôn giáo. Riêng Đắk Lắk, địa phương được xem là thủ phủ của vùng, hiện có 4 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo, Cao đài và Tin lành với số lượng tín đồ trên 450.000 người.

Những năm qua, các tín đồ tôn giáo luôn giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ công dân, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”.

Những ngày qua, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bất bình trước hành vi xem thường pháp luật của linh mục Nguyễn Đình Thục đã kích động một số giáo dân tụ tập, gây rối tại Nghệ An.               
            
Sóng di động, sóng truyền hình đã phủ vào tận buôn làng nên giờ người dân Tây Nguyên có điều kiện hơn dõi theo dòng thời sự diễn ra trên khắp địa bàn của cả nước.

Rời màn hình tivi, ông Y Siu Byă, Trưởng buôn MDuk, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Chủ tịch Hội đồng già làng phường Ea Tam, cho biết hơn một năm qua, ông luôn dõi theo diễn tiến sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra đã được khắc phục như thế nào, thế nhưng trong những ngày qua, ông linh mục Thục (tức linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - PV) đã kêu gọi, kích động số giáo dân quá khích đến gây rối, ra sức xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen làm cho một số người “nhẹ dạ cả tin” trong bà con giáo dân lầm tưởng rằng việc làm đó là đi theo tiếng gọi của Chúa, mang phúc lộc cho các con chiên ngoan đạo để rồi nghe lời xúi giục kích động của họ tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối vi phạm pháp luật.

“Dân làng chúng tôi nhận biết được sự thật việc làm của ông linh mục nên cảnh giác. Chúng tôi kịch liệt phản đối những hành động sai trái này bởi đó là làm theo những mưu đồ đen tối, mượn danh tôn giáo. Rất cần phải đem những việc làm đó ra trước ánh sáng công lý và pháp luật”, ông Y Siu Byă nói.



Không phải chỉ người dân trong buôn làng, nhiều người cùng theo đạo Công giáo tại Tây Nguyên cũng tỏ ra bất bình trước những hành động "không thể chấp nhận được" của linh mục Nguyễn Đình Thục.

Là gia đình có truyền thống nhiều đời theo đạo Công giáo, anh Lê Quốc Quang (45 tuổi), ngụ tại giáo xứ Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), đã bày tỏ sự không đồng tình với cách hành xử đi ngược lại với giáo lý của  linh mục Nguyễn Đình Thục.

Anh Quang viện dẫn: Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thư chung ngày 1-5-1980, khẳng định đường hướng mục vụ là: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

Thư mục vụ đề ra nhiệm vụ cụ thể: “Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” và “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc”. 

Đặc biệt, thư mục vụ còn viết: “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc”.

“Hành vi kích động giáo dân nổi dậy, tụ tập đông người; kéo ra QL1A gây rối trật tự công cộng khiến giao thông bị ảnh hưởng; ra yêu sách đòi chính quyền phải trả những người vi phạm pháp luật Việt Nam đã bị khởi tố, bắt giam để phục vụ công tác điều tra; kích động việc bắt giữ những người thực thi nhiệm vụ trái pháp luật… là hành vi đi ngược lại với hình thức và phương pháp hoạt động của Hội đồng Giám mục Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam”, anh Quang khẳng định.

Tại giáo xứ Du Sinh, TP Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Hà (31 tuổi) cho biết, quan điểm và hành vi của linh mục Thục thực hiện trong thời gian qua là mang tính cá nhân, cục bộ, không đại diện và thể hiện quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

“Hành động đó rõ ràng là không chấp nhận được; cần xử lý bình đẳng trước pháp luật. Formosa gây hậu quả và đã phải chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả. Không thể vin vào cớ này để lôi kéo, kích động giáo dân nổi dậy đòi hỏi những thứ không tưởng, gây mất ổn định, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm đạt thỏa mãn mục đích cá nhân. Tôi phản đối việc làm sai trái của linh mục Thục”, người phụ nữ trẻ theo đạo Công giáo này nói.

Ông KRiên (63 tuổi, ngụ tại thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng), cho biết theo đạo Thiên chúa từ trước năm 1975, cuối  tuần nào gia đình cũng đến giáo đường để làm lễ và cầu nguyện. “Yêu thương Chúa, dành tất cả tình yêu cho Chúa thì càng phải tuân thủ pháp luật chứ đâu thể làm càn như kiểu linh mục Nguyễn Đình Thục. Chúng tôi không chấp nhận hành động này!”.

Một giáo dân khác - chị Ka Tuyên (42 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) nói: “Linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam cần dừng ngay hành vi sai trái của mình. Không được lôi kéo giáo dân vào những cuộc biểu tình, gây rối trật tự xã hội...”. Theo chị Ka Tuyên, không thể nhân danh linh mục hoặc bất cứ ai để có những hành động vi phạm pháp luật và ngược lại với quan điểm, đường lối phát triển của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Linh mục Phạm Thế Truyền, Quản xứ Giáo xứ Kim Phát, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), nói với PV Báo CAND rằng, một khi đối mặt với một sự việc có nhiều diễn biến phức tạp, xác định mình là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, tất cả các tôn giáo đều phải cùng chung tay để giải quyết những vấn đề đó. Hầu hết tín đồ, chức sắc tôn giáo nói chung thời gian qua đã có những suy nghĩ, hành động đúng vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng thật buồn khi bên cạnh đó vẫn có một số người lại lộ bản chất lợi dụng vấn đề để phá hoại đất nước, đi ngược lại với nguyện vọng chung của nhân dân cả nước.

Điển hình như vụ việc của Formosa vừa qua, việc linh mục Nguyễn Đình Thục miệng thì hô hào, tụ tập bà con giáo dân tiến hành biểu tình đòi quyền lợi, nhưng thực tế bản chất chỉ là mượn cớ để thu hút sự “ủng hộ” từ bên ngoài để nhằm mục đích tư lợi cá nhân. Hành vi lợi dụng tôn giáo của cha Thục không chỉ tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại đất nước mà còn đang đi ngược lại những quy định của pháp luật, đi ngược lại với giáo lý tôn giáo.

“Tôi nghĩ rằng trước những chuyện cụ thể như thế này, bà con nhất là bà con giáo dân cần phải tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các luận điệu xuyên tạc, các thủ đoạn kích động, mua chuộc của các đối tượng xấu. Mong rằng bà con giáo dân sẽ có những suy nghĩ, có những hành động đúng đắn, tỉnh táo hơn, đặt niềm tin đúng người, đúng chỗ góp phần hài hòa lợi ích tôn giáo, lợi ích dân tộc”, Linh mục Phạm Thế Truyền bộc bạch.

Nhóm PV (báo Công an Nhân dân điện tử)

No comments: