2017/05/08

CẨN THẬN VỚI NHỮNG LỜI KÊU GỌI GÂY QUỸ TỪ THIỆN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Kêu gọi ủng hộ trên mạng xã hội là việc làm phổ biến hiện nay, ở đó họ có thế kết nối một cách thuận tiện, nhanh chóng cũng như dễ dàng tin tưởng nhau trong thế giới phẳng. Chính vì dễ dàng chiếm được lòng tin của mọi người, nên nhiều đối tượng đã trục lợi trên chính nỗi đau của người khác. Họ không phải tốn nhiều công sức, đầu tư thời gian vào các vụ lừa đảo đó, chỉ cần cắt ghép, chắp vá vài tấm ảnh từ các vụ tai nạn thương tâm, những người mắc bệnh hiểm nghèo… sau đó thêm mắm, thêm muối để thành một câu chuyện bi thương, bước tiếp theo là tung lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ, giúp đỡ. Trong khi đó, chủ nhân của những bức ảnh đó không hề biết câu chuyện của mình đã trở thành chủ đề để kẻ xấu kiếm lời.  Hàng chục, hàng trăm triệu đồng đổ vào tài khoản của những kẻ lừa bịp trong khi chủ nhân của những bức ảnh đó không được gì. Đây thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta khi còn tin vào những lời kêu gọi thiện nguyên như thế này trên mạng xã hội.
Không ít trang fanpage dùng hình ảnh về các em bé mắc bệnh hiểm nghèo để làm trò câu like, kêu gọi ủng hộ. Chúng ta vào facebook trên trang cá nhân của mình hiện lên hình ảnh của một em bé sơ sinh, hay những em bé còn rất nhỏ với khối u lớn trước ngực, kèm theo thông tin bé đang bị bệnh hiểm nghèo, gia đình em khó khăn, bố mẹ mất sớm…, đang phải cần tiền để điều trị gấp và kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ. Chủ của những fanpage này đưa ra những hình thức quy đổi tiền từ việc nhấn like hoặc bình luận trên trang. Họ còn đưa ra những lời kêu gọi có nội dung tác động đến tâm lý của người xem như  “Hãy like nếu như bạn có tình thương” “Nếu bạn bỏ qua bạn không xứng đáng làm mẹ”. Những hình ảnh đó nhanh chóng lan truyền, và thu hút hàng triệu lượt xem, hàng triệu lượt like từ những người dễ tin, dễ mủi lòng.


Không chỉ dừng ở việc câu like họ còn ngang nhiên kêu gọi sự ủng hộ, họ sẵn sàng đưa số tài khoản của mình lên để kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ. Người ít kẻ nhiều, tích tiểu thành đại chả mấy chốc mà số tiền ủng hộ lên tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên số tiền đó có đến tận tay của những nạn nhân đó hay chảy vào túi của những kẻ khỏe mạnh, lành lặn?
Không chỉ đánh vào những hình ảnh tang thương, những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, những đối tượng này còn lợi dụng những nghệ sĩ nổi tiếng bị mắc bệnh nan y để trục lợi. Một số đối tượng lập trang Faceook cá nhân giả mang tên của những nghệ sĩ, hoặc người nhà của những nghệ sĩ này kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ, chia sẻ. Nhiều fan hâm mộ, bạn bè đồng nghiệp đã gửi tiền vào số tài khoản trên mạng, tuy nhiên người nhà của những nghệ sĩ này khẳng định những Facebook như vậy là hoàn toàn giả mạo. Lúc đó, mọi người mới ngã ngửa ra mình bị các đối tượng lừa mà không hay biết.
Việc kiếm lời từ những hình ảnh đau thương dường như trở thành “trào lưu” trên mạng xã hội. Ai cũng kêu gọi, ai cũng đăng số tài khoản cá nhân lên để người ủng hộ chuyển tiền vào nhưng số tiền quyên góp này liệu có đến tay người cần giúp đỡ hay chảy vào túi riêng của những đối tượng thì chưa có câu trả lời. Những hình ảnh em bé rách rưới, bệnh tật, hay những người già bị con cái hắt hủi phải đi xin ăn được đăng tải nhan nhản trên mạng xã hội. Nhiều khi mới đọc chúng ta đã muốn giúp đỡ ngay. Số tiền của mỗi người là nhỏ, những hàng trăm hàng nghìn người góp lại cũng giúp cho người ta giải quyết được những khó khăn bước đầu. Tuy nhiên, dấu hỏi chấm chúng ta đặt ra đối với những kẻ mạo danh kêu gọi sự ủng hộ trên facebook là hoàn toàn có cơ sở, hiếm có người nào mà lại “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đi kêu gọi ủng hộ cho những người mình không hề quen biết, hoặc không máu mủ ruột già gì với mình. Có nhiều cách để bản thân mình bày tỏ lòng thương cảm đối với những cảnh đời bất hạnh, nếu chúng ta thực sự muốn giúp đỡ họ thì tốt nhất hay đến trực tiếp để trao tận tay họ, không nên qua những khâu trung gian đặc biệt là những cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội như hiện nay.
       Mạng là mạng ảo, nhưng tiền là thật, lời nhắc nhở về sự tỉnh táo đối với cộng đồng mạng không bao giờ là thừa đối với chúng ta. Hãy kiểm chứng trước khi đọc được những dòng thông tin yêu cầu giúp đỡ, chia sẻ trên mạng xã hội để tránh làm giàu cho những kẻ vô công dỗi việc./.

Thái Bình

No comments: