Với việc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 bế mạc ở Manila, Philippines vào tối ngày 29/4 nhưng không có tuyên bố chung nào được đưa ra như thông lệ đã khiến dư luận dấy lên những nghi vấn. Một trong những nghi vấn được dư luận và giới quan sát đặt ra đó là có hay không việc Trung Quốc đã “vận động hành lang” với Philippines (nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30) hay không?
Reuters ngày 29/4 cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu các bên có đạt được đồng thuận về việc nhắc đến động thái quân sự hóa và xây đảo (phi pháp) của Trung Quốc trên Biển Đông trong văn kiện này hay không. Cũng theo Reuters, nguồn tin ngoại giao trong khối ASEAN nói rằng các đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc đã vận động hành lang để Philippines không đưa các nội dung đề cập đến việc Trung Quốc xây đảo và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp vào tuyên bố chung.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hội nghị sẽ đưa ra tuyên bố trong ngày 29/4. Theo nội dung bản dự thảo tuyên bố (bị rò rỉ cho báo chí một vài ngày trước) không đề cập đến cụm từ "bồi đắp đất đai” và “quân sự hóa". Điều này đã bị nhiều nước thành viên trong khối ASEAN phản đối. Có lẽ cũng chính vì vậy mà sau khi kết thúc hội nghị bản tuyên bố chung vẫn chưa được công bố.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Trung tâm hội nghị quốc tế (PICC) ở thủ đô Manila trước đó, Tổng thống nước chủ nhà Philippines Rodrigo Duterte không đề cập chữ nào đến tranh chấp Biển Đông bất chấp thực tế Bắc Kinh gần như hoàn tất các công trình xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn trên ba đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa với đường băng, hệ thống rađa và nhiều hệ thống vũ khí hạng nặng.
Cụ thể, khi đề cập đến trụ cột chính trị - an ninh, ông Duterte chỉ nói chung chung: “Các vấn đề an ninh phi truyền thống và truyền thống là phép thử cách giải quyết của khối để thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực”. Ở một khía cạnh khác, ông Duterte dành nhiều lời phát biểu cho cuộc chiến chống ma túy do ông khởi xướng.
Trong buổi họp báo tối cùng ngày, Tổng thống Duterte khẳng định lãnh đạo các nước ASEAN không đề cập tranh chấp ở Biển Đông trong cuộc họp. Khi phóng viên hỏi lãnh đạo ASEAN có thảo luận cách đối phó với việc cải tạo đất và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông không, ông Duterte nói: “Chúng tôi không bao giờ nói về việc xây dựng. Sẽ là vô ích khi nói về các hoạt động xây dựng mở rộng của Trung Quốc bởi các cấu trúc đã được xây rồi”.
Với những gì đã diễn ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, cùng với việc kết thúc hội nghị nhưng nước chủ nhà Philippines vẫn chưa đưa ra được tuyên bố chung có thể thấy rằng, sự nghi vấn về việc Trung Quốc đã “vận động hành lang” Philippines là điều hoàn toàn có cơ sở. Bởi, trước đó, chính Philippines là một trong những quốc gia phản đối những hành động gây hấn, “quân sự hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ nhất. Thậm chí, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Trung Quốc luôn tìm cách chia rẽ ASEAN, tìm cách “đàm phán song phương” trong vấn đề Biển Đông để dễ dàng tìm được sự đồng thuận. Nếu ASEAN không thể hiện được tinh thần đoàn kết, bị chia rẽ thì họ rất dễ để Trung Quốc chi phối, vô hiệu hóa.
Nam Phong
No comments:
Post a Comment