2018/08/27

Tham khảo tài liệu về sự kiện Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao ngày 14/3/1988 - Bên nào nổ súng trước?

Chép từ Lốc Liếc

1. Tài liệu từ phía Trung Quốc

Trang http://club.mil.news.sina.com.cn/, đăng bài phỏng vấn Trần Vĩ Văn, chuẩn đô đốc Hải quân Trung Quốc, năm 1988 là Phó tham mưu trưởng căn cứ Du Lâm (Hải Nam), sĩ quan chỉ huy 3 tàu 502, 531, 556 đánh chiếm trái phép các đảo ngầm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao của Việt Nam.

Nội dung tài liệu chép lại từ entry Tham khảo: Ta, địch bắn nhau ngày 14/3/1988từ blog của cố nhà báo Nguyễn Đình Quân (bloger Thiềm Thừ), một nhà báo chân chính rất am hiểu về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Anh mất đột ngột vì tai nạn giao thông vào năm ngoái, ngày 6/9 tới đây là ngày giỗ đầu của anh.

“Hai giờ chiều 13/3/1988, tàu 502 đến tuần tra ở vùng biển Gạc Ma (Trung Quốc gọi là Xích Qua tiêu). Sau khi thả neo, chúng tôi thả 1 xuồng chở 6 người vào trinh sát địa hình xem sâu bao nhiêu, có dựng được nhà cao chân không? Vừa thả xuồng thì lính rada báo hướng Tây Bắc có 2 mục tiêu đang chạy tới. Xuồng được gọi quay về, tàu nhổ neo cơ động. Thì ra tàu đổ bộ hơn 4 ngàn tấn HQ-505 của Việt Nam dẫn theo tàu vận tải HQ-604. Tàu chúng ta (Trung Quốc) định chặn lại, không cho chúng tiếp cận đảo. Tàu ta gọi loa bằng tiếng Việt yêu cầu họ rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc, nhưng họ không nghe. Tàu 505 thả neo ở Quỷ Gào (Cô Lin), còn 604 tiếp tục chạy đến Xích Qua. Hạm đội đã tính trước, bảo chúng tôi quyết bảo vệ Xích Qua, không để địch chiếm. Vì vậy tàu chúng tôi quay đầu ép sát 604.Tôi chấp hành chỉ thị của Quân ủy, không chủ động gây sự, không được nổ súng trước, bảo phiên dịch gọi loa yêu cầu họ rút, nhưng không ăn thua. Đến gần xem, thấy trên 604 chở đầy tre, gỗ…, mục đích rất rõ: họ định dựng nhà cao chân để chiếm Xích Qua. Đến sát Xích Quan, 604 thả neo, tàu 502 của ta lượng giãn nước lớn nên không đến gần được. Tàu ta đến đây lần đầu, không quen luồng lạch, mắc cạn thì gay. Tôi quan sát thấy trên boong 604 có nhiều lính công binh, chắc họ đợi sớm mai nước xuống sẽ đổ bộ chiếm đảo.

Sáu giờ sáng ngày 14, quân Việt bắt đầu đổ bộ lên đảo. Tàu ở gần nên chúng cho người ngậm thừng bơi vào rồi kéo xuồng chở vật liệu vào đảo. Thấy địch hành động, ta liền tăng binh bảo vệ đảo. Trên tàu ai có việc nấy nên tôi cho những người dư như nuôi quân, vệ sinh, hàng hải lên đảo, còn cơ điện, rada, pháo thủ thì ở lại. Tàu 531 cũng kịp đến, cho người cùng đổ bộ, nhưng số lượng không nhiều lắm, cuối cùng số lượng lên đảo ta có 58, họ có 43 người. Chính ủy tàu 502 Lý Sở Quần thấy địch dùng thừng kéo xuồng liền cho người dùng dao cắt dây.

Lính Việt Nam lên bãi cắm 2 lá quốc kỳ. Tôi lệnh cho Lý Sở Quần: 58 người trên đảo do anh chỉ huy, phải kiên quyết đuổi lính Việt Nam xuống. Lý chia quân làm mấy toán tạo thành hình vòng cung dồn ép phía Việt Nam. Lúc đầu xa, dần áp sát nhau chỉ 30m, cả hai bên đều rõ phải đấu với nhau để cướp cờ. Tổ cướp cờ của ta xông vào trước, đánh lộn với tổ giữ cờ của Việt Nam. Một lính Việt Nam rút súng nhằm Đỗ Tường Hậu, Dương Chí Lượng giơ tay chặn, súng nổ, đạn xuyên vào cánh tay trái của Dương. Lập tức lính thông tin gào to, địch nổ súng rồi, rồi tôi nghe thấy tiếng súng nổ, địch đã khai hỏa. Quyền khai hỏa ở quân ủy, nhưng quyền đánh trả ở chỉ huy biên đội. Tôi lập tức ra lệnh: Lập tức giáng trả. Ngay sau đó, lính 2 bên trên đảo giao chiến quyết liệt, tiếng súng rền vang… Lúc này súng máy trên tàu 604 của Việt Nam cũng bắt đầu bắn lên đảo. Chúng ta đã chuẩn bị rất đầy đủ, pháo chủ công trên 502 đã nhằm sẵn 604, lính thông tin báo cáo “604 khai hỏa rồi”, tôi liền ra lệnh: “Đánh trả, bắn chìm 604”. Chỉ hơn 10 giây sau, các loại pháo đã bắn, pháo 25 ly bắn trước, pháo 37 rồi pháo 100 bắn theo, sau 4 phút, 604 đã bốc cháy, sau 8 phút thì chìm. Khi đó tàu 556 báo cáo với tôi: 605 cho xuồng đổ bộ lên Quỳnh tiêu (Len Đao). Tôi ra lệnh: “Bắn chìm tàu 605”. Khi đó 505 cách 502 khoảng 3000m cũng bắn. Chúng có 4 khẩu 40 ly, nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ 3000m - 4000m. Pháo ta lớn, pháo chúng nhỏ, ta lại liên tục cơ động, ta thoát ra ngoài tầm bắn của chúng nhưng vẫn bắn được chúng…

Sau khi 604, 605 chìm, cả 3 chiến hạm 502, 531, 556 tập trung bắn hơn 100 quả đạn vào 505, nó trúng đạn bốc cháy, sau đó nhanh chóng thoát ra. Được một lúc, nó chợt quay đầu lại, lao hết tốc lực lên bãi Qủy Gào rồi mắc cạn. Tên thuyền trưởng 505 rất có kinh nghiệm…”

2. Tài liệu giải mật từ Mỹ (CIA)

Tài liệu được giải mật mang tên "Sino-Vietnamese Confrontation in Spratlys unlikely for now" đề ngày 08/08/1988 của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA vềsự kiện Gạc Ma năm 1988 cũng cho biết Việt Nam là bên nổ súng trước.

“Trung Quốc và Việt Nam đối đầu nhau trong một trận hải chiến vào ngày 14 tháng 03 năm 1988 trên khu vực bãi Johnson (Gạc Ma). Một nhóm lính Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá không người này để tiến hành khảo sát, dựng đồn quan sát, và cắm cờ Trung Quốc. Tàu tiếp tế của Việt Nam, theo dõi những động thái của đối phương, đã phản ứng bằng cách đổ quân lên bãi đá, và họ rõ ràng đã khơi mào cuộc xung đột. Hai bên nổ súng qua lại, phía Việt Nam bắn vào binh lính Trung Quốc, làm bị thương một người. Sau đó, một chiếc tàu tiếp tế của Việt Nam- được trang bị súng máy- nã đạn vào một trong những tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ngoài khơi.”

Một phần phóng ảnh của tài liệu

3. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam

Ngay trong ngày 14/3/1988, Bộ Ngoại giao nước ta ra Tuyên bố nêu rõ:

“Sáng ngày 14-3-1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc.

Mọi người đều biết từ tháng 1-1998 đến nay, Trung Quốc đã không ngừng cho nhiều tàu chiến xâm nhập và khiêu khích quân sự ở các bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên và một số bãi đá ngầm khác ở khu vực đảo Sinh Tồn, trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự lo ngại của dư luận trên thế giới, trước hết là của các nước Đông - Nam Á, hành động trắng trợn nói trên bộc lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Việt Nam, phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông – Nam Á, thực hiện mưu đồ bành trướng ở biển Đông.

Nhân dân và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyển của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Nhà cầm quyền Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích quân sự, rút ngay các tàu chiến của họ ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ phải chịu hòan tòan trách nhiệm về mọi hậu quả do hành động khiêu khích quân sự của họ gây ra…”

Báo Nhân dân đăng toàn văn Tuyên bố ngày 15/3/1988 (Ảnh của cố nhà báo Nguyễn Đình Quân)

Thực ra Entry này không đặt ra mục tiêu “điều tra ” và càng không dám kết luận bên nào bắn trước. Các tài liệu dẫn ra ở trên chỉ nên dùng cho việc tham khảo chuyện các bên nhìn nhận về sự kiện xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các đảo đá Gạc Ma – Cô Lin và Len Đao thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Nhưng có một điều không thể nói là trùng hợp ngẫu nhiên, đó là tài liệu của cả ba bên, (Trung Quốc, CIA và Việt Nam) đều cho thấy Hải quân Việt Nam đã nổ súng, trái với cái lệnh “Không được nổ súng” mà Tàng độc Tướng công Lê Mã Lương và các đồng bọn rân trủ giả cầy đang lảm nhảm trong và ngoài cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn” bất tử đầy tai tiếng. 

Một điều nữa có ý nghĩa rất quan trọng, đó là Tuyên bố của Bộ Ngoại giao hiển nhiên cũng là phát ngôn từ ông Nguyễn Cơ Thạch, người đứng đầu Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ. Chỉ vài giờ sau khi sự kiện Gạc Ma – Cô Lin và Len Đao xảy ra, ông Thạch đã biết rõ "Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ", vậy thì lấy đâu ra câu chuyện vào thời điểm sau đó nhiều tháng, nhiều năm, ông Thạch lại "dở hơi" vỗ bàn hỏi "ai là người ra lệnh không được nổ súng"?

No comments: