Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa với đường biên giới chung dài hơn 1.200 km. Từ lâu, nhân dân hai nước đã xây dựng tình hữu nghị, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau chống kẻ thù chung vì hòa bình, độc lập, tự do cho mỗi dân tộc.
Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết “Thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, cao cả” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Sự phản bội của phái “Khmer Đỏ” và quyền tự vệ chính đáng của nhân dân Việt Nam
Năm 1975, trải qua chặng đường đấu tranh lâu dài với biết bao hy sinh, gian khổ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) kết thúc thắng lợi vẻ vang. Nhưng ngay sau đó, tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan đại diện cho phái “Khmer Đỏ” lên cầm quyền ở Campuchia, được sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài, đã phản bội cách mạng. Về đối nội, chúng dựng lên cái gọi là “mô hình chủ nghĩa cộng sản độc đáo kiểu Campuchia”, đề ra chủ trương, chính sách “cải tổ toàn diện” đi ngược lại sự phát triển của xã hội loài người: đuổi hết nhân dân thành thị về nông thôn, cưỡng bức lao động khổ sai trong các trại tập trung “công xã”; xóa bỏ hệ thống chợ buôn bán, trao đổi tiền tệ; phá hủy các nhà thờ, chùa chiền; phá hủy trường học, đốt sách vở, giết hại giáo viên, thành phần trí thức; hủy diệt mọi giá trị văn hóa truyền thống...
Đặc biệt, chúng thẳng tay tàn sát chính đồng bào mình bằng các thủ đoạn, phương pháp hết sức man rợ. Chỉ trong hơn 3 năm cầm quyền (tháng 4/1975 – 1/1979), tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan đã giết hại trên 3 triệu người dân Campuchia (chiếm 50% tổng dân số), tạo ra tội ác diệt chủng chưa từng có trong lịch sử, đẩy cả quốc gia - dân tộc đến bên bên bờ vực thẳm. Về đối ngoại, lợi dụng những vấn đề còn tồn tại trong lịch sử (số lượng lớn Việt kiều tại Campuchia, khó khăn trong phân định một số đoạn đường biên giới chung, chính sách ngoại giao bất bình đẳng từ chế độ cũ...), chúng kích động thù hằn dân tộc, công khai chống phá cách mạng Việt Nam - người bạn chiến đấu thân thiết, thủy chung vừa góp phần xương máu làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Campuchia.
Thực hiện âm mưu đề ra từ trước, đầu tháng 5/1975, tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan ra lệnh cho quân đội tiến hành những cuộc khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam: đánh chiếm đảo Phú Quốc (3/5/1975), đánh chiếm đảo Thổ Chu (10/5/1975), lấn chiếm nhiều vùng đất khác dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh... Từ tháng 4/1977, chúng quyết định tiến hành các cuộc xâm lấn quy mô lớn, thường xuyên tổ chức các trung đoàn, sư đoàn tiến công lãnh thổ Việt Nam, tiến hành cướp bóc, tàn phá làng mạc, giết hại dân thường.
Một dãy nhà được gọi là "công xã" tại Tà Sanh ở Tây Bắc Campuchia, được bè lũ Pol Pot – Ieng Sary thiết lập như một căn cứ đầu não sau ngày chế độ diệt chủng của chúng bị lật đổ (7/1/1979) để tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc hồi sinh của nhân dân Campuchia. Căn cứ này đã bị quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam đánh chiếm ngày 27/3/1979, thu hồi 14 kho vũ khí cùng hàng trăm phương tiện chiến tranh. Ảnh: TTXVN
Trước âm mưu và hành động thù địch của tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan, Đảng và Nhà nước Việt Nam vừa chỉ đạo quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam kiên quyết đập tan mọi cuộc tiến công xâm lấn, đồng thời kiên trì, chủ động thực hiện các biện pháp đàm phán, mong muốn giải quyết hòa bình xung đột. Nhưng đáp lại thiện chí đó, tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan lại tăng cường điều động quân đội áp sát biên giới, chờ đợi thời cơ phát động chiến tranh. Ngày 22/12/1978, chúng huy động 19 trên tổng số 23 sư đoàn bộ binh cùng nhiều binh chủng khác mở cuộc tiến công toàn diện vào lãnh thổ Việt Nam, hướng mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Bảy Núi (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang), tạo bàn đạp phát triển cho các bước tiếp theo.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, có sự chuẩn bị từ trước, nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thành quả cách mạng. Lực lượng ta trên toàn mặt trận bao gồm 3 quân đoàn chủ lực (2, 3, 4) phối hợp cùng lực lượng vũ trang ba quân khu (5, 7, 9), tổng cộng 25 vạn quân. Sau 9 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ ngày 23/12 - 31/12/1978), bằng các đòn phản công dũng mãnh, quyết liệt, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt làm tan rã đại bộ phận quân địch, đập tan cuộc tiến công xâm lược của chúng, kết thúc thắng lợi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, mở ra thời cơ thuận lợi cho lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, xây dựng lại đất nước.
Giúp đỡ nhân dân Campuchia theo tinh thần quốc tế vô sản trong sáng cao cả
Trước sự tàn sát của chế độ diệt chủng, những năm 1975-1977, nhiều người yêu nước Campuchia chân chính (có cả sĩ quan trong quân đội Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan) đã đứng lên đấu tranh, bí mật sang Việt Nam yêu cầu sự giúp đỡ. Dù đang trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhân dân các địa phương vẫn tạo điều kiện về mọi mặt cho phía Bạn như: cung cấp lương thực; giúp xây dựng vùng căn cứ kháng chiến gần biên giới; xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự...
Tháng 6/1978, trước những âm mưu, hoạt động xâm lấn lãnh thổ ngày càng trắng trợn của tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan, căn cứ vào phong trào cách mạng Campuchia đang phát triển, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp đề ra quyết tâm: Kiên quyết giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam; đồng thời phát huy tinh thần quốc tế vô sản trong sáng ra sức giúp đỡ những người cách mạng chân chính đánh đổ tập đoàn phản động, xây dựng lại đất nước Campuchia hòa bình, độc lập, tự chủ. Tiếp đó, tháng 7/1978, Hội nghị lần thứ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp ra nghị quyết khẳng định: cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với việc thực hiện chủ nghĩa quốc tế giúp đỡ cách mạng Campuchia. Từ đây, công tác ủng hộ, giúp đỡ được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt, diễn ra hết sức khẩn trương. Đến cuối năm 1978, ta đã giúp Bạn xây dựng được 27 tiểu đoàn bộ binh, 106 đội công tác được huấn luyện trang bị đầy đủ, sẵn sàng chớp thời cơ.
Sáng 3/5/1983, hơn 3 vạn dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về nước. Ảnh: TTXVN
Ngày 2/12/1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập, giương cao ngọn cờ tập hợp mọi lực lượng yêu nước đoàn kết đấu tranh đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan, xóa bỏ chế độ diệt chủng, xây dựng một nước Campuchia hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Mặt trận tha thiết đề nghị chính phủ và nhân dân Việt Nam “cứu giúp dân tộc Campuchia”.
Ngay khi đập tan cuộc hành quân xâm lược, kết thúc thắng lợi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng cùng nhân dân Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước (17/1/1979), đánh đổ chế độ Pol Pot giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng, giành chính quyền về tay nhân dân.
Tuy cách mạng giành thắng lợi, nhưng tàn quân Pol Pot – Ieng Sary - Khieu Samphan chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng rút về hoạt động tại vùng rừng núi giáp biên giới Campuchia - Thái Lan, dựa vào sự giúp đỡ tích cực bên ngoài tiếp tục hoạt động. Trước tình hình đó, vượt qua mọi thách thức đe dọa và hành động chiến tranh, vượt qua những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, ngày 18/2/1979, tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước Hòa bình, hữu nghị và hợp tác, mở ra một trang mới trong quan hệ hai nước trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhau, cùng nhau hướng đến mục đích hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực. Theo tinh thần của bản Hiệp ước, một bộ phận Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước. Đến năm 1989, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam rút hết về nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
40 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị chiến thắng chế độ diệt chủng Khơme Đỏ tại Campuchia năm 1979. Đó là thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng cao cả, của tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia vì lợi ích chung, vì chân giá trị nhân loại. Thắng lợi ấy cũng để lại cho chính phủ, nhân dân hai nước những bài học quý báu: giữ vững và phát huy tinh thần độc lập, tự chủ; tăng cường củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác cùng có lợi; nêu cao tinh thần cảnh giác, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc khó khăn, thách thức; tích cực đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc sự thật lịch sử. Những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được chắt lọc, vận dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Trần Hiền Hạnh (TTXVN)
1 comment:
Vì Campuchia Việt Nam sẵn sàng hy sinh cả máu của mình
Post a Comment