2019/01/12

Thời bao cấp: Quá khứ tặng chúng ta món quà vô giá!

Ở miền bắc trước năm 1975 và trên cả nước từ tháng 5-1975 đến năm 1986, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ lịch sử thường được gọi là thời bao cấp. Nhiều thế hệ đã trải qua thời kỳ này và vẫn nhắc lại kỷ niệm vui buồn về một thời gian khổ. Tuy nhiên, trong khi mọi người tự hào và khẳng định về việc cả dân tộc đã dồn sức, nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn để từng bước phát triển, thì một số người lại có xu hướng xuyên tạc, bôi đen thời bao cấp. Từ đó tìm cách bôi đen, vu cáo chế độ, phủ nhận, xúc phạm các thế hệ đã nỗ lực và sáng tạo để đưa đất nước bước vào thời kỳ hòa bình và phát triển.


Bộ đội và người dân Thủ đô đi chợ hoa ngày Tết Bính Thân 1956. Ảnh tư liệu: TTXVN



Đến hôm nay, các thế hệ người Việt Nam đã sống ở miền bắc từ khoảng năm 1960 đến 1975, và trên cả nước từ năm 1975 đến 1986, vẫn chưa quên những tháng, ngày gắn liền với một thời kỳ lịch sử gọi là thời bao cấp. Trong tâm trí của rất nhiều người vẫn còn lưu giữ hình ảnh hàng người xếp hàng chen chúc trước cửa hàng lương thực, chất đốt, thực phẩm, bách hóa,… Cùng với đó là tem phiếu mua vải vóc, thực phẩm, chất đốt, phụ tùng xe đạp,… luôn được mọi gia đình cất giữ cẩn thận, vì nếu để mất có thể đẩy gia đình vào cảnh thiếu thốn trong một thời gian. Đó là lý do để một thời “mất sổ gạo” tồn tại như thành ngữ dùng chỉ người có vẻ mặt buồn bã, “mì chính cánh” được coi như biểu thị cho đắt đỏ, hiếm hoi, còn “bữa tươi” là niềm vui không dễ có của không ít gia đình… Thời bao cấp qua đi, đất nước không ngừng đổi mới, phát triển, cuộc sống toàn dân được cải thiện, nâng cao. Trong bối cảnh đó, các bức ảnh, thước phim, bài báo, tài liệu, hiện vật,... thời bao cấp trở lại như lẽ tự nhiên, vì dẫu thế nào, dù đời sống vật chất, tinh thần đã thay đổi thì một thời dù khó khăn, vất vả vẫn luôn là những ký ức, kỷ niệm không thể phai mờ trong đời sống tinh thần của những người đã từng sống, làm việc và cống hiến trong giai đoạn đó. Trong nhiều gia đình, người lớn tuổi vẫn vui vẻ kể cho con cháu nghe về những câu chuyện, kỷ niệm của thời bao cấp. Còn khi đứng trước những hiện vật được trưng bày trong một số triển lãm, bảo tàng, họ bùi ngùi nhớ về một thời vất vả, phải nỗ lực như thế nào để vượt qua. Đặc biệt, có một sự thật mà hậu thế phải suy nghĩ là bất kỳ người nào từng trải qua thời bao cấp cũng đều khẳng định, đánh giá là tuy kham khổ, thiếu thốn trăm bề song mọi người thời đó vẫn giữ được lối sống thẳng thắn, trung thực, làm việc hết mình, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng đùm bọc, san sẻ với người thiếu thốn hơn mình. Nói cách khác, tình người giữ vai trò như là một trong các yếu tố cơ bản, quan trọng góp phần để các thế hệ đi trước đồng lòng vượt qua khó khăn.
Nhìn từ lịch sử, phải nói rằng sau khi hòa bình lập lại ở miền bắc vào năm 1954, từ tro tàn của chiến tranh, từ một nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ lại kiệt quệ vì chiến tranh chưa có khả năng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của con người, trong khi sự giúp đỡ từ bên ngoài hầu như không có, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân miền bắc nỗ lực quên mình để tổ chức xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và tổ chức lại nền kinh tế, Vừa từng bước tích lũy cơ sở vật chất, tinh thần xây dựng xã hội mới, vừa ủng hộ sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của đồng bào miền nam. Nhưng sau chưa đầy 10 năm, khi chúng ta vừa đạt được một số thành tựu kinh tế - xã hội thì đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền bắc, từ đó miền bắc bước vào thời kỳ mà “tự lực cánh sinh” là tất yếu, “tất cả vì miền nam ruột thịt” là nghĩa vụ thiêng liêng. Trong bối cảnh nền kinh tế có sức sản xuất thấp, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội thì sử dụng tem phiếu phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người là phương án khả dĩ có thể giải quyết những vấn đề liên quan nhu cầu vật chất cơ bản của xã hội, con người. Trong hơn 30 năm chiến tranh, nhân dân miền bắc và đồng bào ở khu giải phóng miền nam luôn đồng tâm hiệp lực, chắt chiu, đồng cam cộng khổ cùng Đảng và Nhà nước vượt muôn ngàn gian khổ để bảo vệ miền bắc, giải phóng miền nam.
Năm 1975, đất nước thống nhất, việc phân phối hàng hóa thiết yếu trong xã hội theo chế độ tem phiếu tiếp tục tồn tại trên phạm vi cả nước, phần do điểm xuất phát về kinh tế thấp, sức sản xuất hạn chế, Nhà nước vẫn vận hành theo cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Mọi vùng miền đất nước đều bị tàn phá, trong chiến tranh, hàng triệu nạn nhân chiến tranh cần được hỗ trợ, phần là do chúng ta phải chịu sự tác động nghiệt ngã phi lý từ chính sách cấm vận của Mỹ, lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới tây nam và biên giới phía bắc, trong khi đó sự giúp đỡ của các nước anh em, bè bạn cũng không còn như trước... Hơn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất thật sự là thời gian thử thách bản lĩnh, trí tuệ, năng lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất, áp dụng,… nhưng để giải quyết một cách đồng bộ, có hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển cần phải có một bước chuyển trong nhận thức, cần đổi mới tư duy, tìm ra phương thức giải quyết các vấn đề trực tiếp liên quan tới vận mệnh đất nước, tới cuộc sống của nhân dân.
Nhận thức đó đã thể hiện cụ thể trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) khi nhấn mạnh “điều quan trọng là phân tích sâu sắc các nguyên nhân chủ quan, nêu rõ các sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động của Đảng và Nhà nước”. Với sự tiếp cận khách quan, phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng đã chỉ ra được những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm, từ đó có bước đột phá để mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Từ năm 1986 đến nay, trên cơ sở đổi mới tư duy chính trị và kinh tế, Đảng và Nhà nước cùng toàn dân thực hiện sự nghiệp đổi mới, kết hợp hài hòa giữa xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sau hơn 30 năm, diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân đã có sự phát triển vượt bậc, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, sức mạnh mọi mặt của đất nước được nâng lên…
Hôm nay, cái ăn, cái mặc đã không còn là nỗi lo của hầu hết gia đình Việt Nam. Bát cơm độn ngô, sắn, hạt bo bo… thiếu thịt cá đã trở thành hình ảnh của quá khứ rất xa. Từ thành thị tới nông thôn, nhà tranh vách đất được thay thế bằng nhà mái ngói, nhà xây kiên cố. Hàng chục triệu xe máy, ô-tô lưu thông trên mọi nẻo đường cũng đồng thời “soán ngôi” của xe đạp một thời. Tiện nghi hiện đại không còn là tài sản riêng của đô thị, mà lan tỏa đến mọi miền đất nước. Từ thành thị tới nông thôn tràn đầy hàng hóa tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp. Và nhiều năm qua mỗi khi Tết đến, thay cho thói quen tích trữ, lo chuẩn bị “túi hàng Tết” bảo đảm sinh hoạt cả gia đình suốt mấy ngày, nhiều gia đình bận bịu tới tận ngày giáp Tết vẫn có thể ghé qua siêu thị mua đủ thực phẩm, hàng hóa, hoa quả, bánh trái… Chuyện thiết thực, cụ thể hằng ngày đó trở nên bình thường đến mức làm nhiều người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã phát triển lại ngỡ cuộc sống vốn như vậy. Để rồi khi biết về khó khăn, vất vả cha ông đã phải chịu đựng trong quá khứ, một số người đã thiếu sự chia sẻ, đồng cảm và biết ơn thế hệ đi trước. Một số người thì tò mò, nghi ngờ về những gì được kể lại, nghi ngờ cả sự cố gắng, nỗ lực của một thế hệ, không tin cuộc sống đã từng như thế. Thậm chí, từ đó đã đi đến chỗ giễu cợt, mỉa mai, coi thời bao cấp là “bất bình thường, không thể chấp nhận”. Chưa kể, với những kẻ thiếu thiện chí, trong đó có người từng trải qua, còn đi xa hơn khi xưng xưng thời bao cấp là “bản chất của chế độ, đày đọa, đẩy nhân dân cảnh đói nghèo”, cố tình xuyên tạc, “bôi đen” quá khứ nhằm lèo lái, dẫn dắt nhận thức của người tiếp nhận theo hướng mơ hồ, tiêu cực...
Với mỗi con người, dù dồn hết tâm sức cho hiện tại cũng không thể chối bỏ quá khứ. Và đối với mỗi dân tộc, mọi mất mát, hy sinh trong quá khứ luôn có ý nghĩa nền tảng cho hiện tại - tương lai. Do đó, khắc ghi tấm gương hy sinh của hàng triệu chiến sĩ và đồng bào, nhớ về tổn thất vô cùng to lớn của toàn dân trên hai miền nam - bắc trong quá khứ, cũng phải khắc ghi, phải nhớ về gương của hàng triệu con người từ trẻ đến già đã tự giác, đã thầm lặng hạn chế và hy sinh các nhu cầu chính đáng của bản thân mình vì sự nghiệp lớn. Chính vì thế, những ai đang muốn chối bỏ, giễu cợt, phê phán thời bao cấp, muốn chối bỏ, giễu cợt, phê phán quá khứ của dân tộc cần suy nghĩ nghiêm túc xem lại mình. Về vấn đề này, một bạn trẻ đã từng viết và công bố cách đây chưa lâu: “Cách tốt nhất để đánh giá những gì mình có trong hiện tại là bằng cách nhìn lại quá khứ. Không chỉ quá khứ của chính mình, mà cả quá khứ, hoàn cảnh của gia đình, xã hội và rộng hơn là của đất nước mình… Nếu như bạn nhìn thấy những hình ảnh chết chóc, mất mát, đau thương trong chiến tranh, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của chúng ta ở hiện tại quá tuyệt vời, cho dù nó không hoàn hảo hoặc vẫn còn “thiếu thốn” đối với bạn. Bạn được sống, được học hành, bạn không sợ bị đói, bạn có nhà để ở, có cơ hội để làm việc có thu nhập… Cuộc sống tốt đẹp hiện tại bạn có chính là nhờ sự cố gắng của những người đi trước, của thế hệ ông bà, bố mẹ, những người đã nỗ lực bằng mọi giá để tặng cho bạn món quà cuộc sống vô giá của ngày hôm nay. Chúng ta luôn nên cảm thấy biết ơn về điều đó. Nếu như ý thức được điều đó một cách sâu sắc, có thể bạn sẽ bớt đi những suy nghĩ ích kỷ mà nghĩ nhiều cho những người chung quanh hơn, cố gắng đầu tư vào bản thân để đóng góp nhiều hơn sao cho cuộc sống hôm nay và ngày mai còn tốt hơn nữa cho tất cả mọi người để sự tồn tại của bạn không trở nên vô nghĩa”.
Hoài Ân (Nhân dân)

1 comment:

Loa sân vườn said...

Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch