2019/01/12

Mỹ: Cảnh sát cấm người dân quay hình nơi công cộng




Ngày 1/10/2007, Simon Glik, luật sư bang Massachuset, trông thấy ba viên cảnh sát thành phố bắt giữ một người đàn ông. Lo ngại cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, Simon Glik rút điện thoại ghi hình từ khoảng cách 3 m trong yên lặng.
Khi vụ bắt giữ kết thúc, cảnh sát tiến lại hỏi Simon Glik lúc ghi hình có kèm ghi âm không. Sau câu trả lời "có", anh lập tức bị bắt, dẫn giải về đồn cùng với người đàn ông kia.
Simon Glik bị cáo buộc quấy rối trật tự, giúp đỡ tù nhân đào tẩu, và có hành vi phạm vào Đạo luật Chống nghe lén của bang Massachuset.
Trước khi ra tòa, phòng công tố bãi bỏ cáo trạng Giúp đỡ tù nhân đào tẩu do thiếu căn cứ. Khi phiên xét xử được mở, thẩm phán bãi bỏ tội Quấy rối trật tự vì dù cảnh sát không hài lòng khi bị ghi hình trong quá trình bắt giữ nghi phạm song điều đó không làm cho hành động quay phim trở thành tội phạm. Tội Nghe lén cũng bị hủy vì Simon Glik quay phim công khai, trong khi đạo luật Chống nghe lén chỉ cấm ghi âm bí mật.
Sau khi cáo trạng bị bãi bỏ, Simon Glik gửi đơn khiếu nại tới Sở Cảnh sát Boston nhưng không được xử lý. Ngày 5/2/2010, Simon Glik khởi kiện thành phố Boston và những cảnh sát bắt giữ mình.
Phía bị đơn phản bác, cho rằng công chức thi hành công vụ được miễn trừ trách nhiệm khỏi bị kiện.
Vụ việc được Tòa Kinh lý thứ nhất thụ lý giải quyết. Hội đồng thẩm phán thống nhất rằng nếu việc quay phim được thực hiện trong thời gian, địa điểm và cách thức hợp lý, người dân có quyền ghi hình cảnh sát khi họ đang thực hiện nhiệm vụ ở không gian công cộng. Đây là cách công dân thực hiện quyền giám sát.
Trong trường hợp này, Simon Glik đứng cách xa không cản trở cảnh sát, không vi phạm vào quy định pháp luật khác nên hoàn toàn được phép thực hiện quyền tự do biểu đạt trong Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Mỹ. Hành động bắt giữ của cảnh sát vi phạm vào quyền hợp pháp của nguyên đơn và vì thế không được miễn trừ trách nhiệm.
Arstechnica đưa tin, sau khi có phán quyết, vào 2012, thành phố Boston nhận lỗi và bồi thường cho Simon Glik số tiền 170.000 USD để hòa giải. Hai cảnh sát liên quan phải chịu kỷ luật khiển trách và bị tạm cho nghỉ việc. Thành phố Boston cũng đã thay đổi cách tiếp cận, chỉ đạo không bắt giữ người ghi hình cảnh sát làm việc tại nơi công cộng.
Người dân Mỹ được quyền ghi hình cảnh sát đang làm nhiệm vụ ở nơi công cộng.

Đây lần đầu tiên trong thời đại smartphone, một tòa án liên bang Mỹ công nhận quyền ghi hình cảnh sát đang làm nhiệm vụ của công dân. Nhiều Tòa Kinh lý khác (như Tòa Kinh lý thứ năm, thứ 7, thứ 9 và thứ 11) cũng dần đưa ra phán quyết theo hướng bảo vệ công dân khỏi bị bắt giữ khi quay phim cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Phạm vi thẩm quyền của các tòa này hợp lại đã bao phủ một nửa số bang ở Mỹ và khoảng 60% dân số, theo The Atlantic. Hiện, chưa có tòa án phúc thẩm liên bang nào ra phán quyết phủ nhận sự tồn tại quyền ghi hình cảnh sát của công dân.
Tuy vậy, theo Nolo, người dân chỉ được thực hiện quyền ghi hình công chức trong thời gian, địa điểm và theo cách thức hợp lý. Nếu hành vi ghi hình cản trở hoặc ảnh hưởng tới công việc (ví dụ như người cầm camera đứng quá gần hiện trường vụ án hoặc có lời lẽ kêu gọi kích động bạo lực), cảnh sát có quyền yêu cầu ngừng ghi hình và thậm chí là bắt giữ.
Ngoài ra, quyền ghi hình công chức không đồng nghĩa với việc người dân được đồng thời vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như trong quá trình quay, người dân không được đột nhập trái phép khu vực được bảo vệ, quấy rối cảnh sát, hoặc gây rối trật tự... Việc bắt giữ chỉ bị coi là bất hợp pháp nếu đủ căn cứ chứng minh có mục đích trả đũa người dân và dập tắt đoạn ghi hình.
Hệ thống tòa phúc thẩm liên bang Mỹ được chia làm 13 Tòa Kinh lý, mỗi tòa có thẩm quyền với một khu vực. Cấp tòa này là tòa trung gian, dưới tòa tối cao liên bang và trên tòa sơ thẩm liên bang. Quyết định của tòa phúc thẩm liên bang có giá trị đứng thứ hai trong hệ thống quy định pháp lý của Mỹ, chỉ sau tòa tối cao.
Quốc Đạt (vnexpress)



1 comment:

Loa sự kiện said...

Mọi công dân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật