2019/01/13

Hà Nội làm đúng khi không cho ghi hình công chức trong buổi tiếp công dân

Dư luận bỗng sôi sục khi mới đây Hà Nội đã có quy định không cho phép ghi hình công chức trong trụ sở tiếp công dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm ghi hình này là sai và nếu làm đúng thì tại sao phải sợ ghi hình. Song, có vẻ như việc tán thành hay phản đối vấn đề này được đưa ra xuất phát từ quan điểm lợi ích hơn là quan điểm toàn diện của một người hiểu biết pháp luật.





Chuyện công dân bị dừng xe mang điện thoại ra “quay” cán bộ cảnh sát giao thông rồi đưa lên mạng xã hội khá phổ biến trong thời đại bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh. Mỗi người ra đường đều có sẵn ít nhất một cái điện thoại có thể quay phim chụp ảnh và sẵn sàng tường thuật trực tiếp trên trang cá nhân về sự kiện mà họ là nhân vật chính hoặc nhân chứng. Không ít người sử dụng phương tiện này như một bảo bối để gây ảnh hưởng đến hành vi công vụ của công chức đang thực hiện công vụ, theo cả hướng tích cực và tiêu cực.
VKS tiếp công dân
Không phủ nhận việc ghi hình này đã có tác động đến hoạt động công vụ của lực lượng công chức trên hiện trường. Theo hướng tích cực, các anh công chức tự nhiên phải “chuẩn chỉnh” nếu không bị soi và xử lý kỷ luật. Theo hướng tiêu cực, nhiều công chức bị xử lý kỷ luật hoặc ít nhất cũng bị “ném đá” (bình luận tiêu cực) bởi những bình luận không thiện chí của những cư dân mạng.
Sự việc này đã tác động đến các cơ quan quản lý, đến mức đã có đề xuất cấm quay phim cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Lập tức, ý tưởng này bị ném đá vì “không sai, sao phải cấm”. Vậy là khoảng trống vẫn tiếp tục để ngỏ và người tham gia giao thông vẫn tiếp tục ghi hình nếu họ muốn còn cán bộ làm nhiệm vụ thì buộc phải chuẩn chỉnh, nếu không muốn gánh hậu quả là bị ném đá hay bị kỷ luật.
Mới đây, TP Hà Nội có quy chế cấm công dân ghi hình công chức tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân, tức là ghi hình buổi làm việc tiếp công dân. Dư luận lại được phen cãi nhau nảy lửa về vấn đề này. Không ít chuyên gia đồng tình nhưng cũng không phải không có người phản đối với đủ lý do. Cho rằng, không làm sai, sợ gì việc ghi hình hay việc cấm ghi hình như vậy là vi phạm luật tiếp cận thông tin… nhiều người cho rằng, TP Hà Nội đã làm không đúng.
Song, cũng như câu chuyện đã cũ về việc ghi hình cảnh sát giao thông, việc phản ứng kiểu tán thành hay phản đối một vấn đề dựa trên cảm tính hay quan điểm “nhóm lợi ích” đang làm méo mó một vấn đề cần tư duy nghiêm túc và phải là theo luật. Cấm ghi hình công chức, công dân sẽ ức chế vì họ không được làm gì họ muốn. Cho ghi hình công chức thì công chức ức chế vì trong quá trình làm việc, cứ bị cái máy quay dí vào mặt, mất tự do và tự tin để làm việc. Nếu cứ cãi nhau kiểu “góc nhìn lợi ích này” rõ ràng là không thể giải quyết được vấn đề quyền của công dân, công chức trước pháp luật. Vậy, lời giải cuối cùng cho vấn đề này là gì?
Xung quanh vấn đề khá nhạy cảm này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn luật sư TP Hà Nội để làm rõ hơn căn cứ cho việc cấm hay không cấm và chúng ta phải hành xử như thế nào cho đúng pháp luật, tư duy như thế nào cho phù hợp với quy tắc ứng xử chung.
Thưa Luật sư, ông có sợ bị “ném đá” khi tán thành hay phản đối quy định của TP Hà Nội về không cho phép ghi hình tại trụ sở tiếp công dân hay không?
Tôi không ngại những bình luận không tích cực, vì đó là những ý kiến đóng góp thật sự cần nghe. Những ý kiến khen không phải lúc nào cũng có giá trị và những ý kiến chê đôi khi là cái chúng ta cần để hoàn thiện mình.
Luật sư Trần Văn Toàn

Trong sự việc này, UBND TP Hà Nội cũng nên lắng nghe những ý kiến chỉ trích, bởi ít nhất nó cũng đại diện cho nhóm lợi ích bị ảnh hưởng bởi một quy định mà cơ quan này đưa ra, từ đó có thể tìm ra những giải pháp phù hợp cho vấn đề cần giải quyết là cấm hay không cấm ghi hình (quay phim, chụp ảnh) ở công sở, nơi tiếp công dân.
Ông có đọc những ý kiến khác nhau, thậm chí là ngược nhau về vấn đề này trên báo chí và mạng xã hội không và ông có đánh giá như thế nào về các ý kiến mà ông đã được biết thưa Luật sư?
Tôi cũng quan tâm đến vấn đề này và cũng có theo dõi các ý kiến trao đổi liên quan. Các ý kiến đưa ra thì đều được quy về hai nhóm là tán thành và phản đối. Tuy nhiên, cả các ý kiến tán thành và phản đối vấn đề này chưa tìm được lời giải hợp lý và có căn cứ cho lập luận của mình nên chưa được thuyết phục. 
Là người làm về pháp luật, tiếp xúc với công chức và cơ quan nhà nước nhiều, ông có ý kiến tán thành hay phản đối việc không cho ghi hình công chức khi thực hiện công vụ nói chung và thực hiện công vụ tại công sở nói riêng?
Đây là câu hỏi khá toàn diện. Công chức thi hành công vụ và thi hành công vụ tại công sở là hai vấn đề rất khác nhau mà không thể quy đồng làm một để so sánh. Do đó, nhiều người so sánh việc ghi hình cảnh sát giao thông và ghi hình công chức tại công sở là giống nhau, tôi cho rằng đó là cách nhận định không đúng.
Khi cảnh sát giao thông làm việc tại hiện trường, không gian làm việc là nơi công cộng và không có quy chế riêng cho không gian này như trụ sở cơ quan nhà nước. Khi công chức làm việc trong trụ sở cơ quan thì lại có quy chế riêng cho việc ra vào cơ quan và hành vi của công dân và công chức trong cơ quan nhà nước. Do đó, ta không được so sánh để kết luận bạn ghi hình anh cảnh sát giao thông được thì tại sao không ghi hình anh công chức trong công sở được.
Do đó, theo tôi thì đối với việc ghi hình công chức tại công sở bị điều chỉnh bởi hai lĩnh vực luật là dân sự và hành chính. Trong đó, pháp luật về dân sự điều chỉnh quyền nhân thân về hình ảnh còn pháp luật về hành chính điều chỉnh hành vi của công chức và công dân tại công sở. Hiện nay, đã có quy định của pháp luật về vấn đề này nên việc được hay không được ghi hình đã nói rất rõ, không phải tôi thích thì đồng ý và không thích thì phải đối việc này.
Vậy theo ông thì việc không cho công dân ghi hình công chức tại trụ sở cơ quan nhà nước là đúng pháp luật hay sai?
Đầu tiên, phải khẳng định công chức nhà nước có đầy đủ quyền nhân thân về hình ảnh của mình theo quy định của Bộ luật dân sự. Do đó, khi anh ta đang làm công vụ hay không làm công vụ, quyền nhân thân đó còn nguyên vẹn. Điều đó có nghĩa là việc ghi hình (quay phim và chụp ảnh) nếu không được sự đồng ý của anh ta là phạm luật. Điều này thì cơ quan nhà nước sử dụng công chức không thể quyết định thay công chức được.
Một buổi tiếp công dân. Ảnh minh họa
Có ý kiến cho rằng, khi đang làm công vụ thì anh ta không có quyền ngăn cản người khác ghi hình, đó là quan điểm sai trái. Bạn không bị tước đi bất cứ quyền dân sự nào kể cả khi bị xử lý hình sự nói gì đến việc thực hiện công vụ. Do đó, việc ghi hình công chức tại công sở, nơi anh ta đang thực hiện công vụ mà không có sự đồng ý của anh ta là không được phép.
Đối với cơ quan quản lý công sở và công vụ, việc ghi hình phải được xem xét dưới góc độ công vụ. Nếu việc khi hình phục vụ giải quyết công vụ thì phải do cơ quan nhà nước tiếp dân thực hiện và việc ghi hình này phải được đưa vào biên bản và phải được công dân đồng ý, vì ghi hình ảnh công dân. 
Việc công dân tự ý ghi hình ảnh công chức là sai về pháp luật dân sự và nó không có giá trị vì việc ghi hình không phục vụ mục đích công vụ mà phục vụ mục đích cá nhân. 
Do đó, tôi cho rằng, quy chế tiếp công dân của UBND TP Hà Nội mới ban hành là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc không cho ghi hình như vậy sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân và khiến cho công dân không có bằng chứng chống lại việc công chức lạm quyền hoặc thực hiện không đúng chuẩn mực công vụ, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Việc công dân đến làm việc với công chức và có được ghi hình buổi làm việc hay không thì không liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Việc không được tự do ghi hình cá nhân khác không làm mất đi quyền tiếp cận thông tin của bạn. Quan điểm này là không có cơ sở, thậm chí lôi hai vấn đề chả liên quan đến nhau để đặt cạnh nhau mà so sánh.
Trường hợp người dân vẫn lén ghi hình và phát tán trên mạng xã hội, pháp luật có quy định như thế nào để xử lý vấn đề này, thưa ông?
Các hình ảnh bị ghi lén (kể cả quay phim, ghi âm) mà được phát tán nhằm mục đích làm mất uy tín của người có hình ảnh liên quan thì người có hình ảnh có thể khởi kiện dân sự đối với người đã phát tán hình ảnh. Thậm chí, việc phát tán hình ảnh này nếu gây ra hậu quả xấu, hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị xử lý hình sự.
Xin cảm ơn Luật sư!

Tất cả các phòng tiếp dân đều đã trang bị camera


Liên quan đến quy định cấm cân dân ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera. Người dân yêu cầu trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất, bàn giao đầy đủ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân thì sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch.
Quy định này được ban hành nhằm chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội vừa ban hành “Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP”. Theo đó, ngoài các quy định chung, nội quy cũng quy định rõ đối với công dân đến trụ sở tiếp công dân TP phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ… nội quy cũng ghi rõ: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Theo nhiều ý kiến cho rằng, quy định này của Hà Nội “không sai” bởi Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của phụ trách trụ sở tiếp dân.
Quy định này nhằm mục đích hạn chế những trường hợp livestream (trên mạng xã hội) buổi tiếp công dân với những lời lẽ bình luận không đúng mực; thậm chí có một số người không quay phim, chụp ảnh để giám sát mà mang động cơ khác.
Theo Pháp luật Việt Nam/Pháp luật xã hội

1 comment:

Loa hội trường said...

Quy định này của Hà Nội là đúng theo quy định của pháp luật, nên khỏi bàn cãi