Viễn
Ngày hôm nay, 7/12019 Việt Nam tưng bừng kỷ niệm tròn 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979/ 7-1-2019). Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng và đồng thời cũng là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chiến thắng trong chiến tranh biên giới Tây Nam không chỉ là minh chứng cho quyết tâm bảo vệ giang sơn bờ cõi của quân và dân ta mà quan trọng hơn, nó mang ý nghĩa quốc tế cao cả khi chính Việt Nam chứ không phải ai khác đã giúp cho đất nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Có điểm lại tình hình Campuchia thời điểm bấy giờ mới thấy giá trị và ý nghĩa trong hành động của quân dân Việt Nam khi tiến quân vào giúp đỡ nhân dân Campuchia.
Sau khi được giải phóng vào năm 1975, đất nước Campuchia xinh đẹp lại đặt dưới sự cai trị của chế độ Pol Pot, Ieng Sary. Pol Pot, Ieng Sary đã thực hiện các sắc lệnh như “không tiền, không chợ, không trường học, không tôn giáo”, mọi người dân đều phải ở chung, ăn chung, làm việc tập thể trong các trại tập trung.
Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền, tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary đã tàn sát hơn 3 triệu người Campuchia, gần 570.000 người mất tích, hàng trăm nghìn người tàn phế và trẻ em bị mồ côi. Nền văn hóa lâu đời của đất nước Campuchia đã bị hủy hoại hoàn toàn. Cả đất nước Campuchia chìm trong đau thương, căm thù và uất hận.
Chưa dừng ở đó, vừa thực thi chính sách diệt chủng đối với dân tộc mình, Pol Pot, Ieng Sary vừa tiến hành các hoạt động xâm lược, tàn sát người dân Việt Nam suốt dọc các tỉnh biên giới phía Tây Nam.
Ngày 30-4-1977, đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Pol Pot ra lệnh mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Chỉ trong 2 năm chiến tranh, bè lũ Pol Pot đã giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường Việt Nam, 400.000 người mất nhà cửa; nhiều trường học, nhà thờ, chùa chiền bị chúng tàn phá; hàng vạn hecta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới bị bỏ hoang, nửa triệu người dân phải bỏ nhà cửa, ruộng đất đi di tản.
Không còn cách nào khác, chúng ta phải thực hiện quyền phòng vệ chính đáng. Ngày 23-12-1978, các đơn vị chủ lực Việt Nam trên toàn tuyến biên giới được lệnh mở cuộc phản công lớn quét sạch lực lượng địch xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, tiêu diệt khối chủ lực tập trung của quân Khmer Đỏ. Đến ngày 31-12-1978, toàn bộ chủ quyền lãnh thổ bị kẻ thù lấn chiếm đã được thu hồi.
Tuy nhiên, dù lãnh thổ của chúng ta đã được bảo vệ nguyên vẹn nhưng quân và dân Campuchia vẫn đang chìm trong đau thương rên xiết dưới sự cai trị của Khmer Đỏ. Ngày 2-12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia làm nòng cốt lãnh đạo, đã được thành lập và ra mắt nhân dân ở huyện Snuol, tỉnh Kratie. Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đưa ra đề nghị với Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà cứu giúp cả một dân tộc”.
Với truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, quân tình nguyện Việt Nam đã sang Campuchia cùng với lực lượng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở các cuộc tấn công quân Pol Pot. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng và đến ngày 17-1-1979, tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước Campuchia đã được hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Chưa dừng lại ở đó, trong vòng 10 năm tiếp theo, quân tình nguyện Việt Nam còn ở lại Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa giúp đánh đuổi, tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ vừa giúp Campuchia tái thiết đất nước.
Những sự thật lịch sử đó, ắt hẳn nhân dân Campuchia không thể nào quên và cũng không ai có thể xuyên tạc được.
Chúng ta có thể tự hào nói rằng: Nếu không có Việt Nam, chắc chắn không có đất nước Campuchia tươi đẹp như ngày hôm nay.
1 comment:
Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ Campuchia đánh đuổi bọn Pôn Pốt và xây dựng đất nước
Post a Comment