2021/08/15

Ai nói xạo, nói láo về niềm tin của nhân dân với Đảng?

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là 236486605_570265810815003_7510300646683526002_n.jpg

Ai cũng dễ nhận thấy mục đích bài viết: “Việt cộng nói dân tin tưởng tuyệt đối vào đảng, là do đảng xạo láo nhét chữ vào mồm dân, không thể chối cãi” của Phương Nguyễn (Dân làm báo) là bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc bản chất chế độ ta, gieo rắc tâm lý, tư tưởng hoài nghi về vai trò và khả năng lãnh đạo của Đảng, kích động chia rẽ giữa dân với Đảng để đòi đa nguyên, đa đảng…

Để đạt mục đích nêu trên, Phương Nguyễn trưng ra những bằng chứng - theo Phương Nguyễn là những bằng chứng hùng hồn "để Việt cộng không thể chối bay, chối biến" để chứng minh “nhân dân tin yêu đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng, vào lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, là lãnh đạo đảng nói xạo, nói láo, là tuyên giáo tùy tiện bỏ chữ vào mồm dân”. Nhưng tiếc thay, những bằng chứng mà Phương Nguyễn trưng ra không có giá trị và không có sức thuyết phục đối với dân chúng.

Bằng chứng thứ nhất là: Phương Nguyễn so sánh số lượng người xem trực tuyến livestream phát trực tiếp của Nguyễn Phương Hằng trên trang Facebook cá nhân và các phát ngôn trực tuyến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trên các phương tiện thông tin đại chúng và kết luận rằng “Livestream của bà Nguyễn Phương Hằng (nhiều trăm ngàn người xem, có lúc thu hút gần nửa triệu lượt người xem cùng lúc) được xem là đã xác lập kỷ lục truyền phát trực tuyến hàng đầu Việt Nam và hơn hẳn phát ngôn trực tuyến của Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ… trong các sự kiện được xem là trọng đại của đảng, nhà nước …”.

Một sự so sánh khập khiễng. Phương Nguyễn không hiểu được rằng so sánh phải dựa trên những điểm tương đồng, nhưng đằng này thì nội dung phát ngôn khác nhau, đối tượng người xem khác nhau, mục đích của người xem cũng khác nhau. Hơn nữa Phương Nguyễn không có số liệu điều tra về số lượng người xem trực tuyến các bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước mà đã hồ đồ khẳng định “Livestream của bà Nguyễn Phương Hằng được xem là đã xác lập kỷ lục truyền phát trực tuyến hàng đầu Việt Nam và hơn hẳn phát ngôn trực tuyến của Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ”. Cái “được xem” này chẳng có chút thuyết phục nào với người đọc.

Bằng chứng thứ hai là “Những nghệ sĩ tiếng tăm trong làng giải trí, có lòng sốt sắng, nhiệt tình kêu gọi quyên góp cho hoạt động từ thiện giúp dân bị thiên tai, dịch bệnh nhưng thiếu chuyên nghiệp đã bị loa đài lề đảng bôi nhọ, nói xấu đủ điều nhưng vẫn không ngăn được lòng tin của dân vào nghệ sĩ chứ dân không tin vào đảng”.

Trước hết, phải nhận thức rằng việc quyên góp, cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh không phải chỉ là việc của nhà nước hay của tổ chức, đoàn thể nào mà nhà nước ta động viên, khuyến khích mỗi cá nhân, tổ chức phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” chung tay cùng nhà nước để huy động mọi nguồn lực cho việc cứu trợ kịp thời. Việc kêu gọi bà con ủng hộ đồng bào vùng lũ của các nghệ sĩ ( Phan Anh, Thủy Tiên, Hoài Linh, …) hay bất kỳ ai khác là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và nhân văn, có tính lan tỏa cao và được cổ vũ, hoan nghênh, được xã hội đồng tình, là những ví dụ thực tiễn về truyền thống vô cùng cao đẹp, tồn tại từ bao đời nay của dân tộc ta đó là tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng lúc đói bằng một gói khi no”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ …”. Không phải như Phương Nguyễn vu khống “đã bị loa đài lề đảng bôi nhọ, nói xấu đủ điều”.

Mặt khác, chúng ta đều biết rằng việc làm từ thiện có sự giám sát của cộng đồng. Dư luận xã hội sẽ lên tiếng và chỉ trích chỉ khi người làm từ thiện lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi; báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp; không công khai, minh bạch, không có kế hoạch sử dụng cụ thể, rõ ràng nguồn kinh phí quyên góp được; thậm chí như phân phối không công bằng, không hợp lý … Sự việc Hoài Linh bị dư luận xã hội hoài nghi, chỉ trích là vì Hoài Linh quyên góp được một số tiền lớn đến 14 tỷ đồng, nhưng chậm trễ trong việc giải ngân (khoảng 6 tháng sau) và không có kế hoạch thực hiện cụ thể, rõ ràng. Hoài Linh đã nhận ra lỗi của mình và đã thành thật xin lỗi nhân dân. Nên nhớ rằng dư luận xã hội lên tiếng, hoài nghi, không đồng tình với Hoài Linh là sau 6 tháng kể từ khi Hoài Linh thực hiện việc quyên góp, chứ không phải là sau khi “Hoài Linh bị bêu riếu” mà người dân vẫn góp tiền cho Hoài Linh làm từ thiện như Phương Nguyễn nói “Loa đài đảng định hướng bêu riếu danh hài Hoài Linh như là thành phần xấu vi phạm pháp luật nhưng đảng vẫn không lung lạc được niềm tin của người dân đối với nghệ sĩ Hoài Linh, người dân vẫn góp tiền cho Hoài Linh làm từ thiện chứ không tin các cánh tay nối dài của đảng”. Nói như vậy là sai sự thật, là nói xạo, nói láo đấy Phương Nguyễn. Và nói thêm loa đài đảng chẳng bao giờ định hướng dư luận xã hội “bêu riếu” Hoài Linh.

Phương Nguyễn đinh ninh rằng với những bằng chứng này “là bằng chứng chỉ ra dân không hề tin tưởng vào lãnh đạo đảng, nhà nước như loa đài Việt cộng nói”, là bằng chứng “Việt cộng không thể chối bay, chối biến”, thì thật là ngô nghê, nực cười.

Để bàn về niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chúng ta có thể trao đổi đôi chút về niềm tin. Theo tôi, niềm tin có thể hiểu là sự tin tưởng một cách tích cực vào sự việc nào đó. Đôi khi niềm tin đơn giản chỉ là bạn tin vào những gì người khác nói, người khác làm, bởi vì bạn nghĩ lời nói, việc làm ấy đúng và đáng tin… Chỉ vậy thôi. Niềm tin là một giá trị tinh thần vô hình, hình thành từ trong suy nghĩ của con người. Niềm tin thường đến từ những cảm nhận chủ quan của con người, từ những nhận thức vốn có. Niềm tin xuất phát từ những thành quả trong quá khứ, từ những gì mình cho là đúng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng và cấu thành nên niềm tin của mỗi người, trong đó yếu tố môi trường có tác động lớn nhất. Nếu tất cả những gì ta thấy, hay mọi thứ diễn ra quanh ta chỉ là thất bại và tuyệt vọng, ta rất khó hình thành những hình ảnh trong tâm tưởng giúp ta có được niềm tin. Ngược lại xung quanh ta luôn diễn ra những thành công, những điều tốt đẹp ta thường có niềm tin vào những điều đó và ta cảm thấy mình mạnh mẽ hơn so với bình thường.

Để khẳng định nhân dân ta tin vào Đảng vào chế độ, đi theo Đảng, gắn bó máu thịt với Đảng, tôi xin tóm tắt những thành tựu của Đảng, của nhân dân ta kể từ khi Đảng ta ra đời.Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cách mạng cùng một lúc phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ vừa chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ năm 1954 đến năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.

Trong đống tro tàn của chiến tranh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân khẩn trương khắc phục những hậu quả chiến tranh, tập trung khôi phục kinh tế – xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện… “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay” (trích Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Những thành tựu, kết quả nêu trên là không thể phủ nhận và đó là cơ sở xuất phát và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng – niềm tin nội lực, được xây dựng trên cơ sở thực tiễn chắc chắn, rõ ràng. Nhân dân ta tin vào Đảng vì Đảng có đường lối đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ và đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Đảng ta đã luôn tạo dựng niềm tin trong dân thông qua những kết quả, thành tựu cụ thể, từng bước giúp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và rồi quay trở lại, đại đa số nhân dân tuyệt đối tin Đảng, một lòng theo Đảng. Những niềm tin đó hòa quyện, bện chặt vào nhau, là cội nguồn, là nền tảng sức mạnh của mỗi cá nhân, tập thể và của cả dân tộc. Những giá trị đích thực, tích cực của niềm tin ấy giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Những hạn chế, khuyết điểm ấy đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Lấy lại, giữ vững niềm tin trong nhân dân, đó vừa là yêu cầu, vừa là mệnh lệnh phải thực thi bằng được. Một trong những khuyết điểm, hạn chế của Đảng thể hiện trong công tác cán bộ, để trong Đảng “có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân …”, hậu quả đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; làm suy giảm vị trí, vai trò, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, Nhà nước.

Phải khẳng định rằng, không một đảng phái nào, quốc gia nào không có những khiếm khuyết, hạn chế, tồn tại trong quá trình lãnh đạo, phát triển đất nước. Vấn đề là mỗi quốc gia, mỗi đảng lãnh đạo nhìn nhận ra khuyết điểm, khắc phục nó như thế nào để ngày càng hoàn thiện đường lối của mình. Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, Đảng ta đã tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; với tinh thần quyết liệt, cẩn trọng, nghiêm túc, khách quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó, có 2 Ủy viên Bộ Chính trị và 19 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Một số cán bộ cấp cao đã bị xử lý hình sự. Điều đó thể hiện sự quyết tâm rất cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng; đồng thời đem lại niềm tin tưởng của nhân dân với Đảng, với chế độ.

No comments: