2021/08/18

NGOẠI GIAO VẮC XIN

 Trong cuộc chiến với đại dịch Covid, ngay từ đầu, giải pháp lâu bền và quan trọng nhất được xác định là giải pháp vắc xin. Chính vì vậy khi mà chúng ta chưa thể tự chủ động trong việc sản xuất và cung ứng vắc xin thì việc tìm kiếm nguồn vắc xin đáp ứng đủ số lượng và nhu cầu của người dân là yêu cầu cấp bách. Vì vậy, chiến lược vắc xin và “ngoại giao vắc xin” đã được nước ta chủ động triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, từ cấp cao nhất. 

NGOẠI GIAO VẮC XIN

Ngày 13/8/2021 để đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa hiệu quả "ngoại giao vắc xin" Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, giao cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công thương, Khoa học và công nghệ, Văn phòng Chính phủ. Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ xúc tiến, vận động và tìm kiếm, hỗ trợ thúc đẩy và triển khai viện trợ vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc từ các đối tác song phương và đa phương. 

Ba nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác được xác định gồm:

Một là, đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác và tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế phòng chống dịch Covid-19 càng sớm càng tốt.

Hai là, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế. Đẩy mạnh vận động các đối tác giao vắc xin cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký.

Ba là, chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.

Đến nay, với sự nỗ lực trong ngoại giao vắc xin của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã có hàng chục triệu liều vắc xin viện trợ được Việt Nam nhận về, góp phần thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Tính riêng từ sau khi thành lập Tổ công tác của Chính phủ đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Ba Lan khi quyết định tặng Việt Nam hơn 500 nghìn liều vắc xin AstraZeneca, nhượng lại 3 triệu liều khác và viện trợ nhiều trang thiết bị y tế chống dịch. Số trang thiết bị này dự kiến sẽ chuyển về TPHCM vào ngày 25/8 tới.

Ngoại giao vắc xin được xác định như một “mặt trận” quan trọng để triển khai thắng lợi chiến lược vắc xin mà Chính phủ đã đề ra, nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Đây là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời của Việt Nam trong bối cảnh cung không đủ cầu về vắc xin trên khắp thế giới. Đặc biệt, khi mà cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta bước sang giai đoạn mới với sự xuất hiện các biến chủng mới từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và lây lan nhanh trên thế giới và ở trong nước.

Hy vọng rằng với phương châm "5K + vắc-xin + công nghệ" hoạt động Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh, nhanh và hiệu quả hơn nữa để người dân trên cả nước sớm có cơ hội tiếp cận và được tiêm chủng đầy đủ.

AN THIÊN

No comments: