Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng. Khẳng định của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tất cả các loại vaccine Covid-19 được Việt Nam lựa chọn sử dụng đều được tổ chức này phê duyệt, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, bất chấp sự thật đó, thời gian qua trên mạng xã hội và một số cơ quan truyền thông nước ngoài vẫn xuất hiện nhiều ý kiến công kích chính sách vaccine của Việt Nam, xuyên tạc hiệu quả một số loại vaccine, gây hoang mang dư luận nhằm mưu đồ phá hoại quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, nhanh chóng đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển.
Dịch bệnh Covid-19 với biến chủng mới tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn cầu, các ca mắc mới và tỷ lệ tử vong tăng cao, hệ thống y tế ngày càng quá tải khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng chưa từng có. Nhu cầu vaccine Covid-19 trên thế giới trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, khiến nguồn cung vaccine ngày càng khan hiếm. Với tầm nhìn xa là tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh nên ngay khi dịch bùng phát, lan rộng tại nhiều nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine. Chiến lược vaccine được đặc biệt chú trọng với định hướng cụ thể là: tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; sớm tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Để chiến lược vaccine được triển khai trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an toàn và có hiệu quả cao nhất, nhiều chủ trương, chính sách cụ thể đã được ban hành. Bên cạnh tập trung nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, huy động tài chính để mua, nhập khẩu vaccine. Chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 kêu gọi sự ủng hộ từ đồng bào trong và ngoài nước, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã không câu nệ cách thức thực hiện, dù quan hệ ngoại giao song phương hay đa phương, dù tiếp xúc trong nước hay ngoài nước, dù điện đàm hay viết thư gửi lãnh đạo các nước,… thì nội dung kêu gọi hỗ trợ, cung cấp vaccine cho Việt Nam đều được đặt ra.
Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước nhằm có được nguồn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Sự nhạy bén của Việt Nam trong thực hiện chiến lược vaccine, đặc biệt là “ngoại giao vắc-xin”, đã giúp chúng ta tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả nhất các nguồn vaccine từ cơ chế COVAX cũng như sự hỗ trợ quý giá của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Australia, Anh, Đức, Ấn Độ,... qua các hình thức khác nhau. Đó cũng là cơ sở quan trọng để ngày 5/8 mới đây, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều Pfizer và đang làm thủ tục mua tiếp 20 triệu liều.
Với chiến lược vaccine đúng đắn, kịp thời, triển khai theo cả chiều sâu và chiều rộng, Việt Nam đã tiếp nhận nguồn cung vaccine tương đối dồi dào, giúp thực hiện mục tiêu hết quý I/2022 sẽ có 70% dân số được tiêm phòng Covid-19, tương đương 150 triệu liều vaccine.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021” tổ chức ngày 29/7 với 96 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đánh giá: Điểm sáng nhất của ngoại giao kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là ngoại giao vaccine, đã góp phần vào kết quả chung của đất nước trong việc vận động, tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine mặc dù nguồn cung vaccine trên thế giới khan hiếm và Việt Nam thực hiện chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên vaccine.
Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, từ đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đến kinh tế - xã hội. Mục tiêu trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao vaccine theo cả hình thức viện trợ, bán và chuyển giao công nghệ, cũng như đẩy mạnh nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế; tập trung theo dõi, phát hiện các xu hướng mới trong và sau đại dịch Covid-19 để thông tin, tham mưu giúp Chính phủ trong triển khai các chiến lược, định hướng phát triển đất nước...
Đánh giá chính sách “ngoại giao vắc-xin” của Việt Nam, bà Bích Trần, Trợ lý Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (trụ sở tại Washington, Mỹ) cho biết: “Điểm sáng chính là chính sách đối ngoại của Việt Nam, khi đã tặng khẩu trang và trang thiết bị y tế cho các nước khác từ khi mới bắt đầu đại dịch. Nhờ vào vị thế và mối quan hệ tốt đẹp mà Việt Nam đã xây dựng, các quốc gia trên thế giới đều sẵn lòng trợ giúp Việt Nam bằng việc chia sẻ nguồn vaccine”.
Hiện nay người dân trên cả nước, nhất là vùng có dịch bệnh diễn biến phức tạp, đang được đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên vì số lượng vaccine hiện tại chưa thể đủ cung cấp cho tất cả mọi người nên Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã có sự phân bổ hợp lý, khoa học cho các địa phương, cũng như đối tượng cần tiêm, được tiêm. Việc ưu tiên vaccine cho người dân ở vùng tâm dịch của Chính phủ cũng được người dân và chính quyền các địa phương hết sức đồng tình, ủng hộ. Không chỉ ưu tiên dành vaccine cho các điểm nóng về dịch bệnh, nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân trên cả nước còn chung sức, đồng lòng, tích cực đóng góp nhân lực, trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm,… nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với những nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Đáng tiếc là trong bối cảnh đó lại xuất hiện một số cá nhân với tiếng nói lạc điệu, thiếu tinh thần hợp tác, xây dựng đã đưa ra thông tin thiếu chính xác, nhằm xuyên tạc, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang, kích động và chia rẽ xã hội. Đặc biệt, kể từ khi Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 được triển khai, một số người đã sử dụng mạng xã hội để công kích, chống phá chính sách vaccine, trong đó có cả một số người nổi tiếng, khiến dư luận rất bất bình.
Bằng việc đưa lên mạng xã hội các thông tin không chính xác hoặc không thể kiểm chứng về hiệu quả của một số loại vaccine, số người này công khai kích động, phản đối chính sách của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh, thậm chí kêu gọi tẩy chay loại vaccine mà họ tùy tiện gọi là “đống phế phẩm”, “tồi tệ, không chỉ mang đến khả năng bảo vệ kém cỏi mà còn có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể virus mới”, rồi vu cáo “chính quyền coi thường mạng sống, sức khỏe của người dân”! Đó là cách phát ngôn vô trách nhiệm, lừa dối dư luận, bất chấp thực tế đã được đại diện WHO cũng như kết quả thực tế triển khai tại nhiều nước trên thế giới khẳng định.
Những vaccine hiện được Việt Nam sử dụng đều đã được tổ chức WHO phê duyệt, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng các loại vaccine này và đạt kết quả tích cực trong phòng, chống Covid-19. Vì thế, việc làm của một số tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí không chỉ gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch đang hết sức căng thẳng mà còn ảnh hưởng tới các quan hệ quốc tế. Thậm chí các thế lực thù địch còn coi đây là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam, kích động thù hằn dân tộc, âm mưu chống phá, lật đổ chế độ.
Để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, việc tiêm vaccine vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Do đó người được ưu tiên tiêm phòng cần hợp tác, nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn, phân bổ của cơ quan chức năng. Chần chừ, so đo, kén chọn vaccine không những dẫn đến nguy cơ bỏ qua cơ hội bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mà còn khiến dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát; đồng thời là công dân có trách nhiệm không nên phụ họa theo luận điệu kỳ thị loại vaccine này, cổ xúy loại kia để tránh rơi vào mưu đồ của những kẻ nhỏ nhen, ích kỷ, thiếu thiện chí.
Chứng kiến sự việc đáng buồn này, độc giả Khôi Nguyên bày tỏ: “nhìn lên sẽ là lựa chọn vaccine này, vaccine nọ, nhưng ngó xuống mới thấy còn vài chục triệu người chờ được tiêm vaccine trong khi virus cứ thầm lặng tấn công chẳng chừa một ai”. Độc giả Nguyên Khánh chia sẻ: “Trong những ngày ở nhà vì giãn cách xã hội, không có thu nhập vì công ty cũng ngừng hoạt động, tôi chưa bao giờ thèm được đi làm đến thế. Trong khi mọi người bàn tán xôn xao vaccine nào mới về, thì tôi chỉ có một suy nghĩ: Loại nào cũng được, chỉ cần được tiêm là mừng lắm rồi. Tôi tin vào sự kiểm chứng của WHO, của những bác sĩ và chuyên gia dịch tễ hàng đầu thế giới”.
Chính phủ Việt Nam luôn giữ quan điểm nhất quán trong việc tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người dân tiếp cận vaccine. Nguồn vaccine chúng ta có được là kết quả từ nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như nhiều tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.
Dù là vaccine loại nào, do đâu sản xuất khi nhập về Việt Nam đều được thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ kịp thời cho mục tiêu tiêm chủng trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc triển khai tiêm vaccine đến từng cá nhân là phụ thuộc vào lô vaccine nhập về ở thời điểm tiêm, không có sự phân biệt đối xử.
Những ngày này, việc tiêm phòng vaccine Covid-19 đang được tăng tốc tại nhiều địa phương. Đây là cuộc đua khó khăn để chống lại dịch bệnh nguy hiểm, và luôn cần sự ủng hộ, đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc. Vì như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đến thời điểm này, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình và nhất định chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát được tình hình nếu cả nước thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà Trung ương đã yêu cầu, trong đó có việc thực hiện chính sách vaccine. Sự chậm trễ vì bất cứ lý do nào đều có thể gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí chúng ta không có cơ hội để hối tiếc.
No comments:
Post a Comment