Thông tin trên được ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại lễ khánh thành, đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến Phước Lộc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại số 17, đường Phạm Hùng, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh...
Là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, thời gian qua lực lượng Công an đã 500 ngày đêm cùng với Quân đội, Dân quân Tự vệ, đội ngũ y bác sĩ và nhiều lực lượng khác không chỉ trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch mà còn đảm bảo giữ vững trật tự an toàn xã hội và có nhiều nghĩa cử đối với nhân dân. Nhiều gương sáng cán bộ chiến sỹ đã không quản ngại vất vả, khó khăn, thậm chí đã hi sinh để mang lại bình yên, an vui cho mỗi người dân.
Họ lặng lẽ, kiên trì bám chốt, bất kể ngày đêm, gạt đi những cực nhọc, những nỗi nhớ gia đình tại các khu phong toả, vùng cách ly. Cũng có không ít người trong họ đã phải hoãn ngày cưới hay phải chịu tang người dân tại chính nơi đang thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng Công an trên tuyến đầu chống dịch Covid19 (Nguồn: FB).
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, dẫu biết rằng sự hi sinh, mất mát của họ (cùng với đội ngũ y bác sỹ, lực lượng Quân đội… ) là khó mà tránh khỏi. Đó mãi là bản hùng ca sống cho một giai đoạn đầy khó khăn trong cuộc chiến không hề có tiếng súng nhưng không kém phần khốc liệt, đau thương. Họ đã đổ máu vì sự sống và để cho rất nhiều cuộc sống được giữ lại. Nhưng thực sự khó hiểu và lấy làm băn khoăn khi đâu đó, vẫn có những cá nhân với những luận điệu dối trá, xảo biện đang ngày đêm tấn công và ra sức phủ nhận những cống hiến nhiệt thành, lặng lẽ của lực lượng tham gia phòng chống dịch, trong đó có lực lượng Công an trên tuyến đầu phòng chống dịch.
Điển hình và phổ biến hơn cả là việc không tiếc lời mắng chửi, cho rằng, lực lượng công an cùng với chủ trương “chống dịch như chống giặc” đang đẩy người dân, nhất là lao động nghèo, những người chịu tổn thất từ dịch bệnh vào cảnh tứ cố vô thân và đối diện với cái đói, rét trước khi đối diện với dịch bệnh… Đây cũng là luận điệu phổ biến để tấn công, chỉ trích, kích bác tính hiệu quả trong phòng chống dịch của Chính phủ và nhiều địa phương.
Song chính những kẻ đó không hề hiểu rằng, nếu không có chủ trương đó, nếu không có những cán bộ Công an, Quân đội, Y tế tuyến đầu tham gia các chốt phòng dịch; không có sự quyết liệt, khẩn trương từ việc áp dụng giãn cách xã hội với những giải pháp hạn chế người dân ra đường, tạo điều kiện để truy nguyên F0, khoanh vùng dập dịch thì VN đã là một Ấn Độ thứ hai với số lượng cá bệnh và số lượng người tử vong không ở những con số như hiện nay.
Chúng cũng không hiểu rằng, đơn giản họ đang thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đó là cái giá để đổi lấy những ngày tháng bình yên, vui tươi như trước đây…
Nhìn những cảnh tượng cán bộ Công an giúp đỡ người dân trong bối cảnh dịch dã phức tạp và sự cố gắng, thầm lặng trong công việc đang làm, bất cứ ai trong chúng ta đều hiểu rằng, họ không bao giờ đối đầu lại với nhân dân. Việc họ chấp nhận hi sinh, chịu phần nhiều những tổn thất về mình cũng không ngoài những mục tiêu tốt đẹp đến đất nước, đồng bào mình. Lẽ vì thế, trước những tổn thất to lớn mà lực lượng này đang gặp phải, nên chăng cần những sự sẻ chia, tri ân. Vì chỉ có như thế những nỗi đau mới được an ủi và sẽ có nhiều hơn những gương cán bộ xông pha trên trận tuyến chống lại đại dịch đang uy hiếp sự sống loài người này.
An Chiến
No comments:
Post a Comment