2021/09/14

"Làm việc lơ mơ..."

Khoai@ 


"Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bị Thủ tướng phê bình", "Nhiều lãnh đạo của tỉnh không nắm bắt được tình hình...", "làm việc lơ mơ" hay "cứ lơ ngơ, lơ ngơ"... là những cụm từ nổi bật trong bản tin thời sự của VTV sáng, trưa và tối nay. Đây là câu chuyện không mấy hay ho và không chỉ liên quan tới Kiên Giang. 

Làm việc với Kiên Giang vào sáng nay 13/9, Thủ tướng đã tỏ rõ thái độ không hài lòng với cách chỉ đạo chống dịch của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. 



Kiên Giang đang là địa phương có tỷ lệ khá cao các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Kết quả xét nghiệm đợt 1 trong toàn tỉnh cho thấy, số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tập trung tại 5 huyện và thành phố Rạch Giá. Xét nghiệm đợt 2 phát hiện thêm thành phố Hà Tiên có nhiều trường hợp dương tính. Như vậy, đến nay đã có 7 địa phương trong tỉnh có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. 

Bản tin trưa nay của VTV có phát lại phát biểu của Thủ Tướng, cho thấy người đứng đầu chính phủ "bực mình" với cách phòng chống dịch không hiệu quả của Kiên Giang. Sự thất vọng của người đứng đầu Chính phủ thể hiện rõ trong câu: "Tôi đã điện cho anh nhiều lần rồi anh Bình (ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang)...." hay câu "làm việc lơ mơ"... 

Tối nay, trong bản tin thời sự của VTV cũng nhắc lại về sự vụ Kiên Giang: "Nhiều lãnh đạo của tỉnh không nắm bắt được tình hình...". 

Kiên Giang là một trong số ít các tỉnh hiếm hoi nhận được sự phê bình không nhẹ từ người đứng đầu Chính phủ. Người nghe cũng không dễ chịu chút nào. Không biết sau cuộc họp này, dịch ở Kiên Giang có giảm không, hay có "sếp" nào ra đi không... Nhưng với cách chống dịch như thế này, thì chắc chắn còn phải giãn cách. 

Trước đó, hôm 11/9 Thủ tướng cũng phê bình lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vì tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan. Để 69,7% ca nhiễn ngoài cộng đồng. Điều đó biến Kiên Giang từ màu xanh sang đỏ rực. Đúng hôm đó, Kiên Giang có 165 ca nhiễm, tăng gấp đôi so với ngày 10/9 là 86 ca. Trong khi Thủ tướng hỏi "Nhiễm ngoài cộng đồng bao nhiêu" thì lãnh đạo không nắm được. Như vậy là nói thì hay, nhưng làm thì dở. 

Cách đây không lâu, khi Chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó" thì thật lạ lùng, lãnh đạo tỉnh này lại đăng đàn phát biểu rất cải lương, rằng "Đi chợ mua đồ ăn, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân. Một mớ bó rau, mớ hành cũng phải để dân đi chợ bán". Thưa ông lãnh đạo Kiên Giang, đúng là đi chợ, mua gì, ăn gì là quyền của dân. Mớ rau, bó hành dân làm ra cũng để dân đi bán. 


Nhưng đó là trong điều kiện bình thường chứ không phải trong điều kiện đại dịch. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 phải coi như trường hợp khẩn cấp và phải áp dụng các biện pháp đặc biệt, mạnh mẽ, quyết liệt mới chống được dịch để bảo vệ dân. Trong điều kiện ấy, một số quyền của người dân có thể sẽ phải bị hạn chế một phần và sau khi trở lại bình thường, các quyền đó lại tiếp tục được thực thi. 

Làm lãnh đạo cần tận tụy, sáng suốt, chăm lo cho lợi ích của người dân, nhưng không được vuốt ve, ru ngủ dân bằng những mỹ từ dân túy và càng không được theo đuôi quần chúng mới ổn. 

Có lẽ trước hết, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang phải nghiêm túc chấn chỉnh lại phong cách, phương pháp lãnh đạo của mình và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh để nhanh chóng ổn định lại tình hình. Và đó cũng là bài học lớn cho các địa phương khác còn lo là, chủ quan thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch.

No comments: