Đắc Chí
Đến nay, TP Hà Nội đã trải qua 3 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ trướng Chính phủ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4. Vào ngày 3/9 vừa qua, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP; theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện thiết lập 3 vùng theo mức độ nguy cơ dịch Covid-19, theo đó tiếp tục giãn cách ở “vùng đỏ” và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với vùng “cam, xanh” từ 6h ngày 6/9/2021 đến 6h ngày 21/9/2021. Đây được xem là chủ trương, quyết định cần thiết để TP giữ vững thành quả chống dịch, bằng việc tiếp tục bóc tách hết các F0 còn luẩn khuất trong cộng đồng, đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu kép”… qua đó sớm đưa Hà Nội trở về trạng về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình này nhiều tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã đưa ra nhiều luận điệu sai trái để xuyên tạc mục đích, ý nghĩa chủ trương, quyết định trên của TP, tạo dư luận tiêu cực.
Vừa qua, Đài Á Châu tự do (RFA Tiếng Việt) đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Với chỉ thị 20: Hà Nội sẽ là trại tù, công an là cai ngục và người dân là phạm nhân?” với những luận điệu hết sức xảo trá. Theo đó, nội dung bài viết cho rằng việc UBND Hà Nội ra Chỉ thị 20 là “một sai lầm nghiêm trọng” với lập luận xuyên tạc: “Giãn cách xã hội kiểu này hầu như đang biến người dân thủ đô thành phạm nhân, biến các thành phố, các quận huyện thành những trại tù khổng lồ. Còn lực lượng công an ở các cấp trở thành những cai ngục, nói chữ là các quản giáo chuyên nghiệp”.
Không quá khó để nhận ra mục đích của bài viết là nhằm đánh lạc hướng dư luận hiểu sai mục đích, ý nghĩa của việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bằng việc triệt để thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh được nêu ra trong Chỉ thị 20 của UBND TP Hà Nội; làm giảm sút lòng tin của người dân vào các chủ trương, đường lối, chính sách phòng, chống dịch của chính quyền TP, từ đó cổ súy, kích động người dân không thực hiện các quy định, biện pháp chống dịch do chính quyền đề ra; tạo ngòi nổ gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm.
Cần khẳng định rằng, trong bối cảnh vaccine và các giải pháp khoa học kỹ thuật khác chưa đáp ứng được nhu cầu thì việc thực hiện giãn cách xã hội là giải pháp có tính khẩn cấp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lan rộng của dịch Covid-19. Cho đến nay, có nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện biện pháp giãn cách một phần hoặc toàn phần xã hội để kiểm soát bệnh dịch Covid-19, trong đó bao gồm cả Mỹ, các nước tại châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…. Ở Việt Nam cũng vậy, việc thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc được thực hiện từ đầu năm 2020 với Chỉ thị 15. Trải qua 4 đợt bùng phát dịch trong hơn 1 năm qua, nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng đã đều thực hiện giãn cách xã hội với các mức độ khác nhau. Tuỳ theo tính chất phức tạp của bệnh dịch ở mỗi địa phương và mỗi thời điểm, việc giãn cách xã hội được thực hiện ở các mức độ khác nhau như theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Và thực tế cho thấy, việc áp dụng giãn cách xã hội để ứng phó dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã đạt những kết quả rất quan trọng.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố bị lây lan mạnh, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khi các ca bệnh mới xuất hiện trong bệnh viện, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối; có mặt ở hầu hết các quận, huyện, thị xã, với các chùm ca bệnh khác nhau. Và để ứng phó với đợt dịch này, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 27/4. Cho đến nay, trải qua 3 đợt thực hiện giãn cách xã hội Hà Nội đã giữ vững được thành quả phòng, chống dịch, hạn chế được rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, giúp tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát. Những kết quả này đã cho thấy tính đúng đắn trong việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được việc thực hiện giãn cách xã hội tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng trong đợt bùng phát dịch lần này cũng cho thấy những bất cập, hạn chế. Song đây là điều khó có thể tránh khỏi khi những giải pháp đề ra trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh là những hoạt động chưa có tiền lệ, cũng như chịu tác động của nhiều yếu tố gồm cả khách quan và chủ quan. Nhưng điều quan trọng là, chính quyền các cấp, cùng các cơ quan chức năng đã cho thấy tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cơ quan, tổ chức và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, hạn chế tất cả vì mục tiêu sớm kiểm soát và tiến tới khống chế dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hy vọng, với những kinh nghiệm đã có được cùng sự quyết liệt trong triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tới đây, Hà Nội cùng cả nước sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.
No comments:
Post a Comment