2021/04/20

YouTube ở Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra

 

Với một số tính năng ưu việt, khả năng đáp ứng nhiều loại nhu cầu, người dùng có thể kiếm tiền khi tạo và công bố video,... YouTube đã trở thành mạng xã hội có khoảng 2 tỷ người dùng hằng tháng, chỉ đứng sau Facebook (khoảng 2,8 tỷ người dùng trên toàn cầu). Tại Việt Nam, việc tìm kiếm, xem - nghe video trên YouTube đã trở thành thói quen hằng ngày của rất nhiều người, đồng thời cũng không nằm ngoài xu thế chung trên thế giới, đang có sự “bùng nổ” các trang YouTube cá nhân. Tuy nhiên, từ đây đặt ra những vấn đề cần quan tâm. 

Về sự “bùng nổ” của YouTube

Ra đời năm 2005, YouTube nhanh chóng chứng tỏ tiềm năng to lớn thể hiện qua tính ưu việt, sự hấp dẫn đối với người dùng (gồm: cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức...), cho nên chỉ một năm sau, Công ty Google đã thỏa thuận để mua lại YouTube, và từ đó đến nay, YouTube hoạt động trong tư cách một “công ty con” của Google. Quan hệ này tạo nên mối liên thông không phải mạng xã hội nào cũng có được, vì không kể tới những khách hàng vãng lai thi thoảng vào xem - nghe video trên YouTube mà không sử dụng tài khoản YouTube, thì người sử dụng chỉ cần một tài khoản Google là có thể dễ dàng, nhanh chóng truy cập YouTube theo nhu cầu của mình, hoặc tạo trang YouTube mới, hoặc chia sẻ video mà người dùng yêu thích và muốn người khác cùng xem - nghe. Do thường xuyên theo dõi, khảo sát, nắm bắt các đòi hỏi, xu hướng sở thích của người dùng khi thỏa mãn các nhu cầu hết sức đa dạng của họ qua video có hình ảnh và âm thanh, YouTube đã liên tục cung cấp nhiều giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng xã hội này, đồng thời nỗ lực cho ra mắt những phiên bản khác nhau ở gần 100 quốc gia. Đặc biệt, với 80 ngôn ngữ khác nhau, YouTube giúp người dùng có thể điều hướng, tiếp cận mỗi khi xem - nghe, tạo nội dung, chia sẻ video bằng ngôn ngữ họ thông thạo (con số này là rất đáng chú ý, vì đến nay Facebook mới có hơn 40 ngôn ngữ khác nhau). Bằng việc sử dụng 80 ngôn ngữ, YouTube đã giúp tối ưu hóa nội dung của mỗi video được công bố, từ đó tạo ra khả năng tiếp cận một số lượng rất lớn người xem - nghe trên phạm vi toàn cầu. Đó là cơ sở quan trọng để các thương hiệu, doanh nghiệp trên thế giới sử dụng YouTube làm địa chỉ quảng cáo, tiếp thị và giao tiếp khách hàng (thường tiến hành theo hai chiều: doanh nghiệp chia sẻ thông tin với khách hàng qua video; khách hàng phản hồi qua các comment - bình luận, trên YouTube)...



Do được thiết kế tối ưu để có thể hiển thị chất lượng cao trên smartphone (điện thoại thông minh), tablet (máy tính bảng) và chỉ cần có kết nối internet là video trên YouTube có thể đến với người dùng mọi nơi trên Trái đất, không bị phụ thuộc vào máy tính hoặc vô tuyến truyền hình, YouTube đã tạo ra ưu thế riêng không chỉ để đáp ứng nhu cầu mà còn có thể đem lại lợi nhuận, khiến mạng xã hội này ngày càng trở nên hấp dẫn. Thêm nữa, nỗ lực của các YouTuber (người tạo nội dung video và công bố trên YouTube) tăng lên từ khi YouTube tổ chức trao nút play Bạc cho trang vượt mốc 100 nghìn subscriber (người đăng ký), nút play Vàng cho trang vượt mốc 1 triệu subscriber, nút play Kim cương cho trang vượt qua mốc 10 triệu subscriber, nút play Ruby cho trang vượt mốc 50 triệu subscriber, bởi tất nhiên kèm theo đó là nguồn thu nhập và sự nổi tiếng cho chủ nhân chia sẻ video cũng tăng vọt.  Thống kê từ Google cho thấy: mỗi phút trôi qua trên YouTube đã đăng tải một lượng video mới có tổng độ dài hơn 500 giờ (tức là mỗi ngày khoảng 720.000 giờ video mới được công bố, tuy nhiên do nhiều video vi phạm chính sách cộng đồng buộc phải gỡ xuống, cho nên số liệu có tính tương đối); mỗi ngày khoảng 5 tỷ video trên YouTube được xem (tức là mỗi tháng có khoảng 150 tỷ video được xem); mỗi lần vào YouTube, trung bình mỗi người dùng tốn khoảng 40 phút để xem video, đọc bình luận... 

Có được các con số khổng lồ như vậy vì đến hiện tại, YouTube là mạng xã hội mà ở đó, mọi người dùng đều có thể tiếp xúc, cảm nhận, trở thành người tạo nội dung, đưa ra ý kiến về vô số video có hình ảnh và âm thanh liên quan mọi loại đề tài mà con người quan tâm từ quá khứ đến hiện tại; từ vấn đề, sự kiện, hiện tượng lịch sử tới vấn đề, sự kiện, hiện tượng thời sự mọi nơi trên thế giới; từ đề tài chính trị, xã hội, kinh tế, ngoại giao, quân sự, chiến tranh, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, y tế, thể thao,... đến phim ảnh, sân khấu, văn học, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, văn hóa dân gian, trò chơi; từ văn hóa ẩm thực, kỹ thuật nấu ăn, du lịch, hướng dẫn làm đẹp, sự cố thiên nhiên, phong cảnh, kỳ quan thế giới, đại dương, vũ trụ,... đến kỹ thuật nông nghiệp, chế biến nông sản, kỹ năng chế tạo các loại sản phẩm lớn nhỏ, tổ chức và cổ vũ hoạt động thiện nguyện; từ quảng cáo các loại “mốt”, sản phẩm mới, giới thiệu trang phục, vật dụng và phong tục, tập quán các dân tộc trên thế giới,... đến tranh luận, đánh giá quan điểm, ý kiến của cá nhân hoặc chính phủ, tổ chức nào đó ở một quốc gia tới các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc; thậm chí là rao bán vũ khí, chế tạo bom mìn... Tóm lại, có thể tìm thấy trên YouTube hầu hết vấn đề, sự kiện, hiện tượng đã và đang được con người quan tâm, và sau khi xem - nghe, mỗi người đều có thể đưa ra ý kiến riêng qua comment. Tuy nhiên những con số khổng lồ YouTube đã đạt được lại đẩy mạng xã hội này vào tình trạng khó (không thể?) kiểm soát. Dù YouTube mạnh tay xử lý video không tuân thủ chính sách cộng đồng hoặc có nội dung gây hại thì nếu không kiên quyết, YouTube vẫn rất khó có thể lành mạnh hóa chính mình, và càng chứng minh nhận định cho rằng “mạng xã hội chứa cả vàng lẫn rác” là có cơ sở.    
  
Cùng với sự gia tăng số người dùng YouTube trên thế giới, những năm gần đây, số người dùng YouTube ở Việt Nam cũng tăng lên một cách “chóng mặt”. Thống kê cho thấy hiện nay ở Việt Nam: có khoảng hơn 45 triệu người đang xem - nghe YouTube. Tốc độ người dùng đăng tải video trên YouTube tăng tới hơn 300%, lượng người xem tăng hơn 85%. Cuối năm 2020, bảng xếp hạng tổng kết YouTube tại Việt Nam do Google công bố cho thấy: 10 trang YouTube thu hút sự chú ý của công chúng chủ yếu là tạo các nội dung giải trí, livestream (phát trực tiếp), hài, hoặc parody (bắt chước, chế),... trong đó trang có số subscriber ít nhất là từ 1 - 2 triệu người, trang có số subscriber cao nhất là hơn 10 triệu người, hằng năm những YouTuber này có thu nhập từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2020 có khoảng 120.000 người Việt Nam đã đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube, trong số đó có 15.000 trang có thu tiền từ quảng cáo, 350 trang có hàng triệu người theo dõi. Việc gia tăng số người đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube liên quan trực tiếp đến điều khoản cộng đồng của YouTube với quy định một trang YouTube có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video, đã có 1.000 subscriber, đạt 10.000 view (lượt xem) “thật” không phải view “ảo” là đủ điều kiện để bật tính năng kiếm tiền. Về cơ bản, quy định như vậy là khá dễ dàng, và vì công việc này có thể đem lại thu nhập, thậm chí là một “nghề kiếm sống”, đã khiến cho nhiều người đăng ký lập trang YouTube và cố gắng tạo video để chia sẻ. Vì thế số YouTuber ngày càng đông, số video đã công bố ngày càng nhiều, đến mức phải nói rằng, khó có thể tiến hành trong thời gian ngắn nếu muốn khảo sát toàn bộ số video trên các trang YouTube do người Việt Nam tạo ra. 

Tương tự với xu hướng trên thế giới, đề tài video do các YouTuber ở Việt Nam công bố cũng rất đa dạng, ít nhiều đã phản ánh sự sinh động, phong phú nhưng cũng không kém phần phức tạp của đời sống. Đăng ký dễ dàng, chỉ sử dụng smartphone là có thể tạo video, cho nên biên độ tuổi tác YouTuber ở Việt Nam rất rộng, từ trẻ em đến người cao tuổi, không phụ thuộc nghề nghiệp, hay giới tính. Thành phần xã hội của YouTuber cũng rất đa dạng, họ sống trên mọi miền đất nước, từ thành thị, nông thôn đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, nhiều người đang học tập, làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến một số YouTuber là người nước ngoài hiện sống ở Việt Nam (trong các video họ chủ yếu nói tiếng Việt, làm phụ đề tiếng Việt, rất ít người sử dụng ngôn ngữ xuất thân). Mục đích lập trang của YouTuber ở Việt Nam cũng rất khác nhau. Người như muốn tham gia một trò chơi trên mạng cho nên rỗi thì làm, bận thì nghỉ; người lại xuất hiện trên YouTube như chỉ nhằm giao lưu với cộng đồng; người sử dụng YouTube làm diễn đàn trình bày ý kiến về một lĩnh vực, sự kiện, hiện tượng, con người nào đó trong xã hội mà họ quan tâm; người muốn thu lợi nhuận từ YouTube thì cố gắng tổ chức trang một cách bài bản, tạo ra video hấp dẫn, triển khai nhiều thủ thuật về hình thức, nội dung để tăng lượng truy cập, khi có đủ điều kiện thì bật tính năng kiếm tiền, tiến hành kinh doanh, bán hàng, cố gắng tạo dựng uy tín để được liên hệ làm đại diện quảng bá sản phẩm và dịch vụ cho các nhãn hàng, có thể kêu gọi người xem - nghe ủng hộ thông qua hoạt động tổ chức quyên góp (donate)...

Trên thực tế, nếu hình dung khoảng 120.000 người Việt Nam đã đăng ký để tạo video trên nền tảng YouTube theo mô hình một tam giác đều thì các trang YouTube thuộc tốp 10 cùng 350 trang có hàng triệu người theo dõi nằm ở phần đỉnh của tam giác. Tiếp sau là các nhóm YouTuber có xu hướng, mục đích, tác động, hiệu quả, hiệu ứng xã hội khác nhau, trong đó nhiều trang YouTube đã đạt nút play Bạc. Tất cả cùng tạo nên bức tranh thể hiện phần nào những cung bậc của sự tương đồng hoặc khác biệt trong nhận thức và suy nghĩ, tri thức và sự hiểu biết, cảm xúc và thị hiếu, xu hướng tinh thần và việc lựa chọn thái độ sống, ước mơ và sở thích, niềm tin và nỗ lực thể hiện bản thân, mưu sinh và hành vi bất chấp tất cả để mưu lợi,... của một bộ phận công chúng trong xã hội. Nhìn từ toàn cảnh, có thể nói rất nhiều video do người Việt Nam tạo ra và công bố trên YouTube có thể mang lại niềm vui, niềm tự hào, sự thú vị, giúp mở mang hiểu biết, thỏa mãn nhu cầu giải trí sinh động và lành mạnh, cổ vũ và khuyến khích người xem - nghe hướng đến việc làm tốt đẹp, có ích với cộng đồng... Song bên cạnh đó vẫn còn không ít YouTuber tập trung khai thác, khoét sâu, “thêm mắm, dặm muối” vào sự kiện, nhân danh sáng tạo để sản xuất nhiều video vô bổ, giật gân, phản cảm, thậm chí bất chấp quy định pháp luật, sử dụng ngôn từ và hình ảnh bịa đặt, nhảm nhí, lố lăng, thiếu văn hóa; tùy tiện, nguy hại không chỉ về văn hóa, nghệ thuật, khoa học,... mà còn tùy tiện, nguy hại về chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, quan hệ quốc tế; ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới sự trưởng thành, phát triển của giới trẻ; làm méo mó nhận thức về lịch sử dân tộc, ảnh hưởng tới uy tín của đất nước... Và đó là thực tế cần sớm nhận diện, khắc phục, xử lý.

Cần xử lý nghiêm các vi phạm

Các năm qua, việc một số YouTuber khiến dư luận xã hội hoặc các tổ chức cá nhân phản đối, lên án, bị cơ quan chức năng xử phạt và phải xóa video, hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với YouTube yêu cầu gỡ bỏ video có thông tin xấu độc,… luôn là những đề tài được dư luận quan tâm.

Bởi nếu không kiên quyết, video xấu độc có thể tác động tiêu cực đến xã hội, con người. Vì thế đã đến lúc việc xác định: Ai cũng có thể làm video, nhưng không phải video nào cũng có thể đưa lên YouTube, phải trở thành một nguyên tắc mà mọi YouTuber cần nhận thức, tuân thủ nghiêm túc.

Ngày 16-3-2021, sau khi xác định hai video trên trang YouTube của Thơ Nguyễn là hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan, cơ quan chức năng đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng. Sự việc này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận vì Thơ Nguyễn được Google xếp vào tốp 10 người tạo video nổi bật trong năm 2020, và trang của Thơ Nguyễn là một trong 10 trang YouTube có lượng subscriber cao nhất Việt Nam. Thực tế, sự việc của Thơ Nguyễn không mới, dư luận từng biết về các sự kiện liên quan một số YouTuber ở Việt Nam, như chủ trang Hưng Vlog đã hai lần bị xử phạt vì đăng video vi phạm quy định của pháp luật; cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, bốn trang YouTube có nội dung nhảm nhí, cờ bạc, bạo lực,... bị Google ngừng chia sẻ tiền quảng cáo và gỡ bỏ; hay trường hợp các YouTuber "giang hồ mạng" một thời tung hoành trên YouTube như Khá "Bảnh", Dương Minh Tuyền...

Tuy nhiên nhìn trên diện rộng, đó mới là phần nổi của tảng băng chìm, vì đến hiện tại, chỉ có 30% (khoảng 5.000 trong số 15.000 trang do người Việt Nam đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube có thu tiền quảng cáo) chịu sự quản lý của YouTube tại Việt Nam, vẫn còn phần chìm của tảng băng gồm hàng trăm nghìn trang YouTube không (chưa) bật nút kiếm tiền. Tình trạng chung của phần chìm này là chứa vô số video "vàng, rác" lẫn lộn, nhiễu loạn giữa đẹp và xấu, lành mạnh và nhảm nhí, hay và dở, tôn trọng luật pháp và vô chính phủ, nghiêm túc và tùy tiện, lương thiện và bất lương, chính trực và dối trá, tri thức và phản tri thức…

Trước hết, sự phức tạp nêu trên có nguyên nhân từ sự phức tạp của các YouTuber, vì họ khá khác nhau về thành phần xuất thân, quan niệm xã hội và đạo đức, nơi cư trú, lứa tuổi, khả năng nhận thức, sở thích, thị hiếu, học vấn, tri thức, xu hướng tâm linh, mục đích đăng ký YouTube… Tiếp nữa, mỗi YouTuber là một chủ thể riêng biệt, tự tổ chức đề tài, nội dung, hình ảnh, tư liệu, lời bình, nhạc nền, kỹ xảo,… cho nên video cũng khác nhau. Cụ thể hơn, video mang tính tích cực hay tiêu cực, tiến bộ hay phản tiến bộ, văn hóa hay phản văn hóa, lành mạnh hay có thể làm tha hóa người xem - nghe,… như vậy phụ thuộc không nhỏ vào người tạo video. Vì thế công chúng mới có cơ hội tiếp cận sáng tạo thú vị của trang 1977 Vlog, chứng kiến chủ nhân các trang Nguyễn Tất Thắng, Gái bản, Quang Linh Vlogs lặn lội tới vùng sâu, vùng xa giúp xóa đói, giảm nghèo không chỉ ở Việt Nam mà cả Ăng-gô-la; hoặc Lâm Vlog khá hấp dẫn về du lịch và ẩm thực; các trang Nếm TV và Challenge Me với hình ảnh sinh động khi chủ nhân khám phá danh lam thắng cảnh, chuyện kỳ lạ trên mọi miền…

Cùng với đó là nhiều trang được tự giác lập ra để đấu tranh, phản biện luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phê phán hoạt động của cái gọi là "phong trào dân chủ" và các phe nhóm chống cộng của người Việt ở nước ngoài (như các trang Giải độc chính trị, Ðấu trường dân chủ, VN YouTuber, Tây Ðô TV, An ninh Online, Dân Việt TV, Dưới quân kỳ, Người bảo vệ…).

Tuy nhiên, cũng có tình trạng không ít YouTuber lại chỉ chăm chăm chú ý nội dung kích động bạo lực, tạo hình ảnh "giang hồ mạng", gợi dục, cổ vũ cờ bạc, ma túy, gây hại cho trẻ em, sử dụng nhạc và hình ảnh vi phạm bản quyền,… để làm video nhằm phục vụ mục đích cá nhân hoặc chiều theo thị hiếu một nhóm cá nhân mà mục đích chính là tăng lượng người truy cập. Các video này phần lớn có nội dung nhảm nhí, thậm chí rơi vào tự nhiên chủ nghĩa quái dị, phản cảm, phản giáo dục như: giả khủng bố để quăng bom, ăn uống mất vệ sinh, nấu cháo gà và bồ câu còn nguyên lông, thả hàng trăm dao nhọn từ mái nhà xuống miếng thịt dưới đất, gặm cá sống, đóng giả nhà tu hành nói năng tùy tiện và nhậu nhẹt, ném mũ bảo hiểm từ nhà cao tầng xuống đất… Nhiều trang về phim ảnh vi phạm bản quyền, tên gốc của phim bị đổi thành nhiều tên khác nhau để lừa người xem (như các trang Public Media, Lẩu phim, Afilm…); trang dành cho trẻ em song nhân vật ăn mặc hở hang, nói tục; có trang còn công khai rao bán vũ khí; phô trương về cờ bạc (trang Nữ thần bài khêu gợi); tiểu phẩm tào lao và ngô nghê (trang SVM SCHOOL với video: "Cô nhân viên đè ngửa chủ tịch ra nhét thuốc vào mồm trong ngày đầu tiên đi làm và cái kết", "Vợ tương lai của chủ tịch bị giám đốc xé váy vì nghi ngờ ăn cắp và cái kết"!).

Một số YouTuber đề cập chính trị, xã hội, quốc tế, chiến tranh, quân sự, lịch sử,… nhưng bình luận theo lối nhìn đâu cũng thấy âm mưu. Có YouTuber nhân danh "thầy giáo" vừa dạy toán cho học sinh vừa đọc truyện cười với nhiều nội dung tục tĩu; rồi vừa văng tục vừa bán hàng, vừa khoe "hàng hiệu" vừa quảng bá ngón ăn chơi, vừa dạy làm pháo vừa khuyến cáo "không nên xem", vừa nấu nướng vừa khoe thân, nói năng bằng ngôn từ ám chỉ tục tĩu…

Nghiêm trọng hơn là tình trạng YouTube đã bị các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng nhằm truyền bá luận điệu sai trái, bịa đặt, xuyên tạc để chống phá Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cũng cần đề cập hiện tượng gần đây một số YouTuber tự nhận là người yêu nước, nhân danh bảo vệ đường lối của Ðảng, bảo vệ chế độ, chống "diễn biến hòa bình",… nhưng lại phối hợp YouTuber người gốc Việt ở nước ngoài chuyển tải ý kiến xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, thóa mạ và vu khống, chửi rủa người yêu nước khác, đồng thời phản đối, xúc phạm một số cơ quan báo chí chỉ vì không hưởng ứng ý kiến của họ… Nên rất đáng quan ngại nếu so sánh giữa các YouTuber kể trên với một số YouTuber người nước ngoài đang sống tại Việt Nam.

Dù đôi khi còn sơ sài, thì video của họ vẫn thể hiện rất rõ tình yêu và sự thiện chí đối với đất nước, con người Việt Nam. Nhiều tác giả đã bỏ công sức tìm hiểu, tạo nhiều video khá thú vị, sống động, hóm hỉnh, vui tươi, nhất là họ luôn mong Việt Nam tiếp tục phát triển (như các trang: Ori Kim ở VN, Saleem Hammad, Chris Lewis, Hàng xóm Tây, HanQuocBros HQB…).

Ngay cả từ sự phức tạp của khoảng 15.000 trang YouTube do người Việt Nam đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube có bật tính năng kiếm tiền, cũng cho thấy bên cạnh những YouTuber có ý thức trách nhiệm khi tạo video có nội dung, hình ảnh mang ý nghĩa tích cực, bổ ích, còn có không ít YouTuber còn thiếu ý thức khi tạo những video có nội dung và hình ảnh nhảm nhí, tùy tiện, bất chấp bản quyền, bất chấp các giá trị nhân văn mang tính chụp giật, gây "sốc", thu hút tò mò, tác động sự hiếu kỳ… Thậm chí còn có tình trạng để câu view kiếm tiền, nhiều YouTuber chú tâm đào xới, nhặt nhạnh tin tức, tài liệu từ internet rồi xào xáo, chế biến theo ý đồ riêng, không cần biết tài liệu là thật hay giả, chính xác hay không.

Một số YouTuber lại tự xưng là "nhà báo" rình mò nơi công cộng để ghi hình hoạt động của nhân viên công vụ rồi cắt xén, đổi trắng thay đen, biến không thành có, hướng một số người vì cảm tính mà hùa theo công kích. Một số YouTuber khác chọn văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, quân sự, ẩm thực làm đề tài video, nhưng do hiểu biết còn hời hợt, thiếu chuyên môn, lại không cẩn trọng tìm hiểu sách vở chuyên ngành hoặc ý kiến của chuyên gia, mà tìm hiểu qua internet cho nên thiếu tri thức cơ bản, nội dung không chính xác, thậm chí là sai lạc (như hướng dẫn người nước ngoài ăn thịt quay cuốn lá mơ chấm mắm tôm và khẳng định là món ăn tiêu biểu của ẩm thực Việt Nam, hoặc tay bóc lá dong từ bánh chưng nhưng miệng giới thiệu với người nước ngoài đó là lá chuối!). Một số người đề cao tinh thần dân tộc một cách thái quá, để rồi xem thường, miệt thị dân tộc khác, thậm chí xúc phạm, chửi bới cả nguyên thủ nước ngoài…

Tóm lại, qua một số khái quát nêu trên có thể thấy bên cạnh những hiệu quả tích cực được xã hội và cộng đồng người sử dụng ghi nhận, đánh giá cao, còn có tình trạng nhiễu loạn đến mức nguy hiểm từ các trang YouTube của người Việt Nam đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube. Ở đó, video của các YouTuber nghiêm túc đang nguy cơ bị lấn át bởi video của các YouTuber lấy tiền bạc, nhảm nhí làm mục đích. Cũng từ đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy rất nguy hại không chỉ đối với xã hội mà còn nguy hại, tổn hại tính mạng, đạo đức, tài sản của con người, nhất là trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, hình ảnh và uy tín của đất nước…

Các hệ lụy đó không phải là cảnh báo, mà đã và đang diễn ra, khiến dư luận bức xúc, cần sớm có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời hữu hiệu từ các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Bộ TTTT đã làm việc với YouTube để gỡ bỏ các video xấu độc và đạt được thỏa thuận với nền tảng này: Khi cơ quan chức năng của Việt Nam thông báo một trang có vi phạm pháp luật, YouTube sẽ dừng việc chia tiền quảng cáo với trang đó, cũng như việc sở TTTT ở một số tỉnh, xử phạt YouTuber đăng tải video vi phạm pháp luật, cung cấp đường dây nóng của Bộ TTTT và các sở TTTT để nếu phát hiện video vi phạm, nhân dân có thể thông báo, đã cho thấy đây là vấn đề được cơ quan chức năng rất quan tâm, kiên quyết xử lý. Nhưng đến nay, trên nhiều trang YouTube do người Việt Nam đăng ký vẫn tồn tại vô số video có đề tài tùy tiện, nội dung, hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục, lừa đảo để bán hàng, truyền bá các luận điệu sai trái… Mặt khác phải nói rằng, mức xử phạt như hiện nay còn thấp so với thu nhập của một số trang YouTube có bật tính năng kiếm tiền, nên còn thiếu tính răn đe. Chưa kể do ý thức của không ít người sử dụng hạn chế, nên sau mỗi lần bị xử phạt, có thể số subscriber, view của trang YouTube còn tăng cao và giúp chủ trang tăng thu nhập. Cho nên xét đến cùng, sự nghiêm túc của người tạo video và thái độ tiếp nhận, phản ứng lành mạnh của công chúng vẫn là các yếu tố quyết định.

Chính vì thế, nếu đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube là quyền của mỗi người thì cũng phải nhận thức rằng, quyền đó không thể nằm ngoài yêu cầu về văn hóa, pháp luật. Và nếu YouTuber muốn có vai trò tích cực đối với xã hội - con người thì trước hết cần có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, nỗ lực trau dồi tri thức, nâng tầm hiểu biết, suy nghĩ chín chắn để hình thành ý tưởng sâu sắc, hữu ích, không vì lợi ích cá nhân mà bất chấp tất cả để làm tổn hại cộng đồng. Người tiếp nhận cũng cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tự xây dựng khả năng phân biệt đúng - sai, hay - dở,… để không cổ vũ, a dua theo sự sai trái trên YouTube, bởi đó là hành vi bảo vệ chính mình, bảo vệ người thân, cũng như ý thức, trách nhiệm đóng góp với xã hội.

Hà Nam (báo Nhân dân)

No comments: