Những ngày này, từ thành thị đến nông thôn vùng sâu, vùng xa, bên cạnh công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là việc làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử. Nhiều nơi, số lượng người dân đến đăng ký làm CCCD quá nhiều, buộc cơ quan chức năng phải làm việc xuyên đêm.
Theo khoản 2 Điều 38 Luật CCCD 2014, người dân ở các địa phương đã được cấp chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD trước ngày 1-1-2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Tuy nhiên, so với CMND và CCCD loại có mã vạch thì CCCD gắn chíp điện tử có nhiều ưu điểm nổi trội như: Tích hợp nhiều thông tin của công dân (bảo hiểm, giấy phép lái xe…). Do đó, khi làm các thủ tục, giao dịch thì người dân không cần mang theo nhiều loại giấy tờ. Bên cạnh đó, mức độ bảo mật của thẻ gắn chíp rất cao, tránh được nguy cơ làm giả hoặc giả mạo thông tin cá nhân… Chính những ưu điểm nổi trội của thẻ CCCD gắn chíp điện tử nên nhiều người đi làm loại thẻ này, dù vẫn có thể sử dụng thẻ CCCD cũ.
Và tình trạng người dân nhiều nơi đổ xô đi làm CCCD gắn chíp điện tử cả ban đêm đã trở thành “miếng mồi” để các đối tượng chống phá tung tin đồn nhảm. Lợi dụng mạng xã hội Facebook, một số đối tượng trong giới “dân chủ” như Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thông, Lê Dư Phước; cả những kẻ khoác áo linh mục như Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Văn Hùng… đã đăng tải, chia sẻ các bài viết với nội dung xuyên tạc như: Việc gắn chíp thẻ CCCD giống như việc gắn chíp điện tử cho chính người mang thẻ, chỉ cần tra định vị là biết chi tiết các hoạt động của công dân; rằng gắn chíp điện tử vào thẻ CCCD là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, xâm phạm sự riêng tư cá nhân. Thậm chí có đối tượng còn cho rằng, chủ trương gắn chíp điện tử vào thẻ CCCD là bắt chước cách làm của một quốc gia láng giềng nhằm quản lý, theo dõi công dân và chỉ có một vài quốc gia kém dân chủ mới sử dụng kiểu này; rằng nếu thẻ CCCD có gắn chíp thì mọi công dân Việt Nam giống tội phạm bị quản thúc; gắn chíp thẻ CCCD giống như gắn chíp trên động vật để tiện chăn dắt!?… Từ đó, chúng kêu gọi mọi người phản đối việc thực hiện gắn chíp trên thẻ CCCD. Có kẻ còn lên internet hướng dẫn cách phá hoại chíp trên thẻ CCCD. Đây là những luận điệu suy diễn, xuyên tạc vô căn cứ nhằm tạo sự hoài nghi, gây hoang mang trong dư luận. Mặc dù cơ quan chức năng đã giải thích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng số đối tượng chống phá vẫn cố tình không quan tâm đúng, sai khi đưa thông tin về việc cấp thẻ CCCD gắn chíp lên mạng xã hội. Bởi động cơ của chúng là tìm mọi cách gieo rắc hoài nghi trong dư luận; gây chia rẽ tình cảm, niềm tin giữa người dân với chính quyền, làm mất ổn định xã hội. Chúng bất chấp những việc làm có nhiều lợi ích cho người dân và bất chấp cả xu thế phát triển của văn minh nhân loại.
Trên thực tế, CCCD điện tử đã được áp dụng trên thế giới từ thập niên 90 và đến nay đã có khoảng 70 quốc gia sử dụng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Etonia... Đây là thành tựu, bước tiến trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đời sống xã hội. Trước đây, Việt Nam chưa áp dụng là bởi chưa có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thông tin; kinh phí và nhu cầu của xã hội đối với chíp điện tử chưa phổ biến. Nhưng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử; đặc biệt các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ với giá thành rẻ nên triển khai lúc này là thời điểm thích hợp nhất. Vả lại, việc áp dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử mang lại nhiều tiện tích cho người dân khi thực hiện các giao dịch, lại đảm bảo độ bảo mật cao, lưu trữ được nhiều trường thông tin và có thể tích hợp thêm các thông tin của bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… thì tại sao lại không áp dụng!?
Thực ra, những kẻ nhân danh đấu tranh cho dân chủ như Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thông, Lê Dư Phước, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Hồng Lĩnh… chẳng hề quan tâm đến đúng, sai khi đưa thông tin lên mạng xã hội. Mục đích của các đối tượng này là tìm mọi cách để chống phá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta mà thôi. Hẳn nhiều người còn nhớ hồi các địa phương mới triển khai lắp đặt camera theo dõi giao thông trên các tuyến đường có lưu lượng giao thông đông đúc, các khu trung tâm lớn thì các anh chị “dân chủ” đã đồng loạt la ầm lên rằng camera giao thông có chức năng nhận diện khuôn mặt để theo dõi công dân. Rồi khi Chính phủ triển khai việc cài đặt phần mềm Bluezone để theo dõi dịch Covid-19 thì cũng chính các nhà “đấu tranh cho dân chủ” đã gào thét trên mạng xã hội, vận động tẩy chay khuyến cáo cài đặt phần mềm Bluezone vì cho rằng phần mềm này chỉ để… theo dõi công dân. Họ nhân danh “bảo vệ người dân” nhưng chính việc làm của họ đã đi ngược lại những nỗ lực của Chính phủ, của ngành y tế và tất cả mọi người dân khi tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp.
Trở lại việc triển khai làm thẻ CCCD, cần khẳng định rằng những tiện tích của thẻ CCCD gắn chíp trước hết là có lợi cho mỗi người dân trong thực hiện các giao dịch và thủ tục hành chính; sau đó là tiện ích trong công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm. Vì thế, mỗi người cần có cái nhìn khách quan, đúng đắn và tin tưởng vào chủ trương của Nhà nước, đừng để “thuyết âm mưu” của những kẻ chuyên chống phá đất nước phát huy tác dụng.
Thảo Linh/Báo Bình Phước.
No comments:
Post a Comment