Thật vui mừng, khi biết tin các cựu chiến binh e66-f304, đặc biệt những nhân chứng tại Dinh Độc lập, trong thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, đã đồng lòng gửi đơn kiến nghị lên Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Viện Lịch sử QSVN; tố giác ông Phạm Việt Tùng đạo diễn "phim lậu" sự thật 30/4/1975.
Nội dung phim xúc phạm Trung tướng Phạm Xuân Thệ, chà đạp truyền thống Trung đoàn 66, coi thường xoá công trạng, miệt thị cựu chiến binh Trung đoàn, cao hơn là Sư đoàn 304 cũng như Quân đoàn 2. Vu khống Viện LSQSVN bóp méo sự thật.
Mong rằng sự việc sớm được giải quyết.
Thông tin cho biết thêm, các nhân chứng gọi điện cho Phạm Việt Tùng nhưng ông ta trốn tránh không dám nghe máy.
Hung hăng đi tìm sự thật, giờ thì lẫn trốn, hèn thế là cùng.
Chờ tin thắng trận của các nhân chứng và cựu chiến binh Trung đoàn 66 Anh hùng.
|
* Ảnh:Thời khắc lịch sử hầu hết là cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 66. |
Nguồn: Nguyễn Văn Hạnh
——
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Tp. Hồ Chí Minh, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7:
Ông Tùng sao chạy kịp ông Thệ được?
Khi đọc bài “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975: Những tranh cãi cần làm rõ” đăng trên báo CCB TP. Hồ Chí Minh, tôi rất bức xúc. Xương máu của cả dân tộc suốt 30 năm chống Pháp, chống Mỹ dồn lại kết quả thiêng liêng nhất - Ngày 30/4/1975. Đã 45 năm sao cứ tranh cãi hoài vậy? Năm 2005 trong cuộc Hội thảo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…,tôi có bài tham luận tựa đề: “Cuộc đụng đầu lịch sử - người thắng kẻ thua đã rõ ràng”. Tôi cũng là đại biểu của QK7 tham dự Cuộc tọa đàm khoa học năm 2005 về “Một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975”, do Viện Lịch sử Quân sự BQP chủ trì. Và đã có kết luận. Hơn 40 năm qua tôi cũng thu thập các sự kiện về việc này – vì tôi là nhà báo, đồng thời là một tướng quân trong QĐND Việt Nam, đảng viên Đảng CSVN hơn 50 tuổi Đảng. Đọc bài báo trên Báo Cựu chiến binh TP tôi thấy các đồng chí đã dầy công thu thập, nói đúng sự thật mà các nhân chứng lịch sử kể. Tôi xin khẳng định:
1- Người soạn lời và văn bản cho tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng là Đại úy Phạm Xuân Thệ (nay là Trung tướng, đã nghỉ hưu). Khi anh Thệ đưa cho Dương Văn Minh, Dương Văn Minh nói chữ ông viết tôi khó đọc quá, sau có một người trong đoàn anh Thệ đưa Dương Văn Minh tờ giấy yêu cầu ông Minh tự viết.
2- Chính ủy là người đại diện cho sự lãnh đạo của Đảng trong đơn vị quân đội. Trong chiến đấu, Chính ủy và Chỉ huy trưởng đơn vị luôn ở vị trí của người lãnh đạo, chỉ huy; không đi đầu đội hình tiến công của đơn vị. Do đó khi đánh chiếm Dinh Độc Lập, Chính ủy Bùi Văn Tùng không thể vào trước Đại Úy Phạm Xuân Thệ. Trường hợp này sao ông Tùng chạy kịp ông Thệ được?!
Nguồn: “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975: Những tranh cãi cần làm rõ” - Bài đăng trên Báo CCB tp. Hồ Chí Minh ngày 21/8/2020.
——
Đại tá Đậu Đình Lực, Nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, nguyên chiến sĩ thông tin, truyền đạt Trung đoàn 66:
Lính chúng tôi đã quen với câu không bàn giao và đầu hàng vô điều kiện…
Đọc trên báo và trên mạng thấy mọi người nhận định, suy diễn rằng: Chỉ có chính ủy lữ đoàn mới đủ trình độ viết được những lời chặt chẽ, đầy chất chính trị cho Dương Văn Minh đọc. Rồi họ còn coi thường cán bộ quân sự chỉ giỏi tác chiến, không am hiểu chính trị. Tôi và Nguyễn Huy Hoàng dân Hà Nội cùng nhập ngũ một ngày (năm 1972), cùng tiểu đội thông tin truyền đạt với nhau, cùng vào dinh trưa 30/4/1975 nghe như thế mà tức lộn ruột. Hóa ra nhiều người chẳng hiểu gì tình hình chính trị thời kỳ ấy. Từ năm 1972 -1973 khi chúng ta chuẩn bị ký Hiệp định Pa ri về hòa bình ở Việt Nam, trên đài báo đã nói rất nhiều những khái niệm ấy.
Các đơn vị được học tập chính trị cũng hiểu rõ tình hình ta và địch đang chuyển biến mạnh. Tôi là lính truyền đạt được biết trước khi tiến công vào nội đô Sài Gòn, Sư đoàn 304 đã triệu tập cán bộ quân chính nói rõ các giải pháp và dứt khoát không có bàn giao gì hết, bắt chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tôi là binh nhất còn biết như vậy thì Đại úy Phạm Xuân Thệ sao không biết? Anh ấy được họp hành các kiểu, quán triệt nhiều hơn chúng tôi.
Còn về tấm ảnh đồng chí Bùi Tùng chụp chung với nhà báo Tây Đức thì bài viết của Đào Văn Sử đã phân tích đúng rồi. Nếu lúc vào dinh để đưa Dương Văn Minh ra đầu hàng mà mặt thản nhiên, chỉ lo chụp ảnh chơi thì đâu phải lính chiến, đâu phải người chỉ huy. Lúc ấy chúng tôi chỉ có chạy và chạy, căng mắt ra, tay đặt trong vòng cò…Ai chụp gì không hay biết.
Còn tấm ảnh chú thích là ông Tùng dẫn Dương Văn Minh ra đài phát thanh đầu hàng thì người bên trái đội mũ cứng (quay lưng lại) chính là anh Thệ. Anh Thệ liên tục xua tay cho mọi người tránh ra để đưa hai ông ra xe jeep. Người cầm súng ngắn đi sau ông Minh là Trung úy Nguyễn Văn Nhu. Người cao to ở giữa giới thiệu là đồng chí Tùng thì nên xem lại?!
Sư đoàn 304 lúc ấy không đeo quân hàm, mũ không gắn quân hiệu, chỉ dán băng: Thần tốc, quyết thắng. Có người còn băng, có người băng bay mất. Xin lưu ý: Tấm ảnh đồng chí Tùng chụp với nhà báo Tây Đức thì ông đội mũ không gắn quân hiệu. Còn tấm ảnh đang đi có Dương Văn Minh và anh Thệ thì mũ của người ở xa (nhận là ông Tùng) gắn quân hiệu rất rõ. Xem lại băng nhiều lần phát trên VTV1 chúng tôi thấy như vậy. Chẳng lẽ trong ít phút ấy đồng chí Tùng lại thay mũ khác?
Nguồn: “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975: Những tranh cãi cần làm rõ” - Bài đăng trên Báo CCB tp. Hồ Chí Minh ngày 21/8/2020.
——
KTS Nguyễn Huy Hoàng, Nguyên chiến sĩ thông tin, truyền đạt áp giải Dương Văn Minh từ Dinh ra đài phát thanh:
Trên xe áp giải Dương Văn Minh ra đài chỉ có khẩu AK của tôi và K54 của anh Thệ
Tôi rất vui khi đọc báo CCB TP. Hồ Chí Minh thấy nêu rõ và đúng với sự kiện lịch sử. Trước đây tôi rất buồn khi báo chí và trên mạng nói rằng không tin các nhân chứng sống của bộ đội ta mà phải tin nhân chứng thứ ba và nhà báo nước ngoài khách quan hơn. Như vậy họ đã coi thường chúng tôi, coi chúng tôi là kẻ xấu, nói sai lịch sử kháng chiến. Là bộ đội cụ Hồ, vào sinh ra tử chẳng sợ, nay chúng tôi sợ gì mà không nói đúng sự thật. Năm 1972 là trai Hà Nội, tôi nhận giấy gọi vào Đại học kiến trúc nhưng tôi tình nguyện nhập ngũ. Tôi từng đánh trận Quảng Trị, đánh Thượng Đức (Quảng Nam) rồi vào tận dinh Độc Lập. Ngay năm sau (năm 1976) tôi về học Trường Đại học Kiến trúc. Đời lính, tôi chẳng liên quan gì đến anh Phạm Xuân Thệ. Hay tôi bảo vệ anh Thệ để được anh chiếu cố cho tôi được khen thưởng? Không hề. Tôi luôn theo sát anh Thệ vào dinh, ra đài và truy đuổi Fullro ở Lâm Đồng nhưng tôi chưa được một tấm bằng khen hay giấy khen nào. Đánh giặc xong tôi về trường đại học.
Đọc bài của Mạnh Vũ dẫn lời nhà văn Đông La rằng: “Khi ông Minh nói với ông Tùng xin bàn giao chính quyền thì ông Tùng cũng nói là “Chỉ có đầu hàng vô điều kiện…” Nhà văn lấy tư liệu ở đâu mà viết như thế? Sai rồi. Hôm ấy, tôi còn nhớ rất rõ: Khi lên cầu thang của dinh, chúng tôi gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Ông ấy giới thiệu và dẫn chúng tôi vào phòng lớn. Ông Hạnh giới thiệu Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn. Ông Minh đến chìa tay cho anh Thệ bắt nhưng anh Thệ không bắt tay. Ông Minh nói: “Chúng tôi biết quân giải phóng vào nội đô, nên chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Anh Thệ nói rất kiên quyết: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, không có bàn giao gì cả”. Thời khắc ấy tôi và anh em trung đoàn 66 không thấy ông Tùng ở đó và không có bất kỳ ai trao đổi gì với ông Minh, ngoài anh Thệ ra.
Khi lên xe jeep tôi và Bàng Nguyên Thất ngồi hai bên vai xe. Súng AK của tôi luôn tư thế chiến đấu. Ghế trên bên phải là Dương Văn Minh và anh Thệ. Anh Thệ lăm lăm khẩu súng ngắn trong tay. Hàng ghế sau thì Vũ Văn Mẫu ngồi giữa các cán bộ của trung đoàn. Đào Ngọc Vân lái xe. Chúng tôi còn sống cả mà họ đã nói sai như vậy ?
Nguồn: “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975: Những tranh cãi cần làm rõ” - Bài đăng trên Báo CCB tp. Hồ Chí Minh ngày 21/8/2020.
——
Đại tá TRẦN THẾ TUYỂN, Nguyên Trưởng Ban Đại diện phía Nam báo QĐND; Nguyên Phó Cục trưởng cục Báo chí Bộ TT & TT; nguyên TBT báo SGGP:
Sự thật phải được khẳng định
Báo Cựu chiến binh TP Hồ Chí Mình số 546 ( 470) ra ngày 30.5.2020 trên trang 6-7-11 đăng các bài về : Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975: NHỮNG TRANH CÃI CẦN LÀM RÕ. Sự tranh cãi ấy chính là việc : Ai soạn lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ ( trưa 30/4/1975).
45 năm qua, kể từ trưa 30 tháng 4 năm ấy, các cơ quan hữu trách và giới báo chí truyền thông đã tốn không biết bao nhiêu thời gian và giấy mực, thời lượng phát sóng về vấn đề này. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, trực tiếp TCCT đã không dưới một lần hội thảo, bàn luận về vấn đề trên.
Đã có những kết luận ( văn bản làm ngày 17/1/2006) nhưng dường như chưa thỏa mãn người trong cuộc, làm hoang mang người hậu thế. Do vậy câu hỏi “ Ai là người soạn thảo bản tuyên bố đầu hàng cho tổng thống ngụy quyền VNCH” vẫn còn là ẩn số, sự tranh cãi chưa có hồi kết.
Người viết bài này nguyên là nhà báo quân đội cũng không ngoài cuộc, luôn quan tâm, theo sát vấn đề. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng Miền Nam( 30/4/1995), tôi đã trực tiếp gặp gỡ nhân chứng và viết bài: HAI MƯƠI NĂM CUỘC HỘI NGỘ KỲ THÚ đăng trên báo QĐND làm sáng tỏ ai, chiếc xe tăng đầu tiên nào đã húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập trưa 30-4/1975 để các chiến sỹ quân giải phóng MN cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập? Bài báo đã được trao giải cao của Hội Nhà báo TP.HCM năm ấy.
Sự thật chỉ có một và mãi mãi là sự thật. 45 năm qua có biết bao biến động. Nhưng sự thật về thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn thế, không ai, không thế lực nào có thể thay đổi được !
Chính vì thế, với tư cách là CCB trực tiếp tham gia Chiến dịch HCM, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn MN cách đây 45 năm, tôi hoan nghênh BBT báo CCB TP.HCM đã xới lại diễn đàn làm sáng tỏ sự kiện lịch sử trên.
Chúng tôi đã đọc bài của hai tác giả Mạnh Vũ và Đào Văn Sử về sự kiện này. Các tác giả đều cơ sở để bảo vệ quan điểm của mình. Chưa đi sâu phân tích các cơ sở ấy. Chúng tôi góp ý, bàn luận thêm:
Thứ nhất,cần đặt rõ mục đích là tìm hiểu, xác minh sự thật lịch sử phải trung thực, khách quan, tránh cảm tính, suy diễn. Đặc biệt không có biểu hiện “lợi ích nhóm”, ủng hộ người này, phủ định người kia.
Thứ hai,cần phân định rõ thời khắc lịch sử đó có hai bản dự thảo. Một, bản tuyên bố đầu hàng của tổng thống nguỵ quyền SG và hai, bản tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng đó.
Thứ ba,sự thật lịch sử phải trả về đúng vị trí của nó. Dù tuổi cao, sức yếu, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Đại tá Bùi Văn Tùng vẫn còn; Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 (nay là Trung tướng Phạm Xuân Thệ và một số nhân chứng vẫn còn. Đó là cơ sở quý báu để làm sáng tỏ sự thật.
Thứ tư,về phía công luận, chúng tôi kiến nghị mọi người hết sức kiềm chế cảm xúc, không tuỳ tiện suy diễn, đồn đoán, đôi khi lộng ngôn làm tổn thương người trong cuộc và vô tình hay hữu ý làm xấu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Dẫu đã muộn, chúng tôi thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo TƯ, TCCT sớm tổ chức hội thảo khoa học; gặp gỡ nhân chứng, thu thập tài liệu để kết luận (lần chót) về sự kiện lịch sử này nhằm sáng tỏ sự thật, góp phần lưu danh thiên cổ và giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước của quân đội và dân tộc ta.
Nguồn: “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975: Những tranh cãi cần làm rõ” - Bài đăng trên Báo CCB tp. Hồ Chí Minh ngày 21/8/2020.
——
Nhà báo Quân đội ĐÀO VĂN SỬ: Ai soạn lời tuyên bố đầu hàng?
Những thông tin nhiễu loạn của báo chí gần đây về sự kiện lịch sử diễn ra trưa 30/4/1975 đã khiến những người trong cuộc – những nhân chứng lịch sử - thực sự bức xúc. Những nhân chứng sống ấy tôi đã gặp và trao đổi trên điện thoại. Đó là Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, Đại tá Phùng Bá Đam, Đại tá Đậu Đình Lực, Đại tá Bùi Văn Quyệt, Trung tướng Phạm Xuân Thệ và các anh Nguyễn Văn Nhu, Bàng Nguyên Thất, Nguyễn Huy Hoàng. Xin không nêu lại từng ý kiến, chỉ tổng hợp chung nhất, làm rõ những nội dung sau.
1-VÌ SAO ĐỒNG CHÍ BÙI VĂN TÙNG NHẬN LÀ ĐƯA DƯƠNG VĂN MINH RA ĐÀI PHÁT THANH VÀ SOẠN CHO DƯƠNG VĂN MINH ĐỌC TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG?
-Vì đồng chí Bùi Văn Tùng thay mặt Quân Giải phóng tiếp nhận lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh nên sau ngày 30/4/1975 một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội tưởng đồng chí Tùng đã làm tất cả các việc đó. Ngày 16/5/1975, đồng chí Bùi Văn Tùng vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ôm hôn tại Dinh Độc Lập...
-Vì tại Hội nghị Quân chính Quân đoàn ở Thủ Đức (Sài Gòn) tháng 12/ 1975 chỉ nói đồng chí Phạm Xuân Thệ bắt Dương Văn Minh ra Đài phát thanh, không nói đồng chí Thệ soạn thảo cho Dương Văn Minh đọc.
Dự hội nghị có Thượng tá Lê Khả Phiêu lúc đó là Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn. Chính ủy Bùi Văn Tùng dự. Trung đoàn phó Thệ không dự vì đang chỉ huy đánh Fullro tại Lâm Đồng. Do Hội nghị kết luận có nội dung chưa đúng nên lịch sử của Lữ đoàn xe tăng 203 ban đầu viết: Chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo cho Dương Văn Minh đọc và xe tăng 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận xô đổ cổng Dinh Độc lập. (Vì lãnh đạo Quân đoàn muốn xe đại đội trưởng đi đầu - là xe T54 của Liên Xô còn xe 390 của Trung Quốc). Đến năm 1995, khi nhà báo Pháp Francoise De Mulder đưa tấm ảnh ra, mới xác định xe tăng 390 vào Dinh trước.
Từ năm 1985, khi báo Quân đội nhân dân đăng bài của Đào Văn Sử về sự thật người soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng…thì Ban Bí thư yêu cầu Bộ Quốc phòng điều tra làm rõ. Từ đó các cuốn lịch sử Quân đoàn 2, Sư đoàn 304, Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66 được chỉnh sửa, thống nhất, không còn ý kiến thắc mắc.
- Sau năm 1975, ông Borries Gallasch - nhà báo Đức - xuất bản cuốn: “TP.HCM – Giờ khắc số O – những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, có đoạn: “Sự lộn xộn chấm dứt khi người chỉ huy của Quân giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện”. Câu này không đúng với sự thật lịch sử. Không có nhân chứng sống nào xác nhận việc này. Cũng không có tấm ảnh nào ghi lại.
- Nhiều lần đồng chí Bùi Văn Tùng đã kể cho báo Tuổi Trẻ và Sài Gòn Giải Phóng, Đài TNND Thành phố… theo như nội dung trên.
2- SỰ MÂU THUẪN, TRÁI LOGIC KHI NÓI ĐỒNG CHÍ TÙNG ĐƯA DƯƠNG VĂN MINH RA ĐÀI
- Nếu đồng chí Bùi Văn Tùng có mặt ở Dinh cùng đồng chí Phạm Xuân Thệ thì sao đồng chí Tùng không xuất hiện trước Dương Văn Minh mà chỉ có đồng chí Thệ yêu cầu Dương Văn Minh ra Đài tuyên bố đầu hàng. Đồng chí Tùng đi cùng ai, ai làm chứng nghe đồng chí nói? Không có ai.
- Bằng chứng là khi đồng chí Thệ cùng các cán bộ, chiến sỹ vào Dinh thì gặp Chuẩn tướng ngụy Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh giới thiệu Dương Văn Minh cùng nội các thì Dương Văn Minh nói với đồng chí Thệ: “Chúng tôi đã biết Quân giải phóng tiến vào nội đô, đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Đồng chí Thệ nói kiên quyết: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”, Ông Minh nghe vậy liền rút trong túi ra khẩu súng ngắn Browning đặt lên bàn. Đồng chí Thệ nhận súng. Khẩu súng này đang ở Bảo tàng Quân đội. Các cán bộ, chiến sĩ chứng kiến sự kiện này hầu hết còn sống, kể lại rất giống nhau. Cuối năm 1993 tôi (Đào Văn Sử) cùng Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết đến thăm ông Nguyễn Hữu Hạnh tại nhà riêng (TP.HCM). Tôi gợi lại chuyện ấy và đưa tấm ảnh anh Thệ ra. Ông nhớ ngay, nói; “Đúng ông này nè. Bữa đó ông ấy cầm súng ngắn, hăng lắm, cứ làm dữ với ông Minh”. Năm 2005 tôi lại ghi được hình ảnh ông Thệ và ông Hạnh trò chuyện tại Dinh.
- Nếu nói đồng chí Tùng dẫn Dương Văn Minh ra Đài thì tại sao không mời ông Minh lên xe của đồng chí cho an toàn. Là cán bộ lãnh đạo lữ đoàn, đồng chí Tùng phải biết đây là việc rất hệ trọng, không thể rời ông Minh, nhỡ ông ấy xổng mất thì sao?
Thực tế lịch sử là: Khi đồng chí Thệ yêu cầu Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng thì Dương Văn Minh muốn ngồi tại Dinh, sợ ra ngoài không an toàn. Đồng chí Thệ nói: “Ông yên tâm, Quân giải phóng đã làm chủ Sài Gòn. Họ bắn súng chào mừng chiến thắng. Chúng tôi bảo đảm an toàn cho ông ra đài phát thanh”. Đồng chí Thệ kể: “Chúng tôi đưa họ đi theo cầu thang, xuống sảnh Dinh, đến bãi cỏ thì ông Minh chỉ sang bên trái mời tôi lên xe riêng của ông. Tôi nói: “Tôi có xe để đưa các ông đi”. Thế là hai ông lên xe Jeep, biển số: LĐ 15770. Đây là xe chiến lợi phẩm đơn vị lấy từ Đà Nẵng.
Chiến sĩ Đào Ngọc Vân lái xe. Tôi bố trí ông Dương Văn Minh ngồi ghế trên, bên cạnh lái xe. Tôi ngồi ngoài, bên ông Minh để giữ an toàn cho ông, đề phòng bất trắc. Ông Vũ Văn Mẫu ngồi giữa, hàng ghế sau. Hai bên ông là Trung úy Phùng Bá Đam (Trưởng tiểu ban cán bộ trung đoàn) và Trung úy Nguyễn Văn Nhu (Trợ lý tác chiến). Hai chiến sĩ truyền đạt ngồi hai bên vai xe là Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi còn cho hai xe tải chở bộ đội của Đại đội 2 hộ tống, bám sát xe Jeep”.
Cả 6 cán bộ chiến sĩ trên xe ấy hiện nay còn khỏe mạnh, tỉnh táo và kể rất trùng khớp nhau.
- Nếu đồng chí Tùng thể hiện vai trò chỉ huy thì sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng xong phải đưa ông Minh và ông Mẫu trở lại Dinh chứ?
Thực tế là đồng chí Thệ cùng các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 lại đưa hai ông về Dinh.
- Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 đều nói khi vào Dinh không nhìn thấy đồng chí Tùng. Cũng không có nhà báo nào chụp được ảnh đồng chí Tùng tại Dinh khi đưa Dương Văn Minh ra Đài.
- Chỉ có một tấm ảnh đồng chí Tùng bên cạnh nhà báo Đức Borries Gallasch tại sân Dinh. Có tờ báo coi đó là minh chứng đồng chí Tùng vào Dinh đưa Dương Văn Minh ra đài. Không đúng. Với biểu cảm của gương mặt đồng chí Tùng và mọi người lúc đó thì lộ rõ sự an nhàn, thư thái, không còn gì căng thẳng, khẩn trương. Các nhà báo trong hình cũng thản nhiên, không có ý thức săn tin nữa. Đó là ảnh chụp sau khi Dương Văn Minh đã từ Đài về Dinh rồi.
- Khi hội thảo hỏi đồng chí Tùng rằng ai lái xe chở đồng chí vào Dinh, trên xe có ai đi cùng… thì đồng chí không nói được.
- Tại hội thảo ngày 19/10/2005 (TP.HCM), có khá đông các nhân chứng lịch sử: Trung tướng Phạm Xuân Thệ; Đại tá Bùi Văn Tùng; Đại tá Bùi Quang Thận (nguyên đại đội trưởng xe tăng thuộc Lữ đoàn 203); Đại tá Phùng Bá Đam; đại diện Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị; ông Hà Huy Đỉnh, nguyên chủ bút báo Kinh tế thị trường (chế độ cũ)… cùng nhiều nhân chứng, đại biểu khác. Tôi được mời với cương vị là nhà báo viết bài phát hiện ra nhân chứng Phạm Xuân Thệ đầu tiên năm 1985. Ông Hà Huy Đỉnh chất vấn đồng chí Bùi Văn Tùng:
- Tôi xin được hỏi ông Bùi Tùng. Ông ra đài phát thanh bằng xe gì?
Đồng chí Tùng lộ rõ sự bất ngờ, không kịp phản ứng, lặng im nhìn ông Hà Huy Đỉnh. Ông Đỉnh tiếp luôn:
- Chính là xe hơi của tôi. Chính tôi cho ông quá giang, đưa ông đến đài, sau ông tướng này. Ông không nên nói sai như vậy!
Đồng chí Bùi Tùng như đã nhớ ra, cúi đầu xuống bàn, không tranh luận. (Thường thì chỉ huy lữ đoàn đi xe thiết giáp).
- Các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 đánh chiếm Đài Phát thanh rồi canh giữ Đài trưa 30/4/1975 cũng khẳng định: Khi đồng chí Thệ và các cán bộ dẫn ông Minh, ông Mẫu đến đài một lúc sau ông Tùng mới xin vào Đài, tiếp đó là nhà báo Đức, ông Hà Huy Đỉnh và ông Nguyễn Hữu Thái.
- Trong cuốn: “TP.HCM – Giờ khắc số O – những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, nhà báo Đức Borries Gallasch viết, có đoạn: “Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến đại tướng Minh “lớn” - tổng thống của Việt Nam cộng hòa, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của Doan – Don - Son của Quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn…” Như vậy nhà báo này phủ nhận việc đồng chí Bùi Văn Tùng bấy lâu nhận là bắt Dương Văn Minh ra Đài.
3-AI SOẠN LỜI TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG CHO DƯƠNG VĂN MINH ĐỌC?
- Khi đại úy Phạm Xuân Thệ cùng anh em trung đoàn đưa ông Minh, ông Mẫu đến Đài Phát thanh, đại úy Trương Quang Siều, Tiểu đoàn trưởng và đại úy Hoàng Trọng Tình, Chính trị viên Tiểu đoàn 8 (Sau này là Thiếu tướng, Phó chính ủy Quân khu 4), ra đón, báo cáo đồng chí Thệ: “Tiểu đoàn 8 đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếm được Đài Phát thanh Sài Gòn!” Đồng chí Tình dẫn đoàn lên tầng hai rồi vào một phòng rộng có bàn ghế. Hai chiến sĩ trung đoàn vội theo nhà báo Kỳ Nhân đến khu Làng báo chí Thảo Điền tìm nhân viên kỹ thuật Đài đến làm việc.
Mọi người thấy sự gấp rút để Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cho nên cùng nhau soạn thảo nhanh. Cùng với đồng chí Thệ soạn thảo là các cán bộ cơ quan trung đoàn: Trung úy Nguyễn Văn Nhu, Trung úy Phùng Bá Đam, Trung úy Trịnh Ngọc Ước, Thiếu úy Đinh Thái Quang. Mọi người cùng góp ý kiến để đồng chí Thệ viết. Câu “đầu hàng vô điều kiện” là của Nguyễn Văn Nhu nhắc. Khi làm gần xong thì đồng chí Tùng vào. Đồng chí Tùng giới thiệu tên, chức danh rồi nói: “Tôi vào Dinh, tưởng các anh là người của Quân đoàn nên không tham gia. Khi biết các anh là người Trung đoàn 66 đã đưa Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh, tôi vội rượt theo”. Khi soạn xong, đồng chí Thệ đưa đồng chí Tùng xem. Đồng chí Tùng nói: “Các anh làm thế là được rồi”. Đồng chí Thệ đưa bản thảo cho ông Minh. Ông chê chữ viết xấu, không đọc được. Đồng chí Đinh Thái Quang cầm tờ pơ luya trên bàn đưa cho ông Minh. Đồng chí Thệ đọc cho ông Minh chép lại. Khi đọc: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn…” thì ông Minh đề nghị:“Cấp chỉ huy cho tôi xưng là đại tướng thôi. Vì ông Trần Văn Hương không làm nên tôi mới đảm nhận 2 ngày”. Chúng tôi không chịu. Đồng chí Tùng nói: “Dù một ngày, một giờ ông cũng phải xưng danh là tổng thống…”.
- Như vậy bản soạn thảo là trí tuệ tập thể do đồng chí Thệ chủ trì, có đồng chí Tùng tham gia.
- Đến khi đồng chí Quang mở máy ghi âm để thu thì cuộn băng bị rối. Đồng chí Phùng Bá Đam tìm được một chiếc cặp có nhiều băng ghi âm đưa cho đồng chí Quang. Đó là chiếc cặp của Nguyễn Văn Thăng – Trưởng hệ thống truyền thanh Sài Gòn. Chiếc cặp này đồng chí Đam đã trao cho Bảo tàng Quân đội lưu giữ. Nhưng ngay lúc đó nhà báo người Tây Đức Borrries Gallasch đưa máy ghi âm ra rồi ông tự lắp băng, mở máy thu lời đầu hàng của Dương Văn Minh. Khi thu xong lời ông Minh đầu hàng, đồng chí Thệ nói:
- Đề nghị anh Tùng chức vụ cao nhất ở đây thay mặt Quân giải phóng chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng.
Đồng chí Tùng không nhận, nói “thôi anh làm luôn đi” nhưng mọi người phân tích thêm, đồng chí Tùng đồng ý rồi viết nháp trên tờ giấy pơ luya ở trên bàn, sau đó đọc vào máy ghi âm.
- Ghi âm xong thì các nhân viên Đài Phát thanh kịp đến mở máy làm việc, phát đi trên sóng lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.
- Điều lạ là sau khi thu xong lời chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh, đồng chí Tùng vo viên bản thảo ấy, ném vào góc nhà. Nhà báo Hà Huy Đỉnh lặng lẽ nhặt bỏ túi. Đồng chí Tùng nhìn thấy, đến lấy lại rồi xé vụn ra. Bởi vậy năm 2005 khi thấy bản thảo tại Bảo tàng Quân đoàn 2, các nhân chứng nói rõ đây là bản chép lại, không phải gốc.
4- VỀ BẢN THẢO GỐC TẠI BẢO TÀNG?
Trên mạng xã hội và trên vài tờ báo dẫn ra tấm ảnh chụp bản thảo đã cũ, nhàu, rách lem nhem nói rằng đây là bản soạn thảo gốc ông Tùng viết cho Dương Văn Minh đọc - tư liệu “sống” - do ông Bùi Văn Tùng đưa ra, còn gì tranh cãi nữa?
Thực ra, trước đây đồng chí Bùi Văn Tùng đã kể rồi (trích từ băng ghi âm):
“Ngay chiều hôm đó, Cục Chính trị Quân đoàn đến hỏi tôi 2 bản thảo thì tôi lục hết trong cái túi dết của tôi đựng tài liệu không có và tôi nói rằng: Có thể hai bản thảo này tôi vứt ở sọt rác Dinh Độc Lập rồi. Đồng chí bảo tôi là tìm lại thử, thì lục sọt rác ở trong đó không có. Sau tôi rờ vào trong túi quần thì hai cái bản này đã vò rồi. Tôi đưa cho đồng chí… … ở Cục Chính trị Quân đoàn chiều ngày 30/4/1975. Sau đó đồng chí Trà – Chủ tịch Quân quản hỏi tôi lấy hai bản này thì tôi nói: Báo cáo anh là Cục Chính trị Quân đoàn đã lấy rồi.”
Các cơ quan và cấp trên gặng hỏi đồng chí Tùng đã đưa cho ai ở Cục Chính trị thì đồng chí bảo quên rồi!?
Thực chất là: Bản soạn thảo gốc và bản thảo Dương Văn Minh chép đều do đồng chí Phạm Xuân Thệ giữ, bỏ vào túi áo. “Đêm ấy về Bộ Nội vụ của quân ngụy nghỉ, tôi tắm xong, thay bộ quần áo mới, bỏ bộ cũ đi, mệt quá, không nhớ có hai bản thảo trong túi áo.” – Đồng chí Thệ kể lại. Bộ quần áo chiến trận đồng chí Thệ bỏ đi là đồng chí đã mặc từ khi chỉ huy tiểu đoàn 9 đánh địch tại căn cứ Nước Trong (27/4/1975) cho đến hôm vào Dinh.
Nhà nước ta và Lịch sử QSVN đang rất cần bản gốc của tờ soạn thảo cho Dương Văn Minh đầu hàng để đưa vào BẢO VẬT QUỐC GIA nhưng không có.
Có lần đồng chí Tùng kể: “Khi Viện Bảo tàng Quân đội đưa đồng chí Hải vào Quân đoàn ở Phú Bài thì …đồng chí bảo tôi chép – cố gắng chép đúng cái chữ gạch xóa, chép lại cái bản này để đồng chí đưa về Viện Bảo tàng…”, Hiện nay Viện Bảo tàng Quân đội đã bỏ, không còn trưng bầy bản chép tay này.
Gần đây đồng chí Tùng đưa ra bản photocopy đăng các báo, nói là photo từ bản gốc. (Không có gốc thì photo sao được!? Vì sao bản gốc thì mất mà giữ bản photo làm gì?) Nếu đồng chí Tùng nói bản gốc thì khoa học hình sự sẽ xác định bản thảo viết khi nào? Rõ ngay. Vì vậy lịch sử nước ta đành phải lấy cuốn NHẬT KÝ TÁC CHIẾN CHIẾN DỊCH của Quân đoàn làm BẢO VẬT QUỐC GIA của sự kiện này.
Năm 1994 tôi (Đào Văn Sử) gặp Thiếu tướng Dương Văn Nhựt – bộ đội ta (em trai Dương Văn Minh - người đã từng làm binh vận, địch vận với Dương Văn Minh), nhờ ông gửi thư hỏi ông Dương Văn Minh (đang ở Mỹ) để rõ hơn về người soạn lời tuyên bố đầu hàng. Ông Nhựt nói ngay: “Tôi biết tánh anh tôi khó lắm. Ổng không nói gì đâu!”
5- NHỮNG NGHI VẤN TỪ NHÂN CHỨNG THỨ BA
Theo như phim “Chuyện kể 30/4 – Nhân chứng thứ ba” phát trên VTV1 thì nhân chứng thứ nhất là cán bộ, chiến sĩ ta; nhân chứng thứ hai là nội các chính quyền Sài Gòn và nhân chứng thứ ba là nhà báo Đức Borries Gallasch, ông Nguyễn Hữu Thái và các nhà báo khác.
•Nhà báo Đức Borries Gallasch: Ông không biết tiếng Việt. Mọi thông tin ông đều hỏi từ nhà báo Hà Huy Đỉnh và những người biết tiếng Pháp.
Bởi vậy, có người hỏi: bộ đội ta vào Dinh không mang quân hàm, không bảng tên mà sao ông vẫn phân biệt được đồng chí Tùng và đồng chí Thệ?
- Sách của ông viết việc đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh (dịch ra tiếng Việt, xuất bản năm 2010): “Minh và Mẫu leo lên chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai… Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy” (trang 120). Rất khác với sự thật lịch sử - lúc đó có nhiều xe trên đường.
- Ông Borries Gallasch vào Đài phát thanh sau khi các đồng chí Trung đoàn 66 đã vào trước, soạn thảo gần xong bản tuyên bố đầu hàng. Nhưng trang 120 của cuốn sách viết như tưởng tượng ra một không gian khác: “Chúng tôi ngồi bất động một lát. Mẫu quạt khuôn mặt ông bằng một quyển sách. Minh và Tùng ngồi trên hai chiếc ghế bành và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ để bên cạnh, trong lúc đó Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh.” Không hề có cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 ở đó.
Những điều ông viết ở trên không có nhà báo nào ghi lại được. Ông là nhà báo quốc tế thì lúc đó tư duy nghề nghiệp sẽ mách bảo ông phải chụp ngay sự kiện. Nhưng ông không có một tấm ảnh nào khi bắt Dương Văn Minh ra Đài và cũng không có tấm ảnh nào tại Đài khi soạn văn bản và tuyên bố đầu hàng. Cũng có người nêu vấn đề về người dịch Dương Đình Bá đã chuẩn chưa? Hiện nay viện lịch sử đang tìm cuốn sách bản tiếng Đức để đối chiếu.
- Hơn nữa ông Hà Huy Đỉnh tại hội thảo nói là: Borries Gallasch cùng ông Tùng đi nhờ xe của ông. Nhưng sách lại viết Borries Gallasch đi nhờ xe ông Tùng. Về việc này, Borries Gallasch nhầm hay ông Hà Huy Đỉnh nhầm?
Đến bây giờ đồng chí Tùng vẫn không trả lời được: “Ai lái xe đưa đồng chí ra Đài phát thanh và đi trở lại Dinh?”
Ông Nguyễn Hữu Thái: Thường được giới thiệu là KTS Nguyễn Hữu Thái. Trong phim của hãng TFS giới thiệu lập lờ ông Thái nguyên là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Thực chất thì ông Thái chỉ làm Chủ tịch Tổng hội từ năm 1962 đến 1964, sau đó ông đi cải tạo rồi đi lính ngụy lên đến đại úy thì nghỉ. Trước giờ giải phóng năm 1975 ông Thái không có vai trò gì với sinh viên và ngụy quân. Vì có mối quan hệ từ trước với Dương Văn Minh nên ngày 30/4 ông cùng nhà báo Hà Huy Đỉnh vào Dinh.
Khi ông Thái vào Dinh thì đại úy Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ đã vào phòng khánh tiết mời Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.
Nhưng ông Thái đã từng viết trên báo Sài Gòn Giải phóng và kể trên báo QĐND, rồi nói trên phim rằng ông vào vận động ông Minh đầu hàng, ông cùng dẫn ông Minh ra Đài Phát thanh. Chưa hết, ông còn hướng dẫn ông Bùi Quang Thận lên tầng cao treo cờ giải phóng. Rồi ông cùng ông Hà Huy Đỉnh mỗi người cầm một lá cờ phất. Vô lý. Ông Thái không thể phân thân để làm nhiều việc như vậy trong thời khắc lịch sử diễn ra rất nhanh. Trước đây đồng chí Bùi Quang Thận kể rất rõ việc treo cờ chỉ có một mình. Văn bản đồng chí Thận viết gửi lại cũng nói rõ như vậy. Hiện Trung tướng Phùng Khắc Đăng còn giữ văn bản này. Năm 1995, đồng chí Thận kể lại tại Dinh, tôi trực tiếp nghe cũng như vậy. Hôm ấy có cả Trung tướng Nguyễn Văn Thái cùng nghe.
Khi đến Đài Phát thanh, cứ theo như ông nói thì Quân giải phóng chẳng có vai trò gì. Ông có công góp phần vào việc ông Minh tuyên bố…Thực chất thì ông Thái và đồng chí Tùng đi nhờ xe nhà báo Đỉnh, đến Đài sau mọi người.
Cuốn sách của ông Nguyễn Hữu Thái viết về ngày 30/4/1975 đăng tấm ảnh lịch sử của nhà báo Kỳ Nhân lúc thu âm tại Đài Phát thanh. (Tấm ảnh nổi tiếng đang ở các bảo tàng và đã in nhiều sách). Nhưng rất lạ, tấm ảnh bị cắt hết hình đồng chí Phạm Xuân Thệ (bên phải) tay cầm hai bản thảo…Đây là hành vi vi phạm bản quyền tấm ảnh và thực sự là cố tình cắt xén lịch sử! Một sự bất tín, vạn sự bất tin!
VỀ BỘ PHIM CỦA TFS PHÁT TRÊN HTV:
Ngày 12/6/2007, trong buổi làm việc của đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, về bộ phim này, có nhiều đại biểu tham dự: Nhà sử học, PGS, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; nhà báo Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh; Thiếu tướng, PGS, TS. Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự; Đại tá, TS. Trần Ngọc Long, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự và đại diện Cục Chính trị Quân khu 7. Tôi được mời với tư cách là nhà báo viết bài phát hiện ra đồng chí Phạm Xuân Thệ năm 1985. Có nhiều ý kiến khác nhau giữa những người làm bộ phim này với các đại biểu quân đội. Đồng chí Phan Xuân Biên gợi ý cho các bên phát biểu làm sáng tỏ, không kết luận. Bài phân tích của Đại tá, TS. Trần Ngọc Long trên cơ sở những luận cứ lịch sử khoa học và những nghiên cứu sâu về sự kiện này đã có sức thuyết phục lớn với các đại biểu dự họp.
Cuối cùng nhà báo Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã phát biểu, nhận rõ sự thật lịch sử. Với thái độ khách quan, cầu thị, đồng chí nói: “Tôi rất tiếc là HTV đã đưa ra chiếu bộ phim này hơi vội vã. Nếu trước khi đưa công chiếu, chúng tôi tham khảo ý kiến các đồng chí thì tránh được sự sai lệch này”.
Nguồn: "DINH ĐỘC LẬP TRƯA 30/4/1975: Những vấn đề cần làm rõ!" - Bài đăng trên Báo CCB tp. Hồ Chí Minh ngày 21 Tháng 8 2020.
——
THÂN GỬI CÁC ĐỒNG CHÍ CCB TRUNG ĐOÀN 66/304
Thưa toàn thể các đồng chí
Với chúng ta, người ít, người nhiều phần lớn đã trải qua chiến tranh, từng chứng kiến sự hy sinh mất mát của biết bao đồng độ, họ đã hy sinh để nhường lại sự sống và vinh quang cho chúng ta. Chúng ta mãi mãi tự hào và biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã quên mình vì sự trường tồn của dân tộc, vì danh dự của trung đoàn.
Mỗi chúng ta ai cũng có quyền tự hào về những gì mình đã cống hiến cho dân tộc, cho đất nước trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sự hy sinh của chúng ta luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Trên thế giới này không có quân đội nước nào được lấy tên Lãnh tụ gắn vào tên gọi cho người lính của mình; duy nhất chỉ có Việt Nam. Nhân dân tin tưởng, yêu thương, đùm bọc, chở che chúng ta tromg chiếm tranh; và cũng chính Nhân dân đã trao tặng chúng ta danh hiệu anh Bộ đội Cụ Hồ. Danh hiệu anh Bộ đội Cụ Hồ đã cùng chúng ta đi qua bao cuộc chiến tranh cam go, gian khổ với bao hy sinh mất mát, chúng ta vẫn vượt qua và chiến thắng.
Ngày nay, trong hoàn cảnh và điều kiên cách mạng mới, QĐNDVN vẫn phát huy được truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha, ông để lại. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ thân yêu của Tổ quốc, Quân đội đồng thời thực hiện xuất sắc nhiệm vụ “là đội quân công tác”. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ căng mình trong bão lũ cứu giúp nhân dân hay trên tuyến đầu chống lại dich Covid 19...đã để lại tình cảm sâu sắc trong lòng nhân dân.
Danh hiệu anh Bộ đội Cụ Hồ như một Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể của dân tộc. Chúng ta mãi mãi tự hào về Danh hiệu anh Bộ đội Cụ Hồ.
Thưa các đồng chí
Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của trung đoàn trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Dấu chân người lính trung đoàn in sâu đậm trong mỗi chiến dịch, từ Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Khe Sanh mồ chôn giặc Mỹ đến đường chín Nam Lào, Quảng Trị, Thượng Đức và Chiến địch Hồ Chí Minh. Chúng ta tự hào thay mặt cho các LLVT mặt trận Quảng trị đón tiếp và nhận lá cờ bách chiến, bách thắng của QĐNDVN từ tay Chủ tịch Phi Đen kính yêu; chúng ta tự hào về công trạng bắt sống Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và nội các ra đài phát thanh đọc lời đầu hàng quân giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, sự kiện phim “ sự thật về ngày 30/4” dù đúng, dù sai với sự kiện đã được công nhận và ghi chép vào sử sách; chúng ta chỉ có thể nêu sự kiện cùng trao đổi một cách thẳng thắn và trung thực, không ai có quyền khẳng định, quyền phán quyết thế này hay thế khác.
Nếu ai cố tình phán quyết theo cá nhân hay nhóm nào đó bằng cách này hay cách khác cũng không thể làm thay đổi bản chất vụ việc, bản chất sự kiện ngày 30/4.
Trước những âm mưu Diễn Biến Hoà Bình, Xét Lại Lịch Sử... của các thế lực thù địch, của một số ổ nhóm bất mãn với chế độ đang thực hiện kế hoạch “Rút Gạch Chân Tường”, “Hạ Bệ Cá Nhân” diễn ra hết sức phức tạp, khó lường. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để kẻ thù tận dụng khoét sâu mâu thuẫn, phân hoá CCB chúng ta, hoặc là người đơn vị này hay đơn vị khác; trong đó có các bạn CCB trung đoàn.
Chính vì vậy, thay mặt cho BLL CCB trung đoàn, đề nghị:
1. Tin tưởng tuyệt đối vào sự Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, mà trục tiếp là sự chỉ đạo, điều hành của BQP trong xử lý vụ việc.
2. Bình tĩnh, tự tin vào những gì mà chúng ta đã chứng kiến, những gì mà lịch sử để lại.
3. Tuyệt đối không được a dua, bè phải và sử dụng những từ ngữ không hay. Không sỉ nhục người này, người kia làm trầm trọng thêm sự phân hoá mất đoàn kết ngay trong chính đội ngũ CCB.
4. Không được để kẻ xấu lợi dụng, kích động hoặc lôi kéo làm ảnh hưởng thanh danh người CCB Việt Nam.
5. Mỗi chúng ta hãy thực hiện tốt 5K trong phòng chống dịch Covid và chuẩn bị thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân để ngày bầu cử Quốc Hội khoá XV thành công tốt đẹp.
Kính gửi tới toàn thể các CCB trung đoàn, sư đoàn lời chúc sức khỏe và lời chào quyết thắng.
Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2021
TM BLL CCB trung đoàn 66
Trung tướng Bùi Xuân Chủ
——
ĐỪNG ĐỂ TRUYỀN HÌNH THÀNH KÊNH TRUYỀN THÔNG BẨN
Sau 46 năm tưởng chừng câu chuyện người soạn thảo bản tuyên bố đầu hàng cho tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đọc trưa ngày 30/4 /75 đã được khép lại mọi ồn ào. Thế nhưng vừa qua đài truyền hình VTC1 lại công chiếu bộ phim "Chuyện thật trưa 30/4" của đạo diễn nsut Phạm Việt Tùng khiến một lần nữa dư luận lại dậy sóng và đặt câu hỏi cho tính xác thực của bộ phim này.
Nếu ai đã từng theo dõi câu chuyện giữa hai nhân vật nguyên là trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng và Trung tướng Phạm Văn Thệ (nguyên trung đoàn phó Trung đoàn 66 bộ binh, đơn vị phối thuộc với Lữ đoàn xe Tăng 203 đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975) xung quanh việc xác định xem ai mới là người thảo bản tuyên bố đầu hàng cho cựu tổng thống ngụy Dương Văn Minh đọc và dành thời gian để xem hết bộ phim "Chuyện thật trưa 30/4/1975" này hẳn sẽ thấy một điều rằng bộ phim hoàn toàn không phải là một bộ phim dưới dạng phóng sự điều tra "đi tìm sự thật lịch sử" bình thường mà nó là một bộ phim mang nhiều tính đấu tố cá nhân, đánh vào tâm lý người xem. Tất nhiên nhân vật bị nhắc tới ở đây chính là trung tướng Phạm Xuân Thệ người được cho là đã "cướp công" nguyên trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng.
Bộ phim là tổng hợp những tư liệu lịch sử được cắt ghép dàn dựng có chủ đích cùng với những lời kể đầy "phóng tác" của các nhân chứng có mặt trong ngày hôm đó tại dinh độc lập cùng nội dung có phần định hướng dư luận hòng chứng minh cho người xem thấy "nỗi oan ức" (?) của ông Bùi Tùng và sự "sai trái" (?) của trung tướng Phạm Xuân Thệ quanh sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975.
Điều đáng nói ở đây rằng một bộ phim với những lời bình hết sức ngô nghê của người dẫn dắt chương trình cũng như lời thoại thiếu chính xác (thậm chí được cho là đã "nhét chữ vào mồm" trung tướng Phạm Xuân Thệ) của một số người trả lời phỏng phỏng vấn, trong đó có ý bôi nhọ viện lịch sử quân sự bộ quốc phòng khi họ cho rằng viện lịch sử quân sự đã bóp méo sự thật (?), đứng về phía trung tướng Phạm Xuân Thệ.
Một vụ việc đang còn gây rất nhiều tranh cãi và một bộ phim với tính trung thực gần như chưa thuyết phục lại mang tính chất đấu tố cá nhân và tập thể như thế nhưng không hiểu vì sao nó vẫn được đưa ra công chiếu trên truyền hình mà lại là một đài truyền hình có lượng khán giả rất lớn như VTC1 thì thử hỏi liệu có thể chấp nhận được không, và ai là người đã ký quyết định để cho bộ phim được chiếu công khai như vậy? Trong khi nhân vật chính bị đem ra "đấu tố" trong phim lại là một vị trung tướng quân đội nhân dân Việt Nam và một viện lịch sử quân sự lớn của Bộ Quốc Phòng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín danh dự không chỉ của cá nhân trung tướng Phạm Xuân Thệ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cả hệ thống chính trị lớn mà ở đây là Bộ Quốc Phòng. Cũng cần nhắc thêm rằng, cuối năm 2006 sau khi đài truyền hình HTV phát một bộ phim tài liệu có ý bênh vực ông Bùi Tùng thì ngay sau đó ngày 12-6-2007, đoàn cán bộ của Tổng Cục Chính trị đã làm việc với Thành uỷ TPHCM về bộ phim này, lúc đó có mặt ông Huỳnh Văn Nam, giám đốc đài, và nhiều người có chức trách và liên quan tham gia. Tại đây ông Huỳnh Văn Nam đã nói là “rất tiếc” khi đã “vội vã” phát bộ phim mà không tham khảo ý kiến các nhà sử học quân đội, nên đã có những “sai lệch”.
Như vậy, chuyện “ông Tùng, ông Thệ” đã được Ban Bí thư “cho người điều tra”, Bộ Quốc phòng đã giao cho Viện Lịch sử Quân sự VN nghiên cứu và toạ đàm, giám đốc đài truyền hình cũng đã nhận sai. Vậy mà giờ đây một lần nữa nó lại được người ta mang ra mổ xẻ với cái cách "dùng truyền thông lấy lòng dư luận", định hướng, lôi kéo người xem đứng về phía ông Bùi Văn Tùng. Thật đau xót thay, những người làm bộ phim này lại là những cán bộ quân đội có chút ảnh hưởng đến dư luận như ông đại tá nhà thơ Trần Đăng Khoa và một vài vị khác.
Sau khi bộ phim được phát sóng đã có rất nhiều CCB quay sang chỉ trích lẫn nhau, thậm chí mạt sát nhau, kẻ bênh người chống. Dư luận lại một phen dậy sóng quay sang nhục mạ, chửi bới, xúc phạm trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng trong chuyện này ông mới chính là Lý Thông (?). Chưa biết đúng sai thế nào, tính trung thực, khách quan của nội dung bộ phim ra sao, nhưng hậu quả của bộ phim gây ra đối với dư luận là cực kỳ lớn nó ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, gây xáo trộn, suy giảm lòng tin trong nhân dân với Đảng và nhà nước; gây bè phái, mất đoàn kết trong lực lượng quân đội. Chưa nói đến việc một số thế lực phản động trong và ngoài nước chắc chắn sẽ dựa vào đó mà viết bài đả kích bôi xấu chế độ và các tướng lĩnh trong quân đội thực hiện diễn biến hòa bình, chiến tranh tâm lý trong nhân dân.
Qua câu chuyện này, cho ta thấy rằng cần phải xem lại cách làm việc tùy tiện, sự yếu kém trong trình độ quản lý, đạo đức của ban biên tập, cũng như việc thiếu sâu sát trong khâu kiểm duyệt của người đứng đầu đài truyền hình VTC1. Thiết nghĩ BBT cũng như giám đốc đài truyền hình VTC1 cần nghiêm túc xem xét và rút kinh nghiệm sớm gỡ bỏ bộ phim trả lại danh dự cho trung tướng Phạm Xuân Thệ trước khi có kết quả chính thức từ các cơ quan chuyên môn.
Danh dự của người lính không thể đem ra đấu tố trên truyền hình./.
Tác giả: Nguyễn Hưng
——
VỀ SỰ VIỆC LÙM XÙM “AI LÀ NGƯỜI THẢO TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG CHO DƯƠNG VĂN MINH”.
Không hề muốn nói về chuyện này, bởi đã có kết luận rõ ràng của Ban Bí thư và Viện LSQS từ lâu. Mọi rắc rối phát sinh cũng không phải từ 2 nhân vật chính (Đại tá Bùi Tùng và Trung tướng Phạm Xuân Thệ) mà là đến từ... cánh báo chí, văn học và lịch sử, vốn lâu nay bốc mùi và bị phản ứng rất nhiều vì các biểu hiện đào bới, xét lại lịch sử, đục nước béo cò dẫn tới... đục cả nước!
Tuy nhiên, sau khi bộ phim “Chuyện thật trưa 30/4/1975l được chiếu chui trên các trang mạng, thì vừa qua nó đã được công khai chiếu trên VTC, kéo theo rất nhiều sự quan tâm của dư luận vốn rất dễ bị “dắt mũi”, ngay trong nội bộ các CCB và các trang, nhóm của các CCB cũng bị “chia phe”, gây tác động rất xấu. Đặc biệt, các trang nhóm phản động và ỏi lưu manh cặn bã ve háng khỉ (VHK) như vớ được vàng, lập tức hả hê để bôi nhọ những người đấu tranh mà chúng láo toét gọi là “bò đỏ”!
Thực tế, việc đào bới này chỉ là chiêu trò kiếm tiền, không hơn không kém, nhưng tác hại nó gây ra là không hề nhỏ, gây sự nghi ngờ, nghi kỵ về các sự thật lịch sử và đánh phá thẳng vào uy tín quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, uy tín của các chứng nhân lịch sử nói riêng.
Cần biết rằng, VTC không phải là Đài truyền hình quốc gia (kể cả Đài quốc gia cũng nhiều khi sai sót, lẽ thường) mà bản chất chỉ là một doanh nghiệp truyền thông, dù có tôn chỉ mục đích nhưng chức năng chủ yếu của doanh nghiệp là gì thì chúng ta đều biết rồi, nhất là trong cơ chế thị trường! Hãy nhớ vụ lùm xùm của Hội KHLS “đánh giá lại nhân vật Phan Thanh Giản” đã bị TW đình chỉ, yêu cầu stop như thế nào.
Về bộ phim nêu trên, chưa hề được BTGTW và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam xem xét, cho ý kiến. Vậy câu hỏi đặt ra là ai đã cấp phép phát sóng trên VTC? Ban tuyên giáo và TCCT không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng trước sự lùm xùm này cần có ý kiến chỉ đạo!
Mọi chiêu trò lợi dụng bộ phim để gây nghi ngờ, chia rẽ sẽ sớm bị vạch mặt và xử lý!
Tác giả: Xuân Chí.
——
No comments:
Post a Comment