2014/07/06

Thế Nào Là “ỐC ĐẢO” – Sự Cẩn Trọng Trong Sử Dụng Ngôn Từ Hán-Việt

Hoàng Hữu Phước, MIB

Ngay sau khi có tờ báo lớn của Thành phố Hồ Chí Minh có bài giật tít về “Ốc Đảo Dị Thường” để trang trọng và trân trọng tải đăng ý kiến của một đại biểu quốc hội phát biểu tại nghị trường quốc hội ở Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII cho rằng Việt Nam sẽ là như thế nếu không có “luật biểu tình” hầu trực tiếp phản bác phát biểu của Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước về luật ấy, tôi đã ngay lập tức viết bài Thế Nào Là “Ốc Đảo” đăng trên emotino.com để gián tiếp cho vị đại biểu quốc hội ấy và tờ báo này biết việc sử dụng từ “ốc đảo” là hoàn toàn sai, nhất là cụm từ “ốc đảo dị thường” là cách dùng từ cực kỳ dị thường xúc phạm người Việt và giới học thức, trí thức, có hiểu biết của toàn thể nhân loại. Nay tôi xin đăng lại nguyên văn bài viết này để thêm một lần nửa cảnh báo về sự cẩn trọng khi sử dụng ngôn từ tiếng Việt, nhất là từ Hán Việt, nếu như chưa học kỹ về nó.
Thế Nào Là “ỐC ĐẢO”
Sự Cẩn Trọng Trong Sử Dụng Ngôn Từ
Hoang Huu Phuoc, MIB
Có những người ví mình như ốc đảo với ngụ ý than trời trách đất sao chẳng ai hiểu mình; hoặc gọi người khác là “ốc đảo” với ý miệt thị, công kích, ngụ ý rằng “ốc đảo” là cái kỳ dị, lạc lõng, không giống ai, không ai giống. Dù để than thân trách phận hay để bôi nhọ người khác, cách dùng từ ngữ như vậy khiến người Việt chân chính buồn lòng khi thấy ngôn từ Việt lại không được hiểu đúng bởi một thiểu số người tại quốc gia rất ham học hỏi và có lòng tự hào dân tộc cực cao này. Họ đã hiểu nhầm “ốc đảo” như hoang đảo ắt vì cả hai từ đều có … “đảo”, và vì trong tử vi tướng pháp có nói đến … “Bàn tay Hoang Ốc” nên nghĩ rằng ốc cũng thế mà hoang cũng thế, sao cũng được, xem như ốc bò lổn ngổn khắp vườn hoang.
Vậy “ốc đảo” là gì, và khi nào nên dùng từ “ốc đảo” trong phát ngôn kiểu so sánh ví von?
Theo Wikipedia tiếng Việt (do cộng tác viên Wikipedia “sáng tác” chứ không phải dịch từ nguyên tác tiếng Anh) , “Ốc đảo là một phần đất màu trên sa mạc được duy trì bởi nước ngọt. Ốc đảo thường rộng từ 1 héc-ta bao quanh các con suối nhỏ đến các diện tích rộng lớn cung cấp bởi nước tự nhiên hoặc nhân tạo (tưới). Nguồn nước ngọt chủ yếu là nước ngầm. Hai phần ba số dân cư trên Sa mạc Sahara sống tại các ốc đảo. Nguồn lương thực chính của họ là cây cọ, bên cạnh đó là chanh, cam, mơ, các loại rau và ngũ cốc khác.”
Vậy ốc đảo là nơi có sự sống duy nhất giữa chốn khắc nghiệt hoang vu, là nơi dành cho sự sống, và là nơi người tìm đến để được sống còn.
Theo Wikipedia tiếng Anh (do tác giả bài viết này dịch ra tiếng Việt từ trang Wikipedia gốc tiếng Anh), “Ốc đảo là vùng đất biệt lập có thực vật trên sa mạc, thường bao quanh bởi suối hay nguồn nước tương tự. Ốc đảo là nơi ngụ cư của muông thú và con người nếu diện tích đủ rộng. Ốc đảo giữ vị trí cực kỳ quan trọng đối với các tuyến đường đi lại và buôn bán ở các vùng sa mạc. Các đoàn lữ khách hay hành hương đều phải đi ngang qua các ốc đảo để được bổ sung nước uống và thực phẩm. Do đó, việc kiểm soát các ốc đảo về chính trị hay quân sự trong nhiều trường hợp sẽ đồng nghĩa với việc nắm quyền kinh doanh tại tuyến đường đặc biệt, chẳng hạn các ốc đảo Awjila, Ghadames, và Kufra ở nước Libya đã nhiều lúc đóng vai trò sống còn đối với giao thương Bắc-Nam và Đông-Tây của Sa mạc Sahara. Ốc đảo được hình thành từ các dòng sông ngầm hay từ các địa tầng ngậm nước, được phun lên mặt đất do áp lực tự nhiên hay do con người đào giếng chạm đến mạch. Những cơn mưa bão tuy thì thoảng mới có vẫn giúp duy trì nguồn nước ngầm của ốc đảo thiên nhiên như trường hợp của ốc đảo Tuat. Những lớp đá nền không thấm nước có thể giữ nước lại trong các hốc khe; hay những phay địa tầng dài dưới mặt đất hoặc các dãy đá mắc-ma của hỏa diệm sơn có thể thu giữ nước rồi thẩm thấu ngược lên mặt đất. Và khi có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự xuất hiện của nước, các loài chim thiên di sẽ bay đến, mang theo các hạt giống và các mép rìa của khu nước sẽ mọc lên cây cối hình thành nên ốc đảo.”
Như vậy, mỗi ốc đảo đều có tên riêng và có tầm quan trọng sống còn với muông thú (ốc đảo nhỏ) và con người (ốc đảo rộng hơn), là nơi mọi người tìm đến nghĩ ngơi trong cuộc hành trình buôn bán xuyên sa mạc, là nơi tồn tại như sự kỳ diệu của thiên nhiên, và là nơi mang ý nghĩa tích cực cho kẻ bi quan, rằng ngay cả ở nơi đá tảng cũng phải vỡ tan thành cát mịn thì vẫn có sự sống xanh tươi, và do đó đừng buông xuôi bạn hỡi *.
Trên thế giới có những ốc đảo rộng lớn, tiêu biểu, danh tiếng, được liệt kê như thắng cảnh du lịch, trong đó Châu Phi có 13 ốc đảo, Châu Mỹ (Bắc và Nam Mỹ) có 12, Châu Á có 12, và Châu Úc có 1 ốc đảo. Thí dụ vài trong số các “ốc đảo” lừng danh như sau:
1- Ốc đảo lớn nhất thế giới: Thung Lũng Châu Thổ Sông Nile của Ai Cập, rộng 22.000 km2. Gọi là ốc đảo vì chung quanh là sa mạc mênh mông như bức không ảnh dưới đây:
 

Như vậy, ốc đảo trên lại là vùng dân cư cực kỳ rộng lớn phì nhiêu, với nhiều thành phố và thị trấn phồn vinh. Việt Nam có vùng Châu Thổ Sông Hồng và  Châu Thổ Sông Cửu Long, nhưng đây không là ốc đảo vì toàn lãnh thổ Việt Nam là màu xanh của ruộng đồng, rừng rậm, và thảm thực vật phì nhiêu.
2-  Ốc đảo Dakhla, Ai Cập, diện tích 2.000 km2
3-  Ốc đảo Faiyum, Ai Cập, diện tích 1.700 km2
4-  Ốc đảo Siwa, Ai Cập, cây cối trải dài đến tận chân trời:
5- Ốc đảo Gaberoun, Libya, với hồ nước cực rộng, là địa danh du lịch nhộn nhịp:
6-  Ốc đảo Thung Lũng M’zap, Algeria, là thí dụ hùng hồn rằng ốc đảo này rất trù phú, với nhà cao tầng, đại lộ, và cơ sở hạ tầng sang cả cho gần 400.000 cư dân
Trong khi bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ốc đảo M’zap (bôi vệt màu đỏ cho dễ thấy) đúng là…ốc đảo vì giữa vùng đất khô cằn bao la:
7-  Tương tự, Ốc đảo Tozeur của Tunisia nổi tiếng toàn thế giới về sản phẩm chà là, với cảnh quang cho các bậc đại gia hưởng lạc:
và phố thị cho dân cư cùng khách du lịch bốn phương:
8-  Ốc đảo Huacachina của Peru tuy nhỏ nhưng tấp nập du khách đến không phải để bơi lội, đua ghe, mà để chơi … trượt cát  (môn dune buggying và môn sandboarding) do có rất nhiều đụn cát cao ngất ngút:
9- Cuối cùng, trước khi quay trở lại đề tài chính là sự cẩn trọng khi dùng từ “ốc đảo”, xin dành số 9 đẹp đẽ này cho một ốc đảo lừng danh thế giới: Thung Lủng Las Vegas trong sa mạc Mojave, thuộc Bang Nevada, Hoa Kỳ, rộng 1.600km2 với khoảng 2 triệu dân cư.
Las Vegas thì hầu như ai cũng biết đến như thiên đường của giới cờ bạc, nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng. Nhưng ít ai để ý đến thông tin khoa học cao cấp rằng đó là một ốc đảo.
Một cô gái khi gọi người yêu của mình là ốc đảo, hẳn người yêu của cô sẽ rất vui mừng và cảm động vì được cô ví von thành lẽ sống, tức là “raison d’être” của cô.
Rất có thể “Ốc Đảo Của Thế Giới” là thương hiệu quốc gia** đầy vinh dự và vẻ vang mà quốc gia nào cũng ước mơ có được. Song, sẽ không ai dám nói nước mình là “Ốc Đảo Của Thế Giới”, vì như thế chẳng khác nào ám chỉ cả thế giới hoang tàn, sa mạc hóa, loạn lạc, nhiễu nhương, đói khát, hoặc bị hủy diệt vì chiến tranh hạt nhân. Trong thế giới đại đồng toàn cầu hóa này, sự tôn trọng các quốc gia khác cũng như nền văn hóa và chủ quyền của họ luôn là sự thể hiện của văn minh, văn hóa, lịch sự, và trí hóa.
Có thể rồi sẽ có các tour du lịch từ Việt Nam đến các ốc đảo trên thế giới. Giá tour ban đầu ắt chỉ phù hợp với túi tiền của các đại gia vì ốc đảo là những thiên đường tuyệt diệu Thượng Đế đã ban như những nét chấm phá của Người làm đẹp thêm bức tranh toàn mỹ của hành tinh yêu quý mà chúng ta gọi là Trái Đất này vậy.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
Ghi chú:
Đừng Buông Xuôi. 21-8-2008. http://www.emotino.com/bai-viet/16930/dung-buong-xuoi
** Đề Xuất Một Thương Hiệu Quốc Gia Cho Việt Nam. 07-8-2008.http://www.emotino.com/bai-viet/16874/de-xuat-mot-thuong-hieu-quoc-gia-cho-viet-nam
Xin đăng bổ sung bằng chứng tác giả bài viết trên thường “giúp” báo chí dùng từ ngữ Hán-Việt chuẩn xác hơn:

No comments: