2018/10/03

'Nhất thể hóa' chức danh lãnh đạo: Điều gì quan trọng nhất?

Chủ trương nhất thể hóa một số chức danh, trong đó có Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã đã được thí điểm ở một số địa phương. Điển hình nhất là mô hình thí điểm nhất thể hóa được tỉnh Quảng Ninh thực hiện, nhiều cấp, ngành đánh giá cao.



Bàn về chủ trương nhất thể hóa một số chức danh, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, đó là xu thế khách quan, tất yếu, nhiều nước đã thực hiện, cần được nhân rộng. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh IT)

Xây dựng cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực

Chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện xã được triển khai thí điểm ở một số địa phương. Thông qua hoạt động giám sát, ông đánh giá việc triển khai thực hiện chủ trương này thế nào?

- Nhất thể hoá chức vụ người đứng đầu cấp ủy với chính quyền ở các cấp là một xu thế khách quan, đã được bàn nhiều lần. Nhưng, song song với việc xây dựng cơ chế lồng ghép vai trò kép giữa lãnh đạo và quản lý, điều hành, thì phải cần chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng về nhân sự để sắp xếp cho tương xứng. Đó là hai mặt của vấn đề nhất thể hoá.

Nếu xây dựng được một cơ chế hợp lý, khoa học, nhưng bố trí kẻ bất tài, thất đức làm người đứng đầu thì chức danh hợp nhất, với quyền năng được nắm giữ nhiều hơn sẽ bị kẻ ấy chiếm đoạt để làm điều xằng bậy. Như thế thì nguy hiểm vô cùng. Ngược lại, nếu chọn được cán bộ hội đủ đức, tài, nhưng cơ chế lồng ghép thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ thì chẳng khác nào giăng bẫy, trói tay hiền tài.

Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề nhất thể hoá rõ ràng là cần phải tiến hành vào lúc này, nhưng không vì nhu cầu mà vội vã làm ngay, làm bằng được ở mọi nơi, mọi cấp.


Mô hình thí điểm nhất thể hóa một số chức danh ở Quảng Ninh được đánh giá cao (Ảnh IT)

Còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói việc thực hiện bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, xã chỉ thực hiện ở những nơi có đủ điều kiện. Vậy theo ông, những điều kiện nào cần và đủ để thực hiện theo mô hình này?

- Tôi cho rằng, điều quan trọng có tính quyết định tất thảy vẫn là cán bộ. Vì thế, một mặt, cần phải xây dựng thật tốt cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực trong việc hợp nhất chức danh lãnh đạo với quản lý, điều hành; mặt khác, phải chọn cho ra những cán bộ hội đủ đức, tài để bố trí vào vị trí này. Chỉ khi nào và ở đâu chuẩn bị được cán bộ, đáp ứng yêu cầu mới thì mới triển khai, còn ở đâu chưa chuẩn bị kỹ thì cần thiết phải điều động, luân chuyển từ nơi khác về.

Đi liền với công việc trên, cần xác định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm khắc đối với tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác nhân sự. Có như vậy, khi phát hiện ra ai đó sai phạm kỷ luật, không xứng đáng thì phải có người chịu trách nhiệm liên đới và bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Đối với chức vụ bổ nhiệm và chức vụ bầu cử, dứt khoát phải có cạnh tranh, cụ thể bầu cử hay thi tuyển, thì ít nhất phải có hai người. Đó là cách tuyển chọn nhân tài phổ biến từ xưa tới nay. Khi có sự cạnh tranh, bắt buộc những người được đề cử để bầu, hay ứng thí trong thi tuyển phải trình bày được ý tưởng, các chương trình hành động, cam kết của người đó với tập thể; các ý tưởng, hành động đó có thuyết phục được tập thể, có luận chứng, luận cứ đầy đủ và khoa học hay không? Từ đó, dựa vào năng lực thực sự của họ để lựa chọn bỏ phiếu bầu, hay quyết định bổ nhiệm. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện cơ chế giám sát cán bộ, từ quá trình lựa chọn, bổ nhiệm đến quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ với chế độ khảo khóa (kiểm tra, sát hạch theo định kỳ) và đánh giá kết quả triển khai từng nhiệm vụ mà họ đã cam kết trước khi được bầu hay bổ nhiệm. Đương nhiên, một cơ chế như vậy phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Để có môi trường tranh cử lành mạnh, thì phải có khung pháp lý, có cơ chế đảm bảo sự lành mạnh ấy. Hơn nữa, còn cần có văn hóa ứng xử, ở đây là ý thức tự tôn, tự trọng của cá nhân với chính thanh danh của mình và với tập thể, với cộng đồng vì nghĩa lớn. Từ đó, hình thành môi trường tranh cử lành mạnh, minh bạch và không bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực, như: thói háo danh, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, tha hóa bằng tiền bạc, lợi ích nhóm, hay việc sử dụng chiêu trò gian lận giữa người trúng cử và người không trúng cử, giữa người có thẩm quyền lựa chọn nhân sự với những người ứng cử, ứng thí. Cán bộ sau khi được bổ nhiệm vẫn phải sát hạch thường xuyên, định kì để loại bỏ những cán bộ có tư tưởng chây ì, làm việc không hiệu quả.

Muốn tự nhìn sau gáy, phải có gương chiếu hậu

Lâu nay, bàn về chủ trương nhất thể hóa, điều mà người ta lo ngại nhất chính là cơ chế nào để kiểm soát được quyền lực. Vấn đề này đã được bàn thảo nhiều, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa thực sự có cơ chế đủ mạnh, thưa ông? 

- Đúng vậy. Mấu chốt của vấn đề ở đây là cơ chế kiểm soát quyền lực. Muốn kiểm soát tốt quyền lực, thì phải có đủ cơ chế hữu hiệu để kiểm soát cả bên trong lẫn bên ngoài. Một người không thể tự mình ngoảnh lạ nhìn thấy sau gáy, mà phải có người khác chỉ ra phía sau họ có khuyết tật gì. Muốn tự mình nhìn thấy sau gáy, phải có gương chiếu hậu. Đó là nguyên lý.

Ta đã lựa chọn mô hình chính trị nhất nguyên, với một đảng chính trị duy nhất là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nên không bàn ở đây về cơ chế kiểm soát quyền lực theo thuyết “tam quyền phân lập”. Tuy nhiên, xét về bản chất, thì những hạt nhân hợp lý của cơ chế kiểm soát quyền lực cần được vận dụng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng ta đã đề ra chủ trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, kể từ Đại hội VIII. Điều này cũng đã được khẳng định trong các bản Hiến pháp 1992, 2013.

"Để không thể “chạy chức, chạy quyền”, để ngăn chặn cơ hội lạm dụng, thì phải rào kín bằng quy chế, luật pháp với các quy định cụ thể, đong đếm được, nhận diện được tiêu chuẩn cho từng vị trí chức danh"

Trước thực trạng lạm dụng quyền lực, thậm chí ở một số trường hợp đã ở mức lộng hành, đặc biệt là trong bổ nhiệm cán bộ thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo và đặt vấn đề “phải nhốt quyền lực vào lồng quy chế luật pháp”. Cụ thể hơn nữa, Tổng Bí thư còn hàm ý rằng, phải làm sao để cho cán bộ không cần, không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền. Sau đó, được Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước tiếp tục nêu ra. Để giải được bài toán này, theo tôi, cần đặt câu hỏi ngược lại, mới nhận diện cho chính xác nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ấy? Đó chính là cơ chế hiện tại chưa đủ sức ngăn chặn được tệ trạng, bởi có nhiều sơ hở, tạo điều kiện cho những kẻ tham quyền, hám chức thực hiện được ý muốn, có thể lạng lách quy định, mà không sợ bị nghiêm trị khi chạy chức, chạy quyền.

Bởi vậy, để có lời giải cho từng vấn đề đặt ra, tôi thấy cần có những chủ trương, giải pháp sau đây:

Thứ nhất, để “không cần chạy chức, chạy quyền” phải có “Chiếu cầu hiền”, tức là Luật Trọng dụng nhân tài, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng.

Thứ hai là “không muốn chạy chức, chạy quyền”. Phàm những cái nào người ta muốn, chính là cái người ta thiếu, người ta cần. Còn nếu xây dựng được cơ chế ngăn chặn lòng tham, thì người ta sẽ không còn điều kiện thể thực hiện ham muốn nữa.

Thứ ba, để không thể “chạy chức, chạy quyền”, để ngăn chặn cơ hội lạm dụng, thì phải rào kín bằng quy chế, luật pháp với các quy định cụ thể, đong đếm được, nhận diện được tiêu chuẩn cho từng vị trí chức danh.

Cuối cùng là “không dám chạy chức, chạy quyền”. Lịch sử đã chứng minh rằng, chỉ khi nào công cụ pháp lý đủ sức răn đe, thực thi nghiêm trị, thì khi ấy, kẻ nào toan tính phạm tội mới cả sợ, thất kinh mà không dám làm càn. Phép trị quốc cốt ở giáo dục, thuyết phục bằng các quy phạm đạo đức. Nhưng, khi không thể sử dụng quy phạm đạo đức, thì phải sử dụng công cụ chuyên chính, tức là hình luật.

Bởi vậy, để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực (Tổng Bí thư gọi đó là tham nhũng quyền lực) trong đề cử, thẩm định, bỏ phiếu, quyết định nhân sự của những tập thể, cá nhân có liên quan, phải có chế tài nghiêm khắc để quy kết trách nhiệm cụ thể ở từng khâu, từng bước của quy trình. Khi tập thể, cá nhân đề cử, quyết định bổ nhiệm nhân sự nào đó mà nhân sự ấy không đủ tiêu chuẩn, không làm được việc, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật thì phải xem xét cụ thể trách nhiệm của từng người.

Xin cảm ơn ông!

"Nhất thể hoá chức vụ người đứng đầu cấp ủy với chính quyền ở các cấp là một xu thế khách quan, đã được bàn nhiều lần. Nhưng, song song với việc xây dựng cơ chế lồng ghép vai trò kép giữa lãnh đạo và quản lý, điều hành, thì phải cần chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng về nhân sự để sắp xếp cho tương xứng. Đó là hai mặt của vấn đề nhất thể hoá", ĐBQH Lê Thanh Vân

Lan Uyên (Dân Việt/thực hiện)

2018/10/02

AI ĐANG CẢN TRỞ VIỆT NAM VÀ EU KÝ EVFTA ?

Vừa qua ông Nguyễn Quang A liên tục kêu trên facebook rằng, có một thế lực “thân Tầu” trong nội bộ đang phá EVFTA bằng việc cản trở VN thông qua các công ước nhân quyền chấp nhận tự do nghiệp đoàn và các tiêu chuẩn lao động, môi trường theo chuẩn EU, vì nó làm lợi cho Trung Quốc (không muốn VN “thoát Trung”). Cách đây mấy hôm, ông NQA tiếp tục tố cáo A67 ngăn cản quyền xuất cảnh đi Úc của ông ta, là thủ phạm phá hoại EVFTA vì có ý đồ cản trở ông ta tham dự phiên điều trần trước Quốc hội EU về nhân quyền của VN do Uỷ ban thương mại của EU tổ chức.

Xem link

Cùng “đồng thanh” với ông NQA có Nguyễn Anh Tuấn- đệ tử của Trịnh Hội, về nước công khai hóa chi nhánh VOICE ở VN (Ông NQA đã chính thức bắt tay với VOICE trong nhiều chiến dịch vận động quốc tế can thiệp, áp đặt giá trị nhân quyền phương Tây vào VN cũng như vận động kiểu bào gây quỹ cho VOICE để hậu thuẫn cho các “tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước” do Diễn đàn XHDS của ông ta khởi xướng) cũng viết bài khá dài “Ai đang cản trở EVFTA?” cho rằng việc VN chậm chễ trong việc thông qua các công ước về lao động nói trên khiến Quốc hội EU chưa chịu thông qua EVFTA cho dù hai bên đã đàm phán xong xuôi từ nhiều năm trước là do thế lực trong nội bộ phá hoại,cản trở VN “thoát Trung”.

Xem link

Theo dõi sự kiện này, cách đây 3 tuần, nhóm 32 dân biểu EU đã ký thư chung lên án VN gia tăng “giam giữ những người bất đồng chính kiến, cản trở tự do ngôn luận và tự do lập hội, thiếu tự do báo chí và truyền thông, và kiểm duyệt mạng internet” và đưa ra kiến nghị “nếu tình hình không được cải thiện, họ “sẽ khó lòng” phê duyệt chung cuộc thỏa thuận thương mại EVFTA 

Trước đó, có một cuộc vận động rầm rộ mang danh “90 tổ chức VN và quốc tế” do Việt Tân khởi xướng vận động các dân biểu EU thiếu thiện cảm với VN không thông qua EVFTA cùng với các lập luận tương tự như trên của nhóm 32 dân biểu EU.

Như vậy, theo “góc nhìn” của NQA, Nguyễn Anh Tuấn, VN đang cố tình kéo dài lộ trình ký kết các điều kiện lao động, nghiệp đoàn tự do với EU khi thỏa thuận EVFTA, tức là VN không thiện chí hay cố ý rút lui đồng nghĩa với việc không chịu “thoát Trung”. Họ muốn VN cần nhanh chóng thông qua các công ước nhân quyền đó để đổi lấy EVFTA, tức là cái cách họ ủng hộ EVFTA không khác gì VN phải chấp nhận vô điều kiện các đòi hỏi từ EU, đồng nghĩa với việc họ sẽ có cơ hội được công khai các tổ chức mang danh “xã hội dân sự độc lập” hay các “nghiệp đoàn tự do” dưới sự bảo trợ của EU thông qua cơ chế vận hành EVFTA. Với thứ lập luận này, họ tố “thế lực” không/chưa chịu thông qua các công ước nhân quyền đó là “thân Tàu”,là “phản động”, là “chống lại lợi ích dân tộc”.

Hiểu theo logic này của họ, thì Việt tân và 90 tổ chức mang danh “yêu nước”, “nhân quyền quốc tế” đang ra sức cản trở, đưa tin xuyên tạc về VN để vận động các dân biểu EU không thông qua EVFTA cho VN có phải là lực lượng cản trở EVFTA, cũng có mưu đồ không muốn VN “thoát Trung”?. Chính thế lực Việt tân và đám tay sai của băng đảng này từng điên cuồng chống phá TTP, đấu tố một số zân chủ dám bỏ phiếu ủng hộ Việt Mỹ thông qua TPP khi được ông Trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Mỹ “trưng cầu” ý kiến hơn chục “nhà dân chủ” ở VN có ủng hộ hay không ủng hộ TPP cho VN. Trước cuộc “đại chiến” trong làng zân chủ, cờ vàng này khiến ông Trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt đã chủ động liên hệ với Đoan Trang để “trả lời phỏng vấn” nhằm “định hướng” giới zân chủ VN cần biết chớp lấy điều kiện VN chấp nhận “Nghiêp đoàn tự do” khi ký TPP để công khai hóa các tổ chức/đảng phái/hội nhóm của mình và bước lên vũ đài cạnh tranh chính trị với Đảng CSVN dưới sự bảo trợ của Mỹ. Khi đó, làn sóng tấn công một số zân chủ gia ủng hộ TPP mới tạm yên ắng.

Có thể nói, Việt tân và các thế lực thù địch chọn phương thức công khai phản đối EVFTA,trong khi phe nhóm của NQA, NAT thì chọn phương thức ủng hộ EVFTA với điều kiện VN phải chấp nhận các yêu sách từ đối tác, thì về logic, chúng chỉ là cách giải thích và góc tiếp cận vấn đề khác nhau, bản chất đều ép VN phải đánh đổi “chủ quyền”, chế độ chính trị lấy “kinh tế” cả.

Ai cũng hiểu rõ ràng rằng, khi VN chấp nhận “hội nhập” kinh tế với Mỹ và phương Tây thì việc đánh đổi các vấn đề nhân quyền là khó tránh khỏi vì Mỹ và EU luôn đặt nó là thứ “giá trị chung phổ quát” song hành với bất cứ thỏa thuận thương mại nào. Đảng, Nhà nước không phải không hiểu rằng, trong số các vấn đề về nhân quyền, dân chủ đó có nhiều giá trị tiến bộ, tích cực và bản thân VN nỗ lực thực hiện nó để ngày càng đem lại nhiều quyền tự do chính trị cho công dân. Song các giá trị dân chủ đó cũng đồng thời phải gắn với các điều kiện để đảm bảo nó phát triển lành mạnh, giữ vững an ninh đất nước, không để các thế lực bên ngoài lợi dụng can thiệp, buộc VN phải nằm trong “quỹ đạo” do họ đặt ra. Vấn đề đặt ra là phía VN và đối tác cần phải có cái nhìn khách quan, thiện chí, hướng đến lợi ích của đôi bên, chứ không phải là cách VN chấp nhận tất cả các yêu sách khi đối tác chỉ “muốn nghe” thông tin một chiều từ thế lực phản động, chống phá, cản trở VN hội nhập mà không có cái nhìn khách quan hay từ thông tin chính thống. Không phải tự dưng mà hàng năm VN đều có “Đối thoại nhân quyền” nhằm giải đáp tất cả các chất vấn, thắc mắc và tìm điểm chung giữa đôi bên khi đánh giá về thực trạng dân chủ, nhân quyền VN.

Song nỗ lực không bao giờ chỉ đến từ một phía, và mọi nỗ lực đều thất bại nếu đối tác chỉ tìm mọi cách lợi dụng các thỏa thuận này để can thiệp, thao túng an ninh, chính trị VN và hậu thuẫn cho các thế lực thù địch, phản động lật đổ thể chế hiện nay của VN.

Hội nghị Trung ương 8 xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước

Sáng 2/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có 223 đại biểu, trong đó có 176 đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng chính thức, 20 đại biểu là Ủy viên dự khuyết và một số đại biểu khác.
Trước khi bước vào hội nghị, Trung ương dành 1 phút mặc niệm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác xây dựng Đảng là một trong những nội dung lớn được Hội nghị Trung ương 8 lần này tập trung xem xét, quyết định. Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng:
Một là, Hội nghị sẽ xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khoá XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khoá XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.

>Chuẩn bị nhân sự 'Chủ tịch nước' sẽ như thế nào ?
Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như: Nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 Đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một quy định mới về vấn đề này.
Nội dung của bản quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Hai là, Hội nghị quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Theo thông lệ và kinh nghiệm chuẩn bị các đại hội trước đây, tại Hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến thành lập 5 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung (năm 2011) và Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Báo cáo kinh tế-xã hội 5 năm; Báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và Báo cáo công tác nhân sự.

Ba là, Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.
Minh Khánh (VTC News)

CỐ TBT ĐỖ MƯỜI: NHÀ LÃNH ĐẠO GẮN VỚI CÁC THỜI ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA DÂN TỘC


Theo thông tin từ nhiều báo đã đăng tải: Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Và ngay sau đó, từ nhiều trang mạng và chủ tài khoản cá nhân đã xuất hiện một cuộc tổng bôi nhọ đối với cố Tổng bí thư Đỗ Mười, người được đánh giá là: "Sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".

Câu chuyện được đưa ra nói nhiều nhất được gom lại trong một đoạn viết của Luật sư Vũ Đức Khanh, người được giới thiếu là "nhà quan sát chính trị ở Canada nói về ông tổng bí thư Đỗ Mười: "Từ gốc trung nông, không có trình độ và kiến thức chuyên môn về kinh tế nhưng nhờ tinh thần "đấu tranh giai cấp" cao độ và triệt để, ông đã được cất nhắc vào chức vụ Thứ trưởng và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nội thương những năm 1956, 1958."

"Trong suốt trên 20 năm công tác trong lãnh vực kinh tế tài chính, thành tích lớn nhất cũng như có thể tạm gọi là "di sản" của ông là một nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn bị kiệt quệ, lụn bại dẫn đến việc "Đổi mới" năm 1986."

"Đặc biệt, năm 1977, với tư cách phó thủ tướng kiêm nhiệm trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội Chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp tại miền Nam, ông đã giáng một đòn chí tử lên những thành phần tư sản, tiểu tư sản và tiểu thương miền Nam, triệt tiêu mọi tiềm lực kinh tế quốc gia mà phải đợi đến đầu thế kỷ 21 mới lấy lại được phong độ."

"Vụ cải tạo Công thương nghiệp năm 1977 dù là vô tình hay hữu ý nhưng phần nào do, nó đã đưa "Hòn ngọc Viễn Đông" trở về thời kỳ đồ đá, đẩy hàng triệu người dân miền Nam ra biển tìm đường vượt biên để cứu mạng."

Tuy nhiên, xung quanh luận điệu này. Xin được nói hai ý vắn tắt thế này. 

Thứ nhất, lịch sử luôn có những khúc quanh, những điều mà ngay trong thời điểm đó, với sự hạn hữu của bối cảnh lịch sử cùng những hệ giá trị lịch sử đi cùng, cá nhân một con người sẽ khó có thể vượt qua; Vậy nên, hãy đừng quá ráo hoảnh, sử dụng và lấy lăng kính của người hôm nay, thế hệ hôm nay để nhìn ngó, soi xét những điều đã được đóng đinh với quá khứ. Và hãy đừng lấy những tồn tại của cả 1 tập thể để quy vào một con người, dù cho con người đó có địa vị và quyết định lớn thế nào đối với vấn đề/ sự kiện lịch sử đó. 

Và khi nói đến câu chuyện được lược trích ở trên cũng cần biết rằng, gắn với nó là những sự nhìn thẳng của chính Đảng cộng sản VN và lãnh đạo của đảng này qua nhiều thời kỳ. Quan trọng hơn, những điều đó gắn với một bối cảnh chiến tranh, nếu không thực hiện điều đó (đánh tư sản) thì xin thưa nguồn lực phục vụ kháng chiến sẽ không được mạnh mẽ đến thế. 

Riêng những sai lầm trong quản lý kinh tế sau này, nhất là từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho đến khi tiến hành công cuộc đổi mới thì xin thưa đến những quốc gia hùng mạnh thời bấy giờ như Liên Xô, TQ còn phạm phải. Điều nên nhớ về điều này có chăng nên chỉ là việc chúng ta đã sớm nhìn nhận được nguy cơ và dũng cảm vượt rào để đổi mới, để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và quan trọng hơn là không khủng hoảng và dẫn đến đổ bể như Liên Xô và các nước Đông Âu. 

Điều thứ hai muốn nói tới, rằng Cố TBT Đỗ Mười là nhà lãnh đạo như đã được đánh giá đã kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. Và riêng trong công cuộc đổi mới sau này thì công lao của ông cũng không nhỏ. 

Với cương vị  Uỷ viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư khóa VI từ năm 1986 và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1988 và hơn 1 nhiệm kỳ đứng đầu Đảng cộng sản VN từ 1991 (Được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII và tiếp tục giữ cương vị này thời kỳ đầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII). Có thể nói Cố TBT Đỗ Mười là nhà lãnh đạo gần như có mặt trong thời điểm quan trọng nhất của lịch sử VN cận đại cuối thế kỷ 20. Sự thay đổi về tư duy, cách làm của ông và những nhà lãnh đạo đương thời đã giúp VN làm nên một kỳ tích thực sự. VN không chỉ đã vượt qua khủng hoảng, đổi mới thành công mà thực sự đã vươn lên mạnh mẽ. 

Thật tiếc những điều dễ thấy mười mươi như thế thì đám dân chủ lại không hoặc cố tình bỏ qua để đơm đặt những điều thị phi. 

An Chiến

Áp lực ngày càng tăng với yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Các cường quốc đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông, thách thức hoạt động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực.


Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ vừa thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải qua khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt động thái tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh trên Biển Đông, vùng biển được đánh giá là có vai trò quan trọng chiến lược với thương mại và an ninh quốc tế, theo SCMP.
Tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đông năm 2016. Ảnh: USNI.

Tàu ngầm JS Kuroshio của Nhật hồi đầu tháng 9 lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập ở Biển Đông cùng nhiều chiến hạm khác của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), trong đó có tàu sân bay trực thăng JS Kaga. Các tàu chiến của Nhật tuần trước cũng tham gia diễn tập cùng tàu hộ vệ HMS Argyll của Anh trên Ấn Độ Dương, trước khi chiến hạm Anh lên đường tới Biển Đông.
Hồi cuối tháng 8, tàu đổ bộ HMS Albion của Anh thực thi quyền "tự do hàng hải" khi đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trước khi cập cảng Sài Gòn, TP HCM. Truyền thông Anh hôm 19/9 đưa tin hải quân Australia đã điều hạm đội gồm 6 tàu chiến tham gia các cuộc tập trận tại Biển Đông.
Nhóm Tác chiến Đổ bộ do tàu USS Wasp dẫn đầu và đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31 của Mỹ đang diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông, oanh tạc cơ B-52 của nước này cũng vừa thực hiện hai chuyến tuần tra qua vùng biển này chỉ trong vòng ba ngày. Hoạt động diễn tập, tuần tra dày đặc của tàu chiến, máy bay nhiều nước trên Biển Đông là sự thách thức ngày càng lớn với tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển này.
Bắc Kinh đơn phương vẽ ra "đường 9 đoạn" để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Tòa Trọng tài Thường trực cũng đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý này của Trung Quốc.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế, tăng cường các hoạt động quân sự hóa trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông và liên tục xua đuổi, cảnh báo máy bay, tàu chiến các nước tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này.
Tàu sân bay trực thăng Kaga (sau), tàu khu trục Inazuma (giữa) của Nhật diễn tập cùng tàu hộ vệ HMS Argyll của Anh trên Ấn Độ Dương tuần trước. Ảnh: Reuters.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây trở nên căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang. Các nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể bắt đầu lan sang lĩnh vực an ninh và những hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông khiến các đồng minh, đối tác của Mỹ không thể đứng ngoài lâu hơn nữa.
"Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây", chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang của Singapore nói.
Phản ứng trước các động thái của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động quân sự của mình ở Biển Đông. CCTV ngày 28/9 đưa tin Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận lớn trên Biển Đông với sự tham gia của hàng chục chiến đấu cơ, trong đó có các máy bay ném bom và ít nhất 2 tiêm kích Shenyang J-11B. Nhiều tên lửa được phóng nhằm vào mục tiêu trên biển, nhưng địa điểm và thời gian diễn ra cuộc tập trận không được nêu rõ.
Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng kể từ khi thực hiện hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn với yêu sách chủ quyền của mình.
Hoạt động cải tạo, quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc nhìn từ trinh sát cơ Mỹ. Video: CNN.

"Điều này gây áp lực lên Mỹ, khiến Washington phải kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Australia, tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Mỹ sẽ không rời Biển Đông mà sẽ trở thành một bên quan trọng trong khu vực này", Ngô nhận định.
Các chuyên gia cho rằng động thái quân sự của cả hai bên có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột bất ngờ cũng như gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Adam Ni, nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao và an ninh Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định rằng cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng là "kịch bản không mong muốn đối với khu vực phụ thuộc nhiều vào khả năng kết nối cũng như dòng chảy tự do hàng hóa, con người và tư tưởng" này.
"Các quốc gia ASEAN coi thái độ mạnh mẽ của Mỹ tại châu Á để cân bằng với tham vọng bành trướng của Trung Quốc là điều tích cực đối với ổn định và lợi ích của mình. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chỗ cạnh tranh chiến lược sẽ bùng phát và ảnh hưởng xấu đến hòa bình cũng như ổn định khu vực", chuyên gia Ni nói.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Koh cho rằng các nước ASEAN sẽ phải tìm cách cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh song song với việc tìm kiếm cam kết đảm bảo an ninh từ Washington.
"Chắc chắn các quốc gia ASEAN đều không muốn phải chọn lựa việc sẽ đứng về phía bên nào. Lý tưởng nhất là tối đa hóa lợi ích từ tất cả các bên, đồng thời tránh tình huống bị đưa vào tầm ngắm của họ", Koh nói.
Nguyễn Tiến (vnexpress)